13. CÁC VIỆC THÁNH CẦN PHẢI ÐƯỢC LÀM CÁCH THÁNH THIỆN
Lời trên đây, tôi đã đọc được tại phía sau của bàn thờ, nơi mà tôi đã đến dâng Thánh lễ nhiều lần. Những từ này cũng nhắm đến những trạng thái bên trong cũng như thái độ bên ngoài của người tham dự vào việc phụng vụ cao cả nhất.
Ta phải thi hành cho chính xác và cho xứng đáng tất cả những đòi hỏi của phụng vụ, và phải thành tâm yêu mến. Ðây là điều quan trọng nhất đối với chúng ta.
Mỗi người trong chúng ta ai nấy đều biết, theo kinh nghiệm, là sự cử hành xứng đáng bên ngoài có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống nội tâm như thế nào.
Nếu ta có được một thái độ trân trọng khi làm các cử chỉ và khi đi đứng, chúng ta sẽ đạt được hai kết quả sau đây:
a/ Sự trân trọng bên ngoài tỏ cho thấy lòng đạo đức bên trong của ta.
b/ Và nó cũng gây một ảnh hưởng sâu xa trên lòng đạo đức bên trong này bằng cách chúng ta tránh những cử chỉ máy móc mà ta cố gắng biến chúng thành một hành động có suy nghĩ.
Rồi sự quan tâm làm các nghi lễ phụng tự cho đúng giờ đúng khắc cũng có một giá trị sư phạm nữa, đó là: ta cũng mời gọi những người giúp lễ và giáo dân cùng thực hành nhân đức đó.
Lương tâm tế nhị được biểu lộ như thế đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, kể từ lúc ta dâng Thánh lễ cho đến khi làm các việc tông đồ trong ngày: sự tế nhị lương tâm này đóng dấu ấn vào thái độ thường ngày của ta.
Ðó chính là một bài giảng thông qua những hành động làm nức lòng giáo dân. Ðó cũng là một lời tuyên xưng đức tin đối với những người bất đồng ý kiến với ta và chính họ cũng sẽ biết tỏ lòng tôn trọng trước sự trang nghiêm đã gây ấn tượng cho họ.
Tòa Thánh đã thiết lập Bộ Phụng Tự để theo dõi mọi việc thi hành phụng tự cho đúng đắn trong mọi ngành và mọi lúc.
Sự quan tâm này tỏ cho thấy là vị hôn thê của Chúa Kitô phải có một lòng tôn kính đối với Vị Lang Quân trên trời như thế nào, đối với Thân Thể thánh thiêng của Người và đối với tất cả các cơ chế của Người.
Vậy mỗi người trong chúng ta cần phải quan tâm hết sức để thi hành những chỉ thị của Bộ Phụng Tự.
Vị linh mục cũng phải quan tâm đặc biệt đến nơi ở của Ðấng Cứu Thế, hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, nếu cần, chính tay ngài phải lo chăm sóc giữ gìn Nhà Tạm cho hết sức sạch sẽ, và trang hoàng cho xứng đáng.
Vì thế, không trưng hoa giả, càng không sử dụng các bóng điện màu sắc lòe loẹt như nơi phàm trần: nơi các công viên, nơi có các trò chơi giải trí...
Vị linh mục cũng phải đi đứng cách nghiêm trang cung kính trong nhà thờ, kể cả khi ngài chỉ có một mình trong nơi Thánh. Thực ra ngài không bao giờ ở một mình: các Thiên Thần cũng đang quan sát ngài, khi ngài ở trước mặt Thiên Chúa Cực Thánh.
Trong phòng thánh, ngài cũng phải là khuôn mẫu cho đoàn chiên (forma gregis). Phòng thánh (nhà mặc áo) không phải là nơi để đùa bỡn, tán chuyện gẫu hoặc nơi cãi nhau chí chóe.
Ðối với các em giúp lễ, ta cũng phải liệu cho các em có việc gì đó để làm, khi chúng được nghỉ ngơi. Ta cũng nên thường xuyên thay đổi người giúp lễ.
