MỖI THÁNG MỘT CHIA SẺ # 6
ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO
(T.O.T. Training of Trainers) I. TỪ HAI SỰ KIỆN LIÊN QUAN TỚI BẢN THÂN
Từ lâu tôi đã có ý định sẽ viết một bài về vấn đề “ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO” của Giáo Hội Việt Nam, nhưng tôi cứ trần trừ mãi. Mới đầy có hai sự kiện khiến tôi quyết định thực hiện ý định trên.
Sự kiện thứ nhất là Lớp Thánh Kinh 100 tuần do tôi khai sinh và phụ trách từ đầu năm 2015 đến nay tại Nhà thờ Giáo xứ Lạng Sơn (Hạt Xóm Mới, Quận Gò Vấp) sẽ kết thúc phần các Sách Cựu Uớc vào trước Lễ Chúa Giáng Sinh năm nay.
Sang năm 2017 Lớp sẽ học các Sách Tân Ước, từ đầu cho đến cuối năm. Sau Khóa này chắc tôi không còn đủ sức khỏe để mở tiếp Khóa thứ 2.
Nhưng tôi rất muốn có Khóa Thánh Kinh 100 tuần thứ hai, tại Lạng Sơn hay tại một giáo xứ nào khác trong vùng này. Vì thế tôi có ý định sẽ mời một số học viên tham gia công việc giảng dậy các Sách Tân Ước, kể từ đầu năm 2017, để tạo nguồn nhân sự kế thừa.
Hy vọng sang năm 2018 nhóm học viên này sẽ có thể cùng nhau mở một Khóa Thánh Kinh 100 tuần II tại giáo xứ Lạng Sơn hay tại một giáo xứ khác. Nếu cần tôi sẽ hỗ trợ một phần nào, còn anh chị em sẽ gánh vác việc hướng dẫn sinh hoạt chia sẻ Lời Chúa và giảng giải Thánh Kinh cho các học viên mới.
Tôi chưa biết kế hoạch của tôi có thành công hay không nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, hy vọng rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”
Sự kiện thứ hai là cuối tháng 6 vừa qua tôi bị một trận cảm cúm kéo dài khiến sức khỏe sa sút và có ý định không tiếp tục phục vụ Khóa Thánh Kinh 100 tuần tại Học viện Mục vụ Sàgion nữa. Tôi đã xin các cha giám đốc và giám học Học viện Mục vụ Sài-gòn tìm người thay thế tôi giúp Khóa Thánh Kinh 100 tuần ở đây. Nhưng sau một thời gian không (đúng hơn là chưa) tìm ra người thay thế tôi, nên cha giám học đã yêu cầu tôi tiếp tục giúp Học viện một thời gian nữa. Tôi đành phải nhận lời vì thật sự tôi rất quý cách học Thánh Kinh 100 tuần.
Hai sự kiện trên đều liên quan tới vấn đề thiếu người được đào tạo để lo việc đào tạo người khác trong Giáo Hội Việt Nam.
II. THẾ NÀO LÀ “NGƯỜI ĐÀO TẠO” ?
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta có thể hiểu thế nào là người đào tạo.
Người đào tạo không chỉ là người có đủ khả năng (kiến thức) giảng dậy một môn học thuộc giáo lý, thần học, thánh kinh, tu đức…. cho các học viên mà còn là người có khả năng và ơn gọi truyền đạt/chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của Giáo hội và của cá nhân mình cho các học viên nữa.
Nói cách bình dân thì người đào tạo ở đây là những ông thầy, không phải dậy về kiến thức đời mà là dậy về kiến thức đạo.
