3 - QUI TÂM KITÔ
Ma quỷ là một trong những thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nói về ma quỷ và về sự trừ quỷ mà không trước hết đề cập đến một số yếu tố căn bản về kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không nói điều gì mới mẻ, nhưng có thể trình bày một cái nhìn mới.
Tất cả chúng ta thường có quan niệm sai lầm về sáng tạo, và chúng ta hiển nhiên chấp nhận trình tự sai lầm về các sự kiện. Chúng ta tin rằng ngày xưa Thiên Chúa đã sáng tạo ra các thiên thần; rằng Ngài đặt họ trước cơn thử thách, mặc dù chúng ta không biết chắc cơn thử thách ấy như thế nào; và rằng kết cục chúng ta phân chia họ thành thiên thần và ma quỷ. Các thiên thần được thưởng lên thiên đàng, và ma quỷ bị phạt xuống hỏa ngục. Rồi chúng ta tin rằng một ngày khác Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ, khoáng vật, thực vật, động vật và sau cùng là loài người. Nơi vườn địa đàng, Adam Eva đã nghe lời Satan và bất tùng phục Thiên Chúa; do đó, họ đã phạm tội. Lúc đó để cứu nhân loại, Thiên Chúa đã quyết định sai con của Ngài xuống thế.
Đây không phải là điều Kinh Thánh dạy, cũng không phải giáo huấn của các giáo phụ. Nếu vậy, các thiên thần và sự sáng tạo vẫn còn xa lạ với mầu nhiệm Đức Kitô. Nếu chúng ta đọc trong Tiền Ngôn của Phúc Âm Gioan và hai bản thánh ca Kitô học mở đầu cho các bức thư Ephêsô và Côlosê, chúng ta thấy Đức Kitô là "Trưởng tử trong các thụ tạo" (Cl 1,15). Mọi sự được tạo thành nhờ Ngài và đang trông đợi Ngài.
Thần học không bàn cãi chuyện Đức Kitô được sinh ra có mắc tội Adam hay không. Đức Kitô là tâm điểm của công cuộc sáng tạo; toàn thể các thụ tạo, cả trên thiên đàng (các thiên thần) lẫn dưới trần gian (loài người) đều tìm thấy nơi Ngài cùng đích của mình. Mặt khác, chúng ta có thể khẳng định rằng, xét về tội của tổ tông chúng ta, việc Đức Kitô đến, được coi như đóng một vai trò đặc biệt: Ngài đến như Đấng Cứu Độ. Cốt lõi của hành vi của Ngài được chứa đựng trong mầu nhiệm vượt qua: nhờ Máu của Ngài đổ ra trên Thánh giá, Ngài đã giao hòa mọi vật trên trời (các thiên thần), dưới đất (loài người) với Thiên Chúa. Vai trò của mỗi thụ tạo tùy thuộc vào quan niệm qui tâm Kitô (christocentric understanding).
Chúng ta không thể bỏ qua mối suy tư về Đức Trinh Nữ Maria. Nếu trưởng tử trong các thụ tạo là Ngôi lời trở thành nhục thể, thì Mẹ, Đấng rất có ý nghĩa trong cuộc Nhập thể cũng phải được Thiên Chúa nghĩ đến trước mọi thụ tạo khác. Từ đó nảy sinh mối tương quan độc đáo của Đức Maria với Chúa Ba Ngôi.
Chúng ta cũng phải lưu tâm đến ảnh hưởng của Đức Kitô trên các thiên thần và ma quỷ. Trong chuyện liên quan đến các thiên thần, một số thần học gia tin rằng các thiên thần chỉ đạt được phúc hưởng kiến Thiên Chúa nhờ mầu nhiệm Thánh giá. Chẳng hạn thánh Athanasiô viết rằng các thiên thần được ơn Cứu Độ nhờ Máu Chúa Kitô. Các Phúc Âm cho chúng ta nhiều bằng chứng liên quan đến ma quỷ, và chứng minh rõ ràng rằng Chúa Kitô đã đánh bại vương quốc Satan nhờ cây Thánh giá và Ngài đã thiết lập vương quốc của Thiên Chúa. Những tên quỷ nhập vào người đàn ông ở Gerasenô đã kêu lên rằng: Lạy con Thiên Chúa, chúng tôi có liên quan gì với Ngài? Ngài đã đến để tiêu diệt chúng tôi trước thời gian của chúng tôi?" (Mt 8, 29). Đây là một điểm tham khảo rõ ràng về sự kiện quyền hành của Satan đã dần dần bị Đức Kitô phá vỡ. Do đó, quyền lực của Satan vẫn hiện hữu và sẽ còn tiếp tục hiện hữu cho tới khi sự Cứu Độ chúng ta được hoàn tất" (Kh 12,10). Để biết thêm về vai trò của Đức Maria, kẻ thù của Satan ngay từ khi ơn cứu độ được loan báo, chúng ta có thể tham khảo trong tác phẩm rất hay của Cha Candido Amantini: "Il mistero di Maria" (Naples: Dehoniane, 1971).
Nếu nhìn mọi sự dưới ánh sáng qui tâm Kitô, chúng ta có thể nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi sự "nhờ Đức Kitô và hướng về Đức Kitô". Và chúng ta có thể nhìn thấy những hành động của Satan, tên kẻ thù, tên cám dỗ, tên tố cáo. Vì chước cám dỗ của nó mà sự dữ, đau khổ, tội lỗi, và sự chết đã đột nhập vào thế gian. Chính trong bối cảnh đó mà chúng ta có thể nhìn thấy sự khôi phục kế hoạch của Thiên Chúa. kế hoạch mà Đức Kitô đã thực hiện nhờ giá máu của Ngài.
