Theo Những quy luật tổng quát về Năm Phung vụ và Niên lịch, Mùa Chay là mùa chuẩn bị cử hành Lễ Phục Sinh, bắt đầu vào Thứ tư Lễ Tro và kết thúc vào Thứ bảy Tuần Thánh (tròn 40 ngày).
Như vậy năm nay Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư 25-02-2009 và kết thúc vào Thứ Bảy 11-04-2009. Sau đó là Mùa Phục Sinh từ Chúa Nhật 12-04-2009 đến Chúa Nhật Chúa Thánh Thàn hiện xuống 31-05-2009.
Màu phụng vụ trong Mùa Chay là màu tím, như một thông điệp gửi đến cộng đoàn phụng vụ những suy ngẫm về tâm tình ăn năn thống hối của các tín hữu và về Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Cao điểm của Mùa Chay là Tam nhật Thánh bao gồm:
Thứ năm Tuần Thánh (9-04-2009):
- Thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền chức.
- Thánh lễ kỷ niệm Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể (trong thánh lễ có nghi thức rửa chân nên thường được dân gian gọi là Lễ Rửa chân).
Thứ sáu Tuần Thánh (10-04-2009):
- Nghi thức tưởng niệm Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.
- Ăn chay, kiêng thịt, thực hành bác ái.
Thứ bảy Tuần Thánh (11-04-2009):
- Tưởng niệm Chúa Giêsu được an táng trong mồ.
- Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vào lúc nửa đêm với những nghi thức rất long trọng, công bố Chúa Giêsu phục sinh khải hoàn.
Những hướng dẫn cầu nguyện và sống đạo trong Mùa Chay 2009 đối với tín hữu khắp nơi và tại Việt Nam:Mùa Chay 2009 của các Kitô hữu trên khắp thế giới:
Ngay trong những ngày đầu năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã gửi cộng đồng Dân Chúa trên khắp thế giới Sứ điệp Mùa Chay (Toàn văn bản dịch đã được đăng tải trên trang web của Hội đồng Giám mục Việt Nam).
Trong sứ điệp này, Đức Thánh Cha nhắc lại ý nghĩa của Mùa Chay trong cuộc sống của người Kitô hữu: “Mùa luyện tập thiêng liêng ráo riết hơn... để chuẩn bị cho chúng ta mừng lễ Phục Sinh sốt sắng hơn và cảm nghiệm được sức mạnh của Thiên Chúa”.
Đức Thánh Cha đề nghị mọi tín hữu thực hiện những yêu cầu cụ thể của Phụng Vụ Mùa Chay: “Một lần nữa Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta ba việc thực hành sám hối rất quen thuộc với truyền thống Kinh Thánh và Kitô giáo: cầu nguyện, bố thí và chay tịnh”.
Đức Thánh Cha đã cụ thể hóa những yêu cầu của Phụng vụ Mùa Chay, bằng cách nêu ý nghĩa của việc chay tịnh, khuyến khích mọi Kitô hữu thực thi bác ái và lãnh nhận Bí tích Thống hối, suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh lễ Chúa nhật: “Tôi ước mong mọi gia đình và cộng đoàn kitô hữu sống Mùa Chay thật tốt để tránh xa tất cả những gì làm sao nhãng tâm trí và để tăng cường những gì nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc quy hướng về tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Đặc biệt tôi nghĩ cần phải tích cực hơn trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa (lectio divina), đến với Bí tích Hòa Giải và tham dự tích cực vào Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ Chúa Nhật”.
Mùa Chay 2009 của các Kitô hữu tại Việt Nam:
Chuẩn bị cho các tín hữu lãnh hội những ý nghĩa sâu xa của Mùa Chay, từ đó thăng tiến đời sống của mọi thành phần Dân Chúa, các vị mục tử của Hội Thánh tại Việt Nam đã gửi Thư Mục vụ Mùa Chay đến các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân trong giáo phận của mình.
Các Đức cha đã hiệp thông với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về tinh thần sống Mùa Chay 2009 như Sứ điệp Mùa Chay đã nêu.
Ngoài ra, các Đức cha đã hướng dẫn tinh thần sống Mùa Chay 2009 gắn với tình hình thực tế của giáo phận mình.
Có thể nêu một số nét tiêu biểu.
