21. ÐỨC MẾN KHÔNG NÓNG GIẬN, KHÔNG NUÔI HẬN THÙ (1 Cr, 13. 5)
Ðiều này có nghĩa là: tình bác ái huynh đệ phải đâm rễ sâu vào trong những sợi cơ bí nhiệm nhất của trái tim ta. Và điều đó một lần nữa lại tỏ ra cho ta những cảm tình sâu lắng nhất chính là nguồn mạch của mọi việc làm nhân đức. Thánh Tông Ðồ hướng dẫn chúng ta nhìn vào thế giới các cảm tình sâu lắng và vào sự hài hòa phải ngự trị giữa các cảm tình của ta và công việc ta làm Người nói với ta: người nào có đức bác ái thực sự thì không tức giận, cũng không quy tội, quy điều xấu cho người anh em. Riêng bạn, bạn có trân trọng, đánh giá cao những lời nói và các thái độ của họ đối với bạn không? Bạn có cắt nghĩa tốt tất cả những điều đó, cắt nghĩa với lòng khoan dung và với tình bạn không? Hay là bạn đánh hơi thấy trong mọi hoàn cảnh, đều có một sự ác tâm được ẩn giấu đâu đó -hoặc một lời nói bóng gió có tính cách sỉ nhục? Hay là bạn lại đáp lễ lại những lời châm chọc bằng những lời khó nghe chăng Bạn lấy đức ái mà bỏ qua những nghi ngờ đó, và tâm niệm rằng người đồng nghiệp của bạn đã nói ra lời đó mà không có ác ý nào?
Vậy trong mọi tình huống lớn nhỏ, có cả trăm ngàn cơ hội nhỏ bé cho phép ta thực hành đức bác ái, trong các vương quốc bí nhiệm của các tư tưởng. Thực ra, hầu như luôn là một chuỗi các cơ hội nhỏ bé, nhưng cuộc đời lại chẳng phải là một chuỗi các biến cố móc xích vào nhau như một tấm vải được dệt nên bằng những sợi chỉ nhỏ khó nhận thấy sao? Những lời khẳng định: đức ái không bực tức, không nghĩ sự xấu. Ðó là điểm ý chỉ cho thấy một tâm hồn trưởng thành có tinh thần Ki¬tô thực sự. Ðức ái luôn sẵn sàng chữa lỗi cho những sự thiếu sót; luôn bỏ qua những chuyện sai lầm và những vụng về, cắt nghĩa tốt cho mọi sự, thực hiện sự hài hòa, thông cảm. Khi có chuyện bất đồng, điều cần nghĩ đến đầu tiên là nên dẹp điều lỗi phạm ra một bên, nếu quả đó là một lỗi phạm. Người có tinh thần bác ái, không bao giờ nghi ngờ các bạn đồng nghiệp là họ ghen với mình. Tội ghen tương là tội của Ca-in, nghĩ rằng người khác ghen với mình đã lỗi đức ái rồi! Những gì, lúc đầu xem ra là ghen tương, nhưng thực tế không luôn là như thế. Khi một người nào đó nhận được sự kính trọng hoặc được chức tước này chức tước kia, mà mình như cảm thấy bị tổn thương, thì quả đó là một điều không hay ho gì, tuy nhiên đó không cần phải là một sự ghen tương đáng ghét.
