22. IX. GIÁO HỘI DƯỢC HIỆP NHẤT NHỜ BỘ LUẬT TUYỆT DIỆU, LÝ TƯỞNG HAY THỰC TẾ ?
Cấu trúc của Giáo hội công giáo, kể từ đứa trẻ vừa được rửa tội cho đến Vị Thủ lãnh toàn thể Giáo hội, đã trở thành đối tượng luôn được mọi người khen ngợi. Kiến trúc toàn bộ này đã có một bộ luật tuyệt diệu điều hành. Tổ chức này có một hoạt động rất hay, khi tinh thần vâng phục thân tình, vui tươi và tận tâm thúc đẩy, đem lại sinh khí cho các thành viên đã là lý tưởng mà tất cả mọi người, tuỳ theo chức năng, đều khao khát. Nhưng một câu hỏi được đặt ra : liệu đây là lý tưởng hay thực tế ?
Về vấn đề này, ta hãy đọc điều sau đây .
Các môn sinh của Thánh Phan-xi-cô Át-si-di đã phải rất vất vả học tập trong trường củavị thầy và vị lãnh đạo của mình. Họ phải chấp nhận nhiều hi sinh, gian khổ, phải đấu tranh để đền bù, sửa mình cách trọn vẹn, phải giũ bỏ những lập dị và phải tập luyện các nhân đức đặc trưng của nhà Dòng. Tất cả những điều này đòi hỏi nhiều từ bỏ. Nhưng còn có một điều khác liên kết họ lại với nhau, đó chính là lòng yêu thương. Lòng yêu thuơng giữa thầy và môn sinh thật là cảm động và vang lên như là một bài ca êm ái ngọt ngào. Vị thánh này đã tỏ ra quan tâm đến tất cả mọi người... Thomas Celano, vị tu sĩ tiên khởi của Dòng đã kêu lên: “Ôi! họ yêu thương nhau biết bao!”. Ðó quả là một cộng đoàn tu sĩ, nơi mọi người chung sống rất hạnh phúc và vui tươi. Niềm vui đó triển nở ngay lúc nhà Dòng sống rất nghèo, ngoài ra, các tu sĩ còn phải hãm mình ép, sống khổ chế hơn các Dòng khác. Ðây quả là một đặc ân Chúa ban cho thánh Phan-xi-cô Át-si-di có được niềm vui tự nhiên, một tâm hồn trẻ thơ và Chúa đã làm cho sức sống nội tâm của thánh nhân tỏa sáng ra chung quanh như mặt trời .
Thánh Phan-xi-cô rất vui và ca hát mỗi khi thắng được một cơn cám dỗ nặng nề. Cũng thế, các đệ tử của ngài cũng vui mừng sung sướng và cũng ca hát như thế. Lòng yêu thương và tính kỳ diệu của thánh Phan-xi-cô thật quý giá biết bao cho những người chập chững mới bước vào dòng tu. Một câu hỏi được đặt ra: phải chăng đây chỉ là một bức tranh thuộc về một thời đã qua ?
Một hôm, cách đây chừng 20 năm, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Ðó là một cha xứ cùng đi với cha phó. Cha phó vừa nhận được bài sai đổi đi xứ khác. Cả hai đều khóc : “Xin Ðức Tổng vui lòng để chúng con được cùng chung sống bên nhau”, cả hai cha chính và cha phó đều nói.
Một lần khác, tôi đang chờ đổi xe lửa. Tôi đi đi lại lại trên sân ga. Ngay lúc đó, có một chị nông thôn đến, chiếc giỏ vẫn còn trên lưng. Chị nhận ra tôi, hồi tôi ban phép Thêm sức cho chị. Chúng tôi trò chuyện với nhau. Chị nói: “Ôi!, cha phó của chúng con rất tốt! Người luôn làm theo ý cha chính xứ, như là ngài đọc được trên mặt cha xứ. Cả xứ chúng con đều rất vui”.
