CN 200: CHỊU ĐAU KHỔ ĐỂ CỨU CÁC LINH HỒN (7)
Bài thứ 7 của LM Phạm Đăng Quang, Tu Hội Chúa Giêsu, Sàigòn, VN.
“Đau khổ là một động lực để cứu các linh hồn, giúp cho linh hồn qui phục Chúa. Chúa sẽ cắt bỏ hết mọi dây ràng buộc. Tại sao chúng ta đau khổ? Đau khổ là do con cái mang lại cho cha mẹ, vợ chồng mang lại cho nhau, cha mẹ mang lại cho con cái, ông bà, cháu chắt đem lại cho nhau."
Khi sang Hoa Kỳ, tôi đã nghe nhiều câu chuyện bi thương, một anh kể rằng:
“Con buồn lắm cha ạ. Vợ con bỏ đi, con tha thứ cho về nhà lại, được mấy tháng, nó lại bỏ đi với người cháu của con.”
Cuộc đời của tôi có rất nhiều đau khổ. Khi tôi đi tu, có những linh mục và thầy dòng bảo tôi:
“Tại sao Chúa lại hành hạ anh đến như thế?”
Thật ra chả ai ngu dại gì mà mua sự đau khổ, chả ai nhìn về tương lai, phó thác cho Chúa mà lại không có hoải nghi, nhưng Chúa vẫn đồng hành với chúng ta qua những đau khổ.
Chúa dùng những sự đau khổ để cắt đứt chúng ta với những tình cảm của trần gian để rồi chúng ta đến với Chúa, có một tương quan mật thiết giữa linh hồn ta với Chúa.
Chắc anh chị em có nhiều giờ trầm tư với Chúa Thánh Thể, chắc các anh chị em cũng biết rằng Chúa chỉ cần linh hồn ta đến với Ngài, còn mọi thứ khác không là gì đối với Ngài. Tại sao lại có những xích mích và mâu thuẫn giữa cha và con trai, giữa mẹ và con gái, giữa nàng dâu và mẹ chồng? Đó là vì Chúa muốn cắt đứt mọi sự bằng sự đau khổ, mâu thuẫn, để chúng ta có sự gắn bó, gần gũi và có đời sống thân mật với Chúa.
Câu chuyện của các thánh cho thấy Chúa dùng sự đau khổ để bóc, lột, tách biệt các Ngài ra khỏi những cái vụn vặt của trần gian, và làm lợi cho các linh hồn của các ngài.
-Thánh Gioan Thánh giá bị chính các anh em trong dòng nhốt dưới hầm sâu, Ngài chết cũng vì căn bịnh buồn sầu, thiếu thốn.
-Có ba nhà thần học gia nổi tiếng là có tư tưởng cấp tiến vào đầu thế kỷ bị Đức Giáo Hoàng yêu cầu các Ngài hãy đi vào các tu viện mà không sách vở. Các ngài vẫn yêu mến. Nhưng sau đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II phục hồi danh dự cho các Ngài. Các Ngài đón nhận tước Hồng Y nhưng không nhận chức Giám mục. Không phải là Chúa ghét bỏ, nhưng Chúa muồn dùng đau khổ để cho chúng ta được thanh thoát, dù cho ta là nhà Thần học, nhà Triết học, nhà kinh tài, là tông đồ của Chúa, nhưng đối với Chúa, chúng ta không là gì. Đối với Chúa, Chúa chỉ cần nói một lời thì mọi sự từ hư vô có vũ trụ.
-Trong các mục vụ của chúng tôi, có những người dành thì giờ để đi làm việc thiện nguyện với chúng tôi, nhưng tôi vẫn thường nói với họ:
“Quý vị chỉ nên đi làm việc với chúng tôi trong một số giờ giấc nào đó, vì người vợ trẻ vẫn cần chồng, con gái cần cha, vì có thể các bạn sẽ vong thân, mất mạng.”
-Tôi cảm nghiệm rằng mối tương quan giữa Chúa và linh hồn mình là quan trọng nhất. Còn về tình cảm con người thì có khi vợ là thập giá của chồng hay ngược lại, con cái là thập giá của cha mẹ hay ngược lại. Tôi biết có một phụ nữ nổi tiếng, con cháu đầy đàn. Trước đây hai cậu cháu đều yêu thương chị. Rồi chị lấy người cháu, có 3 con với anh ta. Nay chị bỏ người chồng để lấy người cậu. Nếu gặp người yếu lòng tin, người ta sẽ hỏi: “Chúa ở đâu mà để đau khổ xẩy ra như vậy?”
Tôi có một ước mơ bình thường là có được một nơi tử tế để cho các bịnh nhân SIDA nằm chết, nhưng có những lúc tôi không có chỗ cho họ nằm, nên đành phải để họ nằm chết ở lề đường.
