B – NHỮNG ƠN HUỆ CỦA THẦN
KHÍ
Nguồn
gốc các ơn huệ này
được
tìm thấy ở lời
tiên tri Isaia xưa báo rằng :
“Từ gốc tổ Gie-sê,
sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy, sẽ
mọc lên một mầm non (ám chỉ về Đức
Giêsu).
Thần Khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này :
thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.” (Is
11.1-2).
Đang
khi lời tiên tri của ngôn sứ Isaia gán những ơn
huệ này cho Đức Giêsu, Đấng Thiên Sai (tiếng
Do Thái : Mêssia, nghĩa là được xức dầu và sai
đến bởi trời để cứu nhân
độ thế), thì truyền thống Hội Thánh coi các
ơn huệ này được dàn trải trên tất
cả các tín hữu, khi họ lãnh Bí tích Thanh Tẩy và
nhất là Bí tích Thêm sức trên kia đã thuật, (xem Sách
Giáo lý Công giáo, số 1303). Điều đó là tất nhiên
vì nếu Đức Giêsu, Đấng Mêssia, là Đầu
của Thân Thể mầu nhiệm (tức chúng ta, những
kẻ tin), thì không thể nào Đầu có mà lại không
tuôn trào xuống cho Thân Thể. (Rm 12.4tt; 1 Cr 12.27tt; Ep 4.7-11)
Và quả thật, Chúa Giêsu phục sinh
đã lên trời và từ trời đã tuôn đổ Thánh
Thần và các ân huệ của Người xuống trên môn
đệ:
“Có lời Kinh Thánh nói
: “Người
đã lên cao, dẫn theo một đám tù ; Người
đã ban ân huệ cho loài người.”
Người đã lên nghĩa là gì, nếu không
phải là Người đã xuống tận các vùng sâu
thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã
xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn
mọi tầng trời để làm cho vũ trụ
được viên mãn.
Và chính Người
đã ban ơn…(cho người ta đảm nhiệm những
việc phục vụ Hội Thánh)… cho đến khi tất cả chúng ta đạt
tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong
sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con
người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn
của Đức Ki-tô.” (Ep 4.8-13)
Trong
bài giảng tiên khởi sau lễ Chúa Thánh Thần hiện
xuống, Thánh Phêrô cũng làm chứng về điều
ấy :
“Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa
đã làm cho sống lại; về điều này, tất
cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy
quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh
Thần đã hứa, để Người đổ
xuống : đó là điều anh em đang thấy đang
nghe.” (Cv 2.32-33).
Để lãnh nhận Chúa Thánh Thần và
các ơn huệ của Ngài, ta tưởng chỉ có
nhờ cầu nguyện và hai Bí tích Rửa tội và Thêm
sức nói trên, mà quên rằng, khi ta Rước Lễ, ăn uống Mình Máu thánh Chúa
Giêsu, thì cũng lãnh được như vậy, vì có
lời Chúa Giêsu hứa rằng :
“Như Chúa Cha là Đấng hằng
sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà
được sống như vậy.” (Ga 6.57)
Mà ta
đã học trên kia mà biết rằng : khi ta “ăn Chúa” thì
được sống nhờ Chúa, mà sống nhờ Chúa là
sống nhờ Thần Khí của Chúa, hay nói khác đi : lãnh
được Thần Khí / Thánh Thần và các đặc
sủng cùng các ơn huệ của Thánh Thần chất
chứa trong Mình Máu Thánh Chúa.
*
Ý Nghĩa của các ơn huệ ấy
:
Đây là những ơn huệ thiêng
liêng, siêu nhiên do Thánh Thần thông ban, không phải những
ơn nhất thời người ta cầu khấn
khi gặp sự gì cần kíp, nhưng là những ơn có
mặt thường xuyên nơi những người
vẫn giữ mình sống trong ơn nghĩa với Chúa. Và
nhờ thế, các ơn ấy tác động giúp họ
nhanh chóng nghe
theo
những sự soi sáng của Thánh Thần, thi hành các nhân
đức, và đạt sự thánh thiện.
