10. II. NHỮNG NGUỒN SUỐI SINH ÐỘNG CỦA ÐỜI LINH
Ðối với linh mục, địa bàn của đời sống nội tâm chính là sự suy niệm (nguyện ngắm). Chính từ suy niệm mà ta tìm được hai nguồn mạch phong phú thiêng liêng, đó là:
Sự khôn ngoan
và lòng bác ái.
Cho dù có bao nhiêu ấn tượng đa dạng khác nhau trong một ngày có thể làm cho chao đảo và rung lên cái địa bàn cùng với các khuynh hướng của ta, thì sự suy niệm, cùng với những quan điểm cao siêu của việc giáo huấn luôn hướng về mục đích cũng như những thúc đẩy luôn đều đặn của nó về mục đích, đem lại cho ý chí của ta một hướng đi vững chắc.
Suy niệm quả là địa bàn của cuộc sống nội tâm. Trong cuộc sống thực tế đời thường, ta được sự khôn ngoan hướng dẫn trong cung cách điều khiển: nghệ thuật của các nghệ thuật.
Ðó là sự hướng dẫn các linh hồn (regimen animarum).
Trong đời sống thực tế, chúng ta cũng tìm được sức mạnh trong sự bác ái.
Hai nguồn mạch phong phú thiêng liêng này là ân ban bởi trời và được gắn liền một cách đặc biệt với sự suy niệm.
“Ars artium, regimen animarum”. Ðó là lời dạy của vị Thánh tiến sĩ lớn trong Giáo Hội.
“Nghệ thuật của các nghệ thuật đó là sự hướng dẫn của các linh hồn”.
Nhưng việc hướng dẫn cá nhân của linh hồn cũng không nằm ngoài phạm vi khôn ngoan và bác ái, nhất là đối với vị linh mục. Một mình ngài lại không phải giúp giải quyết biết bao vấn đề riêng tư của bao người? Và ngài cũng không luôn có dịp nói chuyện tâm tình cởi mở với những người khác về những tình huống chung cũng như riêng của thế giới đời sống nội tâm sao ?
Vậy, lúc đó chính sự khôn ngoan phải điều hành mọi sự trong thinh lặng. Và sự khôn ngoan lại chẳng có vai trò làm cầu nối giữa các nhân đức đối thần và các nhân đức luân lý đó sao ?
Sự khôn ngoan quả là quy luật và là mẫu mực của các nhân đức luân lý. Nó được làm cho sinh động bởi đức ái và làm cho các hoạt động của ta được đúng mực, một hướng đi tốt, được nhiều nghị lực, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa tìm được của ăn nuôi dưỡng trong sự suy niệm.
Vị linh mục biết suy niệm có thể có những thay đổi cách xử sự bất chợt; ngài có thể bị bao vây bởi các cảm giác khác nhau, nhưng lúc nào ngài cũng duy trì được sự bình tĩnh và được an bình.
Ngài lỗi phạm điều gì chăng ?
Nhưng ngài không mất tỉnh táo khi cảm thấy bị đe dọa thối chí, ngài giữ được sự can đảm, khôn ngoan là kết quả của việc suy niệm. Nó luôn điều khiển bánh lái một cách chắc chắn. Ðây quả là một ân ban tuyệt vời của tinh thần mà ta phải ao ước và xin Chúa Thánh Linh sự sáng ban cho ta. Không có lời kêu cầu nào mà không được chấp nhận. Lời kinh trong buổi suy niệm mà ta dâng lên Ðức Trinh Nữ, “Ðấng chỉ bảo đàng lành”, chắc sẽ được chấp nhận.
TỚI NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG
Ðức Giê-su đã đề cập đến nguồn nước hằng sống này khi Người trao đổi với người phụ nữ Xa-ma-ri, tại giếng Gia-cob về sự kiện Ðấng Mê-si-a đã đến.
Nội dung câu chuyện trao đổi này bên bờ giếng tại Xi-ca là một trong những bức tranh cảm động nhất của Tin Mừng theo Thánh Gio-an.
Chính tại nơi đây mà Thầy Chí Thánh đã khéo ví von là: “Từ trái tim của người được chọn sẽ vọt lên một nguồn suối đến sự sống đời đời” (Ga, 4:14 ). Ðây quả là một lời hứa quan trọng đem lại bao an ủi, bao hạnh phúc.
