Năm nào tới Mùa Chay, chúng ta cũng phải nghĩ đến chuyện sám hối. Nghĩ đến để cảnh tỉnh chính mình, vì đó là một đòi hỏi nội tại của những kẻ ở trong hàng ngũ những người tội lỗi. Mà không ai trong chúng ta là người vô tội, như chúng ta vẫn xưng thú hằng ngày khi cử hành hay tham dự thánh lễ. Vì thế, sám hối là một đề tài vừa quen thuộc lại vừa cần thiết đáng được bàn tới ở đây, dù chúng ta đã biết và nghe nói đến nhiều lần. Nhưng biết mới chỉ là tri thức, còn chuyển sang hành động thì đó mới là một tiến trình lâu dài, cần phải khổ công luyện tập và làm đi làm lại nhiều lần. Vậy trước hết,
I. Phải hiểu sám hối theo nghĩa nào ?
Một vài tự điển Việt Nam định nghĩa sám hối như sau : Sám hối (dt) ăn năn hối lỗi, tự nguyện xin chừa ; sám hối tội lỗi.(Lê Văn Đức)
* Sám hối cũng nghĩa như sám hối : ăn năn, nhận tội lỗi mình, vd Đọc kinh sám hối (Hội Khai trí Tiến Đức)
* Sám hối : đau xót vì phạm lầm lỗi nặng và quyết tâm sửa chữa (Văn Tân)
* Sám hối : biết tội của mình và muốn sửa đổi (Đào Duy Anh)
Nhóm Các Giờ Kinh Phụng vụ cũng dùng chữ sám hối để dịch Mc 1,15 : "Thời kỳ đã mãn, và Nước Thiên Chúa đã đến gần rồi. Anh em phải sám hối". Chắc hẳn Nhóm Phiên dịch đã không hoàn toàn thỏa mãn khi dịch động từ "metanoiên" là sám hối, tuy động từ này cũng có một phần nghĩa là hối tiếc, ăn năn, vì theo nghĩa cổ điển, metanoiên là thay đổi tinh thần, thay đổi ý định, thay đổi định hướng tư tưởng mình vẫn có. Còn trong bản Bảy Mươi thì metanoiên có nghĩa mạnh và chuyên môn là trở lại, tương đương với chữ epistréphein. Nhưng chắc chắn là vì không tìm được chữ nào khác, nên phải tạm dùng chữ sám hối. Mà quả thật như vậy, vì trong các sách Tin Mừng, cũng như trong các thư của thánh Phao-lô và sách Công vụ Tông đồ, metanoiên là một từ ngữ chuyên môn để nói về việc thay đổi tinh thần, quay đầu về với Chúa, trở lại, chuyển hướng, thay đổi nội tâm, hoán cải tâm hồn với ý nghĩa còn mạnh hơn cả động từ "sub" là trở lại, trở về với Chúa của các ngôn sứ trong Cựu Ước. Có lẽ động từ "naham" trong tiếng Híp-ri hợp với chữ sám hối của chúng ta hơn, nhưng sám hối chỉ là một phần nghĩa của chữ metanoiên như đã nói, nên chưa diễn tả được hết ý nghĩa. Vậy phải hiểu sám hối theo nghĩa nào ?
