MẸ DẠY CÁM ƠN RƯỚC LỄ
Khi Chúa Giêsu đã chu toàn sứ vụ cứu chuộc
nơi trần thế bằng cái chết trên thập giá,
Ngài đã về trời, nhưng Ngài không bỏ rơi hay
để mặc Hội Thánh là chúng ta, sống chơ
vơ cô độc nơi trần thế, tình thương
và sự khôn ngoan thượng trí vô biên của Ngài đã
khiến Ngài nghĩ ra cách lập một dấu tích bí nhiệm,
quen gọi là Bí Tích Thánh Thể.
Bí Tích này được
Ngài thiết lập trong bữa Tiệc Ly:
26 “Đức Giê-su cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn
đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình
Thầy.” 27 Rồi Người
cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn
đệ và nói : “Tất cả anh em hãy uống chén này, 28 vì đây là máu Thầy, máu Giao
Ước, đổ ra cho muôn người được
tha tội. (Mt 26.26-28). “Anh em hãy làm việc này mà
tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22.19)
Từ đó về sau, khi các môn đệ tuân theo
lời truyền của Chúa (Lc 22.19) mà lặp lại “dấu
tích nhiệm mầu” đó, thì:
-tế lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá
lại tái hiện trong Thánh lễ bàn thờ,
-ơn cứu chuộc lại
tiếp tục được ban xuống cho nhân loại.
Trong cuộc tế lễ thân mình Chúa Giêsu trên thập
giá nói trên, chúng ta chú ý đến một khía cạnh
đặc biệt:
Đó là Tế lễ hy sinh của
Chúa Giêsu trên thập giá cũng trở nên Lương thực
thần thiêng nuôi sống những kẻ thuộc
về Ngài (Mc 14.22-24 và ss ; Ga 6.51-57), đồng thời
nhờ đó, Ngài có thể ở trong tâm hồn họ
với cả thần tính và nhân tính của Ngài –
như các nhà thần học thường nói – nghĩa là với
con người thật của Ngài, nay đang ngự bên
hữu Chúa Cha trong vinh quang trên trời, và họ, họ cũng được
ở trong Ngài (x. Ga 14.20).
Đã trở nên Thần Lương Kỳ Diệu nuôi
sống linh hồn, thì khi chúng ta Rước lấy Ngài vào
trong mình chúng ta, nó lại là phương thế
để những người yêu nhau được
ở trong nhau: Ta được “ở lại” trong Chúa
và Chúa “ở lại” trong ta, duy trì mối thâm tình tri âm tri
kỷ gắn kết muôn đời:
"Ai
ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và
Tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6.56)
Chúa Giêsu đã được trời
cao đặt tên là Emmanuen, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, đó
không chỉ là một tên để gọi, mà là một
số phận, một vận mệnh, một chức
vụ : ngự trong lòng ta, đồng hành với ta trên
mọi nẻo đường trần thế không luôn luôn
trải thảm êm ái…Ngài ở với ta để an
ủi, khích lệ ta trong những lúc buồn nản,
thất bại; bảo vệ, bênh vực ta trước
những địch thù muốn hãm hại ta ; thêm sức
cho ta để chống trả các chước cám dỗ
của ma quỉ, các quyến rũ của thế gian, các
lôi kéo của xác thịt ; soi sáng cho ta biết con
đường nào mà đi… không bị sa xuống hầm
hố hiểm nguy.
Thiên Chúa muốn làm bạn tri âm tri kỷ với
loài người. Ngài không muốn dựng nên họ chỉ
là những thọ tạo tôn thờ Ngài từ xa xa
("Kính nhi viễn chi"). Rời bỏ cõi trời cao
thẳm, Ngài xuống ở với họ, họ ở
với Ngài, làm bầu bạn với họ, để Ngài
kể truyện của Thiên Chúa cho họ nghe (x. Ga 1.18),
để chia sẻ những bí mật của Thiên Chúa cho
họ biết, cũng như nghe những nỗi niềm
tâm sự của họ. Chính Chúa Giêsu đã cho biết
như thế, ai còn dám chối cãi:
“Anh
em là bạn hữu của Thầy… Thầy không còn
gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc
chủ mình làm. Thầy đã gọi anh em là bạn hữu,
vì mọi điều Thầy đã nghe nơi Cha Thầy,
Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15.14-15).