Ngày nào cũng phải phục vụ tại bàn thờ, có khi kéo dài cả tháng, mà ngày nào cũng phải nghiêm trang như thế, thì cuối cùng cũng sẽ làm mệt nhọc và đem lại căng thẳng cho các em, cho dù là những em tốt nhất.
Cha sở cũng phải sớm ra nhà thờ ban sáng để xem hiệu lệnh chuông trống được đánh đúng giờ.
Những điều khuyến cáo trên đây xem ra chỉ là những chuyện nhỏ nhặt, nhưng khi nghĩ đến việc “sancta sancte”, thì khi ta quan tâm đến những việc nhỏ nhặt như thế quả không phải là mình đã làm điều quá tỉ mỉ đâu.
NHÀ CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỬA CỦA THIÊN ÐÀNG
Ðấy là tên gọi của ngôi nhà thờ Công giáo.
Vậy xin hỏi: liệu phần đông các nhà thờ mới được xây cất gần đây, xét theo lập lăng, mẫu mã và kiến trúc, có xứng đáng danh hiệu đó không ?
Nhiều người trong chúng ta không nghĩ rằng ta có thể khẳng định tích cực cho câu hỏi này.
Người ta đã đưa ra nhiều yếu tố trần thế vào việc xây cất các nhà thờ tân thời này. Có rất nhiều trong số các nhà thờ mới xây cất này đã không có khả năng đưa tâm hồn lên cao, chúng trống rỗng, lạnh lùng và buồn tẻ. Cha xứ và ban xây dựng của giáo xứ đã bất lực trước một kiến trúc sư, khư khư bảo tồn ý kiến riêng mình, và tại ban xây dựng của thành phố không có người hiểu đạo công giáo; chứ chưa nói đến chuyện họ thiếu tinh thần tôn giáo để có thể làm nức lòng tâm hồn người giáo dân.
Ngày nay trong hoàn cảnh như thế, có một sự lo âu không những về kinh phí mà còn về vấn đề xây dựng nhà thờ và cả trang trí nữa.
Vị linh mục nào có bổn phận có ảnh hưởng đến việc quyết định xây dựng một nhà thờ mới nào, thì vị đó không nên quên rằng đây là một công trình sẽ tồn tại cả nhiều thế kỷ và chỉ nên quyết định sau khi đã suy nghĩ chín chắn cẩn thận. Ngài cũng nên nhớ là công trình ngài xây dựng sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến đời sống đạo của nhiều thế hệ nối tiếp mai sau. Các thế hệ này sẽ không tìm được niềm cảm hứng lâu bền từ một công trình của một nghệ sĩ làm theo sự tùy hứng của mình.
Vị linh mục xây cất thánh đường không những chỉ bằng lòng với việc hợp đồng được thi hành thỏa đáng, công trình gồm đủ các điều kiện luật pháp, và các vật liệu cung cấp đầy đủ; mà ngài còn phải lo thực hiện công trình thế nào để có thể đáp ứng được các nhu cầu thiêng liêng của giáo xứ, làm thế nào để gây ấn tượng tốt, một công trình đáp ứng được các đòi hỏi về phụng vụ nữa.
Ngài còn phải lo chọn kỹ sư thiết kế và chỉ trao việc đó cho một người nào có tính tình và đã có kinh nghiệm xây cất trước đó, để bảo đảm cho việc thi công của mình.
Không chỉ nên dựa vào những lời hứa ngoại giao và nghe những lời quảng cáo tài tình.
Cũng thế, về vấn đề trang trí trên tường vách, cách sắp xếp đồ đạc, và việc mua sắm thì cho dù là do tiền của dâng cúng, thì người ân nhân cũng không phải là người được quyết định theo ý mình, nhưng phải nhằm chính là mục đích tôn giáo và phụng vụ. Vậy yếu tố nào sẽ là yếu tố quyết định ?
