Con đường theo Chúa
(Suy niệm của Lm
Anphong Trần Đức Phương)
Các Bài Đọc Sách Thánh hôm nay mời
gọi chúng ta hãy từ bỏ mọi sự để có
thể theo Chúa trong cuộc hành trình gian
khổ trần gian tiến về quê hương thật
Nước Trời.
Bài đọc I (Sách Khôn Ngoan 9:13-19): Con
người luôn phải mang tính xác thịt nặng nề,
hướng về tội lỗi mất lòng Chúa và xúc
phạm đến tha nhân; vì thế phải nhờ sự
khôn ngoan do Thánh Thần Chúa hướng dẫn và sửa
đổi, chúng ta mới có thể đạt tới
ơn cứu độ. Bài Đọc II (Thư Philêmon 9-10,12-17): Khi chúng ta giúp đỡ anh em, chúng ta
hãy tự nguyện làm với cả tấm lòng yêu
thương, vui vẻ, làm vì Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 14:25-33):
Muốn trung thành theo Chúa, chúng ta phải hy sinh từ bỏ
tất cả những gì đi ngược lại giới
răn Chúa, và nhiều khi phải hy sinh cả mạng
sống mình như các Thánh Tử Đạo; đó là tình yêu
trọn vẹn. Chính Thiên Chúa, vì yêu
thương chúng ta, đã xuống thế làm người
và hy sinh chết trên Thánh Giá để cứu chuộc
tội lỗi chúng ta.
Vậy muốn theo
Chúa, tức là muốn sống theo Tin Mừng Chúa Giêsu đã
giảng dạy, chúng ta phải quyết tâm từ bỏ
mọi sự. Nhưng "từ bỏ
mọi sự" là từ bỏ những gì? Nói chung,
đó là từ bỏ tất cả những gì đi
ngược lại với giáo lý Chúa Giêsu đã giảng
dạy và các Thánh Tông đồ cũng như Giáo Hội,
tiếp nối các thánh Tông Đồ, hướng dẫn
chỉ bảo chúng ta.
Trước hết là từ bỏ
những đòi hỏi bất chính của con người
chúng ta do lòng ham danh, ham lợi, và ham lạc thú. Lòng ham danh, ham địa vị đưa
đến tranh chấp, gây nên hận thù, bất hòa, chia
rẽ. Lòng ham lợi đưa
đến gian tham, biển lận, lừa dối, bóc
lột người khác; chính vì lòng ham lợi mà xẩy ra
những tranh chấp đưa đến bao cuộc
chiến tranh từ trước đến nay.
Chiều theo lạc thú xác thịt đưa đến
những đam mê tội lỗi, làm cho chúng ta say
đắm các thú vui thể xác và làm hạ phẩm giá con
người mà Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Chúa. Vì
thế, sách Khôn Ngoan, trong Bài Đọc I hôm nay, đã
nhắc nhở chúng ta "tính xác thịt nặng nề làm
tâm hồn hư đốn và lý trí tối tăm" không
thể nhận ra "đường ngay, nẻo
chính," nên dễ đi đến chỗ sai lạc và
đi vào con đường đưa đến diệt
vong.
Theo Chúa nhiều khi cũng đòi
hỏi chúng ta dám đi ngược lại với những
ý muốn trái ngược với đường lối
Chúa, dù những ý muốn đó là của chính cha mẹ,
của vợ, của chồng, hay anh chị em ruột
thịt trong gia đình chúng ta. Đây là ý nghĩa lời
Chúa nói "ai muốn theo ta phải
từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em..." Tất nhiên
Chúa không bảo chúng ta phải ly tán gia đình, hay chống
lại cha mẹ mới có thể theo
Chúa.
Theo Chúa cũng có ý nghĩa là phụng
sự Chúa và sẵn lòng giúp đỡ tha nhân lâm cảnh
khốn khó, và vì thế Thánh Phaolô trong Bài Đọc II hôm
nay nhắn nhủ Philêmon cũng như mọi người
chúng ta " hãy làm việc thiện với lòng tự
nguyện chứ không làm vì bị ép buộc."
Nhiều khi vì muốn trung thành với
Chúa mà chúng ta phải hy sinh cả địa vị, cả
nghề nghiệp như trong bài viết trước
đây, chúng tôi đã nêu ra trường hợp Giáo Sư
Kenneth Howell, nhiều bác sĩ, y tá... bị đe dọa
mất địa vị, mất công việc vì muốn
đi theo con đường của Chúa do Giáo Hội
chỉ dẫn.
Hơn nữa, khi chúng ta được
ơn đặc biệt Chúa gọi, chúng ta cũng phải
"sẵn sàng từ bỏ mọi sự" để
hiến thân phụng sự Chúa qua đời sống chuyên
môn làm tông đồ cho Chúa, như các linh mục, tu sĩ,
và nhiều giáo dân đang dấn thân trên cánh đồng
truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới
hiện nay. Cuộc sống tận hiến này cũng
đòi hỏi phải luôn ý thức "từ bỏ
mọi sự" để dâng hiến toàn thời
giờ phụng sự Chúa, rao giảng Phúc Âm tình
thương của Chúa cho mọi người, làm các công
việc xã hội, mở mang văn hóa ở các nơi
cần sự hiện diện của chúng ta.
Đặc biệt
hơn nữa, từ thời Giáo Hội sơ khai
đến giờ đã có biết bao những vị dám hy
sinh chính mạng sống mình để trung Thành với Chúa,
như trường hợp các Thánh tử đạo
mọi thời và mọi nơi. Ở
ngay trên quê hương Việt Nam chúng ta
thời xưa và thời nay, cũng vẫn có bao
người dám hy sinh mạng sống mình để bảo
vệ sự thật, công lý, và đức tin tinh tuyền.
Xin cùng hiệp
lời cầu nguyện chung cho nhau, xin Chúa nhờ lời
Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, giúp chúng ta
luôn biết sẵn sàng từ bỏ mọi sự
để theo Chúa là "Đường, là Sự Thật,
và là Sự Sống" và yêu thương phục vụ
mọi người, nhất là những người lâm
cảnh khó khăn, thiếu thốn.
|