Đức Mẹ ở Medjugorje cũng khuyến khích :
“Hãy
mở lòng ra và dành thời gian cho Thiên Chúa, để Người
sẽ thành bạn hữu của các con. Khi tình bằng
hữu thực sự với Thiên Chúa được
thực hiện, thì không có giông bão nào có thể phá hủy
được.” (Sứ Điệp 25-6-1997)
Trên Thiên Quốc hạnh phúc không bao giờ vơi,
niềm vui không bao giờ tắt, sự sống không bao
giờ tàn, mọi sự đều viên mãn..., vậy mà Ngôi
Hai Thiên Chúa chấp nhận từ bỏ vinh quang và quyền
lực cõi trời cao xuống dưới đất
thấp này... để đi tìm những mảnh
đời nhỏ bé khốn cùng mà yêu thương, mà Ở
LẠI trong từng trái tim rách nát, thương đau...,
để mà kiếm tìm chút tình bầu bạn của loài
người !
"Con
gẫm suy sao Chúa yêu con làm chi ? Kìa trên Thiên quốc cõi phúc
vinh quang nào thiếu đâu, mà đến đây chung cùng chia
sẻ kiếp người ?"
-- Chưa
vừa lòng với việc xuống thế làm người
và ở cùng chúng ta, Đức Giêsu còn kéo cả Chúa Cha
xuống ở với loài người, mà lại vào
lập cư trong mình họ nữa :
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ
giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến
người ấy. Cha Thầy và Thầy (Chúng
Ta) sẽ đến và đặt chỗ ở nơi
người ấy” (Ga 14.23).
Tin Mừng Gioan đã
cho ta biết sự “ở cùng” tuyệt vời ấy,
đến nỗi có một văn sĩ đã dám nói:
“Loài người đã thuần hóa
được cả Thiên Chúa!” (domesticated God).
Đức
Giêsu nói rằng : Chúa Cha và Ngài sẽ đến đặt
chỗ ở nơi họ, trong nơi chốn và thời gian hiện tại họ đang sinh sống. “Đặt chỗ ở”,cụm từ ấy muốn nói
lên tính cách lâu dài của việc ở, tức là các
Đấng muốn xây dựng một “Lâu Đài Tình Ái” thiêng liêng, bền vững, kiên
cố…để nơi đó như trong một tổ ấm Tình Yêu Thiên Chúa
được bừng cháy nồng nàn hòa nhập với
tình yêu nhỏ bé của tâm hồn họ.
Cha
F.M.Braun nói thêm :
“Vậy đây quả quyết về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện mới mẻ và
đặc biệt trong tâm hồn các môn đệ của
Chúa Kitô, khác hẳn với sự hiện diện chung
chung của Thiên Chúa nơi mọi loài, mọi vật.
“Điều đáng
để ý là sự hiện diện thông hiệp
độc đáo ấy, lại không được coi
như là một đặc ân, đặc quyền của
riêng một nhóm nhỏ ưu tuyển, đạo
đức, thánh thiện nào, nhưng như là một
kết quả bình thường mà bất cứ người tín hữu nào
giữ các lệnh truyền của Chúa Kitô đều có
thể đạt tới".
Cha Lagrange tiếp lời : “Không đòi học thức, văn hóa,
chẳng bắt phải có năng khiếu chiêm niệm,
ngay cả chẳng buộc một lối tu luyện
khổ chế đặc biệt nào”...
