MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: hoàng thị đáo tiệp
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Gìn Giữ --- Hoàng Thị Đáo Tiệp
Thứ Ba, Ngày 11 tháng 6-2013
Gìn Giữ

 

Hoàng Thị Đáo Tiệp

                      Dõi theo  bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ Phêrô ( lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 19/3/2013- cũng là ngày lễ trọng Kính Thánh Cả Giuse- tại Quảng Trường Thánh Phêrô), tôi thấy cặp từ ngữ kép “gìn giữ” với “giữ gìn” được Ngài dùng đi dùng lại mãi.  Ngài dùng có tới 25 lần, trong khi toàn bài giảng đâu có dài ( tôi đọc chỉ 8 phút là hết)mà ý nghĩa thì thật vô cùng nhờ ở cặp từ ngữ kép nầy( tôi gọi là từ ngữ kép vì khi tách ra, tự mỗi chữ vẫn gói tròn được ý nghĩa của nó, tỷ như trong truyện Kiều: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay. Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời” là Kim Trọng dặn dò Thuý Kiều giữ gìn sức khoẻ, lời thề hứa để chàng an lòng về quê thọ tang chú ruột vì thọ tang chắc phải 3 năm sao đấy).

                     Cái vô cùng của ý nghĩa đó, tất nhiên trước hết là do sự phong phú muôn mặt của biết bao vấn đề phải cần “gìn giữ” mà vị Cha chung đã trang trọng điểm danh ra. Thứ đến phải nói là ở sự cảm nhận muôn vẻ nơi từng người lãnh hội. Mà có đến hằng tỉ người dõi theo bài giảng của Ngài nên cảm nhận về Ngài, cảm nhận về mình được đánh động với được hồi tâm, hoán cải thì bao xiết kể…

                     Chẳng hạn tôi đây dù tài sơ trí thiểu cũng vẫn có bao là cảm nhận…

                    Trước hết, chỉ nội cái việc có tới 25 lần vị Cha chung lập đi lập lại cặp từ ngữ ấy đập vào mắt mình là đã đủ dấy lên trong tôi: cả một tâm tình kính yêu nể phục và biết ơn Ngài vô bờ! Vì tôi hiểu đúng là Ngài đã và đang sống mãnh liệt lắm cho vấn đề “gìn giữ” nên trong bài giảng khai mạc sứ vụ, mới có sự quan tâm thấu đáo đến thế để thống thiết gọi mời mọi người cùng nhập cuộc. Với tôi cũng hiểu thì ra những cái hay và bao gương sáng ở Ngài (như việc đã được bầu chọn lên ngôi Giáo Hoàng tột cùng vinh hiển mà Ngài lại vẫn… nào  tự đi xe buýt lấy chớ chẳng ngại chi đến sự an ninh cho bản thân, nào tự lo trả tiền phòng trọ, nào chọn chỗ ngụ nơi gian phòng nhỏ như phòng của Hồng Y chớ không ngụ trong dinh Giáo Hoàng vốn ưu ái sẵn dành cho mỗi đấng bậc kế vị Thánh Phêrô từ bao đời nay…) thì âu cũng là hoa trái tất nhiên đấy thôi của việc Ngài sống mãnh liệt lắm cho vấn đề “gìn giữ”. Mới trên tót vời cao trọng là thế, Ngài vẫn cứ cái nếp bình dân, giản dị, khiêm nhường mà sống như thói quen Ngài đã… Và có như vậy Ngài mới là một họa ảnh sống động của Đức Giêsu Phục Sinh. Vì Chúa Giêsu lúc đã Phục Sinh vinh hiển tuyệt nhiên không đến với các môn đệ trong rực rỡ quyền uy như ngự trên mây trời xuống với bao là Thiên Thần hầu cận …mà Chúa đến lặng lẽ và đơn độc, thêm bình dân, giản dị, xuề xoà …nói chung là khiêm nhường rất mực để ai được gặp Chúa đều thấy dễ gần gũi, sẻ chia ( như với bà Maria Mađalêna vào xông hương mộ Chúa, thấy mất xác Chúa bà tức tưởi khóc than! Chúa hiện ra với bà trong dáng vẻ chắc xuề xoà lam lủ sao đó nên bà tưởng là người giữ vườn, liền nài nỉ đã mang xác Chúa đặt ở đâu cho bà xin lại. Rồi với hai môn đệ đang thất thểu trên đường trở về làng Emmaus vì quá buồn đau, thất chí việc Thầy mình bị chết và đã táng xác, thì Chúa hiện ra trong dáng vẻ của một khách bộ hành để cùng cuốc bộ với hai ông mà dẫn giải, ủi an. Hay với lần Chúa hiện ra cùng các môn đệ ở bờ biển Tibêria lúc rạng đông, thì Chúa đã bình dị như một ngư phủ lão thành lại còn chu đáo nhóm sẵn lửa than nướng bánh, nướng cá tự phục vụ lấy bữa ăn sáng cho Ngài và các môn đệ…). Nhờ vậy nên qua Ngài, tôi thấy mình nắm bắt được gần như chín rõ mười thế nào là cái đẹp, cả luôn cái phúc nữa: khi mà người Kitô hữu biết sống cho vấn đề “gìn giữ”. Bởi sống “gìn giữ” là lối sống đẹp nhất của đời người vì được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, là được sống trở về nguồn tức trở về với Thiên Chúa là  Đấng Tạo Dựng mình: Đấng mà Thánh Vịnh 116 với 117 ca ngợi: “ tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững đến muôn năm”, “Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Lại sống “gìn giữ” là cuộc sống cho dù vị thế có cao trọng đến đâu và sang cả tới thế nào… vẫn cứ cái tinh thần khó nghèo mà sống nên được chúc phúc lắm! Và đấy cũng chính là mối phúc thứ nhất trong tám mối phúc thật của hiến chương nước trời được Chúa Giêsu đích thân truyền dạy trong bài giảng đầu tiên ở trên núi, trước đông đảo chúng dân: “ Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”…Thú thật tôi cảm như vị Cha chung mình- Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang tên của vị Thánh khó nghèo- đang là hiện thân cho cái phúc thứ nhất của hiến chương nước trời được Chúa gửi đến cho nhân loại giữa thời buổi nhìn đâu cũng thấy bị vấn đề “tàn phá” lên ngôi thống trị! Nên trong bài giảng đầu tiên khai mạc sứ vụ, Ngài mới khẩn thiết ban dạy vấn đề “gìn giữ” thì mình dứt khoát vâng nghe vậy, để mình cứ  hễ “gìn giữ” được tới đâu thì gìn giữ mặc ai nói ngả nói nghiêng, tôi tin là  “phúc” sẽ được ban theo khôn xiết …

