MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tài liệu về đức mẹ :: mẹ fatima
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Thế Giới Đi Về Đâu? Dấu Chỉ Thời Đại: Bí Mật Fatima! ( Phan #3) --- Het ---
Thứ Năm, Ngày 14 tháng 2-2013
III- Bí Mật Fatima - Dấu chỉ thời đại liên quan tới tương lai của thế giới chúng ta đang sống?

 

Đến đây, nhờ Bí Mật Fatima phần ba, chúng ta đã lờ mờ thấy được phần nào tương lai của thế giới ngày nay, một thế giới sau giai đoạn Chiến Tranh Lạnh giữa đệ nhất nhị cường Mỹ (tư bản) và Nga (cộng sản), và sau giai đoạn "thế giới sẽ được ban cho một thời gian hòa bình", đang ở vào giai đoạn Chiến Tranh Văn Hóa hay Chiến Tranh Tôn Giáo, giữa Hồi giáo Ả Rập và Kitô giáo Tây phương, được thể hiện qua các cuộc khủng bố tấn công (bởi phe "hồi giáo") và tấn công khủng bố (từ phe Tây phương được đồng hóa với Kitô giáo, nên Kitô giáo ở trong thế giới Hồi giáo đã liên tục bị trả giá cho các cuộc tấn công khủng bố của Tây phương, điển hình nhất là vụ Mỹ ngang nhiên tấn công Iraq từ ngày 19/3/2003).

 

Từ khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, vị Giáo Hoàng tương lai Biển Đức XVI của chúng ta đã cảm nhận được cuộc tranh hùng giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo trên bàn cờ lịch sử thế giới, một cuộc tranh hùng giờ đây phần thắng đang nghiêng hẳn về bên thế giới Ả Rập Hồi Giáo. Ngài đã bày tỏ cảm nhận này của mình khi trả lời cho câu hỏi “Việc Hồi Giáo liên kết toàn cầu có nghĩa là gì  đối với Kitô Giáo?” trong cuốn “Salt of The Earth” (Muối Đất), ấn bản Anh ngữ do Ignatius xuất bản năm 1997, trang 245-246, ở chương “Priorities of the Church’s Development – Những điều ưu tiên trong Việc Phát Triển của Giáo Hội”, như sau:

 

Việc liên kết này là một hiện tượng muôn mặt. Về một phương diện thì các yếu tố tài chính góp phần vào việc này. Quyền lực về tài chính có được nơi các quốc gia Ả Rập là một quyền lực giúp cho họ có thể xây dựng các đền thờ lớn lao khắp nơi, để bảo đảm về sự hiện diện của các cơ cấu văn hóa Hồi Giáo cùng với những điều khác đại loại như thế. Thế nhưng, chắc chắn đó không phải là một yếu tố duy nhất. Yếu tố khác nữa đó là một căn tính được gia tăng, một tâm thức mới về mình.

 

“Trong bối cảnh về văn hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cho đến thập niên 1960, cái trổi vượt của các quốc gia Kitô Giáo về kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự quá lớn mạnh đến nỗi thực sự đẩy Hồi Giáo vào hạng thứ yếu, và Kitô Giáo, có thể nói, các nền văn minh theo căn gốc Kitô Giáo có thể tỏ ra mình như là một quyền lực chiến thắng trong lịch sử thế giới. Thế nhưng, vào lúc ấy lại xẩy ra một cuộc khủng hoảng đại thể về luân lý nơi thế giới Tây phương, một thế giới mang tính cách là một thế giới Kitô Giáo. Trước những tương phản sâu xa về luân lý nơi Tây phương cùng với sự bất lực nội tại của nó – một nỗi bất lực đột nhiên nghịch lại với một quyền lực mới về kinh tế của các quốc gia Ả Rập – hồn sống của Hồi Giáo đã bừng lên. Chúng tôi cũng là một nhân vật nào đó nữa chứ; chúng tôi biết được mình là ai mà; tôn giáo của chúng tôi đang vững mạnh đây; các người không còn thứ tôn giáo như thế nữa. 

