MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: giáo hội hoàn vũ :: đtc phanxicô: giáo lý gia đình và cộng đồng
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đtc Phanxicô Thứ Tư 18/6/2014 - Loạt Bài Giáo Lý Về Giáo Hội: Bài 1
Thứ Năm, Ngày 19 tháng 6-2014

Dẫn nhập của người dịch:

Trong buổi triều kiến chung thứ Tư hôm nay, 18/6/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài giáo lý theo chủ đề mới, chủ đề về Giáo Hội.

Khi vừa lên làm giáo hoàng, ngài đã tiếp tục loạt bài giáo lý về Đức Tin, nối sau các bài của tiền nhiệm Biển Đức XVI trong Năm Đức Tin và cho Năm Đức Tin. Sau đó ngài đã sang loạt bài giáo lý chủ đề về 7 Bí Tích, với 9 bài, từ ngày 9/1/2014 đến 3/4/2014, rồi đến loạt bài giáo lý về chủ đề 7 Tặng Ân Thánh Linh, với 7 bài, từ ngày 10/4/2014 đến ngày 12/6/2014

Thật ra loạt bài giáo lý chủ đề về Giáo Hội đã chẳng những được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mà còn được cả Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khai triển và giáo huấn nữa. Mỗi vị một cách khác nhau. 

Chẳng hạn ĐTC GPII khai triển và giáo huấn chủ đề về Giáo Hội (sau chủ đề về từng Ngôi) theo Kinh Tin Kính, với 137 bài và trong thời khoảng 4 năm, từ ngày 10/7/1991 đến ngày 30/8/1995, còn ĐTC Biển Đức XVI khai triển và huấn dụ về chủ đề Giáo Hội có tính cách lịch sử Tông Truyền, từ thời các Thánh Tông Đồ cho tới Nữ Tiến Sĩ đệ tam Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với 138 bài và trong thời khoảng 5 năm, từ ngày 15/3/2006 đến ngày 13/4/2011.

Chính ĐTC Phanxicô cũng đã có một số bài nói về Giáo Hội theo Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin, với 11 bài và trong thời khoảng từ ngày 29/5/2013 đến ngày 23/10/2013, nhưng lần này ngài khai triển và huấn dụ theo một chiều kích khác, có thể không theo chiều kích tín lý hoàn toàn cho bằng chiều kích mục vụ và tu đức thực tiễn, như chúng ta vẫn thầy ngài thường bày tỏ trong các bài giảng huấn hay giáo huấn hoặc sứ điệp của ngài... 

Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi và học hỏi.


"Kitô hữu chúng ta là dân chúc phúc, là thành phần có khả năng chúc phúc"

ĐTC Phanxicô Thứ Tư 18/6/2014 - Loạt Bài Giáo Lý về Giáo Hội: Bài 1 


Xin chào buổi sáng Anh Chị Em thân mến. Chúc mừng anh chị em vì anh chị em hay lắm trước một khí hậu không biết mưa hay chăng... Anh chị em giỏi lắm! Chúng ta hy vọng hoàn tất buổi Triều Kiến Chung này mà không bị mưa, xin Chúa thương đến chúng ta. 

Hôm nay tôi bắt đầu loạt bài giáo lý về Giáo Hội. Nó giống như một đứa con nói về người mẹ của mình, về gia đình của mình. Nói về Giáo Hội là là nói về người mẹ của chúng ta, về gia đình của chúng ta. Thật vậy, Giáo Hội không phải là một tổ chức hướng về bản thân mình hay là một hiệp hội tư nhân, một NGO (biệt chú của người dịch: Non-Government Organization - cơ quan không thuộc chính quyền), và người ta lại càng không được giới hạn Giáo Hội vào thành phần giáo sĩ hay Tòa Thánh Vatican... "Giáo Hội nghĩ..." Thế nhưng tất cả chúng ta là Giáo Hội! "Quí vị đang nói về aí đấy?" "Không phải về các vị linh mục phải không..." À, các vị linh mục chỉ là một phần của Giáo Hội thôi, tất cả chúng ta mới là Giáo Hội! Giáo Hội không thể nào bị hạn hẹp vào các vị linh mục, vào các vị Giám Mục, vào Tòa Thánh Vatican. Các vị đều thuộc về Giáo Hội, còn tất cả chúng ta mới là Giáo Hội, tất cả là gia đình, tất cả là Người Mẹ. Giáo Hội còn là một thực tại rộng lớn hơn thế nhiều, một thực tại hướng về toàn thể nhân loại và là một thực tại không xuất phát từ một phòng thí nghiệm; Giáo Hội không xuất hiện trong một phòng thí nghiệm, Giáo Hội không chớp nhoáng xuất hiện. Giáo Hội đã được Chúa Giêsu thành lập nhưng đang là một dân tộc có một chiều dài lịch sử trong quá khứ và đã được bắt đầu sửa soạn trước cả Chúa Giêsu nữa

