CN 188: ĐAU KHỔ LÀM CHO TÊRÊSA AVILA NÊN THÁNH
Trích tác phẩm: Thánh Têrêsa Avila, tác giả: René Fulop-Miller
Lời nói đầu: Nhận thấy những lời sau đây có thể an ủi những người đau khổ, bệnh tật nên chúng tôi xin được trích ra một đoạn trong tác phẩm này để riêng tặng những ai cảm thấy gánh nặng của cuộc đời đang làm cho họ chán nản và mất lòng trông cậy. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn lành hồn xác trên quý vị.
“…Một thời gian sau, bịnh cũ tái phát, rồi trở đi trở lại nhiều lần, lần nào cũng đột ngột không kịp trở tay. Têrêsa biết rằng mình đã trở thành nạn nhân của một chứng bệnh quái ác.
Thế nhưng đó chính là khởi đầu cho cuộc đời thánh thiện của cô. Những đau đớn của cô tiên báo một niềm hoan lạc đẹp vô cùng sau này. Têrêsa phải đau khổ trước khi trở thành người ưu tuyển của Thiên Chúa.
Tưa như trong những quá trình tự nhiên ở cấp thấp hơn, những sự chuyển động dữ dội dưới đất là điềm tiên báo núi lửa sắp phun; sóng thần phải trào ra trước khi thu về, người phụ nữ phải banh da xé thịt mới sinh nở được.
Cũng thế, theo đúng định luật huyền bí đó,
những cơn co giật của cơ thể thường là khởi đầu cho những thay đổi đột ngột về mặt tâm linh, đánh dấu một hình thái mới của cuộc sống bắt đầu. Sự yếu kém về thể lực tựa như cơn sóng của sự sống con người đang rút đi để cơn sóng của Thiên Chúa đổ tới.
Trong cuộc đời thánh thiện và phàm tục, sự thánh thiện và vĩ đại của con người thường đến sau những cơn đau và vất vả của người trong cuộc.
Thi hào Novalis đã từng nói:
”Bệnh tật không phải là khởi đầu của tinh hoa con người đó sao?”
Cũng như Têrêsa, cậu con trai phóng túng và ăn chơi của thương gia Giovani Bernadone đã nhờ bệnh tật mà thoát khỏi những vướng mắc trần tục và trờ thành “người nghèo của Thiên Chúa”, trở thành thánh Phanxicô Assisi.
Hiệp sĩ Inigo Onez, vốn là người đã dâng cả đời cho vòng danh lợi trần gian. Khi nằm trên giường dưỡng bệnh đã nhận ra những tham vọng trần gian thật vô nghĩa và đã đổi những mục tiêu trần tục của mình để lấy những mục tiêu cao cả cho đời mình, nhờ đó trở thành thánh Inhaxiô Lôlôya.
Cũng như Têrêsa, nhiều vị thánh đã chuẩn bị hành trang ngay trong đêm tối khôn dò của bệnh tật và đau khổ, tìm ra con đường sáng để đi tới vinh quang thượng giới.
Tông đồ Phaolô, người đã từng thấy Chúa trong một thị kiến, cũng bị bệnh tật hành hạ như một “mũi gai đâm vào da thịt”. Một cơn bệnh đột ngột đã quật ngã Saulô, kẻ bách hại các Ki Tô Hữu trên đường đi Đamát. Chúa đã hiện ra trước mặt ông. Mắt mù hẳn đi, ông phải nằm lại ở một quán trọ bên đường. Rồi ánh sáng như vọt ra từ trong con người ông, và gã Saulô mù lòa đó đã trở thành một Phaolô sáng suốt.
Thánh Hildegard ở Bringen, vị tiền bối của Têrêsa về mặt tâm linh, sống vào thế kỷ 12, đã có lần viết:
“Hầu như suốt đời, tôi đã chiến đấu chống lại những thị kiến của Chúa gởi đến cho tôi, mãi đến khi Thiên Chúa trừng phạt bằng cách quật ngã tôi xuống giường. Lúc đó, vì đau đớn quá, tôi bắt đầu viết, và khi công bố thị kiến ấy cho người khác, tôi đã lấy lại sức lực và chỗi dậy được khỏi giường bệnh.”
Đối với nhiều ngôn sứ lớn, nhiều nhà cải cách và sáng lập tôn giáo, đau khổ và vất vả dường như là một món quà lớn mà Thiên Chúa ban cho họ.
Như Môhamét, vị ngôn sứ đã chinh phục trời cao cho đám người vô tín ngưỡng, đã chịu đau khổ như Têrêsa suốt cả đời với chứng bệnh động kinh.