                  Bây giờ  xin đi vào cụ thể của các vấn đề “gìn giữ” cùng cách thức để “gìn giữ” được vị Cha chung mời gọi. Bản thân tôi thú thật dõi theo tới đâu ,tôi mừng thấy mình được “ phúc” ban tới đó! Và đấy là “ phúc” được học hiểu, được hồi tâm bởi tôi có …hầm bà lằng thiếu sót và vấp phạm!

                 Khởi đầu bài giảng Ngài nói : “ Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ nầy, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng Kính Thánh Giuse, hôn phu của Đức trinh nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của vị tiền nhiệm đáng kính của tôi. Chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quý mến và biết ơn.”. Ngôn từ “gìn giữ” tuy chưa chính thức xuất hiện trong đoạn nầy mà cái ý thì đã sẵn và đáng ngưỡng mộ lắm! Đấy chính là  tâm tình cảm tạ Thiên Chúa với biết ơn nhớ`nghĩ đến nhau, đặc biệt là Ngài trước sau như một vẫn gìn giữ tấm lòng rất mực kính yêu quý mến Đức Thánh Cha tiền nhiệm dù đã thoái vị chớ đâu còn tại chức nữa! Cho nên điều nầy đánh động tôi ngay lập tức vì thấy đẹp lắm! Mà  mình thì thiếu sót, đầy vơi chớ nào giữ được trước sau như nhất!

                Và nhờ đúng vào ngày lễ trọng Kính Thánh Giuse, Ngài đưa  vấn đề “gìn giữ” vô hết sức tự nhiên, dễ chấp nhận với dễ thấm  lắm:

            “…Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng “Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình” (Mt 1;24). Trong những lời nầy có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa uỷ thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô ÌI đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tuỵ giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” ….

                 “Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỉ và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu….”

                 …Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa  không phải tới điều riêng của mình… vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn , và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được uỷ thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo”.

                Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ với tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta: đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người với tình yêu thương, đặc biệt là cho các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau và trong tư cách là cha mẹ họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được uỷ thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.

               Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và anh em của chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại đều có những “vua Herôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.

                Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được khắc ghi trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta . Nhưng để gìn giữ thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình của chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng hay ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!

              Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều nầy: chăm sóc, giữ gìn đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách phúc âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng. Đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng.

              Ngày nay cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho Thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế?  Sau ba câu Chúa hỏi Thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn dắt chiên con, hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính nầy, ngày càng phát triển sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá. Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà  thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân. Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết gìn giữ.

                   Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người “đã tin, kiên vững trong niềm hy vọng và bất chấp mọi nghịch cảnh”…Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.

