BÀI 2: CHAY TỊNH
Trích Maranatha #75
Mùa Chay thường nhắc nhở chúng ta những điều căn bản sống tinh thần Mùa Chay: cầu nguyện - ăn chay – kiêng thịt. Giáo Luật dạy chúng ta thì có lẽ chẳng ai để ý nhiều, nhưng người Công giáo chúng ta thường lớn lên với giáo lý bất thành văn được truyền từ thời ông bà cha mẹ: ăn chay một năm hai lần, thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh; còn kiêng thịt là không ăn thịt vào các ngày thứ sáu trong Mùa Chay, đơn giản thế thôi. Ăn chay là ăn một bữa no, hai bữa còn lại ăn đói một chút, hoặc chỉ một bữa đói thôi, trong ngày không ăn vặt. Khi tiếp xúc với người ngoài Công giáo, như anh chị em bên Phật giáo hay Hồi giáo, người Công giáo mới thấy luật ăn chay kiêng thịt của đạo mình sao mà dễ dàng quá; thậm chí nếu phải kể ra luật ăn chay kiêng thịt của mình cũng cảm thấy hơi mắc cở vì quá đơn giản. Chính vì thế mà dần dần ngay chính người Công giáo cũng không ý thức được ý nghĩa của việc ăn chay kiêng thịt của mình, và do đó dễ có tâm lý coi thường hoặc dễ dàng quên mà không thấy áy náy. Hơn nữa, chắc ai cũng có tâm trạng vào mỗi ngày thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh, chúng ta lại dễ bị “cám dỗ” thèm miếng thịt, mở gói kẹo…ngày thứ sáu kiêng thịt thì lại tìm “hải sản” thay vào.
Hồi còn nhỏ, khi bắt đầu có trí khôn, được cha mẹ dạy bảo luật ăn chay kiêng thịt trước khi đến nhà thờ học giáo lý, tôi nhớ bố tôi thường hay kể lại câu chuyện ngày xưa cụ sống với các cha truyền giáo Tây Ban Nha. Những cha mang đầu óc thực dân ở đâu không biết, nhưng ông cụ thường kể chuyện biết được một linh mục có tên Việt nam là Llobera Yên, rất thương người Việt vì thấy họ vất vả quá. Cha đã nhiều lần tâm sự với ông thân sinh như sau: “Nếu cha mà là Đức Giáo Hoàng, thì cha sẽ không bắt người Việt nam phải ăn chay kiêng thịt, vì người Việt nam đã ăn chay kiêng thịt quanh năm rồi!” Câu chuyện xảy ra đã lâu, vị linh mục khả kính và cụ thân sinh đã quá vãng, thời cuộc cũng thay đổi nhiều, nhưng thực ra người đau khổ nghèo đói thì đời nào cũng có, và việc ăn chay kiêng thịt không chỉ mang ý nghĩa đơn sơ là ăn đói một bữa, và không ăn thịt ngày cấm đâu? Giáo Hội phải có lý do gì nhắc nhở chúng ta hơn trong mùa Chay chứ? Nhớ lại chuyện một năm gần đây, khi đi dự Đại Hội Giáo Lý hàng năm tổ chức tại Anaheim, California, Đức Hồng Y Roger Mahony, tổng giám mục của Tổng Giáo Phận Los Angeles trong bài giảng có kể câu chuyện về chính ngài. Đại Hội Giáo Lý thường tổ chức vào một cuối tuần trong Mùa Chay. Chuyện xảy ra vào buổi sáng khai mạc ngày thứ sáu, khi ĐHY đang dùng điểm tâm, thì có một tham dự viên dẫn một em bé vào ngồi gần đó. Ngài thấy khó chịu, vì Đại Hội Giáo Lý là dành cho người lớn, cho các giáo lý viên, các cha các thầy, các Sơ; có con nít vào đây chỉ gây thêm phiền hà lộn xộn. Đang khó chịu, thì đứa bé lại chỉ tay vào ngài, và hỏi mẹ: “Mẹ ơi, ông kia có phải là ông cha không?” Bà mẹ trả lời, “Đúng rồi, con.” Cậu bé tiếp lời, “Thế sao ông ấy không kiêng thịt hả mẹ, hôm nay thứ sáu mà…” “Give me a break!” “Để yên cho tôi, được không nào!” Đức Hồng Y phải thốt lên, nghẹn đi và không ăn nổi tiếp bữa ăn sáng, vì chính ngài cũng bận rộn với qua nhiều việc trong Đại Hội và quên mình đang ăn thịt vào ngày thứ sáu mùa Chay!
