Suy Niệm Lễ Kính Sinh Nhật Đức Maria, Lm Anthony Trung Thành Ngày 8/9
Ngày xưa, ít người tổ chức mừng sinh nhật, thậm chí rất nhiều người không nhớ đến ngày sinh nhật của mình và sinh nhật của người thân. Có nhiều lý do: có thể do phong tục; có thể do thiếu điều kiện; có thể vì thiếu quan tâm; có thể vì bận rộn công việc…Ngày hôm nay, việc mừng sinh nhật trở thành như là một phong trào nơi các học sinh, sinh viên và nhiều thành phần khác trong xã hội: chính mình tổ chức sinh nhật cho mình; bạn bè, đồng nghiệp tổ chức sinh nhật cho nhau; cha mẹ tổ chức sinh nhật cho con cái; con cái cháu chắt tổ chức sinh nhật cho ông bà cha mẹ…Nhưng người ta vẫn thấy xã hội quan tâm hơn đến việc mừng sinh nhật của các vĩ nhân, tức là những người có địa vị, có công với xã hội cũng như Giáo Hội. Người ta không những nhớ đến ngày sinh nhật của họ khi còn sống mà người ta còn mừng sinh nhật của họ khi họ đã qua đời. Phải chăng, giá trị của ngày sinh nhật không chỉ là ở nơi việc được sinh ra làm người mà quan yếu là đã đóng góp gì cho đời, cho người?
Trong phụng vụ Giáo hội, chỉ có ba ngày lễ Sinh nhật, đó là lễ sinh nhật Đức Giêsu, lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả và lễ sinh nhật Đức Maria mà chúng ta mừng kính hôm nay. Phải chăng Giáo hội cũng dựa vào sự đóng góp của Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Gioan Tẩy Giả đối với nhân loại để mừng sinh nhật? Hay nói cách khác, Giáo hội chú trọng vào vai trò và sứ mạng của ba vị trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? Thật vậy, cả ba Đấng đều có những địa vị và sứ mạng đặc biệt trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Gioan Tẩy Giả có vai trò và sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại. Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.
Đức Maria được tuyển chọn như thế nào? Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Nhưng, con người đã sa ngã phạm tội. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Ngài muốn cứu độ con người. Để chuẩn bị cho công việc này, Ngài đã chọn một người phụ nữ. Từ thuở đời đời, Ngài đã chọn Đức Maria. Vì Ngài biết cần có Mẹ để cộng tác với Ngài trong việc sinh ra Đấng Cứu Thế. Chính để Mẹ xứng đáng là Mẹ Thiên Chúa, nên Ngài đã trang bị cho Mẹ những đặc ân hết sức cần thiết: Vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời và sau này Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác. Đồng thời, Thiên Chúa còn giữ gìn Mẹ không vướng mắc một tội riêng nào.
Về phần Đức Maria, Mẹ không nghĩ rằng Mẹ được vinh dự làm Mẹ Thiên Chúa. Bằng chứng là Mẹ vẫn khấn giữ mình đồng trinh. Khi Thiên thần đến báo tin vui, Mẹ vẫn ngỡ ngàng vì chưa hiểu lời Thiên thần nói. Thiên Chúa không cho Mẹ biết trước, vì Thiên Chúa tôn trọng tự do của Mẹ. Nói cách khác, Đức Mẹ đã dùng tự do của mình để cộng tác đắc lực với Thiên Chúa trong việc sinh ra và nuôi nấng Đấng Cứu Thế. Từ khi chấp nhận hai tiếng “Xin vâng”, Mẹ đã chấp nhận những gian lao thử thách: mang thai trong sự hiểu nhầm của Thánh Giuse; sinh con trong hang đá nghèo nàn, lạnh lẽo; đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-21); khi lạc mất trẻ Giêsu ở Jêsusalem trong ba ngày (Lc 2,41-50); khi Đức Mẹ gặp Đức Giêsu trên đường đến núi Sọ; khi Đức Giêsu bị đóng đinh; khi xác Đức Giêsu được tháo xuống khỏi Thánh Giá; khi chôn xác Đức Giêsu trong mồ. Cuối cùng, để cộng tác với Đức Giêsu cứu độ nhân loại, Mẹ đã chấp nhận hy sinh đứa con yêu quý của mình. Vì vậy, Giáo hội gọi Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc loài người. Mẹ đã chu toàn sứ mạng của mình một cách xuất sắc. Như vậy, Giáo hội mừng sinh nhật của Mẹ là vì Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu độ nhân loại. Vì Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Đồng thời trong đức tin và ân sủng, Mẹ cũng là Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ của mỗi người kitô hữu chúng ta.
Đối với chúng ta, do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta được sinh ra trên trần gian này. Cũng như Đức Mẹ, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những sứ mạng: sứ mạng làm người; sứ mạng làm con Thiên Chúa; sứ mạng làm cha mẹ, con cái; sứ mạng làm tông đồ…Sứ mạng nào cũng cao quý và quan trọng. Sứ mạng nào cũng nói lên tình thương của Thiên Chúa. Mỗi lần nhớ tới ngày sinh, cách tốt nhất, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã ban sự sống cho chúng ta, cho chúng ta được làm người, làm con Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta có dịp để nhìn lại cách sống của chúng ta, cách chúng ta chu toàn sứ mạng Chúa giao phó như thế nào? Nếu chúng ta đã sống tốt, đã đóng góp những điều có ích cho đời, cho người. Nếu chúng ta đã chu toàn xuất sắc sứ mạng Chúa trao phó. Đó là cách tốt nhất chúng ta tạ ơn Thiên Chúa. Đó là cách tốt nhất để chúng ta mừng ngày sinh nhật của mình. Sau này, nếu có ai đó nhắc đến chúng ta, nhắc đến ngày sinh của chúng ta, họ sẽ nhớ đến những điều tốt đẹp, những đóng góp của chúng ta đã làm cho đời, cho người.
Trong dịp Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêditô mừng sinh nhật lần thứ 89, báo chí nhắc lại tâm tình của Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ lòng mến và sự ngưỡng mộ của mình đối với vị tiền nhiệm trong nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau, nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ví von vị tiền nhiệm như một “ông cụ khôn ngoan”. Trong buổi họp báo trên chuyến bay trở về từ Brazil vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: Tôi có cảm giác như đang có một người bạn tri kỉ ở nhà vậy, một ông cụ rất khôn ngoan.
Ngài nói tiếp: Đức Bênêđictô là một người hết sức khôn ngoan. Ngài không bao giờ can thiệp vào bất cứ chuyện gì cả! Tôi thường nói với Ngài: Thưa Đức Thánh Cha, ngài cứ tiếp khách bình thường và cứ sống theo lối sống riêng của ngài đừng ngần ngại, đặc biệt, xin ngài cùng đồng hành với tôi là người kế nhiệm ngài.
Chúng ta cùng nhau chúc mừng sinh nhật Mẹ. Đồng thời, hãy đến với Mẹ, kêu cầu Mẹ, noi gương các nhân đức của Mẹ và xin Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống để chúng ta chu toàn sứ mạng mà Chúa giao phó. Amen.
Lm Anthony Trung Thành
|