 

“Đó thực sự là cái cảm thức hôm nay nơi thế giới Hồi Giáo: ở chỗ, các quốc gia Tây phương không còn khả năng giảng dạy một sứ điệp về luân lý nữa, mà chỉ có một thứ kiến thức về kỹ thuật để cống hiến cho thế giới mà thôi. Kitô Giáo đã bị lịm tắt mất rồi; nó thực sự không còn hiện hữu như là một tôn giáo nữa; thành phần Kitô hữu không còn luân lý hay đức tin nữa; tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi; chúng tôi có một thứ tôn giáo vững vàng chắc chắn.

 

“Bởi vậy thành phần tín đồ Hồi Giáo giờ đây đã ý thức rằng thực sự Hồi Giáo cuối cùng trở thành một tôn giáo cường tráng hơn, và họ có một cái gì đó để nói với thế giới, thực sự họ là một lực lượng về tôn giáo chính yếu cho tương lai. Trước đây, sharia (luật Hồi Giáo - chú thích của người dịch) và tất cả những thứ ấy đã biến mất trên hiện trường ở một nghĩa nào đó; giờ đây trở thành một niềm hãnh diện mới. Thế là một nhiệt tình mới, một cường độ mới về nhu cầu sống Hồi Giáo đã bừng lên. Đó là một quyền lực mạnh mẽ nơi Hồi Giáo: Chúng tôi có một sứ điệp về luân lý đã từng hiện hữu mà không bị lũng đoạn từ hồi các vị tiên tri, và chúng tôi sẽ nói cho thế giới biết cách sống sứ điệp này, trong khi Kitô Giáo chắc chắc không thể nào làm nổi. Dĩ  nhiên là cờ đã đến tay chúng tôi nhờ ở quyền lực nội tại này của Hồi Giáo, một thứ quyền lực thậm chí thu hút cả những lãnh vực về hàn lâm nữa.

 

Khi trở thành giáo hoàng, ngài vẫn tiếp tục nhận định của mình về chiều hướng xuống dốc của Tây phương văn minh trong chuyến tông du Đức quốc của ngài. Cho dù chuyến tông du thứ tư của vị giáo hoàng đương kim Biển Đức XVI của chúng ta đã qua đi, nhưng âm vang của chuyến tông du này chẳng những (khách quan và bất ngờ), ngay sau đó đã làm bấn loạn cả thế giới Hồi Giáo, qua những gì khiến họ cảm thấy nhức nhối, khó chịu và vùng vẫy, liên quan tới vấn đề tôn giáo phi bạo lực, được ngài nói đến trong bài diễn văn ở Đại Học Regensburg Đức Quốc ngày Thứ Ba 12/9/2006, mà còn làm cho cả thế giới Tây Phương, nếu thực sự lắng nghe, không nhiều thì ít, cũng cảm thấy hết sức thấm thía nữa, vì ngài đã mạnh dạn và thẳng thắn động chạm tới tận cốt lõi của nền văn hóa đang bị khủng hoảng và phá sản của họ, đó là chủ nghĩa tương đối muốn được quyền tự do tuyệt đối của họ. Trong 15 bài diễn từ của ngài cho cuộc tông du thứ 4 này, bài trực tiếp liên quan tới văn hóa Tây Phương, một văn hóa giờ đây đã từng đụng đổ nẩy lửa với văn hóa Hồi Giáo, điển hình là vụ bộ tranh biếm họa ở Đan Mạch xẩy ra vào tháng 2/2006, đó là bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật ngày mùng 10/9/2006 tại Neue-Messe ở Munich, trong đó có đoạn như thế này:

 

Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục khả năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể hình thức đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa của họ nữa. Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học. 

 

"Các bạn thân mến, cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và có tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều mong muốn! Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải học biết lại việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta".

