CN 195: NHỮNG CÁI CHẾT THẢM THƯƠNG CỦA BỊNH NHÂN SIDA (2)
(Đây là bài chia sẻ thứ hai được phát thanh trong Giờ Của Mẹ/Tin Yêu(GTY) số 253, ngày 3 tháng 9 năm 2006. Xin quý vị đón nghe và yểm trợ cho LM Phạm Đăng Quang và Tu Hội Chúa Giêsu của cha Quang ở Việt Nam).
Sau đây là lời chia sẻ của LM Phạn Đăng Quang với Radio Giờ Của Mẹ /Tin Yêu:
“Mỗi một bịnh nhân Sida ở giai đoạn cuối cùng và chết đi, thì đó là những khúc ruột bị đứt đoạn của chúng tôi. Bởi vì những bịnh nhân SIDA ở giai đoạn cuối đều bị gia đình bỏ rơi, xã hội loại trừ. Nhưng chúng tôi nhìn những bịnh nhân anh chị em của chúng tôi đó, những người bị căn bịnh của thế kỷ, như một Chúa Giêsu Ki Tô tử giá bị bỏ rơi trên thập giá. Trên đỉnh cao của thập giá, Chúa Giêsu đã phải la to lên:
“Lạy Cha, lạy Cha, nhân sao Cha nỡ bỏ con?”
Tôi xin kể những câu chuyện rất thương tâm như sau:
1. Một em gái trước khi chết, nằm dưới đất, đôi mắt em mở thao láo, nhưng em không nhìn thấy gì cả, vì em bị di chứng của căn bịnh SIDA giai đoạn cuối làm cho em bị mù. Tôi hỏi em:
‘Con ơi, trước khi chết, con có trối trăn gì cho cha không?”
Đôi mắt mù của em nhìn vào khoảng không mênh mông, bao la, vô tận rồi em nói:
“Thưa cha, xin cha cho con của con, (là một đứa bé 2 tuổi rưỡi, khi sinh ra bị lây bịnh của mẹ qua cái nhau thai) được chết theo con. Vì khi con chết sẽ không ai lo lắng cho con của con.”
Tôi an ủi em:
‘Con ơi, cha chúc con ra đi bình an nhé và cha hứa nuôi con của con.”
Nói xong, đôi mắt tôi trào dâng dòng lệ vì tôi biết rằng tôi chỉ có thể nuôi cháu được một năm hay vài ba năm thì cháu cũng sẽ chết vì căn bịnh thế kỷ ấy. Cháu bé nhiễm bịnh, bị suy giảm tính miễn nhiễm, tính kháng thể yếu, cháu cũng sẽ chóng vánh trở về với cát bụi.
Tôi phải nuôi nhiều trường hợp như thế:
2. Một chị có hai đứa con, Chị bị nhiễm bịnh SIDA và chết, để lại hai người con. Hai con của chị sống với bà ngoại, bà cụ bị cụt hai chân lên quá đầu gối. Bà phải ngồi xe lăn để đi bán vé số. Thỉnh thoảng, chúng tôi chia sẻ một ít gạo, mì gói, ít sữa quá hạn, và một ít tiền để nuôi các em. Chúng tôi muốn hai em nhỏ lớn lên, được sống trong tình yêu thương của bà ngoại.
3. Mới đây, chúng tôi được diễm phúc đón một vị linh mục từ Vatican, Rôma đến viếng thăm các mục vụ âm thẩm, nhỏ bé của chúng tôi. Ngài tên là LM Giovanni, là một trong các bí thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và Đức Giáo Hoàng đương kim. Tôi xin ngài và một linh mục khác rửa tội cho hai người bị SIDA. Một trong hai người ấy, sau khi được rửa tội được 2 tiếng đồng hồ thì anh chết. Trên đường về, Cha Giovanni nhận xét như sau:
“Những người bịnh nhân SIDA được rửa tội vào giờ chót thì cũng giống như những người thắng giải túc cầu vào phút thứ 89. Không cần biết ta đá như thế nào, miễn là ta lọt vào “gôn” là được rồi. Những ai thắng cú banh vào phút đầu tiên cũng ngon, mà những ai thắng trái phạt đền như người Ý chúng tôi cũng ngon. Những bịnh nhân được cha rửa tội vào Thiên Đàng vào phút thứ 89 của trận túc cầu. Họ cũng giống như người trộm lành ở bên phải của Chúa Giêsu. Cả đời anh ta ăn trộm, mà khi chết anh cũng được ăn trộm Thiên Đàng, chỉ vì anh đã nhận biết và cầu xin với Chúa Giêsu:
”Lạy Ngài khi Ngài về nước của Ngài, xin nhớ đến tôi.”