Thực ra khó tìm được chữ nào vừa gọn vừa đủ để dịch chữ metanoiên. Có chăng thì phải diễn tả và nói rộng ra thì họa may mới được. Khi xem định nghĩa của chữ sám hối trong các tự điển, chúng ta thấy rõ nghĩa luân lý của chữ này. Từ nghĩa luân lý đó, thường thường người ta đi tới các hành động để bày tỏ lòng sám hối như xuống tóc, nhịn ăn, mặc đồ cũ và xấu v.v... Những kiểu cách như thế rất thịnh hành trong Ít-ra-en thời xưa. Có đủ các nghi thức sám hối cho mọi người lớn bé già trẻ. Người ta ăn chay, hãm mình, mang áo vải thô v.v... Nhưng các ngôn sứ bảo rằng đó chưa phải là sám hối thực sự nghĩa là trở về với Chúa. Đối với các ông, điều cốt yếu định hình cho tất cả công việc sám hối là làm thế nào tạo được một mối tương quan đích thực giữa Thiên Chúa với con người. Đây là mối tương quan có tính cách cá nhân diễn ra giữa một bên là con người hết lòng trở về với Chúa và một bên là Thiên Chúa hằng sống lên tiếng kêu gọi. Nhờ mối liên lạc này mà Đức Chúa là Chúa của Ít-ra-en và Ít-ra-en là dân của Người. Một người hay toàn dân sám hối đích thực là khi họ trở về với Chúa nghĩa là làm thế nào để Chúa thực là Chúa đối với họ. Vì vậy, để cụ thể hóa mối liên lạc này, người ta phải làm ba việc :
* Vâng theo ý Chúa
* Hoàn toàn tín nhiệm Người
* Từ bỏ con đường xấu
Bởi thế trong đời sống hàng ngày, ai nấy phải giữ đức công bình, phải đối xử tử tế với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn yếu kém. Đó mới là ăn chay đích thật. Các ngôn sứ đã rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối, hiểu theo nghĩa là trở về với Chúa, thay đổi đời sống hơn là làm những việc hãm mình đền tội. Do đó, vấn đề chính yếu được đặt trên bình diện tương quan với Chúa hơn là trên bình diện hành xác.
Trong Tân Ước, ý tưởng trở về, quay đầu lại với, chuyển hướng lại càng có tính cách căn bản hơn nữa. Tin Mừng mở đầu bằng lời kêu gọi sám hối, chuyển hướng, quay về của ông Gio-an Tẩy giả và được Đức Giê-su lặp lại khi Người khởi sự công cuộc rao giảng như sau : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 3,2 ; Mc 1,4 ; Mt 4,17 ;Mc 1,15). Đó là lời kêu gọi thay đổi sâu xa đời sống từ bên trong. Sự thay đổi này là điều tương ứng với hành vi hoàn toàn mới mẻ và quyết định của Thiên Chúa khi Người sai Đức Ki-tô đến để giải thoát và tha tội cho loài người. Sự sám hối hiểu theo nghĩa mạnh và đầy đủ mà ông Gio-an rồi Đức Giê-su kêu mời dân chúng đón nhận, đòi buộc người ta phải xét lại toàn bộ ý nghĩa đời mình đối chiếu với hành vi quyết định của Thiên Chúa. Đó là câu trả lời của con người đối với sáng kiến cao cả của Thiên Chúa. Nó bao hàm trước hết sự ăn năn sám hối (Mt 3,8), từ bỏ tội lỗi rồi thứ đến là đức tin, một đức tin khiến người ta hoàn toàn ký thác đời mình cho Chúa (Mc 1,15 ; Cv 20,21 ; Dt 6,1) và cuối cùng là những hiệu quả trong đời sống. Bấy giờ người ta có một kiểu sống khác phù hợp với Nước Chúa được thu gọn lại trong thái độ thanh thoát, sẵn sàng, tín nhiệm, cởi mở, tin yêu, nghĩa là thái độ hồn nhiên của tuổi thơ ấu thiêng liêng.
Lời loan báo này có một giá trị tuyệt đối cho mọi người đến tận thế, và còn được vang dội qua không gian và thời gian nhờ công việc tông đồ, vì ai cũng được kêu mời phải ăn năn sám hối và thay đổi đời sống khi có người rao giảng Tin Mừng : "Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối." (Mc 6,12 ;Mt 12,41 ; Lc 5,32).
Thánh Gio-an, tuy không dùng động từ metanoiên và danh từ metanoia nhưng cũng cho chúng ta hiểu rằng sám hối là một hành vi và một tiến trình của người tín hữu để cho Chúa uốn nắn nhờ Đức Giê-su Ki-tô.
