Chúa Nhật I
1 Phêrô 3: 18-22
Chỉ trong vài hàng ngắn ngủi, Phúc Âm hôm nay đã cho chúng ta thấy những gì Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm trong Mùa Chay. Qua hình ảnh Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa, chúng ta hãy tưởng tượng xem Chúa cảm thấy gì trong khi chay tịnh, bằng việc Ngài kiêng ăn, nhịn uống, và lẻ loi. Tại sao Ngài lại phải làm như vậy?
Qua bài đọc II hôm nay, chúng ta đã được Chúa cho biết một vài điều giải đáp. Thánh Phêrô cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đã chấp nhận “sự chết trong thân xác” để được sống “trong Thần Trí” (1 Phêrô 3:18). Dĩ nhiên Chúa Giêsu luôn luôn kết hợp mật thiết với Thánh Thần, nhưng thời gian ở hoang địa đã cho Ngài cảm nhận được sự chết và sự sống mà Ngài sẽ chấp nhận trên thập giá.
Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng sẽ cảm nhận được điều này, sống và chết trong Mùa Chay. Không phải chỉ là “rửa sạch những bụi bậm trên thân xác chúng ta”, thời gian trong sa mạc có thể mang chúng ta gần lại hơn với Thiên Chúa khi chúng ta chết đi cho thân xác mình.
Truyền thống giữ Chay như kiêng ăn uống, hoặc giảm thiểu những giải trí thừa thãi đòi hỏi sự tiết chế. Nhưng hãy cố gắng hơn nữa để kìm hãm những nóng giận hoặc quảng đại hơn qua những hành động bác ái, giúp đỡ người nghèo khổ. Những việc làm này sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn ý nghĩa của Mùa Chay. Chúng có thể tạo nên cách sống giúp chúng ta cảm nghiệm được mối liên kết giữa hành động “dâng hiến” và đi sâu vào ngọn lửa của Thánh Thần.
Trong hoang địa, Chúa Giêsu đã sống tách biệt khỏi mọi tiện nghi. Ngài đã phải lắng nghe trong thinh lặng sự hoang vu một cách cô độc. Ði sâu vào hoang địa có thể mang chúng ta lại gần với Chúa Giêsu. Chúng ta đặt mình vào sự chú tâm trong việc lắng nghe những gì Thiên Chúa đang nói với mình bằng những giờ phút suy nguyện trong thinh lặng. Khi chúng ta chia sẻ thời giờ trong hoang địa với Chúa Giêsu, chúng ta hãy để các thiên thần giúp đỡ chúng ta như các ngài đã phục vụ Chúa Giêsu. Hy vọng nhận biết rõ ràng về Thiên Chúa, điều mà chúng ta không có trước đó trong cuộc sống. Tình yêu này sẽ thôi thúc chúng ta làm một cái gì đó, bao gồm việc hy sinh những bữa ăn ngon, với ý muốn nói về những gì mà Chúa Giêsu đã tìm thấy nơi hoang địa trong trong 40 ngày này.
“Lạy Chúa Thánh Thần. Xin hãy thêm sức mạnh để con có thể đến gần hơn với tình yêu Thiên Chúa trong Mùa Chay Thánh này”.
Thánh Kinh gợi ý: Sáng Thế Ký 9:8-15; Thánh Vịnh 25:4-9; Máccô 1:12-15
Chúa Nhật II
Máccô 9:2-10
Thánh Phêrô đã viết ra những gì mà ngài muốn viết. Ông yêu mến Chúa Giêsu và muốn làm mọi sự cho Chúa. Chủ ý của ông thật là quá tốt! Thật vậy, đó là người ngư phủ bẩm sinh với lòng nhiệt thành. Ông tốt ở chỗ là hành động mà không cần phải suy nghĩ.
