Hãy ngồi
chỗ cuối - Lm. Giuse Nguyễn An Khang
Đức Giêsu được một
người Pharisiêu (trong hàng ngũ lãnh
đạo) mời đến nhà dùng bữa. Khi
đến, Người cảm thấy mình đang bị
dò xét. Bởi các đối thủ đang theo
dõi Người sát sao, hy vọng tìm ra lý do, để vu cáo
chống lại Người. Đức Giêsu
cũng thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ
nhất mà ngồi, họ tranh giành, tỏ ra kiêu căng
tự đắc và ích kỉ. Đức Giêsu
đưa ra hai giáo huấn khá ngắn:
Giáo huấn thứ nhất nói
với khách được mời.
"Đừng ngồi cỗ
nhất". Điều Đức Giêsu
nói đây là một quy luật, một châm ngôn đã có
từ lâu đời trong nhân gian. Sách Châm Ngôn viết:
"Trước mặt vua, ngươi chớ làm bộ
bệ vệ, đừng ngồi vào chỗ các quan lớn,
được người ta mời: "Hãy lên
đây" tốt hơn là bị hạ xuống
trước mặt bá quan" (Cn 25,6-7;
St 7,4). Sách Lêvi cũng dạy khách ngồi bàn ăn bằng
những lời: "Hãy ngồi tụt xuống hai hay ba
cấp, dưới chỗ ngươi đáng ngồi,
để người ta mời: Hãy ngồi lên "hơn
là" đi xuống dưới ngồi".(Lv
7,1-5). Bởi thế, những luật sĩ, các biệt
phái không tự ái, khi nghe Đức Giêsu nói "Đừng
ngồi cỗ nhất", cho dù họ đang tìm cỗ
nhất, bởi họ cho Đức Giêsu chỉ nhắc
lại Kinh Thánh.
Tuy nhiên, theo Noel Quesson, lời Đức Giêsu
đây, không đơn giản chỉ là những lời
dạy về phép lịch sự ở bàn ăn ... song còn
đưa chúng ta sang bình diện Nước Thiên Chúa. Trong
nước Thiên Chúa: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị
hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ
được tôn lên". Thực vậy,
không phải tội lỗi chống lại ơn cứu
độ nhiều nhất, chính là tình cảm về sự
công chính bản thân mới là bước cản chúng ta đến
gặp Đấng Cứu chuộc. Kiêu
ngạo là tội nặng nhất trước mặt Thiên
Chúa, mọi tội khác người ta phạm chỉ vì
yếu đuối, nhưng tội kiêu ngạo là cố
tình loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời mình, không
cần Ngài, không muốn có Ngài. Đức Maria trong
kinh Magnificat đã nói: "Chúa hạ bệ những ai
quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm
nhường". Đó là việc Thiên Chúa ưa
thích, đó là việc Thiên Chúa thường làm. Lời
Chúa còn đó: "Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm
nhường thật lòng".
Giáo huấn thứ hai nói
với chủ nhà.
Theo lẽ thường, ta chỉ mời
những người có liên hệ với mình: Bà con, họ
hàng, thân hữu, những người gần gũi
do yếu tố tinh thần, vật chất hay một cách
nào đó. Những người đó đến
lượt, họ sẽ mời lại, để đáp
lễ theo luật có đi có lại: Ông
mất chân giò bà thò chai rượu. Còn
những người nghèo khổ, tàn tật, đui mù,
thường bị ta bỏ qua.
Luật Dothái dạy: Những người
điếc lác, thọt chân, cụt tay, mắt hỏng không
được tham dự các sinh hoạt tế tự trong
đền thờ (2Sm 5,8; Lv 21,18).
Những người Étsênien ở Qumrân còn quả quyết:
"Những người đui mù, khuyết tật,
thọt chân, què tay không được tham dự hội
đường các ngày Sabbát, cũng không được
ở giữa hội đoàn của những người
danh tiếng".
Giờ đây, Đức Giêsu lại nói
với chủ nhà: "Khi ông mở tiệc, đừng
mời bạn bè, anh em hay bà con hoặc
láng giềng giầu có. Ông hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì trả lễ và như thế ông
mới thật có phúc, vì ông sẽ được trả
công trong ngày các kẻ chết sống lại". Thực ra, đây không phải là những lời
mới mẻ.
Sách Khôn Ngoan Aram
của người Dothái viết: "Hãy nhận vào nhà
bạn kẻ thấp hơn bạn và kẻ nghèo hơn
bạn, nếu anh ta ra đi và không trả ơn bạn,
Chúa sẽ trả cho bạn". Sách Đệ Nhị
Luật dạy: "Ba năm một lần, anh em hãy
đưa ra tất cả thuế thập phân của
năm ấy, và đặt ở cửa thành anh em,
để Thầy Lêvi, người không được
chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em, người
ngoại kiều và cô nhi quả phụ ở trong thành
của anh em sẽ đến, họ sẽ ăn và
được no nê, để Đức Chúa, Thiên Chúa
của anh em chúc phúc cho mọi công việc tay anh em làm"
(Đnl 14, 28).
Điều lề luật
dạy làm cứ ba năm một lần. Đức
Giêsu bảo: Hãy làm bất cứ lúc nào. Khi
luật pháp bảo cứ để sẵn cổng thành cho
người ta đến dùng, Đức Giêsu bảo hãy
đi mời người ta lại. Cuối
cùng luật pháp hứa đền bù ở đời này,
Đức Giêsu bảo sẽ được báo đáp
ở đời sau. Đức Giêsu
đã chẳng lặp lại y nguyên luật pháp,
Người đã triển khai, kiện toàn và đưa
luật pháp lên bình diện đạo đức, thiêng liêng
hơn.
Để kết luận, tưởng
cũng nên kể đây một câu chuyện: Một chủ
nông giầu có nọ mời các tá điền và những
người làm công dùng bữa cơm tối tại nhà ông.
Đây phải gọi là một yến tiệc mới
đúng, bởi vì tất cả các món ăn
đều được dọn trên các đĩa bằng
sứ hay mạ bạc quý giá, còn rượu ngon hảo
hạng được rót vào những ly thủy tinh
đắt tiền. Bàn ăn được trải toàn
khăn bằng vải và một bát nước rửa tay. Có một anh nông dân kia,
vì trong đời anh chưa bao giờ được
dự một bữa tiệc sang trọng và thịnh
soạn đến thế, nên sau khi ăn uống no nê, anh
đã bưng bát nước dùng để rửa tay
uống cạn. Một vài thực khách sành
điệu bắt đầu cười thầm, rồi
tiếng cười bỗng bật thành tiếng.
Thấy vậy, người chủ tiệc lập tức
với tay bưng lấy bát nước
trước mặt mình uống cạn. Cử chỉ này
làm tắt ngay những tiếng cười chế nhạo
sự quê mùa của anh nông dân kia.
Ước gì mỗi
người chúng ta cũng làm như vậy.
|