Còn thánh Phao-lô thì qua các thư gửi các giáo đoàn đã tạo ra được một tổng hợp thần học về sám hối, bằng cách kết hợp ba yếu tố sau đây :
Trước hết là đức tin : đức tin là nguyên lý của việc ăn năn sám hối. Rồi đến phép Rửa và con người mới. Cuối cùng là cả một chương trình sống lấy đức tin và phép Rửa làm động lực. Phép Rửa làm cho ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô trong cái chết và sự sống lại của Người, có một nội dung luân lý rất rõ ràng và đòi hỏi, nghĩa là sám hối để phụng sự Chúa (1Tx 1,9-10 ; Rm 1,25 ; 12,1-2), và giết chết con người cũ để làm cho con người mới xuất hiện (2Cr 4,16 ; 1Tx 1,9-10 ; 4,4-5 ; 9,12 ; Rm 1,25-31).
Trong tổng hợp này, người ta thấy được cả ba chiều kích đối thần, bí tích và luân lý, nghĩa là muốn sám hối thì phải tin Chúa, phải chịu phép Rửa và phải thay đổi đời sống.
II. Sám hối theo nghĩa thần học
Trên đây là một vài khái niệm về sám hối rút ra từ chữ metanoiên và metanoia trong Tân Ước. Bây giờ nếu muốn suy nghĩ thêm một chút để tìm hiểu sám hối theo nghĩa thần học thì thế nào ? Phải nói ngay rằng thần học cổ điển chỉ đề cập đến vấn đề này trong thiên bàn về sự công chính hóa mà thôi. Có hai bản văn quy chiếu về vấn đề này : một của thánh Tô-ma trong Thần học tổng luận Ia IIae q. 113 và một của Công đồng Tren-tô, khóa VI chương 5 và 6. Ở đây nói đến sám hối theo nghĩa quay về, trở lại. Sám hối giả thiết một hành vi cao cả, nhưng không của Thiên Chúa, diễn ra trong phép Rửa các trẻ em, mà không cần phải có một hành vi ý thức nào thuộc bản tính con người của chúng cả. Như vậy sám hối là một hành vi thiêng liêng trong tình trạng thuần túy từ Thiên Chúa mà đến.
Nhưng thực ra, cái mà người ta gọi là trở lại, thường diễn ra trong đời sống của một người trưởng thành có ý thức và bao hàm cả một tiến trình chuẩn bị tiệm tiến và liên tục. Ít khi thấy xảy ra trong giây lát và đồng hóa với ơn công chính hóa trong phép Rửa trẻ em. Trong tiến trình tiệm tiến đó, thần học theo truyền thống Âu-tinh và Tô-ma quả quyết rằng cần phải có ơn tức thời của Chúa, nghĩa là lòng trí của con người cần phải được Chúa tác động hay là con người phải có những xu hướng ngoại tại quy về ơn cứu rỗi.
Tuy thần học quả quyết rõ ràng ơn Chúa nắm vai trò ưu tiên và quyết định trong hành trình sám hối nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh đến sự tự do và phần đóng góp của con người. Ngay từ thời thánh Âu-tinh, thần học đã cố gắng phân tích thật sát mối liên hệ giữa tự do và ân sủng. Thiên Chúa ban ơn, nhưng không cưỡng ép tự do của con người. Con người đón nhận và hợp tác với ơn của Chúa trong thế tương giao và đối thoại. Có thể nói đạo trong Kinh thánh, đạo của Giao ước được thiết lập trên tư thế này.
III. Áp dụng sám hối cho bản thân mỗi người
Mùa Chay là thời cơ thuận tiện để cho mọi người sám hối. Không phải chỉ có những người ở xa, đi lạc lối mới cần sám hối mà ngay cả những người ở gần hay vẫn ở với Chúa. Chúng ta phải sám hối, vì đó là lệnh truyền của Chúa :
"Anh em phải sám hối và tin vào Tin Mừng".