 

Trong bài giảng ở Quảng Trường Đền Thánh Đức Mẹ Fatima vào chính ngày 13/5/2010, ngày kỷ niệm Mẹ Maria đã hiện ra với 3 em Thiếu Nhi Fatima 93 năm trước, và kỷ niệm đúng 10 năm hai em Phanxicô và Giaxinta được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bày tỏ cảm nhận của ngài về vai trò ngôn sứ của Fatima, về tình hình băng hoại của thế giới, về sứ vụ cứu độ của Fatima và nhất là về lời tiên báo Trái Tim Mẹ thắng liên quan tới thời điểm kỷ niệm mừng đệ nhất bách chu niên Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào năm 2017 như sau:

 

Chúng ta sẽ lầm lạc khi nghĩ rằng vai trò ngôn sứ của Fatima đã hoàn tất.... Nhân loại đã thành công trong việc buông thả cơn lốc chết chóc và kinh hoàng nhưng thất bại trong việc chấm dứt nó… Trong Thánh Kinh chúng ta thường thấy rằng Thiên Chúa tìm kiếm những con người nam nữ công chính để cứu thành trì của con người và Ngài đã làm như thế ở nơi đây, ở Fatima đây, khi Đức Mẹ hỏi rằng: ‘Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa, để chịu đựng tất cả mọi đau khổ Ngài sẽ gửi đến cho các con, hầu đền tạ các tội lỗi Ngài phải chịu và cầu cho các tội nhân ơn ăn năn hoán cải hay chăng?’ (Memoirs of Sister Lucia, I, 162).... Ở vào một thời điểm gia đình nhân loại đã sẵn sàng hy sinh tất cả những gì là linh thánh nhất trên bàn thờ lợi lộc hèn hạ và vị kỷ của các quốc gia, của các chủng tộc, của các ý hệ, của các nhóm và cá nhân, thì Người Mẹ Phúc Đức của chúng ta đã từ trời đến, thực hiện việc gieo Tình Yêu Thiên Chúa đang bừng cháy trong Trái Tim của Mẹ vào tâm hồn của tất cả những ai tin tưởng nơi Mẹ. Lúc bấy giờ Mẹ chỉ gieo vào 3 trẻ em, nhưng đặc biệt nhờ thành quả từ những chuyến đi của Vị Trinh Nữ Thánh Du, gương mẫu của đời sống các em đang lan rộng và tăng bội nơi vô số các nhóm người trên khắp thế giới biết dấn thân cho tình đoàn kết huynh đệ. Chớ gì 7 năm hướng chúng ta tới biến cố mừng trăm năm của những cuộc hiện ra này mau chóng hoàn tất lời tiên tri về cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh”.

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã giải thích những gì ngài nói ở Fatima ngày 13/5/2010 về lời tiên báo liên quan đến Trái Tim Mẹ Thắng, trong tác phẩm Ánh Sáng Thế Gian, ấn bản Anh ngữ, do Ignatius Press San Francisco xuất bản năm 2010, ở Phần III về "Từ đây chúng ta đi về đâu? - Where Do We Go From There?", chương 16 về "Maria và Sứ Điệp Fatima - Mary and the Message of Fatima", trang 166, như sau:

 

"Tôi cho rằng 'cuộc chiến thắng' này sẽ tới gần hơn nữa. Điều ấy cũng có nghĩa là việc chúng ta nguyện cầu cho Nước Chúa trị đến đó thôi. Lời phát biểu này của tôi không có nghĩa là tôi mong rằng sẽ xẩy ra một cuộc biến đổi cả thể nào đó và lịch sử đùng một cái sẽ hoàn toàn đổi thay. Vấn đề thật ra ở đây là quyền lực của sự dữ cứ bị chế ngự, và quyền năng của Thiên Chúa sẽ được tỏ hiện nơi quyền phép của Mẹ Maria nơi tình trạng sự dữ cứ bị chế ngự ấy”.

 

Thế nhưng, phải chăng “lời tiên tri về cuộc vinh thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh", như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói trong bài giảng ở Linh Địa Fatima ngày 13/5/2010 này có liên quan đến lời tiên báo của Thánh Long Mộng Phố: "Mẹ Maria là vị trang bị cho họ để vương quốc của Ngài bao trùm trên thành phần vô đạo, vương quốc của thành phần tôn thờ ngẫu tượng và vương quốc của thành phần Mohammed" (bản dịch cuốn "True Devotion to Mary" Anh ngữ của Cha Frederick Faber, Tan Books and Publisher, Inc, 1985, page 35, đoạn 59)?

