MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Ăn Chay
Thứ Tư, Ngày 25 tháng 2-2009

Ăn Chay

Luật ăn chay không quan trọng bằng tinh thần ăn chay. Hội Thánh chỉ buộc giữ chay hai ngày trong suốt cả năm, nhưng tinh thần chay tịnh thì trải dài suốt cuộc sống, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị đón mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua. Việc ăn chay đã có từ rất xa xưa. Ngôn sứ Giô-en từng kêu gọi ăn chay bằng cách "xé lòng chứ đừng xé áo" (Ge 2, 13). I-sa-i-a nói cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích là trả tự do cho người bị áp bức, ... (Is 58,6). Ni-ni-vê đã ăn chay sám hối khi nghe Giô-na giảng (Gn 3). Còn Chúa Giê-su, Ngài dạy chúng ta ăn chay thế nào theo Tin Mừng?

Cũng vẫn một điệp khúc như đã nói về việc bố thí và cầu nguyện: đừng làm như bọn đạo đức giả. Thật vậy, có những kẻ chỉ làm bộ bên ngoài là ăn chay nhưng trong lòng của họ đầy những ham hố và những ý nghĩ bất chính. Các ngôn sứ thủa xưa đã từng lên án lối sống giả dối này: "Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn..." (Is 58, 4). Trong xã hội Do thái thời Chúa Giê-su không thiếu những người như thế. Tại sao họ làm điều này? Ăn chay vốn là dấu hiệu của một người đạo đức, ý thức về tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa, đang đợi chờ Đấng Thiên Sai. Niềm trông đợi này trở nên mạnh mẽ nơi các cộng đoàn sống khắc khổ để đối nghịch lại lối sống chạy theo vật chất, sang giàu. Sự giả dối xuất hiện khi người ta dùng hình thức đạo đức tốt lành này để che đậy sự xấu xa trong tâm hồn. Việc ăn chay như thế chẳng những không đi đôi với lòng sám hối mà còn là phương thế đánh lừa người khác để mình được tôn vinh. Nhưng làm sao lừa được Thiên Chúa?

Thực ra, việc ăn chay đúng nghĩa giúp con người nhận ra sự thật về chính mình và sống thái độ cơ bản trước Thiên Chúa: khiêm tốn. Hãy ngẫm xem tôi là ai, tôi từ đâu tới và sẽ đi đâu. Ý nghĩa của đời người phải chăng chỉ dựa vào số tháng ngày mình sống, hay dựa vào sức khỏe, sắc đẹp, tài năng? Cơn đói khát thật sự trong lòng mỗi người là gì và ai có thể làm thỏa mãn? Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nhận định: người ta đói không phải vì thiếu cơm bánh nhưng vì thiếu tình yêu. Mà tình yêu thẳm sâu, tình yêu tuyệt đối đem con người vào hạnh phúc vĩnh cửu, ai có thể ban tặng cho ta? Khi tiện nghi thừa mứa, người ta có thể bị đánh lừa về một hạnh phúc trước mắt và khó nhận ra thân phận cát bụi mong manh của mình: "Mạng người dù giá cao mấy nữa thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số. Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà..." (Tv 48, 9-12).

Khi ăn chay, nghiệm được cái đói của thân xác, người ta khám phá ra cái đói khát thực của mình (từ đó cũng đồng cảm và chia sẻ với tha nhân trong cơn đói khát của họ): khát chính Thiên chúa. Tôi biết tôi cần đến Thiên Chúa, Đấng tác thành nên tôi từ "bụi đất" và "sinh khí" của Ngài (St 2). Bởi đó, vừa mang thân phận mỏng dòn, tôi vừa được gọi để sống chiều kích thiêng liêng. Cuộc đời tôi chỉ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn nơi Thiên Chúa, như thánh Âu-tinh đã khám phá: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để con thuộc về Chúa, nên hồn con mãi khắc khoải đến khi được an nghỉ trong Ngài."Như thế, ăn chay giúp mỗi người tìm lại chính mình nơi nguồn cội là Thiên Chúa. Chúa Giê-su đến dẫn ta vào ý nghĩa trọn vẹn của việc chay tịnh. Ngài dạy các môn đệ không để mình bị chi phối bởi những tìm kiếm bề ngoài, "làm ra dáng ăn chay thiểu não để cho người ta khen" là mình đạo đức. Đó mới chỉ là một phần trong giáo huấn của Ngài. Đặc biệt hơn, phải "rửa mặt cho sạch, xức dầu cho thơm", ngược với kiểu "không tắm rửa, ngồi trên tro." Chúa "lăng-xê mốt" ăn chay mới chăng? Không phải đâu. Ngài muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi thứ kiếm tìm lệch lạc để chỉ còn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng mọi người và đánh giá cách công minh. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi người môn đệ làm chứng về một thời đại mới đã được khai mở: Đấng Thiên Sai mà nhân loại chờ mong đã đến rồi, phải thay đổi cách nhìn để đón nhận Ngài vào đời mình và tin rằng chính Ngài là Đấng dẫn đưa nhân loại đến niềm vui trọn vẹn.