Điều kiện
vỏn vẹn chỉ có thế này: tình mến Chúa Giêsu chân
thành, được chứng thực bởi việc thi
hành các lời Ngài truyền dạy, với lòng đại
độ và tận tụy..., làm cơ sở cho sự
thông hiệp:
"Ai
có và giữ các lệnh truyền của Thầy
người ấy mới là kẻ yêu mến
Thầy…Thầy sẽ yêu mến người ấy và
sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14.21)
Nay ta phải sửa
đổi ý nghĩ trước kia, vì nghe Tin Mừng Gioan
bảo rằng : Thiên Chúa không chỉ ở trong nhà thờ
(Ga 4.21), mà đến đặt chỗ ở ngay trong
thân mình người tín hữu cách đơn sơ thân
tình vậy thôi. Người đến vì yêu thương
ta, với hai tay đầy ơn phúc để chia sẻ
cho ta, để giúp đỡ ta, phù trợ ta, bênh vực
ta… Phần ta, muốn đến với Chúa, chỉ
cần có tình yêu, chẳng cần mặc áo đến nhà
thờ mới có Chúa. Ta đến với Chúa đang ở
trong mình ta như đến nhà cha mẹ, vui vẻ,
thoải mái, ở đó ta sinh hoạt, ta yêu mến, ta
cầu xin, ta trình bày cho Chúa những thành công hay thất
bại của ta, chuyện vãn tâm sự với Chúa, có gì nói
nấy, chia vui sẻ buồn với Chúa…
~~~~///~~~~
Nhưng, có mấy ai
hiểu được nỗi lòng của Chúa, vì họ còn
mải mê lo thế sự, nên không bận tâm tìm hiểu sâu
xa mối tương giao giữa Chúa và họ, nên không
hiểu được ý nghĩa sâu xa của hình Bánh
Trắng đơn sơ. Lâu dần rồi thành thói quen
chỉ còn là chuyện Rước Lễ, chẳng có gì
lạ, đi lễ thì lên rước lễ, người
ta lên thì mình cũng lên…, và nhiều khi còn Rước Lễ
cực trọng ấy cách vô tâm vô tình, tâm hồn họ sau
đó vẫn trống rỗng và nguội lạnh như
trước!
Đang khi Chúa Giêsu khao
khát ở lại làm bạn với con người:
"Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì
ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người
ấy".
Được Chúa
ở lại với mình, trong mình và mình ở lại trong
Chúa, lại còn được cả Chúa Cha và Chúa Giêsu
đến lập chỗ ở trong thân mình, đó là cả
một ơn huệ vĩ đại khôn sánh, các Thiên
thần trên trời có lẽ cũng phải ghen
tị…Chẳng nói ngoa đâu!
Đây ta hãy nghe
Đức Kitô tuyên bố:
"Chẳng bao lâu nữa,
thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh
em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy
sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày
đó, anh em sẽ biết rằng:
Thầy ở trong Cha Thầy,
anh em
ở trong Thầy,
và
Thầy ở trong anh em." (Ga 14.19-20).
Chiếu theo lời Chúa nói đó, thì cách riêng khi chúng ta
rước lễ, là rước lấy Đức
Giêsu-Kitô, lúc ấy đang ở trong Chúa Cha, và khi Ngài ở
trong Chúa Cha thì Ngài cũng ở trong chúng ta nữa… Như
thế, Thiên Chúa với chúng ta tất cả thành một,
Đức Kitô ở trong Chúa Cha
chúng ta ở trong Đức Kitô,
Đức Kitô ở trong chúng ta,
và cùng với Ngài chúng ta ở trong Thiên
Chúa…
Không ngờ sự kết hiệp nên một với
Chúa nói trên lại thắm
thiết, mặn nồng và keo sơn quá đỗi!
Đến nỗi như tình nghĩa phu thê !
Trong Cựu Ước, cách riêng qua
ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa tỏ ra yêu thương Hiền thê
Israen da diết và ghen tuông đến cuồng nộ khi
họ lang chạ thờ tà thần ngoại giáo… Vậy
mà vẫn có một điều Thiên Chúa thời Cựu
Ước chưa làm được, đó là việc
kết hiệp “nên một xương một thịt”, vì
lúc đó Thiên Chúa còn ở trong cõi thiêng liêng siêu việt
vĩnh hằng (x. 1Tm 6.16) chưa mặc xác làm người
để có xương có thịt mà kết hiệp nên
một với ta !