Chúng ta hãy nhớ lại lần Phêrô nhẩy xuống khỏi thuyền trên sóng biển. Rồi khi nghĩ lại rằng con người thì làm sao mà đi được trên biển, ông đã bị chìm xuống. Và vào một dịp khác, chỉ mới trước khi Chúa Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài trên thập giá, Phêrô đã ngăn cản Ngài ngay. Hoặc vào lúc khi ông ngăn cản Chúa Giêsu đừng rửa chân cho ông? Và khi Chúa Giêsu sửa sai những ý nghĩ sốt sắng ấy, ông liền thưa: “Vậy không những chân, mà cả tay và đầu tôi nữa” (Gioan 13:9).
Phúc Âm hôm nay đã ứng dụng đúng vào điểm này. Phêrô bị chinh phục do hình ảnh Chúa Giêsu biến hình. Có lẽ ông đã sợ hãi chen lẫn vui mừng. Vậy ông đã phản ứng ra sao? Bằng cách tình nguyện xây đài kỷ niệm cho biến cố ấy. Và Chúa Giêsu đã mau chóng sửa sai Phêrô, một lần nữa: “Ðây là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Ngài” (Máccô 9:7).
Phần đông chúng ta cũng có thể giống như Phêrô. Có lẽ chúng ta không được lòng nhiệt thành như Phêrô, nhưng chúng ta lại chú tâm vào những gì mình có thể làm cho Chúa Giêsu, trong khi Thiên Chúa Cha muốn chúng ta trước hết và quan trọng nhất là lắng nghe lời Ngài.
Mùa Chay là thời gian thuận lợi để chúng ta học hỏi xem mình phải lắng nghe Chúa nói như thế nào. Chúng ta phải cẩn thận chú tâm vào việc Chúa muốn nói gì với chúng ta hơn là chú tâm vào việc chúng ta có thể làm gì cho Ngài.
Thiên Chúa chúng ta không phải là Ðấng lạnh lùng và xa cách. Ngài rộng lượng và rất đỗi yêu thương. Ngài muốn chia sẻ sự sống của Ngài với chúng ta. Nhưng nhiều lần chúng ta lại chỉ bận tâm đến việc phục vụ Ngài để được Ngài ban cho một điều gì!
Trong khi chúng ta tham dự Thánh Lễ hôm nay, hãy cố gắng hết sức để lắng nghe Chúa Giêsu nói với chúng ta. Khi chúng ta suy ngắm và đặt mình vào quang cảnh biến hình của Ngài. Hãy tưởng tượng xem phép lạ này ảnh hưởng gì đến cuộc đời và suy nghĩ của chúng ta. Và chúng ta sẽ cảm nhận rằng Chúa Thánh Thần đang đổ đầy tâm hồn chúng ta nguồn ơn sủng dồi dào, và đem chúng ta lại gần hơn với Thiên Chúa.
“Lạy Chúa! Xin dạy chúng con để chúng con biết nghe tiếng Ngài”.
Thánh Kinh gợi ý: Sáng Thế Ký 22:1-2, 9-10, 13, 15-18; Thánh Vịnh 116:10, 15-19; Rom 8:31-34
Chúa nhật III
Gioan 2:13-25
Nếu chúng ta chỉ nhớ một điều trong Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, thì chúng ta hãy nhớ điều này: Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, và vì thế cần phải chăm sóc nó. Như Chúa Giêsu đã thanh tẩy Ðền Thờ khỏi những ảnh hưởng đang làm nó trở nên tồi tệ, cũng thế, Ngài cũng muốn thanh tẩy chúng ta. Như Ngài sốt sắng với việc nhà Cha của Ngài, Ngài cũng sốt sắng đối với mỗi người chúng ta, vì chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần của Ngài.
