I. THÂN THẾ CỦA VỊ LINH MỤC
1. NÓI CHUYỆN “CÓC NHẢY” : VÌ SAO ? ÐỂ LÀM GÌ ?
Tôi rất thích giảng cho các tân chức. Phải chăng, đó là vì, làm thế, tôi được nếm trước những niềm vui của ngày lễ truyền chức. Phải chăng, đó là vì có một sự trân trọng thầm kín mà vị Giám Mục và dân chúng vẫn có, khi nhìn ngắm các tân chức bước lên bàn thờ để hiến trọn đời mình ?
Ðúng thế.
Nhưng còn lý do khác nữa.
Tôi luôn ý thức trách nhiệm nặng nề mà các tân chức nhận lãnh trên vai. Rồi đây, các vị sẽ được trao cho nhiệm vụ lo phần rỗi đời đời cho biết bao linh hồn. Trách nhiệm rất nặng nề này đòi hỏi một sự hài hòa và đồng thuận giữa một bên là vị Giám Mục và bên kia là vị linh mục.
“Idem sentire et idem velle” (“Cùng cảm nghiệm như nhau và cùng muốn một điều giống nhau”).
Ðiều này cũng là điều mà Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ làm khi Người nói với các ông:
“Từ nay, Thầy sẽ gọi các con là bạn hữu”.
Tình bạn đòi hỏi có một sự hài hòa trọn vẹn. Ngoài ra, còn phải có điều này nữa: sau ngày truyền chức, có lẽ còn phải có một thời gian rồi vị Giám Mục mới có dịp gặp lại tân linh mục (nếu là trường hợp các giáo phận lớn). Vậy tốt nhất là: ít ra trước khi truyền chức, vị Giám Mục và vị linh mục trao đổi và hiểu nhau cho tốt. Vị Giám Mục nào cũng lo giữ kín trong tâm khảm những hiểm nguy đang chờ đợi tân linh mục trong cuộc sống riêng tư cũng như trong việc mục vụ của ngài. Ôi! nếu tôi có thể giúp tân linh mục duy trì được lòng yêu mến thuở ban đầu! Ước chi tôi có thể giúp các tân linh mục làm cho đức ái ngày thêm mạnh để đến khi kết thúc cuộc đời tông đồ của mình, mỗi cha có thể thưa: “consummatum est!”, “certa¬men certavi…” (“mọi sự đã hoàn tất”) – (“tôi đã chiến đấu cuộc chiến...”)
Ðấy chính là lý do mà một vị giám mục cảm thấy mình ưa giảng cho các linh mục những bài như thế này. Và cũng chính vì lý do này ta có thể bỏ qua, không sử dụng “giọng giảng dạy” mà chỉ muốn trao đổi thân mật và đi vào chi tiết thực tiễn của các vấn đề. Cách làm thuận tiện, đó là kiểu “trò chuyện thân mật”; dĩ nhiên là ta phải hiểu “trò chuyện” cho đúng nghĩa của hai từ này.
Ðến đây, xin mở ngoặc :
Cách đây ít bữa, tờ Kưlnische Volkszeitung có đăng một bài báo bàn về vấn đề: liệu “nói chuyện” là một thiên ân hay là một nghệ thuật ?
Nhưng vấn đề này không mấy quan trọng. Ðiều quan trọng là nói gì và nhằm mục đích gì... Việc nói thân tình và đơn giản không làm trở ngại việc đề cập đến những vấn đề khô khan, nhất là khi ngỏ lời với một cử tọa trí thức.
Năm cuối cùng tại đại chủng viện là thời gian rất quan trọng và nghiêm túc. Chính vì thế mà thỉnh thoảng cũng nên dành ra một vài giờ để “nói chuyện”, trao đổi, tản mạn, ngay cả khi các vấn đề được đưa ra bàn thảo không phải là những “món ăn nhẹ”.
Ðôi khi, tôi thầm ao ước: giả như tôi có thể nói chuyện một cách thân tình như Ludwig Richter nói chuyện với các hình vẽ của ông... Nhưng đó là một ân ban của Thiên Chúa, cho dù ta có cố đến đâu cũng không thể tự sắm lấy cho mình được. Và các khoảng thời gian, lúc mà tâm hồn người bình dân cảm nhận được những tâm tình mà Ludwig Richter đã muốn chia sẻ, thì khoảng thời gian đó nay đã qua rồi.
Nhưng dù sao, nếu các linh mục mà tôi đặt tay truyền chức cho, nhớ lại với niềm vui, những bài giảng được in lại trên những trang giấy này – thì điều đó đã đủ để làm cho tôi hài lòng rồi.
|