9. THỜI GIAN ÐÃ MẤT KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI
(Perditum non redit tempus)
(Lời sách “Theo gương Chúa Giê-su” I, 25)
Ðây là tư tưởng tuyệt vời mà Thomas a Kempis đã trình bày như là một tảng đá làm mốc, trong cuốn I, sách “Theo gương Chúa Giê-su”.
Mỗi ngày là một trang sách cuộc đời; ban sáng mở ra và được lật qua vào ban chiều, rồi sau đó được xếp vào quá khứ, chờ ngày phải tính sổ.
“Liber scriptus proferetur,
In quo totum continetur” (“Từ sách đã ghi chép, được trích ra, trong sách đó có chứa đựng tất cả”)
Mỗi ngày, tùy theo cách thế sử dụng, đều gây ảnh hưởng sâu đậm lên tất cả các hoạt động của linh mục.
“Ở chủng viện đã thế rồi!”. Lời nhận xét của ai đó đôi khi đã tóm gọn được dấu ấn đóng trên cuộc sống của vị linh mục, hoặc tốt hoặc xấu.
Vì thế, khẩu lệnh phải là:
“Laboremus” (“Nào ta hãy làm việc”).
Thời đại của ta, người ta không đánh giá ai đó theo tiêu chuẩn: dòng dõi, sinh ra từ đâu, chức vụ, bằng cấp, giàu sang phú quý hoặc đai đỏ, đai tím, nhưng theo tiêu chuẩn tính nết và các công việc người ấy đã làm.
Sẽ sớm đến lúc mà ta không còn khả năng làm việc được nữa và chính lúc đó ta lại cảm thấy muốn làm. Tôi chưa bao giờ gặp một vị linh mục đau yếu nào mà lại đã không tâm sự với tôi như thế.
“Nếu vậy thì ta phải làm việc khi còn ban ngày”(Ga 9,4)
Laboremus !
Thánh An-phong đã không đơn độc khi thề hứa là sẽ không để lãng phí một giờ đồng hồ. Ðức Cha Mi-ca-e Wittmann, Giám Mục Ra-tis-bon, cũng đã cẩn thận sử dụng từng khắc thời gian, và Ngài cũng đã trở thành một gương mẫu sáng chói khi áp dụng câu châm ngôn: Laboremus !
Ðó là những vị có cá tính mạnh mẽ.
Tuy nhiên ta cũng nên quan tâm đến sự thư giãn. Người ta kể: Thánh Gio-an, tác giả Tin Mừng, đã biết trả lời với một người thợ săn, khi ông này thấy vị tông đồ khắc khổ đang chơi với con chim cắt. Ngài đã hỏi lại người thợ săn :
“Tại sao anh không giữ dây cung của anh luôn căng?”
Người thợ săn trả lời:
“Là để cái cung đó luôn có được sự co dãn”.
Vậy, những người siêng việc cũng phải như thế.
Ðiều ta cần làm là phải theo dõi bản thân một cách thông minh khéo léo và cố tìm ra được sự công bằng đúng đắn giữa một bên là làm việc liên tục và bên kia là sự thư giãn nghỉ ngơi.
|