Cách ăn chay này xuất phát từ chọn lựa căn bản của niềm tin và làm đảo lộn cung cách sống của mỗi người. Có lần, Chúa Giê-su được hỏi: "Tại sao môn đệ của ông Gio-an và người Pha-ri-sêu đều ăn chay, mà môn đệ Ngài lại không ăn chay?" (Mc 2,18). Chuyện này xảy ra khi Lê-vi mở tiệc khao Chúa Giê-su và các bạn khi ông trở thành môn đệ Ngài (Mc 2,13-16). Có lẽ hôm ấy trùng với ngày ăn chay thường lệ của người Do Thái đạo đức. Chúa Giê-su đã phải lên tiếng: "Làm sao khách dự tiệc có thể ăn chay khi chàng rể đang ở với họ?" (Mc 2,19). Chúa loan báo cách khéo léo Ngài là Chàng Rể của tiệc cưới thiên sai đang hiện diện và mời gọi phải đổi hẳn cách sống cho phù hợp: thay "bầu da" cũ kỹ, bỏ "chiếc áo cũ" đã nhàu nát là mớ luật lệ của người phàm để mặc lấy Ngài (x. Mc 2, 21-22). Tinh thần chay tịnh từ đó mang một sắc thái mới: người đã được nhận biết Đức Ki-tô qua bí tích thánh tẩy hướng toàn bộ con người mình vào Ngài, khát khao nên một với Ngài. Có lúc "chàng rể bị đem đi" khỏi lòng tôi do tội lỗi, như Ngài đã bị loại trừ bằng cái chết trên thập giá. Khi ấy, "ăn chay" là chiến đấu để trở về với Ngài, hay là đón Ngài trở về với lòng mình.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng ta sống cuộc trở về này. Không phải chỉ cố gắng làm vài ba việc hy sinh hãm mình nào đó, nhưng là đặt toàn bộ con người mình trên đường Ngài muốn chúng ta đi: đường thập giá, đường yêu thương. Tôi có ý thức sự mong manh yếu đuối của mình, có đặt niềm tin-yêu-hy vọng nơi Đức Ki-tô và kiên trì chiến đấu với những gì không phù hợp với giáo huấn của Ngài không?

Cả ba việc đạo đức của người tín hữu đều mang chiều kích qui Ki-tô và liên kết với nhau chặt chẽ. Tôi được gọi mời yêu thương anh chị em mình như Chúa đã yêu tôi đến cùng, âm thầm nhưng quyết liệt (bố thí). Để biết yêu như thế, tôi cần tìm sức mạnh duy ở nơi Ngài nhờ gặp gỡ Ngài trong chính cõi riêng tư của tâm hồn tôi, gặp Ngài là gặp Cha (cầu nguyện). Nhờ đó, tôi khám phá ra con người thật của mình bất toàn yếu đuối, và có sức để chiến đấu giữa những thử thách gian nan trên con đường theo Ngài (ăn chay).

Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt con đi trên con đường của Chúa. Xin giúp con biết từ bỏ chính mình hằng ngày, chuyên chăm nguyện cầu và rông mở trái tim cho tha nhân. Chớ gì trong mọi sự, con chỉ tìm vinh danh Chúa mà thôi. Amen.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Trái Tim Người Mẹ (3/7/2009)
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 42 (chương 362-370) (3/6/2009)
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 41 (chương 358-361) (3/1/2009)
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 40 (chương 350-357) (2/26/2009)
Sức Mạnh Của Việc Ăn Chay (2/26/2009)
Tin/Bài khác
63 Đền Thánh Quốc Tế Và Quốc Gia Ở Hoa Kỳ. (2/20/2009)
Audio Cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ # 39 (chương 344-349) (2/19/2009)
Những Hạt Châu Ngọc (22) (2/19/2009)
Những Hạt Châu Ngọc (21) (2/19/2009)
Đoàn Quân Trung Thành Của Mẹ (2/17/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768