CN 199: CẢM NGHIỆM VỀ VIỆC TRUYỀN GIÁO (6)
Bài chia sẻ thứ 6 của LM Phạm Đăng Quang, Tu Hội Chúa Giêsu, Sàigòn, VN:
I. Thăm người Công Giáo ở Miên (Cambodia):
Rất nhiều người Công Giáo VN ở trên Miên rất khổ. Tôi đã lên tới Miên để chôn nhiều người Việt tại đó. Những người Việt muốn qua Miên để làm ăn sinh sống thì họ chỉ cần cần đóng 25 đô và 80 ngàn đồng VN là được vào đất Miên làm ăn sinh sống. Họ ở trong các hang cùng ngõ hẻm, trong những cái chòi trên dòng kênh đen xì. Tối đến, có các em gái nhỏ người VN đứng làm gáì mãi dâm khắp các nẻo đường. Trông thấy cảnh tượng ấy, tôi cảm thấy thật là đau lòng xót dạ.
Có một anh đứng đầu một họ đạo ở Miên lái xe về VN. Anh nói với tôi:
”Xin cha ở lại và dâng Thánh lễ tiếng Việt cho chúng con và đọc Kinh thánh bằng tiếng Việt cho chúng con.”
Đức Giám Mục sở tại là người Pháp, ngài không cho dâng Thánh lễ bằng tiếng Việt mà bắt phải làm lễ bằng tiếng Miên. Ngài có cách thức làm việc như người Pháp thực dân. Tôi có trình bày với cha Giovanni, bí thư của Đức Giáo Hoàng đương kim về vấn đề này. Cha Giovanni đồng ý, cha nói:
“Tiếng của người Miên không phải là tiếng phổ thông, tôi sẽ trình lên Đức Giáo Hoàng về việc này.”
Khi dâng lễ thì mọi người phải ngồi, có các nữ tu thuộc 5 quốc gia khác nhau cùng tham dự Thánh lễ, gồm có người Thái Lan, người Việt Nam, và những người thuộc các quốc gia khác. Tôi có nói với các sơ rằng:
‘Nếu muốn truyền giáo ở đây, các sơ phải cẩn thận vì sẽ có ngày mà đầu các sơ sẽ được đặt trên dĩa, như đầu thánh Gioan Tẩy Giả vì người Miên rất ghét người Việt Nam. Họ đã từng “cáp duồn”, nghĩa là chặt đầu những người Việt Nam. Giáo Hội Việt Nam có hơn ba trăm ngàn người lấy cái chết để tuyên xưng đức tin. Nhưng xin các chị nhớ rằng chúng tôi cùng đồng hành với các chị.”
Khi chúng tôi trở về Việt Nam, có nhiều giáo dân Việt ở Miên cứ hỏi tôi một câu:
”Cha ơi, chừng nào cha qua với chúng con nữa?”
Tôi không biết trả lời ra sao vì tôi có quá nhiều công tác: nào là bịnh nhân SIDA thời kỳ cuối, bịnh nhân cùi, trẻ mồ côi, giáo điểm truyền giáo ở Tây Ninh, nay lại thêm người Việt ở Miên nữa. Tôi dự định mỗi năm tôi sẽ qua bên ấy ít nhất khoảng hai tháng, vào mùa hè. Ít ra có một niềm vui len lỏi vào các xóm lều ấy. Sau đó, tôi mua Thánh Kinh, mỗi cuốn 15 ngàn đồng VN để gửi cho bà con Việt Kiều ở Nam Vang, và ở Battambang, thuộc nước Cambodia. Ở Battambang có một linh mục người gốc Việt Nam. Ngài về Việt Nam chôn cất mẹ ngài, tôi cũng đồng tế trong Thánh lễ. Cha ấy rất cảm động.
Khi có người Việt đi buôn, tôi gửi Thánh Kinh, và quần áo cũ lên cho dân chúng trên ấy. Người Việt chúng ta có hạnh phúc khi được phục vụ Chúa qua những người nghèo. Các anh chị em ở Hoa Kỳ nay cũng trở thành những nhà truyền giáo. Tôi có dịp đi qua những nơi có nhiều người Mỹ đen, họ không nhà, không thực phẩm, không quần áo.