Trên đây là nhũng thứ gương truyện mà tôi hay kể mỗi khi có dịp đi thăm các chủng sinh.. Những câu truyện liên quan đến thánh Phan-xi-cô và các môn sinh của ngài quả không phải là bức tranh lý tưởng của một thời xa xưa. Và những truyện liên quan đến sinh hoạt giáo xứ mỗi ngày đem lại niềm vui lớn hơn cho toàn thể giáo xứ, vì một lý do mà ai cũng biết, nhưng xem ra lại khó cắt nghĩa được rõ ràng. Lý do đó là: không có thiệt hại nào do trận đại chiến để lại to lớn cho bằng sự hòa hợp bị tổn thương. Thật khó mà gợi tỉnh lại tinh thần hòa hợp, cảm tình yêu thương trân trọng đó, lúc mà tinh thần tranh đấu giai cấp, độc lập, tính ích kỷ, hẹp hòi, xấu xa đã lan tỏa mọi lãnh vực. Một trong những lý do chính, đó là: sự vô luân lý ngày càng trầm trọng, bởi lẽ “sự vô luân là điều xấc xược”, nói theo ý nghĩa của câu châm ngôn la-tinh cổ xưa.
Ta không thể chữa lành sự bất hòa chỉ bằng lời nói suông được. Nhưng nếu vị lãnh đạo trong xứ tỏ ra trong cảm tình và việc làm của mình, một tinh thần hòa hợp cao độ, có sức mạnh gây ảnh hưởng giáo dục, đem lại niềm vui và có tính cách thuyết phục, thì lúc đó, gương sáng này không thể không sinh ra hiệu quả tốt lành nhất cho đời sống của giáo xứ.. Các linh mục càng đoàn kết và hòa hợp với nhau bao nhiêu thì các giáo dân cũng càng hòa thuận và thương yêu nhau bấy nhiêu, vì các linh mục là những phần tử xuất sắc nhất của thân thể mầu nhiệm Ðức Ki-tô. Ðiều này đúng ở đời này thì cũng sẽ đúng ở đời sau.Và khi được hưởng phúc thiên đàng, tinh thần hòa hợp lại được nâng lên cấp cao hơn nhờ qua sự biến hình tuyệt diệu nhất. Ðó là viễn tượng rất phấn khởi, điều mà cả cha chính và cha phó không thể không cảm thấy.
Vị linh mục trẻ cũng tự nhủ: tôi càng tỏ ra lòng yêu mến, kính trọng cha chính xứ thì chính tôi cũng sẽ dành được ít chút những cảm tình thuận lợi trong giáo xứ rớt sang cho tôi và cho tác vụ tông đồ tương lai của tôi sau này. Ta chỉ gặt được cái mà ta đã gieo.
TÍN NHIỆM VÀ TẾ NHỊ
Không có gì giản đơn và đồng thời cũng là điều quan trọng đối với cha phó xứ cho bằng sự nhận ra vị trí, chỗ đứng của mình trong giáo xứ. Ðối với cha chính xứ cũng vậy. Xét về chức linh mục và trên bình diện đồng nghiệp thì cha phó ngang hàng với cha chính. Nhưng xét trên bình diện làm cha phó, thì cha phó là kẻ bề dưới. Cha phó là kẻ bề dưới và phải tuỳ thuộc cha chính xứ vì 2 lý do :
- trước hết, xét dưới khía cạnh chức vụ, việc phụng tự, việc phục vụ các linh hồn, các việc phục vụ khác trong giáo xứ, kéo dài suốt cuộc đời linh mục, thì trách nhiệm nặng nề vẫn đặt trên vai của cha chính xứ;
- lý do thứ hai : cha phó có bổn phận phải tỏ ta “reveren¬tia et obedientia” (kính trọng và vâng phục) -trong phạm vi xứng hợp- khi cha được truyền chức, cha đã hứa với Ðức Giám mục, Ðấng Bản quyền và là Chủ chăn trực tiếp của mình -“Ordinarius et immediatus pastor”. Thật là có lý biết bao, lời của Ðức Cha Doppelhauser đã nói sau một buổi lễ truyền chức: “Bây giờ thì tôi xin trao vào tay các cha chính xứ món quà mà Giám mục và Giáo phận quý hóa nhất, đó là các tân linh mục đây !”