Nhưng chúng ta hãy nhìn câu truyện bằng một lăng kính khác. Chúng ta hãy nhớ lại trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã trở nên sự khích lệ và nâng đỡ như thế nào. Hãy nhớ lại Ngài yêu thương chúng ta bao nhiêu. Và hãy hiểu rằng Ngài cầu bầu cho chúng ta mọi ngày. Chúa Giêsu sốt sắng vì chúng ta trong một tình yêu chân thành của Ngài, và trong mọi lúc tình yêu ấy trực tiếp chống lại tội lỗi trong chúng ta, và ở đó, chúng ta nhận ra cụm từ “sự nóng giận của Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên thanh sạch: Chúng ta làm ô uế vẻ đẹp của đền thờ thân thể chúng ta khi chúng ta để tội lỗi xâm nhập vào thân xác chúng ta. Mỗi khi tội lỗi khống chế chúng ta như thế, đền thờ của chúng ta trở thành tối tăm hơn một chút, và làm phiền lòng Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, sự nóng giận của Ngài chỉ là chống lại với thái độ tội lỗi của chúng ta chứ không chống lại tâm hồn của chúng ta. Nhưng đây là một sự nóng giận chân thành, và cũng là một cái gì mà tất cả chúng ta không muốn có cái kinh nghiệm này.
Vì thế, hãy chọn đừng bao giờ để Thiên Chúa trở nên nóng giận đối với chúng ta. Hãy thâm tín rằng Chúa Giêsu phải trở thành duy nhất trong đời sống chúng ta. Hãy chú tâm đừng để bất cứ một tội lỗi nào lọt vào cuộc sống của chúng ta, và làm dơ bẩn “đền thờ” của chúng ta. Mỗi khi sa ngã, chúng ta hãy có can đảm và khiêm tốn thống hối và hòa giải với Thiên Chúa. Trong mọi lúc, hãy cố gắng làm bất cứ những gì chúng ta có thể làm để giữ đền thờ tâm hồn chúng ta được trong sạch và thánh thiện.
Chúng ta cũng hãy cầu xin cho việc phổ biến Tin Mừng. Rất nhiều người trên thế giới này đã làm sụp đổ đền thờ của họ. Ðiều này đòi hỏi chúng ta phải đến với họ, trước hết từ gia đình và bạn bè thân thuộc, giúp họ sống đúng với Chúa, để họ có thể cảm nghiệm được tình xót thương và không bị Ngài nổi cơn thịnh nộ.
“Lạy Chúa, xin cho sự sốt sắng nhà Chúa thôi thúc con. Xin sai chúng con vào với thế giới với sứ điệp tình thương của Chúa, tình yêu chan hòa”.
Thánh Kinh gợi ý: Xuất Hành 20:1-17; Thánh Vịnh 19:8-11; I Cor 1: 22-25
Chúa nhật IV
Eph 2:4 ố 10
“Chúng ta là sản phẩm do tay Ngài, được tạo dựng nên trong Chúa Giêsu Kitô để làm việc lành mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trước” (Eph 2:10).
Khi chúng ta suy niệm những lời này, chúng ta có thể thấy rằng Thiên Chúa muốn chúng ta dùng những tài năng mình, những ân sủng của mình vào những “việc tốt” trong việc xây dựng vương quốc của Ngài ngay trên trần thế. Ðiều này cũng rõ ràng là Ngài đã có dự tính của Ngài để sao mỗi người chúng ta có thể dùng tài năng mình, một cách tốt nhất, để đóng góp vào công việc của Ngài.
Ðây là một khích lệ lớn lao. Nhưng đây là một chọn lựa: Chúng ta được tự do chọn lựa muốn hay không muốn chấp nhận dự án của Ngài. Và theo đó, cũng lại là một chọn lựa khác: Nếu chúng ta không lắng nghe tiếng Chúa, chúng ta sẽ không thể khám phá ra dự án của Ngài cho chúng ta. Và đây là điều hết sức quan trọng mà chúng ta phải cố gắng xin với Chúa Giêsu để xem Ngài muốn chúng ta sống như thế nào. Lời cầu mà Ngài rất vui lòng trả lời chúng ta, thông thường là một dấu chỉ nào đó.
Nhưng làm sao chúng ta nhận ra những dấu chỉ này? Trước hết, chúng ta hãy dùng tặng ân Chúa ban là quan sát và trí khôn mình. Nhìn xem những gì đang xẩy ra quanh giáo xứ, hay cộng đồng chúng ta, và coi xem có những nhu cầu nào mà chúng ta có thể làm được. Nếu thấy mình có khả năng, và nhận ra nhu cầu ấy thôi thúc chúng ta, thì đó là điều Chúa muốn. Và nếu cần, chúng ta phải quan tâm hơn chút nữa để cẩn thận cân nhắc.