Việc quyết định xem dự án xây cất nhà thờ mới có tính cách là một ngôi Nhà Thánh và xem Giáo Hội có thể chấp nhận được không là ở trong tay của vị Giám mục giáo phận. Vì trong Giáo luật cũ, khoản 1164 đã quy định: “Curent Ordinarii, audito etiam, si opus ¬¬¬fuerit, peritorum consilio, ut in ecclesia¬rum aedificatione vel refectione serventur formae a traditione christiana receptae et artis sacrae leges”.
Giáo quyền không thiếu lý chính đáng và khẩn thiết để chống lại việc xây cất các nhà thờ giống như một nhà hát lớn hoặc giống như một hành lang nhà ga xe lửa hoặc một kho chứa hàng
Khi xây cất một công trình mà sẽ tồn tại cả bao thế kỷ và phục vụ cho các mục đích thánh thiện nhất, thì giáo xứ không thể trao việc quyết định đó vào tay của một cá nhân làm theo ý thích thất thường của mình.
Có khi chính những người vẽ mẫu hoặc trang trí nhà thờ lại là những người chẳng mấy khi tham dự các buổi lễ, họ chẳng hiểu gì về những đòi hỏi của việc phụng tự, lòng đạo đức của người giáo dân. Và vì thế, họ xây những nhà thờ mà không có chỗ dành cho tòa giải tội, họ không đem lại cho bàn thờ hoặc chỗ ca đoàn một sự trang nghiêm xứng đáng; hoặc chỗ quỳ, chỗ ngồi không thuận tiện chút nào.
Việc trang trí nên tránh những tượng hoặc các bức họa không xứng đáng và trái với lòng đạo đức của người Công giáo - hoặc tránh đặt một tượng Chúa Giê-su bị đóng đinh có cỡ quá lớn trong một nhà thờ quá nhỏ bé. Không có sự cân đối nào !
Luôn phải tôn trọng tính cách thánh thiện của nơi thờ phượng và quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng của người giáo dân.
Một điều nên chú ý nữa, đó là: dĩ nhiên ta phải dành chỗ trung tâm cho bàn thờ chính, nhưng cũng nên biết là giáo dân của ta cần nhu cầu có các nhà nguyện nhỏ (trong các nhà thờ hay trong các đền thánh) – nơi đó, các tâm hồn tìm được một nơi thinh lặng và riêng biệt tiện cho việc tĩnh tâm và cầu nguyện.
Vậy điều này không có được trong các nhà thờ được thiết kế như là một đại sảnh để hội họp. Trong tất cả các ngành sáng tác nghệ thuật, ta nên quan tâm đến việc hiểu được nhu cầu chính đáng của tâm hồn bình dân. Nhu cầu này ta không nên hy sinh để nhường chỗ cho một phong cách mang ích lợi thực tế.
Một nhà phê bình rất chí lý khi nói: nếu người giáo dân phải chấp nhận một công trình mà không có tính cách tôn giáo chút nào, thì nhà thờ đó sẽ trở thành một sa mạc cho họ.
Vì lý do các vật liệu xây cất đắt đỏ, nên tránh không xây cất những ngôi Thánh đường đồ sộ.
Ðiều cần nhắm tới, không phải là công trình có tính cách quy mô đồ sộ, mà là một công trình được xây dựng có tính cách và được thiết kế chỉnh tề, tiện lợi và thân mật.
Còn về chọn kiến trúc sư, nhà thầu và công nhân, ta nên quan tâm đến khả năng kinh tế hiện có trong giáo phận.
Aperire Librum: MỞ SÁCH RA
GIỚI THIỆU CHO NGƯỜI TÍN HỮU SỰ PHONG PHÚ CỦA PHỤNG VỤ
Biết bao kho tàng của đời sống thiêng liêng và của nền học vấn về Giáo Hội, đối với phần đông các tín hữu thường chỉ là một cuốn sách không bao giờ được mở ra.
Vậy những kho tàng của phụng vụ cũng chung một số phận đó sao?
Chắc chắn là không.
Các tín hữu cần mỗi ngày làm quen với cuốn sách kỳ diệu chứa đựng biết bao điều phong phú. Aperire librum. Mở sách ra mà đọc.