Các Thiên thần, mỗi vị tượng
trưng một ân huệ Thánh Thần, hào quang trên
đầu ghi tên ân huệ ấy, và nơi tay cầm
một vật biểu tượng gợi ý về
ơn ấy.
|
Thánh
Thần là Đấng ban mọi ơn thiêng liêng; Ngài đã
ban cho Đức Trinh Nữ Maria được đầy
ơn phúc và mọi nhân đức, để Người
xứng đáng làm Mẹ Chúa Ngôi Hai xuống thế làm
người đầu thai trong dạ Mẹ, thì nay Ngài
lại ban cho các tín hữu, nhất là những ai ăn Bánh
Hằng Sống Giêsu, được đón nhận bảy ơn
huệ của Ngài :
Ơn Khôn Ngoan,
Ơn Thông Hiểu,
Ơn Chỉ Bảo (Lo Liệu),
Ơn
Sức Mạnh,
Ơn Suy
Biết,
Ơn
Đạo Đức,
Ơn Kính Sợ Thiên Chúa.
*
1.- Thứ nhất
là Ơn Khôn Ngoan (Latinh : sapientia)
Ơn này giúp tâm hồn chúng ta tách ra
khỏi thế giới vật chất xa hoa phù phiếm,
để chỉ biết ‘ái mộ những sự trên
trời’. Ái mộ những sự trên trời không
phải là yêu chuộng những gì có ở trên trời,
trên Thiên Đàng, chẳng hạn như vẻ đẹp,
sáng láng, vinh quang, sự bất tử, hạnh phúc, v.v… vì ta
đâu đã được lên đó để thấy mà
yêu chuộng. Nhưng là yêu chuộng những sự gì thuộc
về trên trời, thuộc
về Thiên Đàng, mà thuộc
về Thiên Đàng tức là thuộc
về Thiên Chúa, song có cái hay là những sự ấy nay đã được
Người ban xuống cho ta qua Chúa Giêsu, trong Hội
Thánh : Ví dụ ơn được có Thiên Chúa là Cha và chúng
ta là con thật sự của Người (1 Ga 3.1) ; hoặc được Chúa
Giêsu yêu chúng ta đến nỗi đã chịu chết trên
thập giá để đền tội chúng ta ; rồi
ơn có Lời Chúa là ánh sáng soi đường cho ta
khỏi lạc vào đêm tối ; và được phép
Thánh Thể, là thần lương nuôi sống ta mỗi
ngày; v.v…
Đó là ‘những sự trên trời’,
song nay đã được ban xuống cho ta, mà ta phải
ái mộ.
Vì yêu chuộng các sự đó, ta không còn
quá để tâm để trí tìm kiếm những sự
thế gian vốn thường là tạm bợ và chóng qua,
như Thánh Phaolô khuyên bảo :
"Hãy
tìm kiếm những gì thuộc thượng giới,
(tức là trên trời) nơi Đức Ki-tô đang
ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí
về những gì thuộc thượng giới, chứ
đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ
giới." (Cl 3.1-2) “Quả vậy, những sự
vật hữu hình (của hạ giới) thì chỉ
tạm thời, còn những thực tại vô
hình (thuộc thượng giới) mới tồn
tại vĩnh viễn.” (2 Cr 4.18)
Ở chỗ khác, thánh nhân còn thúc giục
thực hiện một sự cởi bỏ mọi ràng
buộc triệt để hơn nữa, đến
mức hầu như thoát tục, vì ông tưởng Chúa
sắp tái lâm rồi :
“Thưa anh em, tôi xin nói với anh em
điều này : thời gian như co rút lại. Vậy từ
nay những người có vợ hãy sống như không có ;
ai khóc lóc, hãy làm như không khóc ; ai vui mừng, như
chẳng mừng vui ; ai mua sắm, hãy làm như không có gì
cả ; kẻ hưởng dùng của cải đời
này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt
thế gian này đang qua đi.”(1 Cr 7.29-31).