Cha phó không bao giờ nên quên rằng: cha chính xứ có bổn phận rất nặng nề, đó là coi sóc và hướng dẫn mình. Ðối lại, cha chính cũng nên nhớ tới gương của thánh Phan-xi-cô, để khi hướng dẫn cha phó thì ngài phải tỏ ra kính trọng và yêu mến, rồi khi cần, thì ngài cũng phải tỏ ra cứng rắn, cương quyết. Nếu cha xứ phải là khuôn mẫu cho đoàn chiên trong xứ thì ngài cũng phải trở thành gương mẫu đặc biệt cho cha phó của mình, nhất là trong việc quản lý giáo xứ, việc giữ đúng giờ, phải soạn bài giảng, siêng năng ngồi tòa, nguyện ngắm đều đặn, viếng Thánh Thể thường xuyên, thăm viếng bệnh nhân, quan tâm và yêu mến giới trẻ. Quan hệ giữa cha chính và cha phó cần có sự tế nhị. Nên nhớ câu châm ngôn: “chỉ nguyên cung giọng không làm nên âm nhạc”. Và còn phải kể đến nhiều lãnh vực khác nữa, vì những điều này có tính cách quyết định. Thánh Phan-xi-cô thường hay nói một lời bao dung, khuyến khích, tán thành, dễ thương đối với các thày mới chập chững bước vào đời tu. Ngài có biệt tài nói lời an ủi với một thày đang buồn sầu chán nản. Ðó là điều cần thiết trong bầu khí nhà xứ -cho dù cuộc sống trong nhà xứ có thanh đạm và vất vả, thì vẫn luôn có một mặt trời sáng chói.
NHỮNG NĂM THÁNG TẬP SỰ LÀ NHỮNG NĂM THÁNG QUÝ BÁU
Hằng ngày, ta có thể nhận ra được sự quan trọng đặc biệt đối với một linh mục trẻ, đó là nhiệm sở đầu tay của mình và điều này không phải là không có lý do. Nếu tinh thần tại nhà xứ không đi đôi với tinh thần đại chủng viện, thì ta có thể đoán ra là sẽ có khủng hoảng trong đời sống nội tâm là cái chắc. Không có gì ghi dấu ấn sâu sắc vào đời sống của một linh mục cho bằng tinh thần trột nhất, những quân hệ tình cảm của mình. Phúc thay cho vị linh mục trẻ nào mà tại nhiệm sở đầu tiên của mình, được tiếp xúc với một cha xứ ngày nào vị này cũng nguyện ngắm, luôn coi trọng những giờ khắc quỳ chầu trước Nhà Tạm và vị đó luôn trao phó mọi công việc cho Ðức Nữ Vương các Tông Ðồ khi ngài lần chuỗi.
Những năm tháng tập sự quả là những năm tháng vô cùng quý báu: thái độ của cha chính xứ có ảnh hưởng sâu xa trên vị linh mục trẻ. Chính vào lúc này mà những lời khuyên răn tại đại chủng viện được đưa ra thử nghiệm và đem ra thực hành. Chính vì thế mà ta nhận ra vai trò quan trọng của gương mẫu vị linh mục trẻ có trước mắt mỗi ngày. Những năm tháng tập sự quả là những năm tháng quý báu. Vậy, thật là ích lợi biết bao khi cả hai cha đều cùng nhau thảo luận, bàn bạc về những bổn phận, những công việc cũng như những khó khăn liên quan đến việc mục vụ tại giáo xứ. Và thời gian thuận tiện nhất để làm việc này là bữa ăn trưa, lúc mà chỉ có cha chính và cha phó có thể ngồi trao đổi với nhau. Việc gặp gỡ vào bữa ăn trưa có nhiều lợi ích, nhưng chỉ với điều kiện là dì phước hoặc cô giúp việc không được quanh quẩn bên cạnh; nếu không thì việc thảo luận và trao đổi ý kiến giữa hai vị khó có thể thoải mái được.