 

Trong Chương Năm về "Vị Giáo Hoàng của 'Mẹ Đấng Cứu Chuộc': 'Totus Tuus'", ở trang 174-178, cuốn "Mặt Trời Khổ Ải - Vinh Quang Oliu" xuất bản 4/2006, kỷ niệm đầy năm băng hà của Đức Gioan Phaolô II (2/4/2004) và đăng quang của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI (24/4/2005), tôi đã chia sẻ cảm nghiệm của mình như sau:

 

“Lịch sử đã cho thấy lời tiên báo này đã và đang trở thành sự thật, ở chỗ, vương quốc thứ nhất là vương quốc của người vô đạo, được hiện thân nơi chế độ vô thần Cộng Sản, thế mà, vương quốc này đã bị vương quốc của Thiên Chúa là Giáo Hội Công Giáo nói chung và thế lực thiêng liêng của Đức Gioan Phaolô II nói riêng bao trùm, qua hiện tượng tự động sụp đổ của Khối Cộng Sản Đông Âu năm 1989 và tự động giải thể của Khối Cộng Sản Liên Bang Sô Viết năm 1991. (Nếu cả một lực lượng Cộng Sản đầu não của Cộng Sản là Liên Sô và Đông Âu còn bị vương quốc của Thiên Chúa bao trùm như thế, thì vấn đề tồn tại của tàn quân Cộng Sản nơi Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn chỉ là một hiện tượng chẳng những đang mờ dần trước nạn khủng bố toàn cầu hiện nay mà còn đang chìm vào thế giới văn minh nhân quyền, gắng gượng bám víu lấy cái phao tư bản để sống còn trong trạng thái biến dạng).  

 

“Nếu vương quốc của Thiên Chúa, qua Mẹ Đấng Cứu Chuộc, đã quả thực, như lịch sử cho thấy, bao trùm vương quốc của thành phần vô đạo là Cộng Sản như thế, thì vương quốc của Thiên Chúa sẽ bao trùm vương quốc của lực lượng tôn thờ ngẫu tượng là một thế giới Tây Phương duy nhân bản chỉ biết tôn thờ con bò vàng tuyệt đối tự do ‘pro choice’ ở mọi lãnh vực của cuộc sống văn minh vật chất và nhân quyền của mình này ra sao? Có thể xẩy ra một trong hai trường hợp được suy đoán theo chiều hướng lịch sử: chiều hướng tự động đại kết Kitô Giáo và chiều hướng nhu cầu đại kết Kitô Giáo vì Hồi Giáo.

 

“Trước hết, về chiều hướng tự động đại kết Kitô Giáo có thể sẽ xẩy ra thế này. Nếu xuất thân từ Balan, từ Đông Âu, Đức Gioan Phaolô II đã làm cho Cộng Sản Đông Âu Sụp Đổ, kéo theo cả sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh (Berlin Wall) là biểu hiệu cho tình trạng phân cách Châu Âu, một Đông Âu và một Tây Âu, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI, xuất thân từ Tây Âu, từ Đức Quốc, từ một quốc gia gây ra hai Thế Chiến trong thế kỷ 20, và cũng chính là nơi xuất phát ra phong trào Thệ Phản Cải Cách từ đầu thế kỷ 16, có thể là vị cũng sẽ được Thiên Chúa quan phòng sử dụng để thực hiện cho một Âu Châu Hiệp Nhất như vậy. Bởi vì, chỉ khi nào Tây Phương, tiêu biểu là Âu Châu (chưa kể Bắc Mỹ), trở về với căn tính của mình, qua việc Hiệp Nhất Kitô Giáo, bấy giờ họ mới có thể làm cho Âu Châu Hiệp Nhất, một Hiệp Nhất Âu Châu hiện đang quằn quại dẵm chân tại chỗ theo chiều hướng duy kinh tế và chính trị, và một khi Âu Châu Hiệp Nhất, thì Kitô Giáo, hiện thân vương quốc của Thiên Chúa, ‘vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo’.