Nhưng Đức Giêsu đã đến, đã làm
người có xương có thịt nên đã làm
được, nhờ Bí tích Thánh Thể : chẳng
phải lúc chúng ta lên rước Mình Máu thánh Ngài, Ngài ngự
vào trong ta, ở trong ta, ta ở trong Ngài, Chúa với ta cả
hai bây giờ kết hiệp gắn bó với nhau
đến nỗi chỉ còn là “một xương một
thịt” đó sao ? Thánh Phaolô đã cho biết về
điều đó như sau :
“Sách Thánh có lời chép rằng :
Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành
một xương một thịt. Mầu nhiệm này
thật là cao cả. Tôi muốn nói về (sự kết
hiệp của) Đức Ki-tô và Hội Thánh” (là chúng
ta) (Ep 5.31-32)
Ở đời, khi vợ chồng yêu nhau da diết,
thắm thiết, họ cứ muốn hòa tan vào nhau
để họ không còn là hai nữa mà là một. Chúa Giêsu
đã thực hiện được việc đó: Ngài
đã làm cho mình trở thành Bánh, thành Rượu cho ta
“nuốt” Ngài vào trong ta và ta ở trong Ngài (Ga 6.56),
để từ đó Ngài với ta không còn là hai mà là
một.
Đây không phải là chuyện mơ mộng hão
huyền hay tình cảm lãng mạn, lấy chuyện vợ
chồng trần tục mà gán cho các Đấng thiêng liêng
siêu phàm đâu nhé!
Ngược lại mới đúng, xin để ý nghe
cho kỹ :
Từ thuở đời đời, Thiên Chúa
Cha đã
tiền định cho Chúa Giêsu làm “Phu quân” của
“Hiền thê” (là Hội Thánh chúng ta) (x. Ep 5.21tt). Và
chiếu theo mẫu gương thiên thai tiền
định ấy, mà Thiên Chúa đã tạo dựng
người nam và người nữ làm vợ chồng
kết hợp với nhau thành “một xương một
thịt”, để cho loài
người qua kinh nghiệm của mình, có thể
thấy và cảm nhận được tình yêu nồng nàn
của Chúa đối với Hội Thánh (là chúng ta), và
của Hội Thánh đối với Chúa.
Như vậy, tình yêu vợ chồng trần thế
không phải là kiểu mẫu cho ta hiểu tình yêu của
Thiên Chúa đối với loài người, mà trái lại!
Nó chỉ là bản sao của Tình Yêu thần thánh thiên thai
ấy! Bởi vậy mới có lời dạy rằng:*
"Người làm chồng, hãy yêu
thương vợ, như
Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh !” (Ngài làm
gương trước cho họ noi theo).
Nếu chúng ta, lúc Rước Lễ,
mà cảm nghiệm được sự kết hiệp nên một với Chúa
đến mức “trở thành một xương một
thịt”, và cảm
nghiệm được tình yêu nồng cháy của Chúa, là
Đấng Phu Quân thần linh, như của người
chồng đối với vợ yêu dấu, khi
ấy chúng ta mới đạt đến tuyệt
đỉnh của Phép Thánh Thể.
