CN 157: CẦU NGUYỆN SỐT SẮNG CHO CÁC LINH HỒN HẤP HỐI
Lúc các linh hồn đang hấp hối là giây phút quan trọng nhất trong đời sống họ. Vì đó là lúc họ chuẩn bị ra trước Tòa Phán Xét của Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo và cũng là Quan Án của mỗi người để Ngài định đoạt số phận đời đời của họ. Vì thế, ở Việt Nam ngày trước, thường có những nhóm cầu nguyện đến bên giường của bệnh nhân để cùng cầu nguyện hầu “cướp” các linh hồn ấy ra khỏi tay ma quỷ và đem họ về với Thiên Chúa, và cũng là để nài van Thiên Chúa thương xót mà tha thứ cho các lỗi lầm của người hấp hối. Người ta luân phiên nhau đọc kinh Mân Côi, nay có thêm kinh Lòng Thương Xót Chúa cho các linh hồn sắp chết. Và đó là việc làm rất tốt, đáng ngợi khen và đáng được duy trì nhất.
Còn gì quan trọng hơn là khi một linh hồn đang bước ra khỏi cõi đời trần gian ô trọc và đang run rẩy trước Tòa Chúa mà được nhiều người khẩn thiết cầu bầu cho họ trong giây phút quyết định ấy? Nhờ đó, Ðức Mẹ Maria, Cha Thánh Giuse và tất cả các Thánh Thiên Thần, các Thánh và các linh hồn cùng cầu bầu cho linh hồn ấy.
Thật là vô ích khi ca ngợi và tán dương người chết mà lại không biết cầu nguyện cho linh hồn người ấy. Nhất là khi những lời ca tụng ấy chỉ là những lời nói nịnh hót suông, dối trá và vô ích để nhờ đó, người nói tự ca tụng và giới thiệu chính bản thân của mình.
Vì ý thức tầm quan trọng của sự hấp hối nên nhóm chúng tôi thường rủ nhau đến nhà riêng hay nhà thương để cầu nguyện cho các linh hồn lương giáo. Nếu gia đình họ cho phép thì chúng tôi rửa tội cho họ. Còn nếu họ là người có đạo thì chúng tôi cầu nguyện cho họ được ơn chết lành. Trong những lúc ấy, chúng tôi cảm thấy lòng vui mừng vì có dịp giúp đỡ thiết thực cho các linh hồn hấp hối. Xin kể một số trường hợp điển hình như sau:
1. RỬA TỘI VÀ CẦU BẦU CHO LINH HỒN NGOẠI GIÁO:
Năm 1997, nhóm chúng tôi gồm hơn 10 người đến nhà thương để cầu nguyện nhiều lần cho anh Trần Ðại Lộc. Anh là người ngoại giáo, và không ai bảo ai, hai nhóm khác nhau đến cầu nguyện và rửa tội cho anh. Thế là sau đó mới biết anh được rửa tội hai lần và mang hai tên Thánh: Thánh Micae và Thánh Gioan Baotixita.
Lần cuối cùng, khi chúng tôi tụ họp lại để đọc kinh Mân Côi Mầu Nhiệm Năm Sự Mừng cho anh Lộc thì anh đã mê man, hơi thở anh nặng nhọc, anh thở rất lớn. Khi chúng tôi đọc đến Mầu Nhiệm Thứ Tư: “Ðức Chúa Trời cho Ðức Mẹ Lên Trời”, thì lập tức, anh Lộc ngừng thở, im bặt, làm cho cả nhóm giật mình ngừng lại và biết rằng anh đã đi vào cõi khác. Anh Lộc kể như là người hạnh phúc nhất vì anh chết trong lúc chúng tôi xin cho anh được ơn chết lành trong tay Ðức Mẹ. Hai tay của anh còn cầm cây thánh giá mà chúng tôi tặng anh làm hành trang lên đường.
