Một người cha có hai
con trai – André Sève
(Trích dẫn từ ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)
Tin Mừng không phải là
một đồng bằng, nhưng có những đỉnh
cao. Chúng ta đang đứng trước một trong
những đỉnh cao nhất: Luca 15,11-32.
Người ta nói rằng đây là dụ ngôn đứa con
hoang đàng, nhưng Chúa Giêsu làm nổi bật ba nhân
vật: một người cha và hai đứa con trai.
Đối với người con thứ, những cuộc
phiêu lưu của cậu ta có hề chi, có biết bao cách
để phung phí món quà cuộc đời khi đi
sống xa cha mình. Điều phải khám phá
chính là Chúa Cha, nhờ Chúa Giêsu. Tất
cả các nhà chú giải và tất cả các nhà linh
hướng đều nói điều đó. Chúa Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa chính trong
trang Tin Mừng này.
“Khi cậu còn ở xa, cha cậu
đã trông thấy cậu”. Người
cha đang chờ đợi. Ông không tự hỏi
người con thứ của mình nói gì hoặc làm gì, ông
chỉ nghĩ: “Nếu con ta xuất hiện nhỉ!”. Ngay khi ông thấy cậu, ông
ôm cậu vào lòng, hết sức thương hại và yêu
mến. Ông chạy lại (không cần
phải làm đến như thế đâu!), ông hôn cậu
tới tấp (nói cha tha thứ cho con không tốt hơn
sao!), ông không lắng nghe những lời xin lỗi, ông quá
vội vàng khi làm bùng lên niềm vui và ngày lễ hội.
Nhanh lên, hãy đưa áo quần lại đây! Nhanh lên, hãy
làm thịt bê béo! Con ta đã mất nay lại tìm thấy.
Đây chính là mặc khải đáng ngạc
nhiên mà Chúa Giêsu muốn cho chúng ta biết: chúng ta
được yêu thương biết bao! Nhưng dại
dột và thậm chí những tội ác của chúng ta là gì
trước nhiệt tình này: “Cậu ấy lại
được tìm thấy”. Nếu chúng ta dám tin
điều ấy thì quan hệ tình yêu giữa chúng ta
với Chúa Cha kỳ lạ biết mấy! Tại
sao khó mà thấy được Thiên Chúa yêu thương
đến thế? Có phải vì sự khó khăn này mà
Chúa Giêsu giới thiệu người con cả với chúng
ta nhiều lần đến thế? Ngài có thể đã
nghĩ đến dụ ngôn này sau khi nghe những lời
đả kích của những người công chính
trước thái độ của Ngài: “Người này tiếp
đón những kẻ tội lỗi, thậm chí ngồi
cùng bàn ăn với họ!”.
Đúng y như lời lẩm bẩm của người
con cả! Thay vì vui mừng, anh ta phản
đối, anh ta bị ảnh hưởng xấu. Thật là đứa em làm bực mình.
Than ôi, biết bao lần chúng ta
cũng bị dồn vào thế bí, cũng đóng kín
đối với tình yêu. Chúng ta phán xét thay vì mở
rộng vòng tay. Nhưng tôi thấy rõ
sự khó khăn: nếu chúng ta chấp nhận tất
cả, thì đạo đức dùng để làm gì? Và Thiên Chúa là ai nếu Ngài chấp nhận tất
cả?
Chúng ta đã được đào tạo ghê
sợ tội lỗi, lên án sự vô
trật tự, chúng ta không thể trở nên vừa lòng
một cách đáng ngờ! Chính Thiên Chúa là Đấng chúng
ta bảo vệ bằng cách bảo vệ luật lệ
của Ngài và bằng cách tỏ ra cứng rắn!
Như thế thì làm thế nào mà mở
rộng vòng tay được? Làm
thế nào bắt chước người cha trong dụ
ngôn theo cách hoàn toàn điên rồ của
ông, đó là tiếp đón đứa con lưu manh trở
về vì đói được?
Nhưng cậu ấy trở về! Hành động của người cha
trước tiên là tình yêu thương, chứ không phải
trước tiên là những câu hỏi về những thái
độ công chính. Sau đó, chúng ta
sẽ xem xét việc sống trong nề nếp như
thế nào. Điều cấp bách
nhất chính là yêu thương.
Chúng ta, những người
công chính, muốn là những người công chính, chúng ta
trước hết nghĩ đến việc xét đoán,
lưu ý những điều cần thiết, giới
hạn điều xấu xa, xem điều gì có thể
chấp nhận được. Khi tất cả
đều khá rõ ràng, được sửa chữa
tốt, chúng ta mới có thể yêu thương.
Như thế là hỏng hết
90% rồi. Chúa Giêsu đã nhận thấy điều
đó trong khi quan sát những cố gắng thực sự
của những người công chính vào thời của
Ngài, tức những người biệt phái và những
luật sĩ: khởi đi từ sự công chính, họ
không đi đến được tình yêu. Họ cố
gắng yêu thương, nhưng họ vẫn ở trong
những giới hạn chật hẹp và tất nhiên
đặt Thiên Chúa trong cũng những giới hạn
đó: “Dầu sao thì Ngài cũng không thể yêu thương
những kẻ tội lỗi!”, họ
nghĩ như thế. Chúng ta, bởi vì Chúa Giêsu đã nói
điều ấy, nói chung chúng ta chấp nhận rằng Thiên
Chúa yêu thương những kẻ tội lỗi,
điều này thậm chí lại tốt cho chúng ta hoặc
người này người nọ, nhưng không phải cho
người kia đâu!, xem nào!
Người kia, “những người
kia”, Thiên Chúa không thể yêu thương họ
được.
Có chứ! Chúa Giêsu nói với
chúng ta rằng không có ai bị loại bỏ, rằng Thiên
Chúa đúng là người cha trong dụ ngôn của Ngài.
Và chúng ta là những người con của Ngài khi chúng ta
trước hết là đặt mình vào trong tình yêu
thương.
Chúng ta không nên chấp nhận
tất cả, chúng ta phải chiến đấu chống lại
tội lỗi và chiến đấu vì sự công chính.
Nhưng làm những điều đó trong tình
yêu. Tất cả đều nằm
ở đó. Chính trong khi yêu thương
chúng ta Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi tội lỗi,
chính Thiên Chúa chiến đấu tội lỗi nơi chúng
ta, không phải bằng cách đè bẹp hoặc loại
bỏ chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta quay lại để
đạt được suy tư Tin Mừng trong sáng duy
nhất này: luôn luôn đặt mình trong tình yêu. Khi tôi tự phán xét tôi, hãy nghĩ rằng Chúa Cha
yêu thương tôi. Khi tôi phải phán xét
những người khác, trước tiên hãy nghĩ
đến việc yêu thương họ như Thiên Chúa yêu
thương họ. Đó là vị Thiên
Chúa thật được Chúa Giêsu mặc khải.
Trong ánh sáng tình yêu này tất cả
đều có thể trở về lại sự sống:
“Con trai tôi đã chết mà nay vẫn còn sống! Em con
đã chết mà nay vẫn còn sống!”.
|