 

“Sau nữa, về chiều hướng nhu cầu đại kết Kitô Giáo vì Hồi Giáo có thể xẩy ra như sau. Với những cuộc khủng bố tấn công liều mạng theo chủ nghĩa tuyệt mạng và bảo thủ cuồng tín của một số con người thuộc tín đồ Hồi Giáo, những cuộc khủng bố tấn công chẳng những vào các cơ sở đầu não về chính trị và kinh tế của đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ, mà còn cả vào các nơi ăn chơi của người Tây Phương hay theo kiểu Tây Phương ở bất cứ nơi nào trên thế giới nữa (điển hình nhất ở Bali năm 2002), cuộc chiến này phần thắng có thể sẽ về tay Hồi Giáo. Họ thắng không phải vì họ có vũ khí và lực lượng quân sự cùng kinh tế mạnh hơn Tây Phương, nhưng vì Thiên Chúa muốn dùng họ để trừng phạt thế giới Tây Phương văn minh tội lỗi, như Ngài đã từng sử dụng ‘cái roi’ Cộng Sản để trừng trị con cái của Ngài vì những bất công xã hội xẩy ra từ Thời Cách Mạng Kinh Tế.

 

“Bấy giờ, phải, chỉ bấy giờ Kitô giáo, Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo và các giáo phái Tin Lành, vì định mệnh tồn vong của chung đạo giáo của mình, mới có thể gắn bó với nhau, mới có thể nhờ đó tiến đến chỗ hiệp nhất nên một Giáo Hội duy nhất như Chúa Kitô mong muốn, một tình trạng hiệp nhất mà nếu không ở trong hoàn cảnh như một dân Yến Duyên bị lưu đầy Babylon như thế, Kitô giáo chắc không thể nào hay rất khó lòng đạt được, dù có cố gắng đối thoại đại kết với nhau từ ngay sau Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962-8/12/1965). Nếu thực sự cần phải bị trừng trị bởi cái roi ‘Hồi Giáo’, Kitô giáo mới hiệp nhất nên một, thì không phải Hồi Giáo chỉ là dụng cụ Thiên Chúa muốn dùng để thưc hiện ý định của Ngài hay sao, Đấng toàn năng có thể biến dữ nên lành cho những ai tin vào Ngài. Đằng nào cuối cùng thì ‘vương quốc của Đấng Tối Cao (cũng) bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo’ vậy...

 

“Nếu thực sự, như Bí Mật Fatima phần thứ hai tiết lộ: ‘Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới’, một thế giới đã được biến đổi sau Biến Cố Đông Âu cuối thập niên 1980 và Biến Cố Nước Nga đầu thập niên 1990, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến qua biến cố ‘vương quốc của Đấng Tối Cao bao trùm vương quốc của tín đồ Hồi Giáo’, bằng biến cố Âu Châu Hiệp Nhất, qua cuộc Hiệp Nhất Kitô Giáo, một cuộc Hiệp Nhất Kitô Giáo, biết đâu, sẽ xẩy ra vào năm 2017, dịp kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, cũng là dịp kỷ niệm đúng 500 năm xuất phát Phong Trào Thệ Phản Cải Cách ở Đức, năm có thể là cuối đời của Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị đã lấy danh hiệu của mình theo Giáo Hoàng Biển Đức XV là vị Giáo Hoàng chăn dắt Giáo Hội Chúa vào thời điểm của Biến Cố Fatima”.

