Tình yêu là động lực
để đi theo Chúa Giêsu
(Suy niệm của
Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Vẫn trên đường lên Giêrusalem,
Đức Giêsu biết đau khổ và cái chết đang
chờ đón ở cuối cuộc hành trình. Ngài phải uống chén
đắng. Tuy nhiên, khi đến
giờ, Ngài thấy nó không dễ. Ngài phải trải
qua một cơn hấp hối kinh hoàng và đã xin Chúa Cha
cất chén ấy. Thế nhưng, Ngài đã
giữ vững lòng trung tín. Điều
làm cho Ngài kiên vững, đó là tình yêu. Ngài
yêu Chúa Cha, muốn thực hiện ý định của
Người. Ngài biết Chúa Cha muốn
bày tỏ tình yêu sâu xa của Người với nhân
loại, qua sự thành tín và lòng yêu thương của Ngài.
Lòng thành tín và yêu thương này
được trả bằng chính mạng sống của
Ngài. Bởi vậy, Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha:
Chết khổ nhục trên Thập giá. Qua cái chết
đó, Ngài cũng thể hiện tình yêu của Mình
đối với nhân loại: "Không ai có tình yêu cao
cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng
sống vì bạn hữu" (Ga 15, 13).
Đang
khi đó, có rất đông người cùng đi với
Đức Giêsu, nghĩ rằng: Ngài là Đấng Messia, là
nhà lãnh đạo quân sự, một Đavít mới,
tiến về Giêrusalem, để giải phóng Israel
khỏi sự áp bức đô hộ của người
Lamã, khôi phục đất nước. Đức Giêsu
không muốn họ theo Ngài cách mù quáng. Ngài không che dấu những khó khăn, vất
vả, hi sinh. Ngài cho họ biết, đi
theo Ngài sẽ gặp nhiều đau khổ: Phải
"dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và
cả mạng sống mình" (Lc 14, 26).
Nelson Mandela, một người thông minh
muốn lập nghiệp như mọi người khác.
Hans Muler, một thương gia, nhìn thế giới qua lăng kính của luật cung cầu, đã
nói với Mandela: "Tất cả là tiền bạc.
Bởi vì giàu sang và tiền bạc đồng nghĩa
với hạnh phúc. Anh phải chiến đấu cho
điều đó: Tiền bạc và không gì ngoài tiền
bạc. Một khi bạn có đủ tiền bạc,
bạn không muốn cái gì khác trên đời". Nếu
Nelson Mandela làm theo lời khuyên của
Hans Muler, ông có thể làm rất tốt cho bản thân. May mắn thay cho Nam Phi. Thay vì lo cho bản thân, Nelson Mandela
đã quyết định cống hiến cuộc
đời mình cho việc phục vụ đất
nước.
Để làm điều đó, Mandela
đã phải hy sinh, ông viết: "Đối với tôi,
không phải là một việc dễ dàng khi phải xa cách
vợ con, giã từ những ngày xưa tươi
đẹp ấy, và sau một ngày làm việc hăng say
ở văn phòng. Tôi có thể quay về với gia đình
trong bữa ăn tối, thay vì phải sống như
một người bị cảnh sát săn đuổi
liên tục, sống xa cách những người thân yêu
nhất, phải đối diện liên tục với
những sự bất trắc như bị nhận
dạng và bắt giữ. Đó là một đời
sống cực kỳ khó khăn hơn cả chịu án tù (Trích
"Hành trình đến tự do", 1994, Little, Brown and
Company). Nelson đã chịu 27 năm tù đày
vì yêu đất nước. Ông đã trở thành
tổng thống vĩ đại
của Nam Phi.
Phêrô,
một hôm, đã hỏi Chúa: "Chúng con bỏ mọi
sự theo Thầy, chúng con được gì?".
Đức Giêsu trả lời: "Chúng con sẽ
được gấp trăm ở đời này, cùng
với sự bắt bớ và tù đày". Vâng, làm môn đệ theo Đức Giêsu, phải chịu bắt
bớ, tù đầy. Môn đệ không hơn
Thầy. Đức Giêsu đã chịu
đau khổ, môn đệ không có con đường nào
khác. Nhưng cái gì làm môn đệ có
thể chịu đau khổ? Thưa,
tình yêu. Chỉ có tình yêu mới làm
được mọi sự. Đức Giêsu trong
cuộc khổ nạn, bị cáo gian, bị xỉ vả,
đánh đòn, chế nhạo, phỉ nhổ, đội
mão gai, đóng đinh vào Thập giá... Người
đã chịu tất cả những điều đó vì
tình yêu. Hơn nữa, Người đã
biến đổi đau khổ, sự nhục nhã thành
tình yêu thương và sự tha thứ. Đó
là chiến thắng của tình yêu trên mọi sức
mạnh hủy diệt. Trong Người, không có gì
khác ngoài Tình yêu thương. Ngay cả khi chịu đóng
đinh, Người vẫn yêu thương: "Xin tha cho
chúng, vì chúng không biết việc chúng làm". Những
đau khổ của Người sẽ ra vô ích, nếu
Người không chịu đựng với tình yêu
thương. Không phải những
đau khổ của Người đã cứu rỗi nhân
loại, nhưng bởi tình yêu thương của
Người.
Ai giả bộ thích chịu đau
khổ, thật điên rồ. Đau khổ là thứ hầu hết
chúng ta muốn tránh. Thế nhưng, người môn
đệ của Đức Giêsu sẵn sàng chịu đau
khổ vì yêu. Vì yêu, họ có thể dứt
bỏ cha mẹ, anh em, chị em và cả mạng sống
mình (Lc 14, 26). Vì yêu, họ sẵn sàng phục vụ
mọi người. Vì yêu, họ chấp
nhận mọi đau khổ. Họ
tỏ lòng trung tín của mình trong đau khổ. Đau khổ là cách thể hiện tình yêu cao
vời nhất.
Để thực hiện điều
đó. Người
môn đệ cần phải lượng sức mình,
phải tính toán xem mình có đủ khả năng tiến
bước hay không. Chúng ta không thể
làm việc gì quá khả năng. Nhưng
tất nhiên, chúng ta không biết trước khả năng
của mình đến đâu. Chúng ta có
thể tự đánh giá khả năng của mình hoặc
quá thấp, hoặc quá cao. Điều
quan trọng nhất là tự biết mình. Đức
Giêsu đã đưa ra hai dụ ngôn ngắn: Người
xây tháp và vua đi giao chiến. Một
người xây tháp cần phải tính toán phí tổn, xem có
hoàn thành nổi không? Vua đi giao
chiến, phải tính xem số lượng quân đội
của mình, có đủ sức đương đầu
với đối phương không? Qua hai dụ ngôn
đó, Ngài muốn bảo: Những ai muốn theo làm môn đệ của Ngài, cần
phải suy nghĩ chín chắn. Có thể, có một ai đó
theo Chúa, nhưng không phải là môn
đệ, họ chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn trong
một công việc vĩ đại, chỉ là người
nói chứ không làm. Có một
vị vua đến thăm Thiền viện của
thiền sư Lin Chi, ông kinh ngạc vì có đến
mười ngàn tu sĩ ở đó. Muốn biết chính
xác con số các tu sĩ, nhà vua hỏi thiền sư:
"Thầy có bao nhiêu môn đệ?" Lin Chi đáp:
"Có bốn hoặc năm người".
Phần
những người đi theo
Đức Giêsu, Ngài cũng hỏi: Có bao nhiêu người
là môn đệ đích thực của Ta.
|