31. TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ
Không phải lúc nào việc rao giảng cũng đem lại kết quả trông thấy. Ðôi khi, có những hoàn cảnh đặc biệt làm cho lời giảng của một vị giảng thuyết nào đó gây được ấn tượng mạnh. Nhưng những lần khác lại có những cản trở giới hạn ấn tượng. Ðó là những điều không luôn tùy thuộc nơi chúng ta. Nhưng có một điều lại tùy thuộc nơi chúng ta, đó là: sự kính trọng phải có đối với việc rao giảng. Ta phải ý thức được trách nhiệm nặng nề đó đặt trên vai chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta cần phải cầu nguyện trước khi bước lên tòa giảng.
Trước hết, chúng ta phải ý thức sâu sắc về sự cao cả của tác vụ này. Như các ngôn sứ, các ngài đã xúc động như thế nào khi Thiên Chúa kêu gọi các ông làm ngôn sứ cho Người. Bước lên tòa giảng, chúng ta phải xác tín là chúng ta là những quan tuyên cáo của Vua cao cả. Ta phải loan báo sứ điệp vĩnh cửu cho các linh hồn bất tử với xác tín là ta đã được đặt làm kẻ bảo vệ cho tường thành Giê-ru-sa-lem trên trời, ta là lính canh trên tường thành Xi-on.
Ta phải cảm nghiệm sâu sắc tư tuởng này là: ở giữøa những cám dỗ ngổn ngang, ở giữa những dòng thác dâm dật đang tràn ngập các dân tộc thì lời nói của tôi phải mang đến sự cứu giúp và sự cứu rỗi cho các linh hồn đang bị đe dọa. Ta phải biết các thương tích mà các linh hồn đang phải chịu như một vị bác sĩ lành nghề và ta phải tìm phương chữa trị như một người mẹ hiền. Ta phải trở thành người hướng đạo cho giới trẻ. Họ muốn sống tự lập, không muốn lệ thuộc vào ai, nhưng trong thâm tâm vẫn còn muốn có được một bàn tay hướng dẫn. Nhưng tiếc thay, nhiều khi họ bị dẫn đi sai đường lạc lối vì những ánh sáng sai lạc.
“Cứ lấy gân cổ mà kêu, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và báo cho dân Ta hay tội ác của chúng, cho nhà Gia-cóp biếât những lỗi lầm đã phạm” (I-sai-a :58,1). Lời Chúa vẫn còn có giá trị trong những thời gian ăn năn thống hối.
Sau hết, trong khi thi hành những nhiệm vụ nói trên, ta còn phải trở thành nên những gương mẫu sáng chói:
“Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng”. Thánh Phao-lô đã khuyến cáo Ti-tô, người môn đệ yêu dấu, (Tt.2,7). Nếu làm như vậy, vị giảng thuyết sẽ không bị lên án, án mà ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã báo trước :
“Khốn cho ai lơ là với công việc của Ðức Chúa” (Gr:48, 10)-“Maledictus qui facit opus Domini fraudulenter” (Gr:48, 10).
Trái lại, ngài sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chúa :
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt.28,20). “Thiên Chúa làm cho lớn lên” (1Co.3,7). “Lời Ta cũng vậy, một khi phát xuất từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (I-sai-a 55, 11).
DÀN BÀI VÀ BỐ CỤC
Chỉ xin gợi ý vài điểm :
Mục tiêu của bài giảng phải rõ ràng, chính xác có thể dễ nhận ra và mọi người có thể nắm bắt được cách dễ dàng.
Sau khi đã suy tư chín chắn, ta phải sắp xếp các tư tưởng cách tự nhiên, dễ nắm bắt.
Muốn thế, ta phải sắp đặt các phần sao cho ăn khớp với đề tài, quan hệ với nhau mạch lạc, rõ rệt. Nên tránh trình bày một chuỗi các tư tưởng, các lời hay ý đẹp, nhưng lại chẳng ăn nhằm gì với nhau.