Chúng tôi kêu mời các anh chị em bịnh nhân trực diện cái chết, chúng tôi giúp đỡ họ để họ có một lòng sám hối, ăn năn chân thành về tội lỗi của mình, vì chỉ có ai thật lòng ăn năn và thống hối thì mới có thể lãnh nhận lòng thương xót của Chúa. Chúng tôi cảm nghiệm rất rõ, Thiên Chúa thương xót con người vô cùng, Ngài kiên nhẫn chờ đợi những tội nhân trở về với Ngài.
4. Một lần kia, khi tôi vừa rửa tội cho một em bị SIDA gần chết thì tôi phải chạy vội đến một mái chòi mà 2/3 căn chòi ấy chỉa ra sông lạch, bờ kênh . Nơi đó, có một em gái bị bịnh SIDA. Em có hai đứa con nhỏ. Tôi vửa rửa tội và ban bí tích Thêm sức cho em thì hai đồng tử của em đứng lại. Chúa gọi em về với Ngài.
Chúng ta tin rằng khi nhận bí tích rửa tội thì Chúa tha thứ hết mọi tội chung và mọi tội riêng, nghỉa là tội của nguyên tổ và tội cá nhân. Chúng tôi cảm nghiệm được Lời Chúa nói: “Bạn đĩ điếm, trộm cướp sẽ vào nước Trời sớm hơn những người Pharisiêu.” Vì họ là những người tưởng rằng mình đạo đức, tài cao đức cả mà không có lòng tha thứ, không có lòng từ tâm, không có lòng trắc ẩn.
Những câu chuyện của các bịnh nhân SIDA là động lực giúp chúng tôi dấn bước đi tới, chúng tôi cảm tạ Chúa vì như LM Giovanni đã nói:
”Nếu trên mặt đất này không có những người nghèo khổ, khốn cùng thì chúng ta phải chui xuống dưới đất để đi tìm, yêu thương và phục vụ ho.”
Mẹ Têrêsa Calcutta đã chẳng nói với chúng ta rằng:
“Người nghèo cho chúng ta nhiều hơn những gì mà chúng ta cho họ. Họ cho chúng ta những bài học về tha thứ, yêu thương và chia sẻ.”
Quả thật, họ chia sẻ với nhau từng mẩu bánh mì, từng viên thuốc, kể cả thuốc estasy (một loại cần sa). Họ dạy nhiều bài học lớn cho mỗi người chúng ta. Xin Đức Trinh Nữ cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng ta biết hàng ngày tạ ơn Chúa và biết ơn Ngài vì những gì Chúa dã ban cho chúng ta, dù chúng ta bất xứng.
Xin cám ơn quý thính giả Radio Giờ Của Mẹ.
Suy niệm: Giờ Của Mẹ xin gửi đến quý vị một bài thơ mà LM Truơng Đình Hiền đã sưu tập đề xin Mẹ Maria ban muôn ơn lành cho tất cả chúng ta và nhất là những bịnh nhân đau khổ và bị bỏ rơi của chúng ta:
Xin Mẹ dạy con cầu nguyện
Con muốn kết thúc những chia sẻ nầy bằng một lời kinh đẹp của một thiếu nữ Hoa Kỳ ở New York : Cô Mary Dixon Thayer. Lạy Mẹ Tuyệt Mĩ Xin dạy con cầu nguyện ! Con trai nhỏ của Mẹ Là Thiên Chúa.
Xin Mẹ dạy con phải nói gì với Người !
Đôi khi Mẹ lại chẳng êm vui
Bế Người trên gối Mẹ ? Mẹ cũng từng ru Người ngủ Như má ru con chứ ? Tối đến Mẹ có cầm tay Người ?:
Mẹ có luôn tìm cách Kể chuyện cho Người nghe ? Và Người có khóc không ? Mẹ có nghĩ Người bằng lòng
Nếu con thỏ thẻ chuyện nầy chuyện nọ, Những chuyện bâng quơ xảy ra không ? Mà nếu con nói nhỏ quá Người có nghe thấy không ?
Lúc nầy đây Người có hiểu con nói gì ? Mẹ biết rồi, nối cho con biết đi ! Lạy Mẹ tuyệt mĩ mặc áo màu xanh, Xin dạy con cầu nguyện !
Con trai nhỏ của Mẹ là Thiên Chúa Và Mẹ biết phải làm thế nào rồi.
Kim Hà 28/8/2006
|