Trong bối cảnh này, chúng ta biết được quyền lực của ma quỷ. Chúa Giêsu gọi hắn là "ông hoàng của thế gian này" (Ga 12, 31; 14,30; 16,11). Thánh Gioan khẳng định rằng "Toàn thể thế giới đều nằm dưới quyền lực ác thần" (1Ga 5, 19); qua từ "thế gian" Thánh Gioan muốn nói mọi sự đều đối nghịch với Thiên Chúa. Satan đã từng là một thần sáng láng nhất trong các thiên thần; hắn đã trở nên ác độc nhất trong các ma quỷ và làm thủ lãnh chúng. Các ma quỷ vẫn còn bị ràng buộc chặt chẽ về phẩm trật đã được ban cho chúng khi chúng còn là thiên thần: ngai thần, quản thần, lãnh thần, uy thần (Cl 1, 16). Tuy nhiên, trong khi các thiên thần, với Thánh Micae làm thủ lãnh, được ràng buộc bởi phẩm trật của tình yêu, thì ma quỷ phải sống dưới lề luật nô lệ.
Chúng ta cũng biết hành động của Đức Kitô, Đấng đã đánh tan nước Satan và thiết lập vương quốc Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao các trường hợp Đức Kitô trừ quỷ cho những người bị quỷ nhập là đặc biệt quan trọng. Khi thánh Phêrô dạy cho Cornelius về Đức Kitô, thánh nhân không nêu ra bất cứ phép lạ nào ngoài sự kiện là Chúa đã chữa lành "tất cả những người bị quỷ nhập" (Cv 10, 38). Do đó, chúng ta hiểu ra tại sao năng quyền đầu tiên mà Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ là quyền trừ quỷ (Mt 10,1). Chúng ta có thể nói tương tự cho tất cả những người tin: "Những người tin sẽ được các dấu lạ này: nhân danh Thầy họ sẽ trừ quỷ" (Mt 16,17). Như vậy Chúa Giêsu đã chữa lành và tái lập kế hoạch thần linh đã bị tàn phá do sự bất tuân của một số thần dữ và của tổ tông chúng ta. Chúng ta cần phải làm sáng tỏ vấn đề này: sự dữ, đau khổ, sự chết, và hỏa ngục (tức là hình phạt muôn đời trong nỗi đau đớn tột cùng) không phải là những việc Thiên Chúa làm, tôi muốn triển khai điểm này. Một hôm cha Candido trừ một tên quỷ. Cho đến phút chót của một cuộc trừ quỷ, ngài quay sang phía thần dữ và nói với nó cách mỉa mai: "Cút khỏi đây ngay. Đức Chúa đã chuẩn bị cho mi một chỗ đẹp lắm, một căn nhà rực lửa!" Bấy giờ quỷ trả lời: "Ông không biết gì cả! Nào có phải Thiên Chúa là Đấng làm nên hỏa ngục đâu. Chính là chúng tôi đấy. Lúc ấy Ngài còn chưa từng nghĩ đến đó." Tương tự, vào một dịp khác, trong khi tôi đang chất vấn một tên quỷ để biết xem nó có góp phần tạo nên hỏa ngục hay không, nó đã trả lời: "Tất cả chúng tôi đều cộng tác vào."
Tính chất qui tâm Kitô trong kế hoạch sáng tạo và sự phục hồi kế hoạch đó nhờ việc cứu chuộc là nền tảng để hiểu biết kế hoạch của Thiên Chúa và sự tận thế. Các thiên thần và loài người đã lãnh nhận một bản tính có trí năng và sự tự do. Khi tôi nghe những người lầm lẫn giữa sự tiền định và sự quan phòng của Thiên Chúa, nói rằng Thiên Chúa đã biết trước ai sẽ được cứu chuộc và ai sẽ bị trầm luân, và do đó mọi việc chúng ta làm đều vô ích, tôi thường trả lời bằng bốn chân lý mà Kinh Thánh đã nói cho chúng ta: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi; không ai bị tiền định phải vào hỏa ngục; Chúa Giêsu đã chịu chết cho mọi người; và mọi người đều được ban đầy đủ ân sủng để được cứu rỗi.
Tính chất qui tâm Kitô dạy chúng ta rằng chúng ta có thể được cứu rỗi chỉ nhờ danh của Ngài. Chỉ nhờ danh Ngài mà chúng ta có thể chiến thắng và tự giải thoát khỏi kẻ thù của ơn cứu độ là Satan. Vào những phút chót của những cuộc trừ quỷ quá gay go, lúc mà tôi phải đương đầu với toàn thể sức mạnh xâm lấn của ma quỷ, tôi đọc bài thánh ca Kitô học trong thư Thánh Phaolô gửi Philip (2, 6-11). Khi tôi đọc đến những từ "Sao cho mọi tạo vật trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quì gối xuống trước danh Giêsu", thì tôi quì, mọi người có mặt cũng luôn luôn quì theo, và người bị quỷ nhập cũng bị cưỡng bức phải quì. Đó là khoảnh khắc cảm động và đầy quyền uy. Tôi luôn luôn cảm thấy tất cả các cơ binh thiên thần đang bao quanh chúng tôi, cũng quì gối trước danh xưng Giêsu.
|