Tháng Mân Côi, Ngày Mồng Bốn
Ý nghĩa Kinh Kính Mừng
Ðọc Kinh Kính Mừng để ngợi khen, tôn vinh, đền đáp tình yêu Thiên Chúa.
Khi Mẹ Maria dạy nhân loại đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta mới thấy rõ sự khiêm nhường của Mẹ lớn làm sao! Mẹ không dạy nhân loại ca tụng Thánh Danh Mẹ, mà Mẹ đã dạy nhân loại ngợi khen, chúc tụng, tôn vinh cùng đền đáp tình yêu Thiên Chúa đã yêu dấu chúng ta thế nào, khi Ngôi Hai Nhập Thể. Sự ca ngợi cùng đền đáp tình yêu Thiên Chúa không mang lại vinh quanh cho Chúa, mà kéo ân sủng tình yêu cùng sự thứ tha của Chúa xuống cho nhân loại. Thế nên tại sao Mẹ lại dạy loài người chúng ta phải siêng năng lần hạt Mân Côi? Thiên Chúa cảm động xiết bao khi thấy nhân loại luôn ngợi khen cùng đền tạ tình yêu của Người trong mọi giây phút. Thiên Chúa nhân từ, Người sẽ lại tuôn đổ tình yêu hơn nữa, cùng thứ tha cho loài người án công thẳng đã ra.
Siêng năng lần hạt là năng ngợi khen Thiên Chúa để kéo ơn tha thứ xuống cho nhân loại.
Mẹ Maria đã ẩn dấu Mẹ đi để chỉ nghĩ đến phần rỗi nhân loại trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa Cha, nên Mẹ đã khẩn thiết kêu nài loài người phải siêng năng ngợi khen cùng nhận biết tình yêu của Thiên Chúa yêu dấu loài người, hầu ơn tha thứ được đến với tất cả nhân loại, nếu tất cả chúng ta đều thực thi mệnh lệnh Mẹ Thiên Chúa ban ra. (S. Ð. D. trang 60)
Giai Thoại
Ðức Mẹ Nằm Vạ
Ðệ tử là biệt danh khiêm tón của đấng Ðáng Kính Gioan Hêrôn (Jean Herold), Dòng Thuyết Giáo.
Trong bài giảng 161 ngài kể lại mẫu chuyện cảm động sau đây:
Một ông kia đã lập gia đình và sống trong tội lỗi. Vợ đương sự rất đạo đức, ngày đêm năn nỉ chàng dứt bỏ đàng tà. Chàng coi như pha. Nàng cố gắng van xin mãi, ít nhất là trong thảm trạng đó, chàng trung thành với một việc sùng kính nào đối với Ðức Trinh Nữ Maria. Nàng yêu cầu: "Thôi, anh nể tình em, chỉ đọc một Kinh Kính Mừng mỗi lần anh đi qua tượng ảnh Ðức Mẹ". Anh chàng chấp nhận.
Một đêm kia, trên đường truy hoan, chàng thấy xa xa một ánh sáng. Chàng đến gần và nhận ra là một cây đèn thắp trước một bức tượng Ðức Mẹ bồng Chúa Con. Chàng đọc Kinh Kính Mừng như thông lệ.
Nhưng chàng thấy gì? Chúa Hài Ðồng tràn đầy những thương tích thê thảm và dầm dề máu chảy.
Khiếp sợ và cảm kích nghĩ là chính mình, bởi tội lỗi mình gây nên thương tích cho Ðấng Cứu Chuộc, chàng khóc nức nở.
Nhưng kìa, Chúa Hài Nhi quay mặt đi không nhìn chàng. Tội nhân hết sức thẹn thùng, ngỏ lời cùng Ðức Trinh Nữ: "Hỡi Mẹ nhân hậu, Con Mẹ từ khước con. Con chạy đến cùng Mẹ là Mẹ Ngài và là Ðấng biện hộ quyền phép vô song mà cũng nhân hậu vô cùng nữa. Vậy xin Mẹ hãy giúp con, cầu bầu cùng Chúa cho con."
Ðức Mẹ liền đáp: "À, các người tội nhân , các người gọi ta là Mẹ nhân hậu, nhưng các người không ngừng làm cho ta trở thành một người Mẹ đau khổ khi tái diễn tấn Thương Khó của Con Ta và khổ não cho chính Ta nữa."
Tuy nhiên, Mẹ Maria không thể để anh ấy trở về mà không được an ủi. Anh đã chào Mẹ bằng Kinh Mân Côi khi vừa quì dưới chân Mẹ, Mẹ quay về phía Chúa Giêsu để xin tha thứ.
Ðức Trinh Nữ để Chúa nằm trong khám và quì xuống nói với Ngài: "Con ơi, Mẹ quì mãi dưới chân Con cho đến khi nào Con tha thứ cho tội nhân nầy, Mẹ mới đứng dậy..."
Chúa thưa: "Thưa Mẹ, Con không thể từ chối sự gì với Mẹ. Mẹ muốn Con tha cho nó? Thế thì Con tha vì yêu mến Mẹ. Xin Mẹ bảo nó đến hôn các thương tích của Con."
Phạm nhân bước tới, giàn giụa nước mắt, và hôn đến đâu thương tích Chúa biến tan đến đó.
Sau cùng, Chúa ôm chàng để tỏ dấu thứ tha.
Hoàn toàn đổi mới, tội nhân từ đó sống như một vị Thánh và mỗi ngày đọc hằng ngàn hằng vạn Kinh Mân Côi để tạ ơn Mẹ.
Lời Nguyện
Lạy Mẹ Mân Côi, nếu hằng ngày con không đọc được hằng ngàn, hằng vạn Kinh Kính Mừng, ít nữa xin cho con nhớ đọc 50 Kinh, 100 Kinh, để con biết nguyện xin như Rabindranath Tagore:
"Hồn tôi ơi, sao ngươi mất dần kiên nhẫn? Ðấng canh giữ chim trời, dã thú và côn trùng, Ðấng đã chăm sóc ngươi còn trong lòng Mẹ, làm sao Ngài không bảo vệ ngươi một khi ngươi đã chào đời".
|