Ðối với vị linh mục, nguồn suối nước hằng sống đó ở tại việc suy niệm. Chính từ việc suy niệm mới được vọt ra từ những đỉnh cao thiêng liêng. Chính từ đó mà ta lãnh nhận được sự mát dịu và sự tăng trưởng cho dù cuộc sống của thế giới này có khô cằn đến đâu.
Cuộc sống hiện tại ngày nay, với bao hoạt động không ngừng, bao nhiêu xáo trộn thì con người lại càng cần có được sự tĩnh tâm và suy tư trong những lúc nghỉ ngơi. Không có suy tư thì không có sự huấn luyện đích thực.
Bạn đang nghĩ gì ?
Ðiều gì đang làm bạn bận tâm?
Ta có nguy cơ chỉ quan tâm đến những chuyện ích lợi trần gian này, nếu ta không suy niệm và cầu nguyện đến tiến tới những kho tàng trên trời.
“Của con ở đâu thì lòng con ở đó” (Mt, 6:21 )
Ðiều gì giúp ta duy trì được sự hào hứng không hề phai?. Vị linh mục nào mà không có bầu nhiệt huyết bay bổng thì quả là một điều buồn thảm biết bao! Ðiều gì giúp các ngài luôn duy trì được sự bình tĩnh, dễ thương, dễ mến và kiên quyết trong mọi cuộc gặp gỡ. Sự bình tĩnh đó giúp ta thoát được cảnh trở nên “những con cái của sấm sét” hoặc trở thành những cây sậy yếu đuối? Ðiều gì giúp ta đọc kinh phụng vụ cách sốt sắng – tiếp thu những tư tưởng thánh thiện, để những thánh vịnh ta đọc trở nên thích ứng với mỗi trạng huống, các tâm trạng của tâm hồn ta ?
- Ðiều gì làm cho những bài giảng của ta có được sức nhiệt để từ lời ta giảng thoát ra được một luồng khí từ trên cao phát xuống ?
- Ðiều gì làm cho cha xứ biết dạy giáo lý thế nào để các trẻ em lãnh hội được lòng bác ái và sự sốt sắng mà các trẻ em có thể biến những giờ phút học giáo lý ấy trở thành những giờ thánh ?
- Ðiều gì đem lại cho ta một sự kiên nhẫn vui vẻ ngay cả khi có những chuyện làm ta bực mình hết sức – sự kiên nhẫn vui vẻ này giống như một bài ca tụng Thiên Chúa mà ta cảm thấy như một làn gió nhẹ ?
Tôi hiểu các linh mục đó, các vị đó đã khấn nguyện sẽ không bỏ một ngày nào mà lại không nguyện ngẫm. Các vị đó biết rằng: bao điều phúc lộc phát xuất từ nguồn nước hằng sống.
Cha xứ Steglitz, sau này làm Giám mục phụ tá Béc-lin đã có nhận xét như sau :
“Khi tôi có một cha phó mới, thì chỉ trong vòng hai tuần lễ là tôi biết cha phó đó có nguyện gẫm hằng ngày hay không. Ngài không cần nói với tôi điều đó”.
Làm sao mà cha xứ này biết được? Ngài đã cảm thấy từ “nguồn nước hằng sống” mà Vị được “thị kiến” tại Pát-mót đã thấy được.
Xin thêm mấy lời sau đây của Langbehm về thực chất của lòng đạo đức công giáo.
Langbehn đã viết :
Tất cả đức tin Công giáo, tất cả đời sống Công giáo được tập trung chủ yếu vào vương quốc của linh hồn, có liên quan đặc biệt đến trái tim. Nếu ta giữ tất cả các luật Giáo Hội, nhưng bên trong tâm hồn ta lại giống như bãi sa mạc, nếu là quên không sống nội tâm và không múc nước tại những nguồn suối nuôi dưỡng linh hồn, nếu ta chỉ sửa sai bên ngoài mà không kèm theo một nền tảng nhân bản thì những việc trên đây nào có ích gì ?
Vâng phục Giáo Hội mà không sống đời nội tâm thì cũng chỉ giống như “ngôi mộ được tôi vôi trắng mà thôi”.