Ta có thể duy trì sự hòa thuận và sự thân thiện trong các quan hệ bằng các việc làm âm thầm và khiêm tốn, cộng với mọi hi sinh, sẵn sàng ở ẩn và quên mình. Nếu ta làm thế, ta sẽ được một phần thưởng cao quý, đó là ta bảo đảm có được sự an bình nội tâm, đó là nắm được chìa khóa mở cửa các tâm hồn. Ðồng thời ta cũng có được một sự tế nhị khéo léo làm ta tránh được những gì làm mất lòng và ta sẵn sàng từ bỏ quan điểm đánh giá riêng tư của ta. Nếu ta có được nhân đức trên đây, thì ta sẽ có đủ thế giá, khi cần thiết, để đưa ra những lời khuyến cáo một bạn đồng nghiệp, khi vị này phạm lỗi có nguy cơ làm hại đến lợi ích chung, đến sự cứu rỗi các linh hồn và làm ô danh chức bậc linh mục. Ta còn có một cách khác nữa để thực thi đức bác ái đối với các bạn đồng nghiệp, đó là: ta không nên tránh gặp gỡ các bạn ta, hoặc không muốn trò chuyện làm bạn với các đồng nghiệp. Một hôm, tôi đến thăm đại chủng viện Fribourg cùng với Ðức Cha Noerber. Tôi đã được nghe Ðức Cha nói với các chủng sinh một lời khuyên như sau: Khi nào các bạn họp nhau, nếu ai có chuyện gì vui thì hãy kể ra cho anh em nghe, phải kể ra và những người nghe cũng phải vui cười tán thưởng
Ðể kết luận, tôi xin thêm một lý do để ta tránh tất cả những tâm tình ghen tương có thể có. Những ân huệ dồi dào ta lãnh nhận được từ việc rước lễ hàng ngày sẽ được trao ban cho ta theo mức độ là ta đừng đặt ra những cản trở: “non ponenti-bus obiciens”. Chính Chúa Giê-su cũng chỉ cho các môn đệ, đồng nghiệp với nhau, cản trở tệ hại nhất đó là sự thiếu lòng bác ái huynh đệ. Ðiều đó đúng trong bữa tiệc ly. Ðiều đó cũng đúng khi ta tới gần bàn thờ để dâng của lễ (Mt 5.23 và tiếp theo). Ai là người có lý do để nhớ lại những điều khuyến cáo đó nhất, nếu không phải là linh mục ?
TA HÃY CẦU NGUYỆN CHO CÁC ANH EM VẮNG MẶT
Ta hãy năng nhớ cầu nguyện cho các bạn đồng nghiệp đang phải khổ sở, hoặc đang phải chiến đấu nội tâm rất gay go, hoặc đang nằm chờ chết. Mỗi ngày ta có dành một giờ đặc biệt trong kinh nhật tụng để nhớ đến một cách đặc biệt các bạn đồng nghiệp trong Giáo phận, để xin Chúa ban cho các vị ánh sáng, can đảm và niềm vui? Liệu mỗi ngày, trong thánh lễ, ta có nhớ cầu nguyện cho các linh mục đã qua đời không? Ta hãy quan tâm đến thăm các linh mục đang an nghỉ trong nghĩa địa, với một lòng yêu mến kính trọng, không những ta đưa hoa nến đến chưng mà nhất là đến đó để cầu nguyện cho các ngài vào ngày giỗ và ngày cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Lòng yêu mến và sự kính trọng mà các bạn tỏ ra cho người khác sẽ vang dội lại cho chính bản thân các bạn. Nếu chúng ta biết dạy cho giới trẻ thói quen có lòng yêu huynh đệ, thì hiệu quả sẽ nảy sinh ra trong các tâm tình và cách đối xử của những người trẻ đó. Ðây là một bổn phận quan trọng là ta phải làm gương sáng cho giáo xứ, việc thi hành đức bác ái huynh đệ: “forma gregis” (gương mẫu cho đoàn chiên).
Gương sáng của vị linh mục sẽ là bài giảng tốt nhất có khả năng chống lại sự ích kỷ chật hẹp, mà trong nhiều xứ, đã là một trở ngại cho việc phát triển việc giáo dân làm tông đồ. Các linh mục chúng ta đều biết rõ rằng: nhờ các hoạt động thầm kín và nhờ sự tận tâm bác ái của ta, chúng ta có thể dần dần thổi một làn khí mới cho các phong trào và đời sống giáo xứ. Ðó là một yếu tố quan trọng, yếu tố không lường được.
|