                 Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta……..”

                    Tất nhiên tại bị tàn phá nên mới phải gìn giữ. Vậy thì “ tàn phá” là phản diện mà “gìn giữ” mới là chính diện.Toàn bài giảng của Ngài tôi thấy chỉ có 2 lần Ngài lập lại từ ngữ  ’tàn phá” do cực chẳng đã phải đề cập tới thôi! Cho nên đây là điều tôi thật tâm đắc để học hỏi ở Ngài. Vì tôi lắm khi muốn làm điều nên điều tốt cho mình hoặc cho người nầy nhóm nọ, mà tôi lại cứ phải bận tâm luôn với những thua buồn của mình, khiếm khuyết của người… để dễ hay bị chùn chân, nãn chí, không có tinh thần làm!   

                  Và đấy, vấn đề “gìn giữ” Ngài đưa vào tự nhiên như thế đó, qua việc dẫn giải về ơn gọi của Thánh Giuse! Thú thật với tôi thì Thánh Giuse là “Cha Yêu” của mình nên tôi cứ luôn muốn được học biết về Cha Thánh Giuse để mình sống theo. Thì cách Ngài dẫn giải về ơn gọi của ChaThánh Giuse (nào là người canh giữ mà thi hành bổn phận thì liên lỉ, trung tín hoàn toàn cả khi Ngài không hiểu! Nào là để sống ơn gọi gìn giữ thì Thánh Giuse không lý chi tới điều riêng mình hết, nên luôn cởi mở với những dấu hiệu của Chúa, biết đọc các biến cố Chúa gữi đến để đưa ra những quyết định khôn ngoan… hầu cốt sao thực hiện được thánh ý Chúa ủy thác cho ) là Cha Thánh đã  mài miệt chuyên chăm, còn vui vẻ lắm cơ với mau mắn nữa: để làm cái trách nhiệm coi như chỉ có đơn phương một chiều như vậy … nên tôi được đánh động chưa từng để nhận ra cái sai lỗi mình đang vấp phải, không chỉ  trong ơn gọi sống bậc hôn nhân mà cả trong mọi quan hệ giao tiếp, làm ăn sinh sống….

                  Như trong ơn gọi sống bậc hôn nhân… tôi quan niệm rằng hạnh phúc hôn nhân cũng như trồng một cái cây, cây được xanh tốt nhờ cả hai vợ chồng cùng vun phân, tưới nước bắt sâu chớ không thể đơn phương một người được. Nên đấy là tôi sai! Vì lời tôi tự nguyện hứa trong Thánh Lễ hôn phổi rằng mình sẽ tôn trọng và yêu thương anh suốt đời thì chẳng đơn phương đấy sao mà đòi hỏi phải được song phương chớ?! Thôi thì sẵn đây tôi cũng xin thỏ thẻ ra luôn vậy, với ước nguyện ước giúp được chút chi cho những ai đồng hội đồng thuyền…Ấy là trong bài “Lùi Lại” đã đăng trên Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ số tháng 4/2013, ở trang 48, đoạn 3, tôi có viết: “ Giá tôi được vào một xó nào khóc mùi mẫn cho tới lúc thấy tâm an lòng ổn và được tỉnh táo hẵn thì hạnh phúc biết bao” . Tức lúc vừa được thoát nạn đó (hơn 9 giờ tối ngày 15/2/2013) tôi không có cái nhu cầu sớm về với mái gia đình hay sớm gọi cho ông xã để được sẻ chia! Tại sao vậy? Tại ông xã tôi không biết do đổi tánh đổi nết hay do trầm cảm mà dù các bệnh tật trong thân thể anh coi như đã được chữa lành hết rồi, anh ăn được ngủ ngon nhưng ăn xong là vô phòng nằm! Anh không làm gì hết kể cả cầm cái ly anh uống nước bỏ giùm vô chậu rửa! Thêm anh chẳng nói năng chi với tôi và cả với các con các cháu! Anh cũng chẳng gọi cho ai, mà có ai gọi anh cũng chẳng bắt phôn!. Nên lúc thoát nạn đó, tôi có gọi anh, anh cũng đâu bắt phôn! Có về nhà, vào phòng để trò chuyện với anh, biết anh có chịu nghe hay bảo im đi cho anh ngủ?! Thú thật tôi luôn tạ ơn Chúa ban cho anh vẫn tự đi đứng được và nhất là giữ anh vẫn được sống với tôi, chớ anh mà chết, tôi đâu dám ở nhà một mình! Nhưng tôi phải liên lỉ cầu xin Chúa cho tôi yêu thương được anh chớ anh như thế, tôi thương hết nổi nữa rồi! Và tôi tin điều mình xin đã được Chúa nhậm lời, nên Chúa ban cho Vị Cha chung nói bảo những lời về Thánh Giuse như vậy để tôi nắm bắt được, mà kíp lo chấn chỉnh.Và từ hôm đó tới nay coi như tôi đã và đang đơn phương làm cái bổn phận gìn giữ ông xã mình với trọn tâm tình yêu quý, nên thấy anh cũng đang có những biến đổi đáng mừng lắm! … Tôi nghĩ những cặp vợ chồng nào dù già dù trẻ nếu đang có vấn đề cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, hoặc đang tính chuyện ly dị, thậm chí muốn tàn phá đời nhau đi nữa…thì chỉ cần một người trong mỗi cặp chịu nghiền ngẫm bài giảng nầy của vị Cha chung, rồi với thiện chí phải quyết hàn gắn lại bằng mọi giá, để cứ đơn phương mà  hành động theo những cách thức Ngài ban dạy là sẽ ổn cả thôi.