II. Giúp đỡ, rửa tội và chôn cất các bịnh nhân SIDA:
Khi Cha Giovanni đến Việt Nam, nhờ Thiên Chúa quan phòng nên tôi có thể đưa cha đi rửa tội cho các bịnh nhân SIDA, dâng lễ cho họ, thăm trại cùi, và các trẻ mồ côi. Ngài bảo:
“Công việc của cha và các thầy là chuẩn bị cho nước Trời, là đưa người trần gian vào Thiên Quốc. Việc làm này rất cần cho Giáo Hội và thế giới ngày nay. Cha và các cộng tác viên của cha thật là có phúc. Nếu ở mặt đất này không có người nghèo thì chúng ta phải chui xuống lòng đất mà phục vụ họ.”
Thật ra, việc truyền giáo không đòi hỏi hao tốn nhiều tiền của. Chì cần 50 ngàn đồng Việt Nam là ta có thể giúp cho họ mua sữa, gạo, hay kem đánh răng và đưa họ vào nước Trời, về với Chúa.
Có em bịnh nhân nói với tôi:
‘Cha à, con thương Phật lắm, ngài giống như ông địa, cười hiền khô. Con không bỏ Phật mà theo Chúa được.”
Tôi giải thích cho em:
“Con không phải bỏ Phật vì ngài là bậc đại thánh, một tạo vật của Chúa. Ngài cho rằng mình chỉ là một ngón tay chỉ mặt trăng. Không phải là mặt trăng thì không có ánh sáng. Có một thanh niên hỏi một vị sư rằng:
”Phật lớn hơn Chúa Giêsu hay Chúa Giêsu lớn hơn Phật?”
Vị sư đáp:
”Chúa Giêsu lớn hơn Phật, vì Phật là ngón tay chỉ mặt trăng, còn Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và là Sự Sống.”
Tôi còn nói thêm với các bịnh nhân SIDA rằng:
“Các con theo Chúa nhưng vẫn cần phải học ở nơi Phật là có đức từ bi và hỷ xả.”
Thế là các em nói:
”Đã quá! Thôi cha rửa tội cho con đi!”
Khi tôi rửa tội cho các em xong thì các em chết. Thật ra, các em chẳng hiểu gì về giáo lý Phật mà cũng chẳng hiểu gì về giáo lý của Chúa. Vì thế, tôi phải giải thích cho họ biết.
III. Cộng tác viên trong mục vụ giúp người trẻ bị Sida:
Tôi có 5 nhóm thiện nguyện viên giúp tôi trong các mục vụ thăm viếng, rửa tội, và chon cất các người chết, đó là các nhóm sau đây: nhóm sinh viên Công giáo, nhóm bác sĩ; nhóm tu sĩ nam nữ gồm quý thầy và quý sơ; nhóm các người lớn tuổi, trong đó có các bà cố (mẹ của các cha, các sơ, các thầy); nhóm các bà mẹ có con chết vì bịnh SIDA mà chúng tôi đã chôn cất cho con họ. Họ cảm kích nên trở thành cộng tác viên của chúng tôi.
Có nhiều thầy tu sĩ thiện nguyện thích làm việc với các bịnh nhân SIDA một cách say mê. IV. Những trường hợp đặc biệt:
1. Có một gia đình cùng trở lại với Chúa sau khi chúng tôi chôn cất một người con của họ bị bịnh HIV/SIDA.
2. Một bà cụ 95 tuổi có cháu nội chết vì SIDA, bà cụ rất sáng suốt và minh mẫn. Chúng tôi chôn cất cho cháu nội bà, nên bà rất cảm động, nhưng bà không chịu theo Chúa. Gia đình bà thuộc giới quý tộc, quen biết nhiều linh mục nổi tiếng của các Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, Dòng Phanxicô… Các con bà thì có một nửa theo Công giáo, một nửa theo Phật giáo. Mổi lần tới thăm, tôi thường hỏi xem bà có muốn theo Chúa không thì bà cứ lần lữa mãi. Tôi nghĩ:
”Thôi thì để cho các linh mục nổi tiếng rửa tội cho bà.”