Kể lại những chuyện trên đây, chỉ muốn chia sẻ những kinh nghiệm đã qua, chúng tôi không muốn hàm ý và khuyến khích quý độc giả thân thương cứ việc ăn thịt vào ngày Giáo Hội buộc kiêng thịt, hoặc cứ ăn no và ăn vặt vào những ngày chay. Rõ ràng chúng ta không phạm lỗi nặng khi quên ăn chay kiêng thịt, nhưng để sống ý nghĩa đích thực của việc chay kiêng của mình, đặc biệt trong những ngày còn lại trong mùa Chay, chúng ta phải có những hiểu biết và sống khác hơn về việc chay kiêng: chứ không phải kiêng thịt là đi ăn đồ biển hoặc làm những món không phải là thịt nhưng làm những món (có khi còn tốn tiền hơn nhiều) và ăn chay là giữ trọn ngặt ngày hôm đó (còn hôm truớc và hôm sau thì bù lại ăn thả dàn, no say đầy bụng!)
Nhìn vào đời sống của Chúa Giêsu, chúng ta thấy ngài bắt đầu sứ vụ bằng việc vào sa mạc ăn chay bốn mươi ngày (Mt 4:2). Nhưng sau đó, ngài đói và trong cuộc đời sứ vụ, ngài đã nhiều lần bị phê phán là người mê ăn uống, chơi với phường tội lỗi (Lc 7:34). Rồi khi các môn đệ của thánh Gioan hỏi tại sao các môn đệ Chúa không ăn chay, ngài đã trả lời, “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mt 9: 15). Chúng ta có thể rút ra một kết luận là việc ăn chay mang tâm tình, hình ảnh của việc đợi chờ ngày Chúa lại đến. Ăn chay là sống trong tâm tình chờ đợi chàng rể Giêsu đến lần thứ hai. Cuộc hôn nhân nhiệm màu của chú rể Giêsu và dân Thiên Chúa đã xảy ra, nhưng lại chưa trọn vẹn (here, but not yet) và thế là dân này tiếp tục chờ đợi chàng rể đến lần thứ hai, nghĩa là tiếp tục ăn chay. Ý nghĩa của chay tịnh do đó nói lên sự kết hợp huyền nhiệm và chờ đợi chàng rể, một mong ước ngày cánh chung trọn vẹn.
Việc chay tịnh kiêng cữ cũng giúp chúng ta được tự do không bị ràng buộc. Các thiền sư xưa nay đều cho rằng con người bị ràng buộc vào thân xác, do những đam mê sắc dục, tham sân si, cụ thể nhất là do miếng ăn thức uống đem lại. Ăn chay kiêng thịt không phải là điều Thiên Chúa cần hay đòi hỏi để ngài tha thứ, yêu thương. Nhưng ăn chay chính là để cho chúng ta vượt được những cám dỗ của đời sống mình để thanh thoát hơn trong đời sống mà tiến lên gần với đòi hỏi của tình yêu. Không phải chúng ta ăn chay để Chúa thương chúng ta, mà chính vì tình thương của Ngài đã giúp chúng ta chay tịnh, tức là thay đổi những đam mê xác thịt hay tinh thần của kiếp con người. Chúa đòi hỏi chúng ta từ bỏ con người của mình để theo Chúa cách đích thực hơn, “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt. 16:24). Khi con người không bị ràng buộc vào những cám dỗ đòi hỏi vật chất, con người dễ theo những tiếng gọi cho những ước vọng cao hơn. Gương sáng của Mẹ Têrêxa đã từ bỏ tất cả, kể cả nhà dòng cũ để ra đi phục vụ người cùng khổ, ban đầu với hai bàn tay trắng, chỉ tín thác vào Chúa cho chúng ta một gương gần gũì nhất. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta, “Anh chị em được kêu gọi để sống tự do, nhưng đừng sử dụng tự do để chiều theo xác thịt, nhưng dùng đức ái mà phục vụ lẫn nhau.” (Gl 5:13).