 

Tình hình thế giới hiện nay đang bị khủng hoảng về tất cả mọi phương diện, từ nhân bản, liên quan tới nhân quyền, đến thiên nhiên (gây ra bởi kỹ nghệ), liên quan tới tình trạng hâm nóng toàn cầu (global warming) đầy những thiên tai hoạn nạn càng ngày càng nhiều, cũng như đến kinh tế toàn cầu từ cuối năm 2007 tới nay, đặc biệt nơi thế giới Tây phương là trung tâm của tất cả các cuộc khủng hoảng này, những cuộc khủng hoảng mà nguyên do sâu xa gây ra bởi khủng hoảng đạo lý, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhận định như thế ở cuộc họp mặt tất niên mừng Giáng Sinh với Giáo Triều Rôma hôm Thứ Năm 22/12/2011 như sau: "Trong lúc năm nay tiến đến hồi kết thúc thì Âu Châu đang trải qua một cuộc khủng hoảng về kinh tế và tài chính, một cuộc khủng hoảng xét cho cùng gây ra bởi cuộc khủng hoảng về đạo lý đang bao trùm cả Châu Lục Cổ Kính này".

 

Cho dù về phương diện chính trị, kinh tế và quân sự, thế giới Tây phương theo Kitô giáo có mạnh hơn thế giới Ả Rập Hồi giáo, nhưng nếu xét về phương diện luân lý, phải công nhận là thế giới Tây phương theo Kitô giáo đã thua thế giới Ả Rập Hồi giáo. Ở chỗ:

 

1- Trong khi thế giới Ả Rập Hồi giáo chỉ có luật đa thê, thì Tây phương theo Kitô giáo mặc nhiên cho phép cả đa thê lẫn đa phu với luật được phép ly dị để lập gia đình với nhau bao nhiêu lần cũng được, thậm chí còn được lập gia đình với cả người đồng phái tính;

 

2- Trong khi thế giới Ả Rập Hồi giáo nhân danh Thiên Chúa để khủng bố bất cứ thành phần kẻ thù nào, thì thế giới Tây phương theo Kitô giáo lại nhân danh nhân quyền để khủng bố, không phải là kẻ thù mà là chính ruột thịt của mình, chính thai nhi trong lòng mình;

 

3- Trong khi dân số Âu Châu đang giảm sút tới độ, có những nơi xuống dưới cả mức thay thế (replacement level), tức số tử nhiều hơn số sinh, thì tín đồ Hồi giáo đang sinh sản tràn đầy và đang tăng dân số ở Âu Châu cùng với các đền thờ của họ như để bù vào các thánh đường của Kitô giáo bị đóng cửa.

 

Phải chăng, Thiên Chúa đang thực hiện dự án thần linh của Ngài trong lịch sử thế giới mà về phương diện tự nhiên càng ngày càng nguy vong theo chiều hướng cánh chung của Ngài, ở chỗ, Ngài sẽ qui tụ mọi sự về Chúa Kitô để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (xem 1Cor 15:28)?

Nếu quả thực như vậy, căn cứ vào Bí Mật Fatima, đặc biệt là vào phần thứ ba của bí mật này, cũng như vào lời tiên báo của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) từ đầu thế kỷ 18 trong tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 59, đoạn liên quan thứ tự tới thành phần vô đạo, thành phần tôn thờ ngẫu tượng và thành phần Hồi giáo, (như được trích dẫn trên đây), thì lịch sử thế giới có thể tiến tới chỗ Thiên Chúa bắn một phát súng trúng ba con chim. Phát súng được Ngài bắn ra đây là thế giới Ả Rập Hồi giáo, và ba con chim bị bắn rớt đây bao gồm Tây phương theo Kitô giáo, Do Thái giáo và cả chính Hồi giáo. Diễn tiến của trận chiến cánh chung này có thể xẩy ra như thế này:

 

1- Thế giới Ả Rập Hồi giáo, theo quan phòng thần linh của Đấng làm chủ lịch sử loài người, sẽ trở thành bá chủ toàn cầu nói chung và Tây phương (kèm theo cả Do Thái) nói riêng;

 

2- Thế giới Tây phương Kitô giáo sẽ bị tử đạo rất nhiều bởi Hồi giáo (như hình ảnh cả "một đám lính", trong Bí Mật Fatima phần ba cho thấy, đã bắn chết hết nhóm Kitô hữu ở trên đỉnh núi dốc đứng bấy giờ, chứ không phải chỉ có một tên sát thủ Hồi giáo duy nhất là Ali Agca Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại bắn hụt, và chỉ duy một mình Đức Gioan Phaolô II bị bắn nhưng không chết);