Lịch sử này, hay "tiền sử", về Giáo Hội đã được thấy ở những trang sách Cựu Ước. Chúng ta đã nghe Sách Khởi Nguyên: Thiên Chúa đã chọn Abraham, người Cha của chúng ta trong đức tin, và đã bảo ông ra đi, rời bỏ quê hương trần thế của ông mà đến một miền đất khác như Ngài đã ấn định cho ông (xem 2:1-9). Nơi ơn gọi này, Thiên Chúa đã không kêu gọi Abraham một mình, như là một cá nhân, mà ngay từ ban đầu đã bao gồm cả gia đình của ông, họ hàng của ông cùng tất cả những ai phục vụ trong nhà của ông. Một khi tiến hành - phải, đó là cách thức Giáo Hội bắt đầu hành trình - thì bấy giờ Thiên Chúa lại nới rộng chân trời ra và ban cho Abraham dồi dào phúc lành của Ngài, hứa ban cho ông muôn vàn giòng dõi như sao trời cát biển. Chi tiết quan trọng nhất thật sự đó là bắt đầu từ Abraham Thiên Chúa hình thành một dân tộc để lãnh nhận phúc lành của Ngài cho tất cả mọi gia đình trên trái đất này. Mà Chúa Giêsu được sinh ra nơi dân tộc này.

Yếu tố thứ hai: không phải cho Abraham mới có chuyện cấu tạo nên một dân tộc vây quanh ông, mà chính Thiên Chúa là Đấng đã ban sự sống cho dân tộc này. Thường thì người ta là kẻ hướng về thực thể thần linh để tìm cách khỏa lấp khoảng cách và kêu cầu để được nâng đỡ cùng được bảo vệ chở che. Người ta đã cầu cùng các thần linh, các thực thể thần linh. Thế nhưng, ở trường hợp này, lại là những gì chưa từng nghe thấy, đó là Đích Thân Thiên Chúa tự mình khởi động. Chúng ta hãy nghe điều ấy: chính Thiên Chúa đã gõ cửa nhà của Abraham mà nói cùng ông rằng: hãy đi, hãy đi khỏi mảnh đất của ngươi, hãy bắt đầu bước đi và Ta sẽ làm cho ngươi thành một đại dân tộc. Và đó là khởi nguyên của Giáo Hội và Chúa Giêsu được sinh ra nơi dân tộc này. Thiên Chúa là Đấng khởi động và ngỏ Lời của Ngài với con người, tạo nên một liên kết và là một liên hệ mới với Ngài. "Thế nhưng, thưa Cha, điều ấy xẩy đến ra sao? Thiên Chúa nói với chúng ta ư?" "Đúng thế" "Vậy chúng ta có thể nói cùng Thiên Chúa hay chăng?" "Được chứ". Điều ấy được gọi là cầu nguyện, thế nhưng chính Thiên Chúa đã thực hiện điều này ngay từ đầu. Nhờ đó Thiên Chúa thành lập một dân tộc bao gồm tất cả những ai nghe Lời của Ngài và ra đi, tin tưởng vào Ngài. Chỉ cần một điều kiện duy nhất, đó là tin tưởng Thiên Chúa. Nếu anh chị em tin tưởng Thiên Chúa, thì hãy lắng nghe Ngài và hãy ra đi, đó là những gì làm nên Giáo Hội. Tình yêu của Thiên Chúa đi trước hết mọi sự. Thiên Chúa bao giờ cũng ở đầu, Ngài đến trước chúng ta, Ngài đi trước chúng ta. Tiên Tri Isaia, hay Tiên Tri Giêrêmia, tôi không nhớ rõ lắm, đã nói rằng Thiên Chúa như một bông hoa của cây hạnh đào (almond), vì nó là cây đầu tiên nở hoa trong mùa xuân - tức là Thiên Chúa bao giờ cũng nở hoa trước chúng ta. "Thế nhưng, thưa Cha, tôi không tin như thế, vì nếu Cha biết được cuộc đời của con, đã từng quá ư là tệ, thì làm sao con có thể tin rằng Thiên Chúa lại đang chờ đợi con chứ?" "Thiên Chúa đang đợi chờ con. Nếu con đã từng là một đại tội nhân thì Ngài lại càng chờ đợi con hơn nữa và Ngài hết sức yêu thương đợi chờ con, vì Ngài có trước nhất. Đó là vẻ đẹp của Giáo Hội, một vẻ đẹp dẫn chúng ta đến cùng Vị Thiên Chúa là Đấng chờ đợi chúng ta này!" Ngài đã có trước Abraham, Ngài cũng có trước cả Adong nữa. 

