Ghế Giám Mục
(Trích trong
‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Đức Giám Mục Helder
Camera là một Giám mục nổi tiếng của Châu
Mỹ La Tinh. Tên tuổi của ngài
được gắn liền với những hoạt
động tích cực để bênh vực những
người nghèo khổ bị áp bức trong xã hội.
Ngày nọ, Đức Cha Camera tiếp
một số nông dân nghèo tại Tòa Giám Mục. Nhiều
người không có chỗ ngồi, phải đứng
trong phòng khách. Trong khi đó thì chiếc
ghế dành cho vị Giám mục thì không ai dám động
đến. Thấy có một bác nông dân cao niên
đứng gần chiếc ghế bỏ không ấy,
Đức Cha Camera đến cầm tay
ông ấy dìu ông ngồi xuống chiếc ghế giám
mục của mình.
Đối với một con
người sống chết cho người nghèo như
Đức Cha Camera thì hẳn đây không phải là một
cử chỉ khoe khoang, có tính toán. Nhưng đó là một
chọn lựa cơ bản của một con người
thực sự dấn thân phục vụ người nghèo
và đồng hóa mình và những người nghèo.
Thưa
anh chị em,
Cử chỉ của Đức Cha
Camera đối với người nghèo hoàn toàn trái
ngược với cử chỉ của nhóm Pharisêu trong bài
Tin Mừng hôm nay. Họ tranh giành ngồi vào chỗ nhất, chỗ
danh dự trong đám tiệc. Chúa Giêsu
đã chứng kiến được cảnh chọn
chỗ nhất nầy khi Ngài đến dự tiệc
tại nhà một thủ lãnh của những người
Biệt phái Pharisêu. Ngài đã kể cho
khách dự tiệc một ví dụ để dạy cho
họ một bài học, không chỉ là thuật xử
thế mà còn về đức khiêm tốn hoàn toàn trái
ngược với cái óc tự phục, háo danh của
họ.
Bài
học thật là đơn giản: Theo Chúa Giêsu dạy,
người khách tới dự tiệc không nên tự
động tìm cho mình chỗ nhất, nhất là khi không
chắc rằng mình là người khách quý nhất của
đám tiệc. Chỗ nhất là để dành cho
người nhất, chỗ sang trọng là để dành
cho người sang trọng. Do đó mới có sự
mời người nầy lên, mời người kia xuống. Nếu
được mời lên thì càng được vinh dự
trước mặt các người khác mời; còn nếu
bị mời xuống thì càng thêm xấu hổ
trước mặt mọi người. Không phải
cứ giành lấy chỗ nhất, chỗ sang trọng là
đương nhiên trở thành người nhất,
người sang trọng. Người nhất,
người sang trọng, dù có ngồi chỗ rốt
hết cũng vẫn là người nhất, là
người sang trọng, và cuối cùng vẫn
được đưa về lại chỗ xứng
đáng của mình. Vì vậy, Chúa nói: “Ai tôn mình lên, sẽ
bị hạ xuống. Còn ai hạ mình
xuống, sẽ được tôn lên”.
Nghe
thoáng qua, xem ra Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta về cách
xử thế ở đời và ẩn núp trong cung cách
đó, có một chút gì là tính toán: Giả vờ ngồi
chỗ cuối, để rồi được chủ
tiệc mời lên trên và khi đó sẽ được danh
giá trước mặt mọi người. Đó
là khiêm tốn giả tạo, là kiêu ngạo trá hình.
Cần phải lưu tâm đến câu kết luận
của Chúa: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn
lên”. Câu châm ngôn nầy đã làm sáng tỏ ý nghĩa
của ví dụ: Ở đây, không còn là cách xử thế
ở đời nữa, nhưng là giáo huấn về
Nước Trời được sánh ví với bữa
tiệc. Việc sắp xếp chỗ
ngồi trong bữa tiệc là việc của chủ
tiệc chứ không phải của khách mời. Cũng vậy, việc tham dự vào Nước
Trời không tùy thuộc vào sự đánh giá của con
người về chính mình, nhưng tùy thuộc vào lời
mời gọi và đánh giá của Thiên Chúa. Còn người trước mặt Thiên Chúa như
thế nào thì chỉ là thế ấy thôi, không hơn không
kém. Do đó, để ngồi đúng chỗ của
mình, mỗi người phải tự đặt mình
trước mặt Thiên Chúa, chứ không so sánh với
người khác. Vì chỉ có Thiên Chúa mới
đánh giá đúng địa vị đích thực của
mỗi người. Trước mặt Chúa, con
người chỉ là một tạo vật bé nhỏ, nghèo
khó vô cùng. Và khi đó, khiêm nhường chính là sự
thật, giúp chúng ta hiểu đúng đắn con
người của mình.