Tất cả những suy gẫm trên
đây, chỉ có mục đích giúp ta biết nhìn việc
Rước lễ bằng đôi mắt của trái tim,
để cảm nghiệm được Tình Yêu siêu vời
của Chúa Giêsu, mà vô cùng biết ơn cảm tạ…
Nhưng
đáng buồn là chúng ta đã vô tâm, lạnh nhạt,
thờ ơ biết bao… đến nỗi Chúa Giêsu phải
than thở :
“Niềm
vui thích lớn lao của Ta là được kết
hợp với các linh hồn. Khi họ Rước Lễ,
Ta đến trong tâm hồn họ. Đôi bàn tay Ta mang
đầy những ân sủng mà Ta muốn ban cho họ,
nhưng họ không để ý tới Ta. Ôi, buồn
biết mấy! vì thấy những linh hồn không nhận
biết Tình Yêu của Ta. Họ đối xử với Ta
như một vật vô hồn […]
Ta rất đau lòng khi các linh hồn nhận Bí Tích yêu
thương này như một thói quen, hầu như họ
không nhận thức được của ăn này, cho nên
họ không có niềm tin hay tình yêu đối với Ta trong
trái tim họ, Ta bước vào những tâm hồn đó
với tất cả sự miễn cưỡng. Thà
rằng họ đừng Rước Lễ thì hơn. […]
Thật đau đớn cho Ta, rất ít linh hồn
biết kết hợp với Ta trong lúc đón rước
Ta. Ta chờ đợi họ nhưng họ rất lãnh
đạm và thờ ơ với Ta. Ta muốn ban nhiều
ơn cho họ nhưng họ không muốn nhận lãnh…”
(Trích “Nhật ký
Lòng Thương xót Chúa…” của Thánh Nữ Faustina, số
1385 và v.v…)
Đức Mẹ Medjugorje hằng nhắc nhở cho ta
hồng ân trọng đại này để hâm nóng tấm
lòng ơ hờ nguội lạnh của ta:
“Thánh Lễ
là trung tâm đời sống thiêng liêng. Đó là hồng ân
cao quí nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Các con phải
dọn mình dự lễ cho sốt sắng và sau khi
rước lễ, phải cám ơn Chúa cách xứng
đáng.”
“Khi đi dự Thánh Lễ, con
đường từ nhà các con đến nhà thờ
phải là thời gian chuẩn bị dự Thánh Lễ. Các
con cũng sẽ rước Lễ với trái tim mở
rộng và tinh sạch, trái tim thì thanh sạch, cõi lòng thì
rộng mở. (Sau Thánh Lễ) đừng rời nhà
thờ nếu trước đó các con chưa cảm
tạ đội ơn Chúa cách xứng đáng…” (Sứ
điệp tháng 10-1984).
Thế mà thực tế chúng ta lại thấy gì?
Thấy phần đông các tín hữu thường có
thói quen là sau khi rước Chúa vào lòng, vừa xong lễ
liền ra về ngay, không ở lại tạ ơn Chúa hay
ít ra ở lại bầu bạn với Chúa, như Chúa
đã khứng ở lại trong ta và bầu bạn với
ta :
“Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại
trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6.56).
Còn thấy có một số tín hữu
khác nhởn nhơ hoặc trò chuyện, cười đùa
với nhau, coi như không biết gì đến mầu
nhiệm họ đang mang trong mình. Khó chấp nhận
được một người có đức tin lại
có thái độ ơ thờ đến thế
trước sự hiện diện của Chúa Giêsu trong mình
họ, ơ thờ đến mức gần như
một sự phạm thánh..., khiến họ đánh
mất những giây phút hồng ân đặc biệt.
Một số khác lại đi đọc kinh này kinh
khác, hoặc đến trước ảnh tượng
Đức Mẹ, hay thánh nọ thánh kia mà cầu xin… Sao
khờ dại đến nỗi có vua ngự đến,
lại bỏ vua mà chạy đến với tên
đầy tớ !
Hỏi họ tại sao làm thế ? Họ đáp :
Cầu xin Đức Mẹ và các thánh thì thấy gần
gũi, cụ thể hơn, còn Chúa thì thiêng liêng và cao xa
quá !
Tình cảm đã làm người ta
lầm to ! Đức Mẹ và các thánh mới thiêng liêng và
ở xa ta, bởi vì Đức Mẹ và các thánh đã qua
đời, hiện nay đang ở trên trời, các
Đấng nghe ta cầu xin, cầu bầu cho ta, nhưng không
ngự vào lòng ta. Còn Chúa Giêsu Thánh Thể thì khác, khi ta
rước Mình Máu Ngài là đón tiếp chính mình Ngài
với cả thần tính và nhân tính, đã rời bỏ cõi
trời xuống ẩn thân trong hình bánh, để ngự
vào trong ta. Cụ thể và gần gũi đến
thế là cùng !
Có người viện cớ rằng: sở dĩ
họ ra về sau rước lễ là vì ở lại
với Chúa mà chẳng biết nói gì với Chúa.