Những năm tháng tập sự cũng rất quý báu, bởi lẽ vị linh mục trẻ lúc đó học được nhân đức mà Thomas a Kempis đã ghi ngắn gọn là: “sese accommodare” (biết thích ứng với hoàn cảnh). Ðiều này ở tại chỗÃ biết khiêm tốn mà thích ứng với hoàn cảnh và với nhân sự hiện diện. Ðiều này cũng đòi hỏi phải có sự tế nhị và phải sẵn sàng chấp nhận vô số hi sinh. Nhiều người đã phải dành ra nhiều thời gian để tập quen. Những tiên kiến, những lúc thì nổi nóng, những bất đồng ý kiến đều gây nên khó khăn bực bội. Sách “Gương Chúa Giê-su” đã rất có lý khi viết: “Quantae virtutis fuerit, patet occa¬sione adversitatis” (I,6). (Thời gian thử thách, con người mới tỏ ra mức độ nhân đức của mình đến đâu). Nhân đức ở đây cũng ở tại sự phán đoán, nhìn nhận ra ngay nguồn gốc của sự bất đồng. Tư tưởng đầu tiên là: lẽ ra cha chính xứ đã không nên yêu cầu tôi làm điều đó và những ai khó chịu thì họ phải thay đổi ý kiến chứ ! Nhưng thực ra, có lẽ tốt hơn là tôi nên tự hỏi: có phải là tôi đã sai lầm chăng? Lẽ ra tôi đã phải khôn ngoan hơn trong việc này chứ... Lẽ ra tôi đã phải nhẹï nhàng, hiền hậu hơn chứ... Vậy ai có tinh thần kiểm soát được bản thân thì chẳng đánh mất danh dự của mình chút nào, mà còn học thêm rất nhiều những điều khác nữa. Thiết nghĩ: điều trên nên được chọn làm đề tài xét mình riêng cho ta.
Những năm tháng tập sự của cha phó trẻ cũng phải trở nên những năm tháng huấn luyện cho cha chính xứ nữa. Những điều được bàn trên đây cũng có thể áp dụng cho các vị bề trên vì các ngài cũng không bao giờ có thể chấm dứt việc học hỏi, huấn luyện. Ý kiến trên đây là lời khuyên của Ðức Hồng Y Consalvi đã thưa với Ðức Giáo Hoàng khi Ðức Giáo Hoàng đến thăm lúc ngài đang hấp hối và xin ngài cho một lời khuyên cuối cùng.
Những năm tháng tập sự là những năm tháng quý báu. Có nhiều cha phó đã tâm sự với tôi, với tất cả tấm lòng tri ân, là các ngài đã tìm thấy nơi cha chính xứ của mình, một gương mẫu cho cả cuộc đời mình, bởi vì, cha chính xứ đã luôn là người đầu tiên có mặt tại tòa giải tội mỗi buổi sáng. Có những cha phó khác kể là cha xứ đã dành ra rất nhiều thời gian trong tuần để chuẩn bị cho bài giảng ngày chúa nhật để bài giảng có được chất lượng và thích hợp với cử tọa. Một cha phó khác đã kể là: có một cha xứ qua đời vào tháng chạp mà người ta đã thấy trên bàn viết của ngài chương trình làm việc cho toàn bộ năm sau.
Những năm tháng tập sự là những năm tháng quý báu. Tôi rất vui khi nghe kể là có cha phó xin cha chính cho mình dự buổi học giáo lý về bí tích Hòa giải và về việc rước lễ để có thể hiểu biết thêm. Cha phó cũng có thể học được nơi cha chính cách làm sổ sách, việc điều hành giáo xứ. Ðến nay, tôi vẫn còn nhớ: hồi còn nhỏ, mới học lớp sáu, tôi đã có thể giúp ông cụ tôi sao lại bản hợp đồng cho thuê nhà, và đó quả là cả một thế giới mới lạ về những chi tiết hành chánh được mở ra trước mắt tôi. Có thể các tân chức cho rằng những lời khuyên răn trong năm cuối của đại chủng viện chỉ là những “chuyện nhỏ”, những chuyện tỉ mỉ. Nhưng trong thực tế, vị linh mục trẻ sẽ sớm nhận ra những chuyện “vặt” đó cũng có vai trò quan trọng của chúng.