Ngoài ra, cũng không cần có một dàn bài cứng nhắc và lặp đi lặp lại nhiều lần, vì ta có thể làm thính giả mệt mỏi và đâm ra nhàm chán. Một lời nói sống động không có chỗ đứng trong một dàn bài cứng nhắc, khô khan. Tài năng, sự nhạy bén, tài quan sát, biết trước được phản ứng của cử tọa, đó là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bố cục, cách kết cấu bài giảng và trong việc khai triển các tư tuởng. Nghệ thuật giảng thuyết đòi hỏi phải học các mẫu kiểu và nghe các vị giảng thuyết dày kinh nghiệm xem các ngài đã giảng như thế nào.
Lời khai mào-
Phải nhập đề một cách cẩn thận. Không nên có một kiểu nhập đề chung cho mọi bài giảng ngày Chúa nhật. Nhập đề thế nào cho gợi cảm, ấn tượng và thích hợp, làm sao cho cử tọa được thích thú, sau đó thì họ sẽ khoái nghe bài giảng. Hằng ngày ta đã có kinh nghiệm rồi. Câu đầu của mỗi Thánh vịnh đã tóm lược được toàn bộ tình huống, gồm bao tâm tình dạt dào. “Misericordias Domini in aeternum cantabo”. “Laudate pueri Dominum” hoặêc tiếng hát của đoàn hành hương “Laetatus sum in his quae dicta sunt mihi: In domum Domini ibimus”. Hoặc là tiếng rên xiết từ vực sâu thẳm “De profundis clamavi”; hoặc cảnh trí và tâm tình “Super flumina sedimus et flevimus”. Nhập đề của các bài diễn văn của các Sách Ngôn sứ thật ấn tượng biết bao !
Triển khai các phần khác của bài giảng.-
Ta phải bàn về những chân lý vĩnh cửu. Trình bày những lời khuyên luân lý và, vì có nhiều tư tuởng nối tiếp nhau, nên dễ làm người nghe mệt mỏi; họ còn đang phải vật lộn với những khó khăn và phức tạp của cuộc sống đời thường.Vậy ta phải trình bày đề tài thế nào cho hấp dẫn, đem lại một luồng sinh khí tươi mát. Như thế ta sẽ dễ đánh động các tâm hồn nghe theo lời giảng hơn.
Một câu chuyện hay hợp với đề tài, một hình ảnh chọn lựa khéo léo có thể giúp cho bài giảng -nhất là ngày nay, khi con người bị cuốn hút bởi bao nhiêu hình ảnh làm họ không còn thời gian để suy nghĩ về những vấn đề nghiêm túc.
Ta có thể sử dụng các câu chuyện về cuộc đời của Chúa Giê-su, kể truyện về các Tông đồ, gương các Thánh: một kho tàng đồ sộ những hành động hiển hách, những khổ đau anh hùng mà các Thánh đã phải chịu trong mọi thời đại. Lúc thì có gương đời sống đơn sơ thánh thiện, trung thành với bổn phận; lúc thì từ bỏ hi sinh đến độ anh hùng; lúc thì có những bông hoa tươi xinh của một lòng bác ái. Ta có thể lấy những truyện gương mẫu tại địa phương, hoặc kể truyện về các Thánh mà người giáo dân có lòng mộ mến đặc biệt.
Ðoạn kết-
Khi kếât bài, ta khuyến khích, trình bày áp dụng thực tế và cố làm sao gây ấn tượng lâu bền nơi tâm hồn các tín hữu của chúng ta.
Apis argumentosa
Con Ong Siêng Việc
“Ðã từ 25 năm nay, chúa nhật nào cũng như chúa nhật nào, cùng trên một bục giảng, tôi vẫn giảng”, một cha xứ kể, đây không phải là chuyện dễ, tuy nhiên tôi rất thích và khi thấy giáo dân của tôi chú ý nghe tôi giảng, điều này làm tôi rất vui.” Rồi vị linh mục kể tiếp: “Mỗi buổi chiều thứ hai, các phần chính của bài giảng đã được lên kế họach -ít ra là dưới hình thức dàn bài. Và trong suốt tuần lễ, tôi nghĩ về bài giảng, trong cô liêu tĩnh mịch, tôi tìm tòi, suy xét và tư duy. Tất cả đềøu làm trong âm thầm, trong thinh lặng, một mình.”