Thế nhưng những gì bắt đầu như một tai họa không thể chịu nổi, thì cuối cùng lại biến thành nguồn phúc, và từ đó, cứ mỗi lần lên cơn động kinh, ông lại thấy như được Thiên Chúa cho thêm những mặc khải mới và ân sủng mới.
Trường hợp của Cromwell, Luther và nhiều vị khác nữa cũng tương tự như vậy. Trong những thời đại quan niệm chỉ có một sự vĩ đại là vĩ đại trong đức tin thì bệnh tật sẽ sinh ra những vị thánh, những vị ngôn sứ và sáng lập tôn giáo. Con trong những thời đại cho rằng sự vĩ đại nhất là vĩ đại trong nghệ thuật và khoa học thì kết quả của bệnh tật thường là những thiên tài về nghệ thuật và khoa học.
Đau khổ gây ra căng thẳng cực độ, và sự căng thẳng ấy có thể được thư giãn cho chùng xuống tạo thành những tác phẩm sáng tạo; bệnh tật hoạt động như một kích thích gây đau đớn, chẳng khác nào hạt cát được đưa vào bụng sò để tạo ra chung quanh nó một viên ngọc trai.
Theo thi sĩ Alfred de Musset thì bệnh tật là nguồn cảm hứng. Heine, một người đã sống nhiều năm trong thời kỳ sáng tác không khác gì một thi hài còn sống trong mộ, cũng coi bệnh tật là động lực đầu tiên làm thành các công trình sáng tạo.
Sức mạnh sáng tạo của đau khổ được thấy rõ trong cuộc đời của rất nhiều nhà sáng tác, và tập tiểu sử của vĩ nhân nào hầu như cũng luận bàn đến mối quan hệ giữa đau khổ và thành tích đạt được.
Tập “Pensées” của Pascal là kết qủa của một thời kỳ đen tối bị bệnh tật hành hạ không ngừng. Phía sau những song cửa sổ, giữa những cơn hành hạ quái ác của bệnh tật và những giấc hôn mê dài, Auguste Comte đã ngồi thảo ra bố cục tư tưởng tuyệt vời của mình trong tập “Positive Philosophy” (Triết Lý Tích Cực).
Trong một lá thư viết cho anh mình, họa sĩ Vincent Van Gogh nói:
”Càng suy sụp, càng bệnh tật và yếu đi, tôi càng trở thành một họa sĩ lớn, vì qua những cơn bệnh đó, tôi mới thu lượm được ý tưởng cho vô số tác phẩm của mình.”
Mà quả thật, trong trường hợp của Van Gogh, bệnh tật đúng là kích thích tố biến ông từ một nhà chuyên sao chép tranh Millet trở thành thiên tài của hội họa hiện đại.
Cũng nhờ một chứng bệnh tương tự như Têrêsa mà Dostoevski đã có được sức mạnh để sáng tác ra những tác phẩm vĩ đại. Nếu đọc kỹ tiểu sử bệnh tình và sáng tác của ông, người ta có thể lầm tưởng đó là tiểu sử bệnh tình và sự thánh thiện của Têrêsa.
Văn hào Dostoevski viết:
”Một chứng bệnh lạ kỳ không thể chịu nổi luôn luôn hành hạ tôi. Tôi thường cảm thấy mình sắp chết thật: một cơn bệnh bao giờ cũng kết thúc bằng tình trạng hôn mê.”
Dù Dostoevski đã bị những cơn bệnh này hành hạ suốt cuộc đời, ông vẫn tin rằng có một sức mạnh sáng tạo tiềm tàng trong những cơn bệnh đó, có thể gọi là”chứng bệnh thiêng liêng”.
“Những lúc đó, tôi cảm thấy như trời cao đổ xuống đất để nhai nuốt tôi. Quý vị là những người khoẻ mạnh, quý vị không thể nào hiểu được cảm giác hoan lạc do chứng bệnh ấy mang lại. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả những thú vui trên đời để đổi lấy sự hoan lạc ấy, dù chỉ trong giây phút.”
SUY NIỆM:
Trong Phúc Âm, Bải Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đã phán qua Tám Mối Phúc Thật:
‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5:5).
Xin Chúa Giêsu Bị Đóng Đinh ban cho chúng ta tình yêu vô điều kiện của Ngài! để chúng ta kết hợp sự đau khổ của mình với Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Ki Tô, hầu đền tội cho chính mình và cho thế giới.
Kim Hà 22/8/2006 (Lễ Mừng Đức Mẹ Maria Nữ Vương)
|