Abraham và những người của ông lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và ra đi, cho dù không biết rõ vị Thiên Chúa này là ai và Ngài muốn dẫn họ đến đâu. Thật vậy, vì Abraham ra đi, tin tưởng vào vị Thiên Chúa đã nói cùng ông này, cho dù ông không có một cuốn sách về thần học để học biết vị Thiên Chúa này là gì. Ông tin tưởng, ông tin tưởng vào tình yêu thương. Thiên Chúa đã làm cho ông cảm thấy tình yêu ấy và ông tin tưởng. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là dân tộc này bao giờ cũng được thuyết phục và trung thành. Thật vậy, ngay từ ban đầu đã xẩy ra những thứ cưỡng chống, một quay đầu về với chính mình và những khoái thú của mình cũng như khuynh hướng mặc cả với Thiên Chúa và khuynh hướng giải quyết các sự việc theo đường lối riêng của mình. Đó là những thứ bội phản và tội lỗi hằn vết trên con đường của dân tộc ấy suốt giòng lịch sử cứu độ, một lịch sử về lòng trung thành của Thiên Chúa và sự bất trung của dân tộc này. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không mệt mỏi; Thiên Chúa vẫn nhẫn nại. Ngài rất ư là nhẫn nại, và theo thời gian Ngài tiếp tục dạy dỗ và huấn luyện dân của Ngài, như người cha với đứa con của mình. Thiên Chúa bước đi với chúng ta. Tiên Tri Hosea nói rằng: "Ta vẫn bước đi với các ngươi và Ta vẫn dạy các ngươi bước đi như người cha dạy cho con cái mình bước đi vậy". Tuyệt vời thay hình ảnh về Thiên Chúa ấy! Và cả với chúng ta nữa: Ngài dạy chúng ta bước đi. Ngài cũng có cùng một thái độ như thế khi đối xử với Giáo Hội. Thật vậy, cả chúng ta nữa, bất chấp chúng ta dứt khoát theo Chúa Giêsu, hằng ngày vẫn cảm thấy cái tôi và cái cứng lòng của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta tự nhận mình là tội nhân thì Thiên Chúa làm cho chúng ta tràn đầy tình thương của Ngài và tình yêu của Ngài. Ngài tha thứ cho chúng ta, Ngài bao giờ cũng tha thứ cho chúng ta. Thật vậy, chính điều ấy đã làm cho chúng ta tăng trưởng như là thành phần dân của Thiên Chúa, như Giáo Hội: nó không phải là công khó của chúng ta, không phải là công lênh của chúng ta - chúng ta chỉ là một cái gì bé mọn; không phải vậy hay sao - thế nhưng hằng ngày lại cảm nghiệm thấy tình Chúa yêu thương chúng ta và chăm sóc cho chúng ta biết bao. Chính điều ấy làm cho chúng ta cảm thấy Ngài thực sự, trong bàn tay của Ngài, và làm cho chúng ta gia tăng mối hiệp thông với Ngài và với nhau. Trở thành Giáo Hội là cảm thấy mình ở trong bàn tay của Thiên Chúa, Đấng là Cha và là Đấng yêu thương chúng ta, chăm sóc cho chúng ta, đợi chờ chúng ta, và làm cho chúng ta cảm thấy nỗi dịu dàng của Ngài. Đó là những gì tuyệt vời!