Ðây quả là một phương pháp tốt, và chắc rằng: vị nào làm việc một cách trung thành và yêu mến để cống hiến cho các linh hồn những điều tốt nhất thì vị đó đem lại cho bài giảng của mình một dấu ấn bản thân theo nghĩa tốt nhất của từ. Lời giảng của ngài phản ánh đời sống nội tâm của ngài, sự quan tâm mục vụ - lời ngài nói quả là lời nói của một trái tim nóng hổi. Vị linh mục kể chuyện đời mình trên đây chỉ là một vị cha xứ khiêm tốn với tâm hồn đơn sơ. Ngài không có tài trí thông minh hơn người. Nhưng ngài đã biết sử dụng cái vốn khiêm tốn mà ngài đã nhận được.
Không ai có thể đòi hỏi cha xứ phải giảng những bài giảng có giá trị trí thức vượt bậc, nhưng tất cả mọi người có quyền đòi cha phải cố quan tâm soạn bài giảng kỹ hết sức có thể. Ðồng thời cha cũng phải cầu xin Thánh Linh ban cho cha ánh sáng và nhiệt tâm ấm tình người. Thánh Linh là nguồn suối dạt dào (fons vivus), là lửa thiêng (ignis), là tình mến (caritas). Xin Ngài ban cho ta những hồng ân cao quý nhất.
Lời giảng của ta phải được thấm nhuần bằng điều ta suy niệm. Thêm vào đó, ta còn phải làm việc nghiêm chỉnh, trong thinh lặng của một gian phòng, như lời Thánh Bê-đa, vị Tiến sĩ Hội Thánh: “Nihil dulcius quam legere, discere, scribere” (Không gì ngọt ngào hơn là đọc, học, viết).
Các nhà giảng thuyết, các giáo sư khoa hùng biện thánh thường ngồi xuống, lấy giấy bút để soạn bài giảng. Lý do: cần phải thu gom các ý tưởng, quan tâm đến việc trình bày các tư tưởng, triển khai rõ ràng, trong sáng, để các tư tưởng ăn khớp với nhau. Tránh lặp đi lặp lại những sáo ngữ, nhữøng câu nói “tủ” mình ưa chuộng nếu không thì bài giảng sẽ trở nên đơn điệu.
Vì thế, ta cần đến ngòi bút viết ra bản thảo để ta có thể xem đi xem lại và như thế, ta có thời gian đọc thử. Ngay cả khi ta có thể phát biểu dễà dàng, ta cũng cần ngồi xuống để soạn bài giảng trên giấy.
Cũng xin nói thêm là: ta không nên nhận giảng những bài giảng do hoàn cảnh khi có lời mời. Tốt hơn là ta nên dè dặt. Ta nên ghi chép và lưu trữ những điều đã lượm lặt được đó đây, rồi hệ thống hóa chúng thành các chủ đề chính. Làm như thế không phải là để trở thành nên người cóp nhặt, mà là để ta nắm giữ được những lời nói hay, những kiểu nói hấp dẫn, những hình ảnh sáng ngời –rồi cố đem ra sống nội tâm nghĩa là thực thi những điều đã ghi chép được, mặêc cho chúng một hình dáng và như thế là ta đang tự huấn luyện nhờ các gương mẫu sáng ngời. Ta có thể học được biết bao điều bằng cách suy niệm trong thinh lặng; ta tìm được bao gợi hứng từ các sách đạo hay sách đời. Ta quan sát giới trẻ cũng như giới người cao tuổi để hiểu tâm lý của họ; ngoài ra ta còn cần hiểu thêm bao biến cố bé nhỏ trong cuộc sống đời thường; bao gợi hứng mới trổi lên khi ta được nghe một vị giảng thuyết hay hoặc khi ta đọc sách. Ta cần chọn lọc: giữ lại cái hay, cái đẹp, cái cao quý. Ta nên bắt chước vị giảng thuyết thời danh nọ. Suốt cuộc đời ngài đã ghi lại những điều hay ngài đã đọc được, những kinh nghiệm bản thân, những gợi hứng nội tâm; sau đó, ngài ghi tất cả vào các tờ phiếu, rồi sắp xếp theo thứ tự. Ngài gọi tủ nhiều ngăn đó là “tủ thuốc di động”.
