X. Cuộc đời khổ hạnh
Thầy Martin quan niệm những khổ hạnh là điều cần thiết cho việc tu hành, bởi thế, suốt đời thầy đã đem hết nghị lực và lợi dụng mọi cơ hội để sửa trị xác thịt.
Các tu sĩ cũng như nhân dân trong thành đều biết nhân đức của thầy, nhưng thầy vẫn khiêm tốn coi đời khổ hạnh của thầy và các đặc ân của Chúa ban như không có gì đáng lưu tâm. Thầy không muốn phô công cuộc từ thiện bác ái của mình.
Lòng từ bi và kham khổ của thầy phát sinh bởi lòng kính mến Thiên Chúa đến tột bậc !
Cha Gaspart de Soldagna, tu viện trưởng thấy mình có bổn phận phải công bố đời khổ hạnh của thầy, ngõ hầu làm gương cho hậu thế, Ngài truyền cho thầy phải trình bày tất cả những việc làm khốn xác thịt hằng ngày mà bấy lâu nay thầy vẫn giấu giếm. Cha hỏi:
- Có thật thầy đã áp dụng lối hành xác của Thánh Đa Minh đêm nào cũng phải phạt xác 3 lần đến chảy máu ra ?
Thầy Martin ngại ngùng không muốn trả lời ngay, cha phải hỏi thêm một lần nữa, thầy mới thành thật đáp : - Vâng thưa cha, khi nào Chúa muốn, Người sẽ cho biết riêng, con chỉ xin thú thật rằng: Con đã noi gương Đấng sáng lập Dòng Đa Minh, mỗi đêm hành khổ xác thịt ba lần..
Và thầy hạ thấp giọng tha thiết: - Con đã trình bày bấy nhiêu xin Cha Bề Trên đừng hỏi con nữa.
Cha Bề Trên cảm động không dám hỏi thêm.
Những người thân thích biết đời tư thầy Martin có thuật lại rằng: sự hành khổ xác thân của thầy không phải bắt đầu từ ngày đi tu đâu, trước đây thầy đã có thói quen hành khổ xác nhiều thế, nhiều cách rất nghiêm khắc và lâu dài. Nhưng thầy đã cố giấu kín không cho ai biết. Vì thế bề ngoài người ta chỉ thấy thầy là một tín đồ nhiệt tình thờ Chúa và tận tụy an ủi, giúp đỡ những nguời đau khổ mà thôi.
Đối với thầy sự đau khổ rất có giá trị để mua chuộc lòng yêu thương của Chúa, một người bạn hỏi sao thầy hành khổ xác như thế. Thầy trả lời:
- Vì tôi nhiều tội lỗi, cần phải đầy đọa thân tôi để phạt tạ, ngõ hầu được ăn mày ơn tha thứ.
Thầy Martin chỉ ăn uống vừa đủ cho khỏi chết thôi. Cũng như các người con ngoan ngoãn của cha Thánh Đa Minh, thầy Martin thường ăn chay lâu ngày. Trong tuần Thánh, thầy chỉ dùng bánh mì và nước lã. Còn từ thứ năm đến Chúa nhật Phục sinh, thầy không ăn uống gì.
Trong tu viện các ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng được phép ăn uống như thường, nhưng thầy Martin thường chỉ ăn rau cỏ và rễ cây. Tuy ăn uống cực khổ mà thầy Martin vẫn làm việc gấp ba người lực sĩ.
Vì vâng lời, Martin phải cho cha bề trên biết mỗi đêm thầy đánh tội ba lần, cái roi mà thầy dùng làm khí cụ là một dây thừng quấn nút, hoặc cái xích sắt có mấu nhọn, thầy đánh lên vai cho đến khi máu chảy, đoạn lấy muối và dấm mà xát lên cho đau đớn thêm.
Hành khổ xác như thế chưa đủ, thầy lại còn qua phòng hội tu viện, quỳ trước tượng thánh giá, suy ngẫm sự thương khó Chúa Cứu Thế, rồi đọc kinh sửa soạn đánh đập xác một lần nữa. Quần áo thầy đã dính chặt vào các vết thương đẫm máu, thầy cởi áo ra làm cho các vết thương lại tóe máu. Lúc ấy thầy lại đánh xác thêm một lần nữa. Ôi! đau đớn dường nào, nhưng thầy Martin đã nhận nại chịu đựng và cho rằng: sự đau đớn của thầy chưa thấm vào đâu, nếu đem so sánh với những cực hình mà Chúa Cứu Thế phải chịu xưa kia.
Sau khi đã kiệt sức vì hành khổ thân xác, Thầy Martin mới ngã lưng lên cái chõng hoặc gục vào tường của một góc nhà và nghỉ ngơi cho đến rạng đông. Vừa thức dậy thầy lặng lẽ đi xuống một cái hầm, nơi đây đã có một người da đen lực lưỡng mà thầy đã mướn riêng, đợi thầy để hành hình lần thứ ba.
Thầy Martin cởi áo ra, giơ lưng và truyền người ấy phải hành động. Người cầm một cây to giơ lên cao rồi đập thật mạnh vào lưng, đập liên hồi cho đến lúc thầy Martin té xỉu mới thôi.
Đêm nào Martin cũng hành khổ xác như vậy, nhưng ban ngày thầy vẫn bình tĩnh vui vẻ, làm việc mau mắn như thường lệ.
Ngoài ra không ai ngờ rằng : người thanh niên bật thiệp, vui tươi như Martin lại mang trong mình một dây sắt, thắt ngang lưng, và trên vai một mảnh vải gai làm gỉ máu.
Bao nhiêu việc hãm mình hành xác ấy, thầy Martin đã hết sức giấu kín. Nhưng Chúa khôn ngoan vô cùng, không muốn để đèn sáng, vùi sâu dưới đất. Người muốn cho hậu thế biết đời khổ hạnh của Martin để coi đó suy nghĩ mà noi gương. Vì thế có người được mục kích những việc khổ hạnh của thầy, họ truyền tụng lại cho kẻ khác biết và thi đua kính phục thầy như thánh sống.
|