Con người khiêm tốn
"Anh em hãy yêu thương
kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét mình". (Lc 3, 24)
Anh chị em thân mến,
Đức Hồng Y
Jos. Bernadin của Tổng giáo phận Chicago, Mỹ, tâm
sự với các chủng sinh: Từ ngày Ngài nhận giáo
phận Chicago, hầu như không thiếu ngày nào, mỗi
ngày Ngài đều nhận một lá thư gởi
đến chửi Ngài là "son of bitch" (chó đẻ!)
Tại sao vậy? Vì Ngài theo
đường hướng của Giáo hội, luôn lên án
các thứ tệ đoan xã hội, làm mất quyền
lợi của bọn tư bản, nên bị chửi
như thế! Đức HY Bernadin, đã khiêm tốn
sẵn lòng để cho người ta chưởi
bới... Bài Tin Mừng hôm nay, chính Chúa Giêsu dạy cho
mọi người cách xử thế khiêm tốn
trước mặt Chúa, cũng như tha nhân.
Nhân khi thấy khách
được mời dự tiệc, họ hay lựa
chỗ nhất, có khi còn coi thường người khác
nữa, Chúa Giêsu dạy cho họ bài học khiêm nhượng,
một thứ khiêm nhượng chân thật, và bên trong, phát
xuất từ đáy lòng. Vì thế:
1) Khiêm nhượng là chấp nhận sự thật
về chính mình: Người
xưa có câu: "Khiêm nhượng không phải là nghĩ ít
hơn về cái mình có; nhưng là ít nghĩ về mình. Thực sự, khi ai ít nghĩ về mình, hay không nghĩ
về mình nữa, làm sao họ có thể tự phụ
được? Thánh Augustinô nói: Khiêm nhượng làm
cho con người trở nên thiên thần; nhưng kiêu
ngạo làm thay đổi các thiên thần thành ma quỉ.
Thánh Phêrô dạy: "Anh em hãy lấy đức khiêm
nhượng mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa
chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho
kẻ khiêm nhường".
2) Khiêm nhượng là biết mình có tội: Ma
quỉ (Lucifer) chính là những thiên thần mang ánh sáng;
vậy mà khi thiên thần phạm tội thành ma quỉ,
chúng không nhận, cũng không biết mình có tội. Nếu
ma quỉ đã nhận mình có tội, và biết mình có
tội, thì cũng đồng nghĩa với ăn năn, chúng sẽ được tha rồi.
Thực tế nơi ma quỉ không có khiêm
nhượng, ngược lại chỉ có kiêu căng mà
thôi.
Biết mình thấp hèn, tội lỗi trước
mặt Chúa và anh em, đó chính là nền tảng của
đức khiêm nhượng, cũng là nền tảng
của việc cầu nguyện để đưa ta
tới với Thiên Chúa
3) Chúa Giêsu là mẫu gương của đức khiêm
nhượng: Xem qua cuốn phim Cuộc Khổ
nạn của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhờ đó
hiểu được phần nào khổ đau của Con
Thiên Chúa phải chịu vì nhân loại chúng ta. Nhất là
mới có thể hiểu được: dù là Con Thiên Chúa,
Ngài khiêm tốn biết bao, như lời thư
Thánh Phaolô gởi cho tín hữu Philipphê (2, 6-9): ....
Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, đã không nghĩ
phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, để mặc
lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân giữa
trần thế. Người lại còn hạ mình vâng
lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết,
và chết trên thập giá......
4) Gợi
ý sống và chia sẻ: Khiêm nhượng thật
sự là tự biết mình, cả về ưu lẫn
khuyết điểm. Biết cái ưu điểm là
để phát huy, làm cho lớn mạnh thêm, đồng
thời cũng sẵn sàng lãnh trách nhiệm với mọi
người, với tập thể. Biết
cái khuyết điểm là để sửa chữa,
phấn đấu vươn cao lên. Đó
mới là đức khiêm nhượng thật sự.
bao lâu nay ta đã thực hành đức
khiêm nhương như thế nào? Cũng có
một thứ gọi là khiêm nhượng ống
điếu, khi trước mặt người khác, ta
cũng giả bộ nhận lỗi, cũng xỉ vả
mình; nhưng sau lưng thì tìm cách tự bào chữa... ta
đã sống như thế nào đây?
|