Apis argumentosa, Con ong siêng việc. Lời khen dành cho bao vị Thánh. Và đây cũng là phương tiện để kiểm soát sự trung thành và lòng nhiệt tâm của mình. Ðó là việc ta giữ lại các bài đã giảng: một tập vở ghi lại một vài hàng về chủ đề và dàn bài các bài ta đã giảng các ngày chúa nhật. Làm thế, ta có được, năm này qua năm khác, một bản tóm lược rõ ràng, nhanh chóng các bài giảng Tin Mừng ngày chúa nhật và các ngày lễ trong tuần. Ðây không phải chỉ là cách tự kiểm soát đối với vị giảng thuyết mà còn là sách tóm tăùt có phương pháp giúp cho việc mục vụ. Ngoài ra còn phải có một bản danh mục ghi chép nhiều hơn là bản ghi chép trên đây.
Lòng hăng say nhiệt thành và sự trung tín thúc đẩy ta phải suy tư, phải làm việc và cầu xin Ðấng Chăn Chiên lành thì lại được ghi vào một cuốn sách khác không phải do tay người phàm viết ra, nhưng “nó chỉ sẽ được mở ra (cuốn sách mà trong đó chứa đựng tất cả) và từ cuốn sách đó mà thế giới này sẽ được xét xử (“liber scriptus proferetur, in quo totum continetur, unde mundus judicetur”)
Khi Thánh Phao-lô khuyên Ti-mô-thê :
“Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2Tm:4,2), thì ngài đã tỏ ra sự quan tâm của một chủ chăn và sự nhiệt tình không mệt mỏi của một vị Tông đồ bằng lời rao giảng. Trong lãnh vực này, ngài quả là mẫu gương của mọi vị linh mục.
Bây giờ ta phân tích từ “importune” (không thuận tiện) để rút ra một điều luật. Ðiều luật đó như thế này: không phải mọi điều đều phù hợp với mọi người cả đâu. Mỗi thính giả đều có một đặc điểm riêng, môi trường sống cũng khác nhau; đối với vị giảng thuyết cũng thế: mỗài vị cũng có một kiểu giảng riêng. Bài giảng có hữu hiệu hay không, đó là tùy ta có biết đáp ứng được những điểm đặêc biệt đó hay không.
Xin lưu ý đến điểm được bàn đến sau đây, đó là: vị linh mục trẻ, cha phó xứ trẻ nên đểû cha chính xứ -người đã giàu kinh ngiệm- đề cập đến một số đề tài. Vì sao ?
Thưa: vì ngài là ngưòi có quyền, có trách nhiệm là cha chính xứ; vì ngài đã nắm vững được tình hình trong xứ; ngài có kinh nghiệm về môi trường; ngoài ra, người thường đã lớn tuổi, đã già dặn, đã trưởng thành. Nên ngài có đủ thế giá để bàn về những vấn đề khó như vấn đề: đời sống luân lý, hôn nhân khác đạo, các tội về điều răn thứ sáu, quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc, điều khiển các hội đoàn như hội các bà mẹ công giáo và những vấn đề tương tự.
Một vấn đề khác, đó là: giảng cho xứ đạo nhà quê, hay giáo xứ tỉnh thành, hoặc giảng cho giới công nhân. Những vị làm mục vụ tại các miền nông thôn cần phải học hỏi nhiều vấn đề liên quan và các ngài không nên coi nhẹ những vấn đề này. Cuộc sống của những người sống tại nông thôn là một cuộc sống trong một thế giới riêng biệt: xét theo công việc của họ - nhẫn giới các tư tuởng của họ - trí tưởng tượng - các thói tục xưa còn sót lại, những đòi hỏi, những nhu cầu, những nhân đức, những thiếu sót những khuyết điểm của họ. Nếu ta muốn thành công khi ta giảng cho họ, nếu ta muốn ghi ấn tượng lâu bền, sâu sắc nơi họ thì ta phải từ bỏ những thói quen bản thân của ta. Nơi đây cũng như mọi nơi khác, sự thiêng liêng được xây dựng trên bản tính. Vị giảng thuyết cần đặt việc lao động của người nông dân vào trong ánh sáng của đức tin. Ngài phải đem lại cho họ một ý nghĩa tôn giáo cho công ăn việc làm của họ -cho đời sống gia đình, đời sống xã hội. Ngài phải giúp đỡ họ thánh hóa bản thân, các quan hệ của họ đối với người trong nhà cũng như đối với người hàng xóm.