                   Còn trong công việc làm ăn thì với cương vị của người chủ tiệm tôi thấy lời Ngài ban dạy “ Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính nầy….phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn…Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!” là tuyệt lắm! Vì cứu cho tôi thoát được nỗi khổ tâm trong việc điều hành tiệm nếu như tôi cứ tự đánh mất mãi cái tôi làm chủ của mình! Bởi tôi cứ không nỡ với thợ nên dễ dãi, nễ nang, chịu nhường chịu nhịn riết rồi cảm như thợ leo lên đầu mình, khiến tôi có lúc thấy mình hèn lắm, nhục lắm! Nay thì không thế vì hiểu mình có như vậy mới được thợ thương,  mà có cơ hội gìn giữ được thợ chịu ở với mình, nên thợ bỏ đi thì cũng trở lại cho mình vẫn giữ được cái tiêm để mình có chỗ xênh xang và kiếm rủng rỉnh đồng ra đồng vô…

                    Và chi chớ việc vị Cha chung cảnh báo: “khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em của chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim  trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại đều có những vua Hêrôđê…” Tôi thiết nghĩ nghề chi chớ nghề “Hair & Nail” mà nhất là “Nail” thì coi như chúng mình  cũng là một kiểu vua Hêrôđê đấy nhá! Nhưng là Hêrôđê tàn phá móng tay móng chân thôi,  của các thụ tạo Thiên Chúa nên chúng mình hãy kíp lo mà trả lẽ với Chúa cũng là vừa! Đấy, cứ nghĩ lại xem, chúng mình tiếng là chăm sóc chân cho khách nên cứ cắt da thừa quanh móng cho sạch cho đẹp, cứ bóp cứ chà bằng đủ các lotion, cát,.. ngày một được cải tiến hơn. Nhưng, da chân của khách thì  ngày càng sần sùi, nhám ồ nếu không thường xuyên tới cho mình chăm sóc; còn móng thì bị thúi bị cùng! Chớ có giữ gìn đôi chân khách cho được da nhẵn bóng và móng không bệnh tật như ngày đầu tiên khách đưa chân tới cho mình làm không?! Cà đến mình chăm sóc móng tay cho khách cũng thế! Khách càng đeo móng lâu năm thì móng càng tệ nếu như khách không tiếp tuc đến cho mình chăm sóc! Biết vậy nhưng cứ có khách bước vô tiệm là mình ham dụ khách làm! Khách không vô thì hạ giá bèo để kéo khách tới cho mình được làm càng nhiều càng thích và gây ế ẩm cho các tiệm cùng nghề quanh mình mà chẳng có thấy áy náy hoặc thương cảm….

              Thêm với việc  vị Cha chung dặn dò: “để gin giữ thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình của chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng hay ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!” thì tôi nghĩ để chăm sóc tốt nhất cho mình măt nầy là mình tự luyện thói quen gìn trí giữ lòng, gìn mồm giữ miệng, gìn tay giữ chân…để đừng có những tâm ý xấu, nói năng ác miệng ác mồm, hành động không thương không giúp cho bất kỳ ai…

                     California 6/5/2013

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Giấc Mơ Đẹp Nhất Đời Người --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (3/5/2014)
Cống Hiến --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (2/12/2014)
Hết Mình --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (1/10/2014)
Luật Sống --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (12/11/2013)
Chúa Không Lên Án --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (8/5/2013)
Tin/Bài khác
Người Mẫu --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (5/12/2013)
Lùi Lại --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (4/10/2013)
Cho Lòng Mình Vui --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (2/3/2013)
Yêu Mến Chính Mình --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (2/3/2013)
Đó Là Hồng Ân --- Hoàng Thị Đáo Tiệp (2/3/2013)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768