Đến ngày 22 tháng 12 năm 2005, gia đình bà cụ mời tôi đến vì mẹ của họ đã làm mệt rồi. Khi tôi hỏi bà có muốn theo Chúa không thì bà chịu theo. Tôi rửa tội cho bà vì bà sắp bị hôn mê.
3. Tôi cảm nhận rằng Chúa yêu thương những người khốn cùng, đầu đường, lạc lối. Trước khi tôi đi Mỹ khoảng hai tuần, thì có một người đảng viên cao cấp đau nặng. Ông bà ấy đã bỏ Chúa để gia nhập đảng hơn 60 năm trước. Ông có cấp bậc rất lớn trong chính quyền. Vậy mà tôi được gia đình mời đến để giúp ông với các bí tích sau cùng. Tôi đã phải chất vấn hai vợ chồng trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ, vì khi ông bà từ bỏ đạo để theo đảng thì họ có nghi thức từ bỏ đạo với đầy đủ ý thức của họ. Tôi giải thích cho họ hiểu là tôi phải hỏi kỹ thì khi ban các bí tích mới có hiệu năng. Tôi giải tội và tha vạ cho cả hai ông bà. Trong lúc ấy các y tá cứ ra vào nhìn qua cửa sổ nhỏ để canh chừng. Họ có 5 người con trí thức, nhưng không có đạo. Khi tôi vừa ban các nhiệm tích xong thì ông ta đứng tim chết. Ông cũng đã ráng đợi chờ tôi vì tôi rất bận nên chậm đến thăm ông.
4. Có những khi tôi vào tận cơ quan Thanh Niên nhà nước để rửa tội cho các người trẻ SIDA đang chờ chết. Có khi tôi vừa đến, ban phép thêm sức xong thì hai đồng tử của em ấy đứng lại, không kịp rước Thánh Thể Chúa.
5. Những khi tôi đến thăm các bịnh nhân SIDA, tôi phải ngồi xuống xoa lưng, xoa đầu, làm quen với em. Có khi phải bá vai, bá cổ, tiếp xúc thân mật, nói chuyện tâm tình với em thì mới có thể dắt em ấy về với Chúa được. Nếu sau này, nếu các anh chị nghe tin tôi bị bịnh SIDA chết thì các anh chị biết lý do tại sao rồi. Cũng có lúc tôi phải đeo khẩu trang, cũng có lúc ngồi cùng hướng với em để hơi thở và vi trùng của em không phà vào mình được, vì vào giai đoạn cuối, hai lá phổi của bịnh nhân bị rách nát hết.
6. Có một em khi tôi vuốt tay, vuốt chân, xoa lưng cho em xong và ban các nhiệm tích cuối cho em thì em cứ chắp hai tay nằm yên từ 2 giờ chiều đến 2 giờ khuya thì chết.
7. Có một em ngoại giáo khi được rửa tội xong thì hấp hối, em cứ bắt mọi người đọc kinh cho em không ngừng nghỉ đến nỗi ai cũng mệt. Khi mọi người đọc kinh xong thì em cũng vừa chết.
8. Có nhiều em khác vào cuối đời, em không yêu cầu cho em ăn uống gì cả, nhưng chỉ thích người ta đọc kinh, cầu nguyện cho em.
9. Tôi có tiếp xúc với Đức Hồng Y Mẫn và hai Đức Giám Mục ở Mỹ về, tôi cũng tham dự các buổi hội thảo Y Tế, có khi có đến 400 người hay 600 người. Với tình cách là linh mục tuyên uý linh hướng, tôi nói với các bác sĩ và y tá rằng:
“Bịnh nhân của quý vị còn có thể khỏe, còn bịnh nhân của tôi chỉ còn là những hũ tro mà thôi.
V. Mong ước được thực hiện:
Tôi mong ước có một miếng đất ở Sàigòn để lập một cái đài để mang tất cả những hũ tro của các bịnh nhân nhiễm SIDA từ các chùa chiền về để tập trung lại một nơi mà tưởng nhớ các linh hồn ấy.”
LM Phạm Đăng Quang, Kim Hà ghi chép 4/9/06
|