Vị giảng thuyết tránh không nên gây gổ và chỉ trích người nông dân vì họ chỉ chăm lo chuyện trần thế -vì họ quá lo cho tương lai - vì ý thích của họ - vì các nguyện vọng sà sà mặt đất của họ - vì họ ham tiền bạc. Trên tòa giảng, không bao giờ cha xứ được ám chỉ đến những căng thẳng, những khó khăn mà ngài gặp phải khi phải đối phó với một số giáo dân. Ðiều này ngài không có thể làm được tại một giáo xứ tỉnh thành thì lại không có lý do nào để ngài làm chuyện đó tại một giáo xứ ở một làng nhỏ, nơi đây ai nấy đều hiểu ngay cha xứ muốn ám chỉ ai. Tại miền quê, vị giảng thuyết cần phải nâng sự tầm thường và điều tự nhiên lên bình diện siêu nhiên và bình diện ân sủng.
Mục tiêu của việc giảng thuyết ki-tô ở tại điểm này và sẽ luôn ở điểm này, đó là :
giảng dạy:
- những chân lý siêu nhiên,
- các giới răn của Chúa ,
- các phương thế cứu độ,
như được trình bày trong sách giáo lý. Ðó là việc giảng dạy theo Tin Mừng.
Tuy nhiên, vị giảng thuyết phải -và dĩ nhiên là bao giờ cũng thế- khéo léo thích ứng tất cả vào đời sống thôn dã; ngoài ra, ngài còn phải trình bày dưới một hình thức đầy mầu sắc, sử dụng những so sánh, thỉnh thoảng chêm vào vài ví dụ cụ thể, sống động; lúc đó các đầu óc đang mệt mỏi liền ngửng lên...
Một bài giảng được dân chúng ưa chuộng không phải tự nhiên mà ứng khẩu được. Ðây là một công việc có tính cách nghệ thuật đòi hỏi cha xứ phải bỏ ra nhiều thời giờ mới soạn thảo được. Thánh Vianney -cha xứ Ars- đã cống hiến bao nhiêu thời gian cho việc soạn thảo các bài giảng của ngài.
Còn khi giảng cho giới lao động, vị giảng thuyết lại càøng phải soạn bài giảng kỹ lưỡng hơn nữa. Lý do là vì các người làm việc chân tay phải làm những việc nặng nhọc. Họ ít có thời giờ thư giãn. Ðời họ được gắn liền vào những nhà máy, những lò nung, những mỏ than. Những công việc này không giúp họ nâng cao tư tưởng. Rồi họ còn phải tranh đấu cho việc tăng lương, những phúc lợi xã hội. Ngoài ra còn nhiều nguy hiểm mà các người thợ trẻ có thể bị đe dọa. Thế nên, cần phải giảng về những vấn đề luân lý xã hội, nhưng nên tránh những vấn đề hoàn toàn có tính cách chính trị hoặc kinh tế. Cũng cần phổ biến những thông điệp xã hội của Giáo hội nữa.
Vị giảng thuyết cần có được một sự huấn luyện nghiêm chỉnh, nhờ học hỏi và nghiên cứu. Ngài phải trình bày giáo lý luân lý dưới một hình thức dễ hiểu để mọi người có thể nắm bắt được. Ngài còn phải phân biệt điều gì nên nói trên tòa giảng và điều gì nên dành cho những cuộc hội họp (họp nhóm, họp hội đoàn). Sau hết, ngài còn phải quan tâm đến điều có thể gây ra hiểu lầm vì một sự giải thích sai lệch hoặc một cái nhìn đơn phương, làm cho người nghe bối rối không biết đâu mà mò. Vì thế, vị giảng thuyết cần quán triệt lý thuyết và, hơn thế nữa, ngài còn cần đếân sự khôn ngoan và kinh ngiệm nữa.
“Opportune, importune”.