Tôi nhớ lại có một lần kia, khi trời mưa tầm tã, tôi cùng với một nam tu sĩ và một nữ tu sĩ đi lang thang, sống bụi đời. Tình cờ chúng tôi gặp một ông già nằm lăn lóc dưới hàng ghế chờ xe buýt. Thật ra anh ta chỉ mới cỡ chừng 30, 40 tuổi, nhưng anh già trước tuổi. Mình mẩy anh ta đầy ghẻ lở, hôi thối. Tôi hỏi anh ta có đạo không? Trong cơn mê sảng, anh ta đưa tay làm dấu. Tôi mừng quá ban phép giải tội cho anh ta rồi phải biến ngay vì khi anh ta chết mà mình đứng lảng vảng, là sẽ bị công an làm khó dễ.
Ở vùng quận 8 Sàigòn có những hầm cầu là nơi trú ngụ của các bạn trẻ bị nhiễm HIV. Họ sống nương tựa bên nhau. Vi nhà của họ là hầm cầu, bờ kênh nên chúng tôi đến những nơi ấy để dậy cho họ cách phải nói và làm những gì khi mà người bạn hấp hối hay chết. Vi nhóm phục vụ của chúng tôi ít người, không đủ người để phục vụ các bịnh nhân.
Có một anh trước đó đi lễ nhưng anh ta mệt quá, nằm chết dọc đường. Đôi khi các người bạn muốn báo cáo là có người chết thì cũng phải nói là:
“Tôi thấy một người nằm đó lâu rồi!”
Nói xong thì phải chạy nếu không muốn rắc rối. Thực tế, khi có người bạn chết mà những người còn lại báo cáo thì họ sợ chính quyền đến dọn dẹp chỗ ấy, thì đồng thời lại làm cho những người kia mất nơi trú ngụ.
-Có một bịnh nhân SIDA đi lễ hàng tuần. Trong Thánh lễ, anh ta hứa sẽ trở về với Chúa, nhưng sau Thánh lễ, anh ta xin tôi:
”Cha ơi, con xin cha cho con 50 ngàn VN để con về quê chào mẹ con, và con lên lại đây để chết với cha. “
Khi tôi đồng ý cho anh ta 50 ngàn VN thì anh ta lại năn nỉ tiếp:
”Cha ơi, con bịnh nên yếu lắm, xin cha cho thằng bạn của con 50 ngàn nữa để nó đi phụ giúp con.”
Tôi cũng đồng ý cho thêm 50 ngàn VN nữa, Tôi nói:
”Ừ, ăn đi, lát nữa cha cho!”
Lần này, anh chàng lại năn nỉ tiếp:
”Cha ơi, chúng con còn phải đi đò vô trong xa nữa, xin cha cho con thêm 50 ngàn nữa!”
Thế là tôi xuất tỉền cho anh ta 150 ngàn VN , rồi hai người đi về quê được 1 tuần. Sau đó tôi được biết anh ta nằm chờ chết trong bịnh viện Chơ Quán. Khi tôi vào thăm thì anh ta có đầy đờm rãi, máu me đầy người, mồm miệng lở loét, hôi thối, có nầm trong miệng. Tôi phải ‘chọi” Chúa Thánh Thể vào miệng của anh ta. Tôi nghiệp Chúa quá, tôi cho anh ta rước Chúa mà giống như tôi nhốt Chúa vào cái chuồng heo, chuồng lợn, có phân hôi thối.
Tôi nghĩ một lời tha tội của Thừa Tác Viên linh mục rất quan trọng. Chúa nói: “Tội con đỏ như son, nhưng ơn Chúa tha thứ cũng làm cho linh hồn người ta trắng tinh.”
Hình bóng tình yêu người mẹ là hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa, như hình ảnh bà thánh Monica và thánh Augustino, hay như hình ảnh Đức Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu.
Khi tôi đau khổ, tôi lần Chuỗi Mân Côi, miệng đọc, lòng suy, nhưng có lúc đau khổ quá, tay tôi cầm tràng hạt mà vân vê vì không đọc nối.
Năm 1975, khi đất nước đổi chủ, gia đình tôi gồm ba tôi, anh tôi và tôi đi về quê làm rẫy, chính tôi thấy người ta làm xiên tre thật nhọn để xiên thấu một người sĩ quan tù trốn trại cải tạo, rồi họ nhốt người trốn tù ấy trong cái cũi ba ngày ba đêm, mẹ anh và vợ anh ở gần đó, biết mà không dám đến nhận anh.
Nhiều khi đau khổ quá, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ Maria để xin một chút can đảm của Mẹ khi Mẹ đứng dưới cây thánh giá Chúa. Lúc quân dữ lấy mũi đòng mà thọc vào nương long của Chúa, đâm thấu tim, máu và nước của Thánh Tâm Chúa đổ ra. Mẹ chứng kiến cái chết Con Mẹ mà Mẹ còn sống nổi. Mẹ vẫn đứng thẳng, mà lại còn nâng đỡ cho Maria Madalena và Gioan. Cuộc đời Mẹ Maria là một chặng đàng thánh giá mà Giáo Hội đã tuyên tín Mẹ là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc, cùng với Chúa Giêsu.”
LM Phạm Đăng Quang, Kim Hà ghi chép, NGÀY 4/9/2006
|