MANNA ÐƯỢC GIẤU KÍN
(Deus absconditus, Thesaurus absconditus)
(Thiên Chúa ẩn giấu, kho tàng ẩn giấu)
Vita abscondita, Manna absconditum
(Ðời sống ẩn kín, Manna giấu kín)
Khi Kinh Thánh nói với ta về những gì được giấu kín, thì đó chính là những mầu nhiệm rất phong phú của đời sống nội tâm.
Mana được giấu kín đó, vị linh mục sẽ tìm thấy trong sự suy niệm. Ðôi khi Mana xem ra nhạt nhẽo và vô hiệu. Rồi ta sẽ có những lúc khô khan nguội lạnh, có khi do lỗi tại ta, có khi không... Những lúc đó là lúc mà ta cần phải kiên trì với lòng trung thành – nhờ vào một sự hi sinh cao cả – mà rồi ra sẽ được phần thưởng bội hậu.
Ðiều thường xảy ra là chúng ta sẽ nhận được phần thưởng cho các sự phiền hà của ta ngay vào lúc ta kết thúc suy niệm.
Sách “Theo gương Chúa Giê-su”, cuốn III, số 8 :
“Nếu bị bỏ mặc mình con, con là gì, con đã sụt xuống sâu đến đâu? Vì con là hư vô, mà trước đây con đâu có ngờ”ø.
“Còn Chúa vừa nhìn tới con, đột nhiên con trở nên dũng mạnh sung sướng tươi hẳn lên. Lạ lùng thay, thân con nặng trịch luôn bị hút về mặt đất, thế mà đùng một cái, Cha đã nâng con lên như vậy và bế con vào lòng với bao yêu thương”.
Ðây là một lời nhận xét của một bậc thầy dạy sống nội tâm.
Lời nhận xét thứ hai :
Ðiều rất thường xảy ra, đó là ơn mà ta có được nhờ suy niệm, có thể sau này mới đến với ta.
Một ngày nào đó, tự nhiên ta cảm thấy như mình đang được bao bọc bởi một bầu khí đầy ánh sáng, đầy tự tin và rất can đảm, hoặc là ta cảm nghiệm một niềm vui làm ta sẵn sàng chấp nhận hi sinh và từ bỏ... Ơn đó cứ như nằm yên trong ta từ khi ta suy niệm. Rồi đến một lúc, ơn đó trào ra, bởi lẽ linh hồn ta đã được chuẩn bị bởi chính sự suy niệm và bởi những kết quả mà sự suy niệm để lại trong trái tim của ta.
TA PHẢI XỬ LÝ CÁC VIỆC LÀM NHƯ THẾ NÀO?
Một chuyện trái ý xảy ra có thể đánh gục ta, hay trái lại, nó không làm ta mất bình an và nó để ta yên: điều này không tùy thuộc vào vụ việc xảy ra, mà chủ yếu là tùy cách ta xử lý và tùy vào thái độ của ta đối với việc ấy.
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy ?
Khi thấy một người vẫn giữ được an bình và thoải mái khi gặp thử thách, người ta bảo: anh ta có được một đức tính tuyệt vời.
Nhưng liệu đó có phải là lý do chính không ?
Nhìn thẳng vào vấn đề, ta thường thấy: đó chính là kết quả của việc suy niệm. Ðó là tinh thần cầu nguyện dưới một trong những hình thức đó.
Các tư tưởng lớn đem lại cho ta sức mạnh. Ðó là cách siêu nhiên để xử lý mọi việc từ việc nhỏ đến việc lớn. Ta không cần hạn chế kết quả tốt đẹp đó vào trong việc suy niệm theo một phương pháp nhất định nào; bởi lẽ: có bao Ki-tô hữu vẫn suy niệm và hầu như không biết là nhờ việc suy tư mà đời thường đem lại cho họ, lúc mà họ biết nhận ra bàn tay của Thiên Chúa.
Việc suy niệm theo theo phương pháp là một truờng học mà ta luyện tập cách xử lý các sự việc xảy đến cho ta.
Và vị linh mục phải là bậc thầy trong việc này. Ai cũng ưa thích làm bạn với một ngườiù, mà nhờ sự cầu nguyện, nhờ những chiến đấu, nhờ sự kiên nhẫn mà người đó có được thái độ này.
Thường những lúc suy niệm đoạn này đoạn kia của sách “Theo Gương Chúa Giê-su” mà tôi tự nhủ: chớ gì các linh hồn đang gặp khó khăn buồn khổ, hãy mau đến gõ cửa của Thomas a Kempis.
|