Dẫn dắt con người đến với Chúa, đó là sức mạnh của phụng vụ. Phụng vụ đưa con người tới nguồn mạch các ơn thiêng, tràn ngập ánh sáng và sức mạnh để thánh hóa.
Chính thông qua phụng vụ, với sự bao la và sự sâu sắc của nó, mà Giáo Hội thi hành nhiệm vụ làm trung gian của mình.
Phụng vụ còn có chức năng huấn luyện tài tình sự sống của linh hồn. Và đối lại, chúng ta cũng có thể đem những cảm tình riêng tư và toàn bộ đời sống nội tâm của chúng ta vào các nghi lễ phụng vụ thật hấp dẫn và đạo đức.
Chính nhờ ngôn ngữ của phụng vụ mà Giáo Hội -vị Hôn thê của Chúa Giê-su, nói với chúng ta bằng cách hướng dẫn chúng ta suốt năm phụng vụ.
Nếu ta đi theo phụng vụ, ta sẽ luôn được chia sẻ cuộc sống thân mật này với Giáo Hội. Thực tế, vị linh mục cảm nghiệm được điều này mỗi ngày. Và người giáo dân Công giáo lại không cảm nghiệm được như thế sao ?
Phụng vụ không phải là suối nguồn, một nơi trú ẩn đầy niềm vui và đầy an ủi sao ?
Và bổn phận chúng ta lại không phải là nắm bắt mọi cơ hội để đem lại cho các giáo dân, thông qua phụng vụ, một thúc đẩy lòng đạo đức mà sẽ đem lại cho họ niềm hạnh phúc ?
Có biết bao điều đau khổ và lo âu đang đè nặng trên tâm hồn người giáo dân !
Tâm hồn nào thiếu niềm vui đạo đức và các cảm tình cao quý, thì tâm hồn đó thật đáng thương biết bao !
Nhưng vị linh mục lại có trong tay bao nhiêu sự phong phú của đời sống thiêng liêng. Vậy thật cao quý biết bao bổn phận của ngài là làm sống lại và duy trì - xuyên qua sự thúc đẩy này - cho nguồn suối của cuộc sống nội tâm nơi người tín hữu được phong phú dồi dào hơn.
Chúng ta càng chu toàn nhiệm vụ này hoàn hảo bao nhiêu thì việc người giáo dân tham dự vào đời sống phụng vụ lại tích cực hữu hiệu hơn bấy nhiêu.
Chính vào mục tiêu này mà các bài giảng, các bài diễn văn, các tuần lễ học hỏi phụng vụ được tổ chức theo chu kỳ các mùa trong năm phụng vụ, nhất là càng gần những ngày lễ trọng .
Ta cũng có thể làm cho các trẻ em, cũng như những người lớn, tùy theo trình độ hiểu biết của họ, được làm quen với những gì xảy ra tại nhà thờ, tại phòng thánh và trong năm phụng vụ.
Các em sẽ biết ơn khi nhận được những điều dạy dỗ về vẻ đẹp của phụng vụ: đó cả là một thế giới mới mở ra cho trí khôn và trái tim của các em và cho phép các em được tham dự mật thiết hơn vào các nghi lễ tôn giáo.
Ta cũng phải lo cho mọi người hiểu được nội dung các bài thánh ca được hát trong thánh lễ và các mùa trong năm phụng vụ. Thật là một giờ được cho vị linh mục hay là cho giáo lý viên, khi các vị dành thời gian để cắt nghĩa cho các em hiểu biết nội dung, ý nghĩa của bài hát, cấu trúc của bài thánh ca, để mọi người có khả năng hát các bài đó một cách xứng đáng và có được một ấn tượng tuyệt vời biết bao !
Tất cả những điều trên đây sẽ đưa lại lợi ích cho việc huấn luyện giới trẻ và tất cả các tín hữu.
Ðấy là tất cả những lý do khiến ta phải mở cuốn sách ra mà đọc :
Aperire librum!
(Hãy mở sách ra!)
|