Tiếp đến, Thiên Chúa có cách thức là đặt những trách nhiệm vào tâm hồn chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể cảm thấy Ngài đang nói với chúng ta trở thành một thừa tác viên Lời Chúa, tổ chức một nhóm học hỏi Thánh Kinh nơi những anh chị em quanh ta, hoặc phục vụ những người cao niên trong cộng đoàn của mình. Ðây là những cách thức mang tính chất mục vụ, chứa đựng những việc lớn lao cũng như nhỏ bé. Chúng ta chỉ bắt đầu khi nào hỏi Chúa: “Lạy Chúa, đây có phải là việc mà Ngài muốn con làm không?”
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để làm những việc tốt lành cho Thiên Chúa để đền đáp muôn ơn lành Ngài tuôn đổ trên chúng ta. Ðiều này chẳng phải là Chúa đã dọn sẵn cho chúng ta con đường phục vụ Ngài đó sao? Vậy, điều mà chúng ta phải làm là tìm xem những gì Ngài muốn chúng ta làm.
“Lạy Chúa, xin giúp con hiểu ý Chúa. Này con đây, đang gõ cửa nhà Ngài. Xin hãy mở, và chỉ cho chúng con con đường phải đi.”
Thánh Kinh gợi ý: 2 Cor 36:14-16, 19-23; Thánh Vịnh 137:1-6; Gioan 3: 14-21
Chúa nhật V
Thánh Vịnh 51:3-4, 12-15
Xin hãy thương con, lạy Chúa, theo lòng nhân lành, và rộng rãi xót thương của Ngài. (Thánh Vịnh 51:3)
Chúng ta chỉ còn hai tuần lễ nữa là đến Lễ Phục Sinh, vì thế đây là lúc thuận lợi để chúng ta tự hỏi mình, chúng ta đã sinh được hoa trái gì trong Mùa Chay Thánh này. Câu trả lời là thử hỏi xem lời Thánh Vịnh 51 có nghĩa gì đối với chúng ta bây giờ hơn ngày Lễ Tro chưa. Vì trọng tâm của Mùa Chay là lời hứa mà mỗi người chúng ta có thể đến gần và động chạm tới cuộc khổ nạn đớn đau và khôn lường của Chúa chúng ta.
Thật là điều khó tin đối với chúng ta, trong cái nhìn rất tự nhiên, rằng Thiên Chúa là đấng tốt lành như Thánh Kinh đã nói về Ngài. Nhưng đấy là sự thật: Khi chúng ta đến với Ngài bằng tâm tình khiêm tốn, thống hối, Ngài không còn nhớ đến tội lỗi hoặc những phản loạn của chúng ta nữa. Thay vào đó, Ngài nhìn chúng ta bằng tình yêu, và lòng thương xót. Ngày xót thương đến chúng ta khi chúng ta phải đau khổ, ngay cả những đau khổ ấy do chính chúng ta gây nên.
Chúng ta hãy nghĩ đến đêm trước ngày tử nạn, Con Thiên Chúa đã quì gối rửa chân cho các thụ tạo tội lỗi của mình. Thế thì tại sao chúng ta lại không nghĩ rằng Ngài sẽ rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Thật ra, chúng ta không xứng đáng được như vậy. Và chúng ta cũng không vươn mình ra để được nó. Nhưng chính Ngài đã hứa trước điều này ngay cả trước khi chúng ta được sinh ra.
Vậy hãy chạy đến với Ngài. Hãy xưng thú tội mình và gặp gỡ Ngài ở tòa cáo giải. Hãy lãnh nhận ơn tha thứ và rửa sạch của Ngài. Hãy đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Hãy nhớ lại dụ ngôn người con phung phá, khi người cha chạy ra ôm choàng lấy hắn và hôn hắn. Ðây là những gì mà Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta. Và đó là tại sao Ngài sai Thánh Thần xuống ở với chúng ta, để Ngài có thể ban ơn chữa lành và tha thứ cho chúng ta. Ngài là Thiên Chúa tốt lành như thế đó.