Không biết nói gì ư? Chỉ
hiện diện là đủ. Cứ đến với Chúa
bằng chính mình, với tất cả những gì mình có.
Nếu chúng ta không có gì, thì cứ đến với cái
trống không đó…
***
Sau khi Rước Chúa, ra về liền, không ở
lại tạ ơn Chúa hay ít ra ở lại hầu
chuyện với Chúa. Thái độ ấy chẳng lịch
sự chút nào ! Cứ thử nghĩ mà xem : trong giao tiếp
xã hội, nếu có một người bạn đến
thăm, ta có bỏ mặc người bạn ngồi
chơ vơ một mình, còn ta đi làm việc khác, như
đi xem Truyền hình, viết sách, hay đi chơi không ?
Trước cách cư xử bất nhã đó, thử
hỏi có ai còn thèm đến thăm ta nữa !
Chuyện chúng ta không dám làm với
người đời, thế mà ta vẫn làm cho Chúa chúng
ta đấy, mà không thấy ân hận gì cả! Vô tâm, vô
cảm đến chừng ấy, không còn biết lấy
lời nào mà tả cho vừa!
Cho nên nhiều lần, Chúa than thở
với những tâm hồn bạn hữu tri kỷ của
Chúa rằng : trong Phép Thánh Thể, là Bí tích tình yêu, Chúa
đau đớn vì bị người ta – nhất là chính
con cái và bạn hữu Chúa – khinh mạn dể duôi !
Ngày xưa khi các nước bên Âu châu còn toàn tòng
đạo, nghĩa là mọi người trong nước
đều có đạo Công giáo, người ta rất
mực tôn kính Phép Mình Thánh, cho nên khi linh mục đem Mình
Thánh Chúa cho kẻ liệt, là đi công khai ngoài
đường phố; và lúc ngài mang Mình Thánh Chúa đi ngoài
đường như thế, luôn có hai chú giúp lễ
cầm đèn nến đi hầu hai bên để tỏ
lòng tôn kính Mình thánh Chúa mà linh mục đang mang. Chưa
kể có nơi còn cho bốn người cầm lọng
che trên đầu linh mục, và có một người
cầm thánh giá cao đi trước, chẳng khác gì một
cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa nho nhỏ vậy!
Vì thế, một lần kia, khi Thánh
Philiphê đơ Nêri thấy một bà rước Lễ
rồi mà không ở lại thờ lạy, tạ ơn
Chúa, bỏ nhà thờ ra về cách vô tâm như vậy, thánh
nhân liền sai hai chú giúp lễ cầm nến chạy
đến đi bên cạnh bà đó, để tôn kính Mình
Thánh Chúa đang ngự trong tâm hồn bà, và gián tiếp
nhắc nhở cho bà ấy sự vô phép của bà.
~~~///~~~
-- Đã dạy chúng ta lưu lại ít phút tạ ơn
Chúa sau Rước lễ, Đức Mẹ Medjugorje còn mách
bảo thêm một điều nữa :
"Hãy ở lại và cầu
nguyện với Chúa và dâng lên Ngài thời gian để Ngài
chữa lành các con về mọi phương diện
cần được chữa lành".
Đức Mẹ cho chúng ta hiểu Mình Máu
Thánh Chúa còn có tác dụng chữa
lành và biến đổi chúng ta. Chẳng phải chính
chúng ta vẫn cầu xin trước lúc Rước Lễ:
"Lạy Chúa, con chẳng đáng
rước Chúa ngự vào lòng con, nhưng xin Chúa phán một
lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”?