Trong Lá Thư Mục Tử Mùa Chay 2009, Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục TGP TPHCM kêu gọi các tín hữu trong giáo phận thực hiện những việc cụ thể, thiết thực: “(1) Trong Mùa Chay này, mỗi giáo xứ cũng như mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi hội thảo và tĩnh tâm theo chủ đề Thư Mục Vụ 2009 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đồng thời nên có những gợi ý hành động cụ thể cho việc giáo dục trong gia đình. (2) Trong suốt năm 2009, mỗi cộng đoàn dòng tu, mỗi giáo xứ, mỗi đoàn thể nên tổ chức những buổi học hỏi, khai triển, trao đổi và chia sẻ dựa trên Đề Cương của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Năm Thánh, với chủ đề: Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ. (3) Trong Mùa Chay này, tôi xin mỗi người trong anh chị em tiết giảm chi tiêu mua sắm và dành phần tiết giảm đó cho Quỹ Tổ chức Năm Thánh 2010. Đây vừa là cách chúng ta sống tinh thần chay tịnh trong mùa Chay, vừa là cách đóng góp cụ thể cho công việc chung của Giáo Hội. Xin anh chị em gởi phần đóng góp của mình đến các cha xứ, các cha sẽ tổng kết chung cả giáo xứ và gởi về Toà Tổng Giám Mục”.
Trong Thư gửi Dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội nhân dịp Mùa Chay 2009, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đưa ra những đề nghị giản dị, dễ thực hiện, và khi thực hành chắc chắn sẽ có tác động thiết thực đến đời sống: “Trong năm Giáo dục Gia đình Kitô giáo, mọi thành viên trong các gia đình hãy ăn chay bằng cách hãm dẹp ý riêng để giữ sự hòa hợp trong gia đình. Hãy biết quên mình để nghĩ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Nếu có điều gì xích mích, hãy ăn chay bằng tha thứ cho nhau, hòa giải với nhau trong mùa Chay. Đó là cách ăn chay thánh thiện rất đẹp lòng Chúa”.
Còn tại giáo phận Mỹ Tho, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc lưu ý mọi người về bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang tác động trực tiếp lên đời sống xã hội. Từ đó Đức cha nhắc nhở mọi người “Tìm lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống con người” và kêu gọi sống cho Chúa và cho tha nhân thông qua thực hành chay tịnh, thực hiện sự liên đới và tình bằng hữu.
Trong Thư Mục vụ Giáo phận Hải Phòng nhân dịp Mùa Chay 2009, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên trình bày ý nghĩa đích thực của chay tinh, gồm bốn nội dung: làm chủ bản thân, chuyên tâm lắng nghe Lời Chúa, thực thi bác ái và năng lãnh nhận các bí tích.
Đối với giáo phận Đà Lạt, cộng đồng Dân Chúa được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn hướng dẫn việc tái khám phá ý nghĩa của chay tịnh. Chay tịnh là “phương thế tham dự vào cuộc chiến chống lại sự dữ”, giúp người thực hành được “trưởng thành trong đời sống thiêng liêng”, đồng thời cũng là “phương thế giúp cảm thông với người sầu khổ” và là “con đường dẫn đến Thiên Chúa”.
Trong khi đó, các Kitô hữu Hưng Hóa được Đức cha Antôn Vũ Huy Chương hướng dẫn sống Mùa Chay 2009: “Mùa Chay không phải chỉ tập trung vào việc ngắm nguyện, mà chủ yếu là thời gian đẩy mạnh việc làm theo ý Chúa Cha, cụ thể là Mùa “giúp chúng ta từ bỏ tính ích kỷ và mở lòng ra cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, là giới răn trước nhất và trọng nhất của Luật mới và tóm kết toàn bộ Tin Mừng”.*
Như vậy, 40 ngày của Mùa Chay năm nay, các Kitô hữu trên khắp thế giới cũng như tại Việt Nam đươc các vị mục tử kêu gọi tái khám phá ý nghĩa của Mùa Chay, đặc biệt được kêu gọi thực hành cuộc sống chay tinh, thực hành bác ái, suy niệm Lời Chúa, lãnh nhận Bí tích Thống hối và tham dự Thánh lễ Chúa nhật.
Mùa Chay chính là mùa làm mới lại cuộc sống đi theo Đức Giêsu của người Kitô hữu. Chính vì thế các mục tử đều dành cho mùa phụng vụ đặc biệt này những hướng dẫn cụ thể và cần thiết cho cuộc sống đạo của các thành phần Dân Chúa.
|