Các bạn thân mến, đó là dự án của Thiên Chúa; khi Ngài kêu gọi Abraham thì Thiên Chúa đã nghĩ đến dự án này, đó là hình thành một dân tộc phúc đức nhờ tình yêu thương của Ngài, một dân tộc sẽ mang phúc lành của Ngài cho tất cả mọi dân tộc trên trái đất này. Dự án này là những gì không đổi thay; nó luôn luôn được tiến hành. Nó đã hoàn thành nơi Chúa Kitô và ngày nay Thiên Chúa lại tiếp tục hiện thực nó nơi Giáo Hội. Vậy chúng ta hãy xin ơn trung thành theo Chúa Giêsu và lắng nghe Lời của Người, sẵn sàng ra đi hằng ngày, như Abraham, tiến về mảnh đất của Thiên Chúa và của nhân loại, quê hương chân thực của chúng ta, nhờ đó trở thành ân phúc, thành dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi con cái của Ngài. Tôi thích nghĩ đến một đồng nghĩa, một danh xưng khác mà Kitô hữu chúng ta có thể có được như thế này: chúng ta là những con người nam nữ, chúng ta là dân chúc phúc. Kitô hữu bao giờ cũng cần phải chúc phúc bằng đời sống của mình, họ cần phải chúc tụng Thiên Chúa và chúc phúc cho tất cả mọi người. Chúng ta, Kitô hữu, là dân chúc phúc, là thành phần có khả năng chúc phúc. Đó là một ơn gọi tuyệt vời!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-audience-address-on-the-church. (Đầu đề và những chỗ in mầu nghiêng là do người dịch tự ý nhấn mạnh)


Phụ thêm của người dịch: 

Trong bài giáo lý, ĐTC Phanxicô truy nguyên về "tiền sử" của Giáo Hội được bắt đầu từ tổ phụ Abraham, như thế chúng ta cũng có thể suy diễn rằng hình ảnh về Giáo Hội đã được tỏ hiện một cách nào đó ngay từ đầu của mạc khải thánh kinh, ở đoạn thứ hai của Sách Khởi Nguyên: "người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thân thể" (2:24).

Thật vậy, nếu "người nam" trong câu thánh kinh này là Adong thì bấy giờ Adong đâu có ai là cha mẹ mà bỏ để gắn bó với vợ mình là Evà! Bởi thế, "người nam" ấy phải chăng ám chỉ Chúa Kitô, vị đã bỏ Cha mình mà xuống trần gian để cưới lấy nhân loại và nên một với Giáo Hội!?! Và nếu vợ chồng ở trên trần gian này thực sự không thể nào "nên một thân thể" với nhau về thể lý, thì vấn đề "nên một thân thể" phải chăng ám chỉ nhiệm thể Giáo Hội có Chúa Kitô là Đầu và Giáo Hội là thân thể của Người bao gồm đủ mọi chi thể Kitô hữu?
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Đtc Phanxicô - Giáo Lý Về Giáo Hội - Bài 7, --- Thứ Tư 1/10/2014 (10/3/2014)
Đtc Phanxicô - Giáo Lý Về Giáo Hội - Bài 6 (9/19/2014)
Đtc Phanxicô - Giáo Lý Về Giáo Hội - Bài 5 - Thứ Tư 10/9/2014 (9/11/2014)
Đtc Phanxicô: Giáo Lý Về Giáo Hội Bài 4 Vai Trò Làm Mẹ Của Giáo Hội - Thứ Tư 3/9/2014 (9/4/2014)
Đức Thánh Cha Phanxicô - Giáo Lý Về Giáo Hội Bài 2 Thứ Tư 25/6/2014 (6/26/2014)
Tin/Bài khác
Tặng Ân Kính Sợ Chúa Đtc Phanxicô - Loạt Bài Giáo Lý Về 7 Tặng Ân Thánh Linh, Thứ Tư 11/6/2014 (6/12/2014)
Tuần 9 Ngày 7: Tặng Ân Hiếu Thảo (6/5/2014)
Tuần 9 Ngày 6: "đừng Lồng Cũi Thánh Linh! - Do Not Cage The Holy Spirit!" (6/5/2014)
Tuần 9 Ngày 5: Tặng Ân Tri Thức (đtc Phanxicô - Triều Kiến Chung Thứ Tư 21/5/2014) (6/4/2014)
Tuần 9 Ngày 4: Tặng Ân Dũng Cảm (đtc Phanxicô - Triều Kiến Chung Thứ Tư 14/5/2014) (6/3/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768