 

3- Thế giới Tây phương theo Kitô giáo, dưới ách thống trị tàn bạo của Hồi giáo, vì niềm tin của mình, nhất là bằng máu tử đạo, chắc chắn sẽ đại kết nên một (như thời của trận hải chiến Lepanto năm 1571), và sẽ chiến thắng lực lượng Hồi giáo;

 

4- Do Thái giáo, thành phần Dân Chúa tuyển chọn từ thời các tổ phụ của họ là Abraham, Isaac và Giacóp, vẫn hằng trông mong Đấng Thiên Sai đến giải phóng cho mình, nhất là lúc họ bị cai trị một cách nhục nhã và đẫm máu của Hồi giáo, Đấng mà, theo giòng lịch sử cứu độ của họ, họ sẽ không bao giờ trông mong nếu không bị làm nô lệ cho bất cứ một thế lực nào, sẽ công nhận Đức Kitô của Kitô giáo, Đấng đã bị họ phủ nhận và đóng đinh ngày xưa, giờ đây cũng là Đấng Thiên Sai của họ, khi thấy sức mạnh đại kết của Kitô giáo đã thắng được cái tàn ác kinh hoàng khủng khiếp của Hồi giáo;

 

5- Hồi giáo cho dù có trở thành bá chủ thế giới, nhưng vì nội bộ tranh chấp và tranh giành quyền lực, cuối cùng, tới hết thời điểm của mình trong ý nhiệm của Đấng Tối Cao, đã thảm bại trước lực lượng đại kết của Kitô giáo, đến nỗi phải công nhận rằng Vị Đệ Nhất Đại Tiên Tri của mình không phải là Mohammed mà là Đức Kitô, giáo tổ Kitô giáo.

 

Nếu quả thực xẩy ra như thế thì phát súng Hồi giáo được Thiên Chúa sử dụng đã hạ được 3 con chim: con chim thứ nhất là Kitô giáo trở nên hiệp nhất nên một; con chim thứ hai là Do Thái giáo nhìn nhận Chúa Kitô của Kitô giáo là Đấng Thiên Sai của mình, và con chim thứ ba là Hồi giáo cũng nhìn nhận Chúa Kitô của Kitô giáo là Vị Tiên Tri thật sự của mình.

 

 

Giáo Phận San Bernadino California Lễ Hiển Linh ngày 6/1/2011

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ - Tông Đồ Chúa Tình Thương

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Fatima: Lần Hiện Ra Thứ Hai Vào Ngày 13 Tháng Sáu, 1917 (6/15/2013)
Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Fatiama - Giảng Lễ - Đc Phêrô Nguyễn Văn Khảm (5/22/2013)
Đức Mẹ Fatima (5/13/2013)
Muôn Lời Chúc Tụng ! (5/13/2013)
Thời Đã Điểm (2/27/2013)
Tin/Bài cùng ngày
Cn 1778: Đôi Mắt Nhân Từ Của Đức Mẹ Fatima (2/14/2013)
Thế Giới Đi Về Đâu? Dấu Chỉ Thời Đại: Bí Mật Fatima! ( Phan #2) (2/14/2013)
Thế Giới Đi Về Đâu? Dấu Chỉ Thời Đại: Bí Mật Fatima! ( Phan #1) (2/14/2013)
Tin/Bài khác
Thế Giới Đi Về Đâu? Dấu Chỉ Thời Đại: Bí Mật Fatima! (1/2/2013)
Đức Mẹ Fatima Và Những Luận Cứ Của Thánh Phaolô (7/10/2012)
Cn1348: Hành Hương Đức Mẹ Fatima (3) (12/4/2011)
Cn 1336: Học Hỏi, Sống Và Truyền Bá Các Thông Điệp Fatima (1) (11/14/2011)
Đức Mẹ ‘‘hiện Ra Riêng’’ Với Jacinta (11/7/2011)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768