Thế mà vừa cầu xin
như thế xong, Chúa nghe lời ta và chuẩn bị
chữa lành, thì ta đã vội vã bỏ ra về mất
tiêu, Chúa Giêsu làm sao kịp chữa lành bệnh tật
của linh hồn ta? Đành rằng Mình Máu Thánh Chúa có tác
dụng chữa lành và biến đổi chúng ta nên tốt
lành, nhưng không phải một cách tự động,
cứ lên Rước Lễ là ta được chữa
lành, được biến đổi. Chẳng lạ gì
có biết bao giáo hữu Rước Lễ đều
đều mà đời sống chẳng thay đổi
chút nào, tính mê nết xấu vẫn còn y nguyên…
Bởi vậy hãy nghe lời
Mẹ dạy mà ở lại và cầu nguyện với Chúa, dành cho
Chúa thời gian năm mười phút để Ngài
chữa lành những đam mê dục vọng xấu xa
của ta…, cũng
như bệnh nhân cần phải ở lại bệnh
viện để được bác sĩ điều
trị, chúng ta cũng cần dành thời gian để Chúa
Giêsu – vị Bác Sĩ siêu phàm đại tài – đang ở
trong ta với tràn đầy Thần Khí thánh thiện,
sẽ chữa lành những bệnh hoạn tật
nguyền hồn xác chúng ta.
Nhớ lại lời Thánh
Aogutinô Tiến sĩ nói: “Thiên
Chúa tạo dựng nên ta không cần có ta (cộng tác),
nhưng Thiên Chúa không thể cứu ta nếu không có sự
hợp tác của ta.” Cũng thế, Thiên Chúa sẽ không
chữa lành cho ta được nếu ta không cộng tác
với Người, bằng cách dành thời gian cầu
nguyện và tạ ơn sau khi Rước Lễ.
Trong năm mười phút ở lại
với Chúa, Ngài sẽ nhắc nhớ vài Lời Chúa mà ta
đã nghe đọc trong Thánh Lễ lúc nãy qua những bài sách
Cựu Ước, Thánh thư, Tin Mừng
và lời giảng của chủ tế, để ta xét
mình, để soi sáng cho ta thấy đời sống ta có
điều gì còn sai trái, dạy bảo mọi điều
ta lơ là, quên bỏ, thiếu sót…, hay chưa đi đúng
với ý Chúa…
Rồi Chúa sẽ giúp ta ơn sức
mạnh : để cải thiện nếp
sống vương nhiều cái xấu xa của ta, bởi
vì cuộc đời với bao nhiêu bươn chải,
vất vả, lo toan, đau khổ… do bệnh tật, do
những nghịch cảnh trái ý, đau lòng…đã tiêm
nhiễm vào trong ta những tính mê tật xấu… khiến
cho ta biết bao lần sa ngã phạm tội…
Và sau cùng cũng để động viên
ta làm những điều tốt cho gia đình, cho tha nhân,
cho xã hội…
Như vậy cứ từ từ, ngày qua ngày,
nhờ rước Mình Máu Thánh Chúa, ta sẽ được
Chúa “chữa lành” và “biến đổi” ta
trở nên mỗi ngày một tốt lành, thánh thiện
hơn, thần thiêng hơn, giống Chúa hơn, cho
đến lúc xứng đáng vào Cõi Trời Thần Linh, là
nơi tuyệt đối thánh thiện, nơi tràn ngập
ánh sáng tinh tuyền.
***
TRI ÂN VÀ ĐÁP ĐỀN TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Trước những
ơn huệ vô cùng lớn lao nói trên, ta hãy để tâm suy
niệm và cầu xin Thánh Thần tác động, hầu
cảm nhận được những vinh dự ấy mà
hân hoan vui sướng.
“Vâng Lạy Chúa ! Suy gẫm các điều trên, chúng con
hết lòng tri ân Thiên Chúa, và sẽ ra sức lo đáp
đền tình yêu Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng con,
chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa cho chúng con, còn
xuống làm bạn với chúng con nữa.
“Song đáp đền thế nào cho cân xứng đây ?
Nhờ Thánh kinh, chúng con biết Thiên Chúa chẳng đòi
hỏi điều gì khác ngoài việc đáp trả lại tình
yêu của Người bằng tình yêu của trái tim nhỏ
bé của chúng con !
“Giờ đây,
hỡi Ít-ra-en, nào ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, có
đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc
phải kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em,
đi theo mọi đường lối của
Người, yêu mến phụng thờ Người
hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh
của ĐỨC CHÚA và các thánh chỉ của Người
mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em
được hạnh phúc ?” (Đnl 10.12-13)
Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR
|