§17 - PHẦN BỊ QUÊN LÃNG CỦA SÁCH NGHI THỨC
Nhiều năm đã trôi qua kể từ khi kết thúc Công Đồng Vaticanô II. Tất cả các phần trong sách nghi thức đã được sửa lại theo những hướng dẫn của Công Đồng. Chỉ có một phần duy nhất vẫn còn bị niêm phong với bảng hiệu "Vấn đề còn đang nghiên cứu", phần này liên quan đến việc trừ quỷ. Thực sự chúng ta có học thuyết của Kinh Thánh, thần học, và quyền giáo huấn của Giáo Hội. Ở một chỗ khác, tôi đã bàn kỹ về một số bản văn của Công Đồng Vaticanô II. Tôi sẽ không nhắc lại ba bài phát biểu của Đức Phaolô VI và mười tám bài của Đức Gioan Phaolô II về chủ đề này. Tôi sẽ tự giới hạn vào một câu trích từ bài của Đức Phaolô VI ban hành ngày 15.11.1972: "Phàm ai chối không nhận có ma quỷ thật thì cũng chối Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội. Cũng là như thế những ai cho rằng thực tại này phát nguồn tự nó chứ không phát xuất từ Thiên Chúa như mọi thụ tạo khác, và bất cứ ai cố gắng cắt nghĩa nó như là thực tại giả hiệu, như là hiện thân có tính tưởng tượng và khái niệm của tất cả mọi nguyên nhân chưa biết của các bệnh tật nơi chúng ta." Sau đó Ngài còn nói thêm: "Chương nói về ma quỷ, và về những ảnh hưởng mà chúng có thể gây nên trên từng cá nhân, các cộng đoàn, trên toàn xã hội hoặc trên các biến cố, là một chương rất quan trọng trong học thuyết của Giáo Hội. Chúng ta cần phải duyệt lại và học tập về nó; bất hạnh thay, ngày nay thực tế nó bị lãng quên."
Ngày nay, đối với nhiều linh mục, những lời của Kinh Thánh, truyền thống, và Huấn quyền về chủ đề này bị rơi vào quên lãng. Đức giám mục Balducci viết rất đúng rằng: "Tốt biết bao nếu quần chúng biết được loại khủng hoảng nào mà ngày nay Giáo Hội đang phải đương đầu, ít là về mặt học thuyết?" (Il diavolo [Piemme], p. 163). Tôi đã nói rằng nhiều trong số các bản viết của tôi là tranh luận với các nhà thần học, các giám mục, và các nhà trừ quỷ. Việc tranh luận không thành vấn đề, nhưng là việc đem sự thật ra ánh sáng. Cơn khủng hoảng này không chỉ về học thuyết; mà còn về cả mục vụ nữa. Tức là, nó liên quan đến các giám mục không chịu bổ nhiệm các nhà trừ quỷ và các linh mục lại chẳng tin vào chức vụ này chút nào nữa. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm, nhưng ngày nay ma quỷ hành hạ người ta quá chừng, và khi các nạn nhân đi tìm một nhà trừ quỷ, họ vấp phải cái bảng hiệu thông thường: "Vấn đề còn đang nghiên cứu".
Tôi sẽ bắt đầu với các nhà thần học. Tôi xin nêu ra nhà thần học Luigi Sartori, một vị danh tiếng và đã được trích dẫn. Ông viết: "Có lẽ một số trong các cuộc chữa bệnh của Chúa Giêsu liên quan đến những người bịnh ảnh hưởng bởi những xáo trộn về thần kinh hơn là bởi quỷ ám thực sự." Đây là một lời ám chỉ thuộc loại tồi tệ nhất, và rất sai lầm. Phúc Âm luôn luôn phân biệt giữa việc chữa lành bệnh với việc giải thoát khỏi ma quỷ, cũng như rõ rằng có sự khác nhau giữa quyền năng mà Chúa Giêsu ban cho để chữa bệnh và quyền năng Chúa ban để trừ quỷ. Các thánh ký không thể nêu tên chuyên môn của một số bệnh, nhưng các ngài có đầy đủ khả năng phân biệt khi đụng phải một căn bệnh và khi đụng phải trường hợp quỷ ám. Chính Luigi Sartori chứ không phải các thánh ký là người không thể phân biệt được giữa hai trường hợp đó. Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản rằng trong các hoạt động của Đức Kitô có việc trừ quỷ. Khi bảy mươi hai môn đệ muốn tổng kết lại các kết quả của sứ mạng của họ sau khi họ được Chúa Giêsu sai đi rao giảng cứ hai người một, thì họ hân hoan kể ra một điều, và chỉ một điều thôi: "Lạy Chúa, nhân danh Chúa cả đến ma quỷ cũng phải tùng phục chúng con!" và Chúa Giêsu trả lời: "Thày đã thấy Satan như tia chớp từ trời sa xuống" (Lc 10, l-18). Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng Luigi Sartori kết luận bài viết của mình với những lời khẳng định: "Chúa Giêsu, nghệ nhân kỳ diệu đã phô diễn trên hết sức mạnh của tình yêu; Ngài đã xây dựng những mối tương quan cảm thông lẫn nhau; đó là lý do tại sao Ngài đã có thể làm những phép lạ, chứ không phải là vì Ngài sở hữu những quyền năng bí mật thần thiêng như một phù thuỷ" (Famiglia Cristiana, số 19, 10.5.1989). Không, hỡi nhà thần học thân mến, Chúa Giêsu không đi tìm sự cảm thông, và cũng không sở hữu những quyền năng bí mật của một phù thủy. Ngài sở hữu quyền toàn năng của Thiên Chúa, và với những hành động của Ngài, Ngài đã chứng tỏ rằng Ngài là Thiên Chúa. "Sự phân biệt tinh tế nhưng quan trọng này" không còn thấy nơi những thần học gia hiện đại nữa.
Một nhà thần học khác, Luigi Lorenzetti. Một cách hào hiệp ông thừa nhận rằng "người tín hữu không thể nào tuyệt đối phủ nhận rằng trong một số trường hợp xảy ra có một sự liên quan nào đó với ma quỷ"; nhưng ông ta lại thêm ngay rằng: "Thật là khó, đúng hơn là không thể xác định chắc chắn khi nào một sự hiện diện như thế xảy ra trong những trường hợp cụ thể". Nếu điều này là không thể, thì những cuộc giải thoát được Chúa Giêsu thực hiện cũng như những cuộc giải thoát do các tông đồ làm được, cũng không thể tin được. Và tiếp theo là quyền năng trừ quỷ mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo Hội của Ngài cũng vô ích và các qui tắc Giáo Hội hướng dẫn trừ quỷ cũng vô dụng, và các nhà trừ quỷ cũng thế. Không, hỡi nhà thần học thân mến, việc xác định những trường hợp cụ thể có sự hiện diện của ma quỷ là điều không thể đối với bạn và đối với các thần học gia giống như bạn, bởi vì các bạn tuyệt đối chẳng có kinh nghiệm gì trong lãnh vực này. Do đó, các bạn rất dễ dàng đi đến kết luận: "Nói chung, chúng ta không sai lầm nếu chúng ta lấy lối cắt nghĩa theo khoa học tự nhiên thay cho lối cắt nghĩa theo ma thuật quỷ quái" (Famiglia Cristiana, số 39, 5.10.1988). Điều này thì cũng giống như nói rằng tôi tin có ma quỷ trên lý thuyết, bởi vì tôi không muốn bị tố cáo là lạc giáo, nhưng trên bình diện thực tế tôi không tin, vì trên bình diện thực tế, tôi chỉ tin vào khoa học tự nhiên. Nếu đây là lối suy nghĩ của các thần học gia uy tín, thì các linh mục bình thường có thể tin cái gì? Hàng ngày tôi có thể sờ thấy được những hậu quả của sự không tin này. Đôi khi những thần học gia này đã xếp các cuộc trừ quỷ vào cùng một loại với những sự lường gạt tinh vi do những người muốn làm tiền dễ dàng và nhanh chóng thực hiện trên đám quần chúng nhẹ dạ. Tôi xin kể thí dụ về một vị mục tử ở Palermo, Sicily, cha Salvatore Caione, người đã được trích dẫn trong Famiglia Cristiana (số 6, 8.2.1989). Với đầu đề "Bùa ngải không hiện hữu", ngài đã phê phán mọi thứ là bịp bợm và đặt mọi người trên cùng một bình diện: những người bỏ bùa, những tay bói bài và các nhà trừ quỷ - bất kể những nhà trừ quỷ đã được các giám mục chuẩn nhận theo đúng Giáo luật. Thực ra chắc chắn cũng có nhiều người để cho mình bị lừa; tuy nhiên, (không phải là nhờ những sai lầm ấy mà chúng tôi truyền đạt điều chân thật) việc chúng tôi giảng dạy chân lý thì không thể lầm lạc được. Đó là những điều tinh tế vuột khỏi
|