III. NHU CẦU VỀ NGƯỜI ĐÀO TẠO LÀ NHU CẦU CÓ THẬT CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM
3.1 Nhìn vào đời sống của Giáo hội, chúng ta có quyền vui mừng khi thấy càng ngày càng có nhiều Đại Chủng viện và Học viện để các linh mục và tu sĩ được đào tạo một cách tốt hơn. Nay mai chúng ta còn có thêm Học viện Công giáo nữa. Học viện Công giáo sẽ đào tạo một số linh mục, tu sĩ và giáo dân có trình độ học vấn cao hơn: cử nhân, tiến sĩ Thần Học, Thánh Kinh, Giáo Luật v.v…
3.2 Nhìn vào các giáo xứ, các hội đoàn, chúng ta thấy linh mục xứ giảng dậy trong Thánh Lễ, các giáo lý viên (nữ tu và giáo dân) dậy giáo lý cho thiều nhi và thiếu niên, và các lớp tân tòng và hôn nhân.
3.3 Nhưng cho những lớp cao hơn nữa như bồi dưỡng/huấn luyện các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, các ban điều hành các giáo họ và các hội đoàn, hay cho những lớp học hỏi Thánh Kinh… thì không có ai, nếu như các linh mục xứ không tổ chức và giảng dậy.
3.4 Khắp các giáo phận chúng ta có chương trình và các Khóa đào tạo Giáo lý viên. Một số giáo phận có chương trình đào tạo các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Một số giáo phận đã có Trung Tâm Mục Vụ là nơi sinh hoạt và đào tạo giáo dân. Nhưng phải thành thật mà nhận rằng chưa đâu có chương trình đào tạo người đào tạo.
IV. NHỮNG TRỞ NGẠI CỦA VIỆC ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO TRONG GIÁO HỘI VIỆT NAM
4.1 Trở ngại từ phía các nhà lãnh đạo thượng cấp (Giám mục) và cao cấp (linh mục, tu sĩ) :
* Phải chăng các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và các Đức Giám mục đáng kính của chúng ta thấy việc tổ chức các Đại Chủng viện là đủ rồi? Phải chăng các ngài không cho rằng việc đào tạo người giáo dân thành người giáo dân đào tạo là việc quan trọng và cấp bách của Giáo hội?
* Phải chăng các linh mục xứ thấy việc giảng dậy trong Thánh lễ là chu tòan bổn phận của mình rồi và không coi trọng việc đào tạo người giáo dân thành người giáo dân đào tạo?
* Phải chăng các Bề Trên các Dòng Tu thấy việc tổ chức các Học viện là đủ rồi. Phải chăng các tu sĩ không cho rằng việc đào tạo người giáo dân thành người giáo dân đào tạo là trách nhiệm của các ngài?
4.2 Trở ngài từ chính người giáo dân:
* Phải chăng các Hội đoàn nói chung và các Ban Điều Hành các Hội đoàn nói riêng không thấy tầm quan trọng của việc Hội đoàn mình phải có một số hội viên được bồi dưỡng và huấn luyện nâng cao để họ có đủ tinh thần (siêu nhiên) và năng lực mà phục vụ (giảng dậy) các hội viên khác?
* Phải chăng đại đa số người giáo dân Việt Nam chúng ta quen với cách suy nghĩ là chỉ có các linh mục mới là những người giảng dậy?
[Tôi đã nhiều lần nghe giáo dân nói rằng: có linh mục dậy thì tôi đi học còn giáo dân dậy thì tôi không đi).
* Nếu so sánh với các Giáo hội Tây Phương thì người giáo dân đào tạo ở Việt Nam thường là làm việc không lương. Nên việc trở thành người đào tạo không phải là một nghề hấp dẫn. V. KẾT LUẬN
Một lần nữa tôi xin trích dẫn lời của các Nghị Phụ Công đồng Vatican II để kết thúc bài chia sẻ này:
“Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, cũng chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu như chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân.
Do đó, ngay khi thiết lập, Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Kitô giáo trưởng thành”
(Sắc lệnh Truyền Giáo, số 21)
Sài-gòn ngày 23/08/2016 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội K3N tại Boston (USA) Hè 2004
|