Người
khiêm nhường vì hạ mình sát đất, nên không còn có
thể ngã xuống đâu được nữa, cũng
chẳng có ai tranh dành chỗ thấp ấy, nên họ luôn
có sự bình an và còn được cảm tình của
nhiều người. Trái lại, người kiêu ngạo
như leo lên ngọn núi cao, dễ bị
chóng mặt và té xuống tan xương nát óc. Đồng
thời, vì tranh dành địa vị, tiếng khen hơn
người nên bị mọi người ghen ghét và tâm
hồn không lúc nào bình an thực sự.
Anh
chị em thân mến,
Lời Chúa hôm nay đụng chạm
đến những người Biệt phái Pharisêu tự
phụ, giả hình. Họ vẫn tự dành cho mình chỗ nhất
ở mọi nơi và ngay cả trong Nước Trời.
Họ dựa vào những tước hiệu nầy
nọ để bắt cả Thiên Chúa phải dành
quyền ưu tiên họ vào Nước Trời mà quên
mất rằng mình phải trở nên con người
xứng đáng với chỗ nhất đó. Thực
ra, chẳng những đối với người
Biệt phái, mà Tin Mừng hôm nay còn đụng chạm
đến cái tôi của mỗi người chúng ta. Tuy không nói ra, nhưng thực ra ai cũng tìm
kiếm danh vọng, địa vị, thích được
người khác kính nể, ca tụng, thích được
nổi bật giữa đám đông, gây được
ảnh hưởng trên dân chúng.
Ngày nay, khiêm nhường thường
bị con người coi là thua kém, là yếu hèn, là nhu
nhược, nhưng lại được Thiên Chúa tôn lên. Khiêm nhường
được ví như nền móng của ngôn nhà. Nền móng càng sâu, ngôi nhà càng cao, càng vững
chắc.
Chính
Chúa Giêsu, Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã bỏ chỗ
nhất để ngồi vào chỗ cuối cùng khi Ngài
nhập thể làm người ở giữa loài
người. Nói như Cha Huvelin: “Đức Kitô là Ngài về
chỗ đó nữa”. Và Thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô
đã hủy mình ra không, lãnh lấy thân phận tôi đòi…
đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho
đến chết và là cái chết trên thập giá. Bởi
vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài… hầu trước Danh
hiệu của Đức Giêsu, mọi gối đều
phải quỳ xuống bái lạy… và mọi miệng
lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô là Đức Chúa”
(Pl 2,6-11).
Khiêm
nhường còn là một bộ mặt của tình yêu: Vì
yêu thương con người, Thiên Chúa ở tầm cao vô
biên đã hạ mình xuống ở tầm cỡ kích
thước của con người. Ngài
xuống ngang tầm những kẻ hèn mọn, những
trẻ thơ, những kẻ yếu đuối. Chúa
không tìm kiếm địa vị cao sang nổi bật. Chúa không kết thân với kẻ giàu có, quyền
thế. Trái lại, ngài quan tâm chiếu cố
những người nghèo, những kẻ bị ruồng
bỏ, những kẻ ốm yếu tật nguyền, an ủi và chữa lành họ.
Vì
vậy, ngay trong bữa tiệc nầy, sau khi đã cho khách
mời một bài học về việc chọn chỗ
chót, Chúa Giêsu cũng không quên hướng về ông chủ
tiệc để nhắc nhủ ông về việc mời
khách dự tiệc. Chúa nói: khi mời khách dự tiệc,
đừng mời những người giàu sang, quyền
thế. Vì như vậy chỉ là hình thức
trao đổi để trục lợi. Mời người để được
người mời lại. Hãy mời
những người nghèo khó, không có khả năng đáp
đền. Chúa nói như vậy, vì chính
ngài đã xử sự như vậy. Thiên Chúa đi
tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn mà không làm cho
họ mặc cảm vì họ chẳng có gì đáp lễ.
Thưa
anh chị em,
Chúa
Giêsu muốn nói đến bữa tiệc Nước
Trời, nơi đó mọi người đều
được mời đến dự, không phân biệt
đối xử, đặc biệt mời những
người nghèo, vì người nghèo dễ dàng nhận
lời mời hơn những người giàu có, quyền
thế. Bữa tiệc Nước Trời Thiên Chúa đã
dọn sẵn, và chỉ những ai khiêm tốn, bé nhỏ,
nghèo khó mới được vào dự tiệc. “Chúa sẽ hạ bệ những ai quyền
thế và lòng trí kiêu căng. Ngài nâng cao
mọi kẻ khiêm nhường, phận nhỏ.
Người nghèo đói Chúa ban của đầy dư,
người giàu có lại đuổi về tay trắng”
(Lc 1,51-54).
|