Như thế, việc ăn chay kiêng thịt sẽ mang đến một chiều kích mới, đó là dùng chay tịnh kiêng cữ để sống bác ái và đề cao công bằng. Nói theo thông thường như chúng ta thường nghe là mùa Chay chúng ta: cầu nguyện, chay tịnh và chia sẻ. Cầu nguyện như Chúa Giêsu, kết hiệp với Chúa Cha trong thinh lặng của sa mạc và chay tịnh trong một thời gian dài. Chay tịnh để nhắc nhớ đến ngày trở lại của chàng rể Giêsu, còn bố thí thì nghe có vẻ “đế quốc” quá, nên chúng ta cần hiểu đúng là chia sẻ nếp sống công bằng với anh chị em ít may mắn hơn. Bố thí không thể hiểu đơn giản là cho người nghèo một vài đồng dư, tiền lẻ giữ chật nhà. Những tiết kiệm do việc kiêng cữ mang lại, không phải là để tiêu dùng sau này, hoặc để mua sắm các món hàng đắt giá phải dành dụm. Tiết kiệm đó để cho những người nghèo khó hơn, như thánh Giáo hoàng Gregory Cả rao giảng, “Ai không cho kẻ nghèo những gì tiết kiệm do chay tịnh mang lại, mà giữ lại để dùng sau này, thì không phải là người chay tịnh cho Thiên Chúa.” Có bao giờ chúng ta ý thức rằng việc sử dụng hoang phí của chúng ta (về bất cứ điều gì), là chúng ta có trách nhiệm với những người đang thiếu thốn về chính điều đó? Nếu chúng ta ý thức rằng của cải trần thế này là của chung mọi người, thì sự kiện có người dư thừa, có người thiếu thốn đã mang mầm mống bất công do con người không biết chia sẻ mang lại? Hay chúng ta cho mình có tài năng, người nghèo tại “nó” ngu, dốt nên ráng chịu? Bạn có nghĩ là ngay cả tài năng tự nhiên hay tập luyện của chúng ta cũng là do ân sủng của Thiên Chúa? Mùa chay giúp chúng ta ý thức lại rằng ta chỉ là người giữ của Chúa ban chung cho tất cả.
Để kết luận, xin đề nghị một vài điều chay tịnh chúng ta có thể áp dụng trong Mùa Chay này:
1. Chay tịnh tâm hồn, tránh giận dữ và tức giận người khác: luôn nhớ Thiên Chúa là Tình Yêu.
2. Chay tịnh việc đoán xét người khác vì Chúa đã không xét đoán con.
3. Chay tịnh không nản lòng thất bại vì tin rằng Chúa có chương trình cho con.
4. Chay tịnh miệng lưỡi: tránh than phiền trách móc: đừng biến thành mỏ “than” Hòn Gai.
5. Chay tịnh lòng ghen tị: tránh nói xấu dèm pha người khác vì Chúa tạo dựng những con người tốt lành.
6. Chay tịnh không cay đắng phẫn uất, tìm cách tha thứ người tổn thương mình vì Chúa đã tha thứ cho con.
7. Chay tịnh buồn sầu tinh thần: sống yêu đời, phó thác vào tình thương vào quan phòng của Chúa.
8. Chay tịnh việc tiêu dùng không chính đáng: giảm tiêu dùng cụ thể (10%) và dùng tiền tiết kiệm tặng anh chị em đang gặp khó khăn hay túng thiếu.
Cầu nguyện cho tất cả chúng ta, quý độc giả và toàn thể anh chị em Mùa Chay thánh thiện, bình an trong ân sủng của Thiên Chúa là Tình Yêu, và noi gương Đức Giêsu sống tinh thần người con Thiên Chúa
(Hoài Hương)
|