“Lạy Cha, Con biết rằng giờ này vẫn chưa muộn! Con đến với Chúa hôm nay với tấm lòng khiêm cung xin Chúa đổ đầy trong con sự sống và tình yêu của Chúa. Xin giúp con khám phá ra sự tốt lành và lòng thương xót của Chúa trong Mùa Chay này, chứ không phải lỗi tội và sự yếu đuối của con.”
Thánh Kinh gợi ý: Jeremia 31:31-34; Do Thái 5:7-9; Gioan 12:20-33
Chúa nhật Phục Sinh
Máccô 14:1-15:47
Ở đâu Phúc Âm được rao giảng... những gì bà đã làm cũng được nhắc lại để nhớ đến bà (Máccô 14:9).
Ðây là một câu truyện về một hành động hoang phí.
Thiếu phụ này đã chọn một loại nước hoa đắt tiền, xuất phát từ Ấn Ðộ để đổ trên đầu một vị tư tế lang thang xuất phát từ Nazareth. Tại sao?
Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời: “Bà đã có ý xức xác thầy khi mai táng” (Máccô 14:8). Một cách nào đó, thiếu phụ này đã biết Chúa Giêsu sẽ đi về đâu và tại sao Ngài hành động như vậy, và bà đã muốn tôn vinh Ngài bằng một cách thế trang trọng nhất có thể. Bà đã rất xúc động về sự hy sinh mà Ngài sẽ chịu vì bà và vì toàn thể thế giới, đến nỗi bà phải đổ ra tặng vật quí giá nhất mà bà sở hữu như một lời cảm ơn và tôn thờ.
Hành động của bà xem như phí phạm đối với các môn đệ vì họ không bắt gặp được cái phi lý của cuộc tử nạn của Chúa Giêsu đối với họ. Chúng ta hãy nghĩ đến những điều thua thiệt mà Chúa Giêsu đã chấp nhận khi Ngài trở thành con người: vinh quang trên các tầng trời, sự tôn thờ của các thiên thần, vị trí của Ngài bên tay hữu của Thiên Chúa Cha.
Và chúng ta hãy nghĩ thêm nữa những gì Ngài hứng chịu trong khi rao giảng và phục vụ: sự ganh tị của các giáo trưởng, thái độ ngờ vực của người Rôma, sự thiếu tin tưởng của những kẻ theo Ngài, những đêm dài cầu nguyện, những ngày tháng ruổi rong rao giảng, chữa lành.
Sau cùng, hãy nghĩ về những đau khổ Ngài chấp nhận trong cuộc thương khó của Ngài: Dân Ngài từ chối, mão gai, đánh đòn, đau đớn, và khát. Và Ngài làm tất cả vì chúng ta. Ngài làm thế để chúng ta không bị lãng quên, mà được đón nhận vào Thiên Ðàng. Ngài không tìm mình, và không được gì cho chính mình. Nhưng là vì chúng ta.
Chúa Giêsu chính là một người hoang phí. Ngài là một kẻ trao cho chúng ta những kỷ vật vượt xa những gì chúng ta đáng được. Ngài là Ðấng yêu không tính toán. Trong ý nghĩa tình yêu này, chúng ta có thể làm gì để dâng tặng Ngài trong Tuần Thánh hơn là dâng Ngài tặng vật quí giá nhất mà chúng ta có thể có, đó phải chăng là trái tim của chúng ta?
“Lạy Chúa Giêsu, Con đây nhận ra tình Ngài. Con thờ lạy và tôn kính Chúa vì đã ban sự sống của Chúa cho chúng con.”
Thánh Kinh gợi ý: Isaia 50:4-7; Thánh Vịnh 22:8-9, 17-20, 23-24; Philp 2:6 - 11
( Nguồn: Chuyển ngữ từ the WORD among us, Lent 2009. Volume 28, Number 4 )