Vị linh mục không được cho phép mình ám chỉ không tốt về bất cứ ai. Một mũi tên bắn thẳng vào trái tim người nghe, khi người ấy đoán rằng ông cha đang nói về mình và khi linh mục ám chỉ về gia đình của họ thì có thể biến gia đình họ thành trò cười cho ngườiø khác. Ngoài ra, trong bài giảng, cha cũng nên tránh trách móc ai đó vì họ đã từ chối không tiếp cha hoặc đã xử tệ với cha. Nhà giảng thuyết thời nay phải hết sức giữ lời nói để tránh làm phiền lòng người nghe, vì họ rất nhạy cảm và dị ứng.
Một trong những bổn phận thánh thiêng của vị giảng thuyết, đó là: không bao giờ ngài được phép nói một câu nào mà người ta nghĩ rằng ngài đã biết được điều đó qua tòa giải tội. Cần hết sức quan tâm tránh điều đó, cho dù không có lỗi phạm một chút xíu nào về ấn tòa giải tội.
Một điều nữa mà vị giảng thuyết không bao giờ được làm, đó là: ám chỉ đến nhữøng nghi ngờ phát sinh từ những chuyện đồi bại về linh mục này hay linh mục kia. Khi cha bước lên tòa giảng, cha hãøy để lại dưới chân thang tất cả những gì có thể đã làm mất lòng cha sau một cuộc chuyện trò thiếu khôn ngoan. Với tính cách là một người rao giảng Tin Mừng, cha có bổn phận tỏ ra mình là một người hoàn toàn vô tư; cha phải hoàn toàn quên mình và cha chỉ còn nhớ tới các tư tưởng về cuộc sống vĩnh cửu, sự cứu rỗi đời sau và về các linh hồn. Cha phải phân phát cho mọi người sức mạnh, niềm vui và ánh sáng với tất cả tấm lòng yêu mến của cha.
Trong mọi trạng huống, cần áp dụng lời kinh :
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy tâm hồn và môi miệng con, để con công bố lời thánh thiêng của Chúa cho xứng đáng và tinh thông”. (“Munda cor meum et labia mea, ut digne et competenter annuntiem verba santa tua”).
Câu hỏi cuối cùng: liệu ta còn nên giảng về bốn sự sau không ?
Câu trả lời :
“Bài giảng phải được thích ứng với thời đại, khi bài giảng lấy gợi hứng từ những tư tưởng về đời sống vĩnh cửu, khi bài giảng đề cập đến các chân lý vĩnh cửu, về đức tin. Ðiều giảng dạy hiện đại vào thế kỷ thứ hai thì cũng hiện đại cho thế kỷû 20, 21. Khẩu hiệu của ta là: “Sống và giảng dạy thời đại của ta tùy thuộc vào sự vĩnh hằng. Ðiều mà bất cứ thời điểm nào đem lại sức mạnh cho bài giảng, đó là sức mạnh của đời sống vĩnh cửu. Những lời nói của Chúa Giê-su đã có trọng lượng vì Ngài đã nói dưới ánh sáng của đời sống vĩnh cửu”. Không điều gì thật hơn. Một vấn đề luôn làm rung động thâm sâu lòng con người, kể cả người đương thời, đó là vấn đề đời sau. Và nếu con người không quan tâm đến điều này thì vị linh mục, với tính cách là người trung gian giữa thời gian và vĩnh cửu, ngài phải quan tâm đến công việc này. Trách nhiệm đáng sợ nhất của ta là phải trả lẽ về số phận đời đời của vô số linh hồn. Chính tư tưởng này đã làm không ít người lùi bước trước chức vụ linh mục. Tuy nhiên, đối với người được tuyển chọn, thì chính vấn đề đời sau lại là điều kéo người đó muốn dâng mình làm linh mục, dẫn người ấy bước lên tòa giảng. Còn người trốn tránh trách nhiệm như Gio-na thì không muốn lãnh sứ mạng của người đi rao giảng. Ta nên nhớ lời cảnh cáo của Chúa Giê-su: “Ðêm đến, chẳng ai còn có thể làm việc được” Không có việc gì cấp bách cho bằng lo việc rỗi linh hồn của mình. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” (Lc.13,24). “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong”(Mt.7,13). Lời khuyến cáo sau đây phải được vang vọng trên mọi tòa giảng: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl:2,12).
Tuy nhiên, ta cũng phải khuyến khích những người có thiện chí, dẫn đưa họ đến với Ðấng “cây lau bị dập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Mt:12,20)