Nhưng sám hối cách nào đây ? Tất nhiên chúng ta cũng lo buồn phàn nàn trách móc mình, đau đớn khi thấy mình đã có những sai sót lầm lỗi đối với Chúa và tha nhân, và cũng sẽ có những giảm bớt về ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí v.v... Chúng ta cũng sẽ nghĩ lại về cuộc đời của mình vào những giờ phút thanh vắng thuận tiện. Nhất định phải có những giờ phút đó, vì nếu không thì cuộc đời chúng ta sẽ trôi theo một nhịp bình thường, khó có dịp cho chúng ta hồi tâm tỉnh ngộ. Những công việc ngổn ngang và những mối bận tâm này khác đã như quấn chặt lấy cuộc đời chúng ta rồi, nên phải có một thời thư giãn trong Mùa Chay để chúng ta xếp lại bậc thang các giá trị và củng cố lý tưởng của những người tin Chúa. Lý tưởng này cùng với thời gian dễ mất dần vẻ đẹp và giảm bớt sức thúc đẩy. Cuối cùng rồi chúng ta cũng bị cám dỗ đi tới chỗ tìm an thân và thích ổn định. Song song với cám dỗ này, có một cơn cám dỗ khác nguy hiểm và trầm trọng hơn : đó là cám dỗ hưởng thụ, nhất là đối với một số người trong chúng ta đã tới một mức tuổi nào đó, đã làm được một vài công việc đáng kể và coi như mình có quyền được bù trừ vì những công lao vất vả khi trước. Cho nên sám hối đối với chúng ta cũng có nghĩa là lay động thức tỉnh mình cho khỏi bị ru ngủ trong thế an thân và trong cơn cám dỗ hưởng thụ, dưới mọi hình thức. Bệnh già về thể lý và tâm lý luôn luôn là một mối đe dọa mà chúng ta phải tỉnh táo đề phòng và sẵn sàng đối phó.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải sám hối về tâm tưởng và thái dộ của mình đối với Chúa, Giáo hội và thân nhân. Chúa phải là giá trị cao nhất chúng ta hướng tới, là sự thiện tuyệt vời chúng ta mong mỏi, là lẽ sống mạnh nhất lôi cuốn chúng ta. Vì thế mối tương quan giữa chúng ta với Chúa phải rất thâm sâu chặt chẽ. Nhưng thực tế có lẽ chưa được như vậy, nên chúng ta mới phải sám hối để điều chỉnh lại và làm cho bền chặt hơn bằng một đời sống đức tin bao trùm mọi công việc hàng ngày, từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ việc tôn giáo cho đến việc xã hội v.v... Nền tảng của sám hối là thay đổi tư tưởng, chuyển hóa nội tâm, quay về với Chúa. Chúng ta sẽ sám hối thực sự, khi thay đổi tư tưởng hời hợt hay không đúng về Chúa, về Hội thánh, và những người khác, khi chuyển cõi lòng chúng ta từ chỗ thờ ơ với những giá trị tinh thần đạo đức gắn liền với bậc đời chúng ta, tới chỗ dành ưu vị cho Chúa và những công việc của Người, khi chúng ta nhận rằng mình đã sai lỗi mà trở về với Chúa như vua Đa-vít :
"Vâng, con biết tội mình đã phạm,
Lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,
Dám làm điều dữ trái mắt Ngài...
Lạy Chúa Trời,
Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy."
(Tv 50, 5-6. 12)
Đã có thời, đạo như thu hẹp lại tất cả trong nhà thờ và nơi những người đồng đạo. Bây giờ Mùa Chay ít nhấn mạnh đến việc kiêng, bớt bên ngoài, mà chú trọng đến việc thay đổi bên trong, và làm những cử chỉ có tính cách liên đới xã hội như chia sẻ thời giờ, tiền bạc, phẩm vật, công sức với những người không có hay có ít hơn, hoặc làm những công việc phục vụ có lợi ích chung cho nhiều người. Cụ thể là siêng năng xưng tội rước lễ đi nhà thờ hơn trong Mùa Chay, nhưng cũng cố gắng hơn để giữ hòa khí trong gia đình, nơi bà con lối xóm, tránh những cuộc cãi vã, người này để ý lo cho người kia hơn, và làm hết sức để bớt trở thành gánh nặng cho nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Cuối cùng, giáo dân chúng ta, nhiều người rất nhạy cảm với sự đạo đức, thích sống đạo đức và được tiếng là đạo đức. Chúng ta nên nhân Mùa Chay tìm hiểu rõ và đúng về lòng đạo đức đích thật theo giáo huấn của thánh Gia-cô-bê. Giáo huấn đó là :
"Ai cho mình là đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão. Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của trần gian." (Gc 1,26-27).