Những tâm
hồn thanh thoát, luôn chỉ tìm kiếm Thiên Chúa như
thế, họ như chim bay bổng trong không khí, như cá
tung tăng lượn lờ dưới làn nước
trong, họ như đắm mình trong mối quan hệ sâu
xa, thân mật với Thiên Chúa cách ngọt ngào, dịu dàng
khôn tả. Nhiều tín hữu tưởng lầm là sự
chiêm niệm này chỉ dành để cho những ai sống
ẩn dật, hay tu hành trong những dòng kín, lánh xa hồng
trần và những lo toan sự đời. Chính vì hiểu
lầm tai hại đó, mà biết bao tâm hồn bị
chận đứng lại trong đà vươn lên Thiên
Chúa. Kìa xem, bà Thánh Têrêsa Cả thành Avila là một
người hoạt động phi thường, đã
từng bôn ba khắp mọi nơi trong nước,
dầy công lập mười mấy nhà dòng Kín, song lại
là một tâm hồn chiêm niệm cao sâu, tâm hồn bà như
mất hút trong Thiên Chúa. Rút từ kinh nghiệm của mình,
bà đã viết và để lại cho Giáo Hội những
cuốn sách dạy về sự chiêm niệm cao sâu,
vươn lên tới đỉnh trọn lành, vì thế sau
khi qua đời, bà đã được Giáo Hội không
những tuyên thánh, mà còn phong lên bậc tiến sĩ
Hội Thánh tức là thánh sư dạy về con
đường trọn lành!
Yêu
những sự trên trời, không phải bảo ta ghét
trần gian này đâu, đúng hơn ơn Khôn ngoan giúp ta
biết yêu trần gian như là tạo vật của
Thiên Chúa, sử dụng nó theo ý Chúa muốn, vì Thánh kinh
cho biết Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều
tốt đẹp (St 1.31; Kn 1.14), cho dù sau tội của
nguyên tổ, nó đã bị suy thoái, nhưng vẫn mong
chờ được giải thoát và vào hưởng vinh
quang muôn đời với ta (Rm 8.19-21)
Trong
đời sống thực tế, ơn Khôn Ngoan này
hướng dẫn các hành động của con
người đi theo đường lối của Thiên
Chúa. Nhờ có ơn này, người ta sẽ nhìn và
đánh giá mọi sự - vui cũng như buồn,
lạc thú hay khổ đau, thành công hay thất bại v.v…
- theo quan điểm của Thiên Chúa, và biết
chấp nhận tất cả với thái độ bình
thản. Thành ra mọi sự, cho dù những sự tệ
hại nhất, cũng được họ coi như có
giá trị siêu nhiên, khác hẳn với sự khôn ngoan phàm
tục của thế trần, chẳng hạn thế gian
coi cảnh nghèo khó, hay cơn bách hại… là họa, thì
họ coi là phúc. Và như thế ơn Khôn Ngoan sẽ
đưa người ta đạt tới tình mến hoàn
hảo.
Có
ơn này, thì một tâm hồn nhỏ hèn, kém tài trí vẫn
có thể sở hữu một sự thông hiểu sâu xa
về các điều siêu nhiên. Lấy ví dụ Thánh nữ
Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Dòng Kín, chị
không được học lớp thần học nào,
vậy mà chị được Chúa Thánh Thần ban cho
một sự thông biết khôn ngoan những sự trên
trời và đường lối của Thiên Chúa một
cách cực kỳ sâu sắc, và chị đã ghi lại cách
riêng trong cuốn “Truyện một linh hồn”. Vì thế mà
sau khi qua đời, chị đã được Giáo
Hội tuyên thánh, và tuy còn rất trẻ mới 24 tuổi
đời, cũng được tặng phong Tiến
sĩ Hội Thánh như Mẹ Têrêsa lập Dòng.
|