2. CẦU NGUYỆN VÀ DÂNG THÁNH LỄ TIỄN ÐƯA CHO LINH HỒN NGAY TRONG KHI HẤP HỐI VÀ KHI VỪA CHẾT.
Vào khoảng năm 1998, khi bác Trịnh Kính trong phong trào Cursillo hấp hối thì ngay lúc ấy, vợ của bác kêu điện thoại cho nhóm chúng tôi đến bên giường bác để đọc nhiều lần và liên tiếp Kinh Lòng Thương Xót Chúa để tiễn chân bác. Khi đọc kinh ấy nửa chừng thì bác ra đi. Chúng tôi tiếp tục quỳ đọc kinh để cầu bầu cho linh hồn bác khi bác đang đến Tòa Phán Xét của Chúa.
Một điều rất đáng phục là vợ của bác tỏ ra rất bình tĩnh khi bác trai qua đời. Bà cùng đọc kinh chung với chúng tôi. Sau đó, bà xin vi linh mục dâng một Thánh Lễ cầu hồn cho bác ngay trong nhà, khi xác của bác còn nằêm đó. Tôi cho rằng đó là việc làm rất khôn ngoan của bác Kính gái. Thật là vô ích khi khóc than và thương tiếc người chết, làm cho linh hồn ấy luyến tiếc, không siêu thoát, mà không biết giúp đỡ phần hồn cho họ.
3. QUA ÐỜI KHI THÂN NHÂN ÐANG ÐỌC KINH CẦU NGUYỆN.
Khi ba của Cô Yến hấp hối, chúng tôi khuyến khích các con cháu của ông hãy luân phiên nhau đọc kinh, cầu nguyện để đưa tiễn và cầu bầu cho ông. Ông rất may mắn vì vị linh mục đến kịp thời để ban các phép bí tích cuối cho ông. Và khi các con cháu, em út và người quen đang đọc kinh cho ông thì ông trút hơi thở cuối cùng. Ðó là một phúc lành lớn lao cho những ai được người khác cầu nguyện khi mình sắp chết. Không phải ai cũng được diễm phúc ấy, nhiều khi người hấp hối có con cái đông đảo nhưng vẫn chết trong cô đơn, vì giờ ấy không có ai bên cạnh để an ủi và cầu nguyện cho.
4. CHẾT TRONG SƯ HIỆN DIỆN ÐÔNG ÐỦ VÀ LỜI CẦU NGUYỆN.
Ông Nguyễn Hậu Lộc là người bạn của chúng tôi. Khi ông đau gan nặng thì nhóm chúng tôi đã cầu nguyện cho ông. Ðến giờ ông chết thì vợ con tụ họp đông đủ và đang cầu nguyện, còn chúng tôi đang trên đường đến và đang đọc kinh cho ông trên xe.
5. CHẾT TRONG LỜI CẦU NGUYỆN CỦA MỌI NGƯỜI:
Một hôm, tôi nhận được cú điện thoại của người quen mời đi đọc kinh cho người hấp hối. Thế là chúng tôi vội vàng chạy xe đến viện dưỡng lão để đọc kinh cho bà cụ ấy. Vì vào buổi tối mùa đông mà viện dưỡng lão ấy ở xa và không phải là viện dưỡng lão quen nên chúng tôi vừa đọc kinh, vừa tìm đường. Khi đến nơi thì linh hồn bà cụ vừa mới ra đi. Thế là nhóm chúng tôi và thêm một nhóm khác cùng qùy đọc kinh cho bà ngay bên cạnh xác chết của bà.
Tộâi nghiệp, bà cụ không có con mà chỉ có cháu gái. Cô này vì lý do nào đó, đã không chịu cho quan tài người dì của cô vào nhà thờ để dâng Thánh lễ cầu hồn và tiễn chân cho bà cụ. Sau này, hỏi ra mới biết, bà cụ có về Việt Nam làm đám cưới với một ông cụ cũng ở Mỹ, gần nhà bà. Ông cụ này và các con của ông là người rất giàu và là người Công giáo. Thế mà, ông cụ này không chịu lo việc tang lễ cầu hồn cho bà vợ mới của mình. Có phải người già, cô đơn lập gia đình là để nhờ cậy nhau lúc bịnh hoạn và chết chóc không? Thật là đáng thương cho linh hồn ấy.
Nói tóm lại, xin quý vị vì lòng bác ái, hãy chịu khó cầu nguyện cho các linh hồn hấp hối vì như vậy, may ra Chúa thương, đến khi chính bản thân mình hấp hối thì cũng sẽ có người cầu nguyện cho mình.
Kim Hà 25/7/2006
|