Xin đan cử ra đây một vài ví dụ :
Trước hết, cha phó đừng dễ dàng nghĩ rằng mình được trao cho nhiệm vụ cải tổ nhà xứ, luôn cả giáo xứ. Cha phó không nên có thói cãi lại cha xứ, cũng không nên phản đối phương pháp và chính sách của người, nếu không phải là khi cần thiết. Cha phó cũng nên bỏ những kiểu ăn nói quá tự do, điều mà mình đã học được trong khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Ngài nên giữ đúng giờ trong mọi sự, không những trong khi phục vụ nhưng còn phải đến đúng giờ cơm nữa. Còn một vấn đề quan trọng nữa, đó là nên nhìn sự vật dưới khía cạnh tốt, cắt nghĩa tốt cho mọi việc, cắt nghĩa theo chiều hướng thuận lợi...
Tính tình vui vẻ cũng là một đặc ân của Thiên Chúa và cũng thực sự là một nhân đức. Ðặc ân này ở tại nhìn khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, nhận xét và cắt nghĩa mọi việc một cách nhã nhặn. Ðối với một số người, ân ban này xem như một chuyện đương nhiên do thiên phú. Những người khác thì phải dày công luyện tập và luôn phải kiểm soát bản thân. Nhưng nói chung, nhờ sự nhã nhặn và tính tình vui vẻ, ta có thể tránh cho mình nhiều điều cay đắng và nhiều chuyện khó chịu. Ai đó nói một lời cứng cỏi khó nghe, một chuyện vô duyên, vụng về ư ? Ta hãy làm như mình không nghe thấy gì cả. Nếu ai đó, trong lúc bốc đồng, giận dỗi, đã buông lời khó nghe, thì chính đương sự là người phải hối tiếc; chính anh ta lại là người phải chịu thiệt thòi. Làm bộ như không nghe thấy gì, không nhìn thấy chi, thì ta tránh cho mình và cho nguời khác một chuyện cãi vã, bất hòa.
Những chuyện coi như nhỏ, nhưng không đâu! Những chuyện nhỏ, nhưng thực ra chúng cũng rất quan trọng. Chính bằng cách ta giữ hoặc không tuân theo những lời cảnh cáo trên đây, mà ta tỏ ra hay không tỏ ra mức độ nhân đức, giáo dục và bác ái mà ta đã đạt hay chưa đạt được. Sự kiện sau đây sẽ là một ví dụ :
Có một cha xứ đến xin tôi đổi cha phó, lý do là cha phó đã tỏ ra thiếu kính trọng đối với ngài. Tôi trả lời: “Nếu tôi đổi cha phó của cha vì lý do đó, thì cả hai cha sẽ không ai hài lòng. Xin cha cứ coi như không có chuyện gì xảy ra cả”. Sau đó, cha xứ trên đây cho tôi biết: ngài đã làm theo lời tôi khuyên và ngay lập tức sự kính trọng đã trở lại như xưa. Rồi cha xứ tiếp : “Và bây giờ thì xin Ðức Tổng để thư của con vào một góc kín của trái tim và xin Ðức Tổng rút chìa khóa ra. Ðó không phải là một cách tế nhị mà cha xứ tỏ ra sự khoan dung đối với cha phó của mình đó sao ?
Những chuyện xem ra nhỏ bé nhưng cũng có thể gây phiền lòng. Tôi đã định ngày ban phép Thêm sức tại một xứ đạo và chuyện xảy ra là cha phó biết được tin này qua một bà hội trưởng; điều này làm cho cả hai người hết sức ngạc nhiên. Lẽ ra cha phó phải là người đầu tiên được cha xứ thông báo cho mới phải... Những chuyện xem ra nhỏ, nhưng cũng cần để ý. Còn một qui luật có tính cách đặc biệt quan trọng: nếu có ai đó, trong xứ, đến phàn nàn với cha phó về chuyện cha chính xứ thế này thế kia, thì cha phó nên bênh vực cha xứ trong mọi tình huống. Cứ cho là đôi khi cha xứ đã xử sự công việc mà ta không hoàn toàn tán thành được, thì ta cũng nên tìm cách để cắt nghĩa vụ việc không hay đó dưới ánh sáng thuận lợi hơn và làm an lòng người đang thắc mắc. Cha phó nào làm như thế thì quả ngài đã làm gương sáng tuyệt vời cho người giáo dân rồi !
|