MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: sách online :: __sách về đức mẹ (more ...)
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bí Mật Kinh Mân Côi (1)
Thứ Ba, Ngày 2 tháng 8-2016

 

1-            Kinh Mân Côi là gì?

               

Theo cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", ở đoạn Bông Hồng Một, Thánh Montfort đã nói lên ý nghĩa của Kinh Mân Côi như sau:
"Kinh Mân Côi là một hòa hợp thánh hảo giữa tâm nguyện và khẩu nguyện mà chúng ta thực hiện để tôn kính cũng như để học theo những mầu nhiệm và nhân đức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc sống, sự chết và vinh quang của các Ngài".
Thánh nhân đã quảng diễn câu định nghĩa về Kinh Mân Côi trên đây như thế này:
"Kinh Mân Côi gồm có hai phần: tâm nguyện và khẩu nguyện. Tâm nguyện của Kinh Mân Côi không là gì khác ngoài sự suy ngắm các mầu nhiệm chính về đời sống, sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Người. Khẩu nguyện của Kinh Mân Côi ở tại việc đọc 15 chục Kinh Kính Mừng, mỗi chục được bắt đầu bằng một Kinh Lạy Cha, và trong khi đọc chục kinh thì suy ngắm cũng như chiêm ngắm 15 nhân đức chính yếu mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thực thi nơi 15 Mầu Nhiệm Mân Côi".
Dựa vào việc thực hành vốn được Giáo Hội hợp thức hóa, thánh nhân đã đúc kết mối hòa hợp giữa tâm nguyện và khẩu nguyện nơi Kinh Mân Côi như sau:
"Chúng ta tôn kính và suy ngắm 5 mầu nhiệm vui ở 50 kinh đầu, 5 mầu nhiệm thương ở 50 kinh thứ hai, và 5 mầu nhiệm mừng ở 50 kinh thứ ba".
 

2-            Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về Kinh Mân Côi?

 

 Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", lần nào hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima, tức trong cả 6 lần hiện ra, nói gì thì nói, Mẹ Maria cũng vẫn lập lại lời kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima "hãy cầu Kinh Mân Côi". Nguyên văn lời Mẹ Maria kêu gọi từng lần hiện ra như sau:
Vào lần hiện ra thứ nhất: "Các con hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày để xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh".
Vào lần hiện ra thứ hai: "Mẹ mong muốn các con hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày".
Vào lần hiện ra thứ ba: "Mẹ mong muốn các con tiếp tục cầu Kinh Mân Côi hằng ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ một mình Người mới có thể cứu giúp các con ... Mỗi khi cầu Kinh Mân Côi, sau từng mầu nhiệm các con hãy đọc: 'Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem hết mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn".
Vào lần hiện ra thứ bốn, ngày 19-8-1917: "Mẹ muốn các con tiếp tục cầu Kinh Mân Côi hằng ngày".
Vào lần hiện ra thứ năm: "Hãy tiếp tục cầu Kinh Mân Côi để xin ơn chấm dứt chiến tranh".
Vào lần hiện ra thứ sáu: "Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy luôn tiếp tục cầu Kinh Mân Côi".
 

3-            Tại sao hiện ra ở Fatima 6 lần, lần nào Mẹ cũng kêu gọi cầu Kinh Mân Côi?

               

Căn cứ vào lời Mẹ Maria trong cả 6 lần Mẹ hiện ra ở Fatima, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì thời điểm khẩn trương của thế giới, vì mối liên hệ của Kinh Mân Côi với lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, cũng như vì vai trò can thiệp của Đức Mẹ Mân Côi.
Trước hết, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì thời điểm khẩn trương của thế giới. Chính vì thế, trong những lần hiện ra thứ nhất và thứ ba, Mẹ đã kêu gọi "cầu kinh Mân Côi hằng ngày để xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh", và lần thứ năm "hãy tiếp tục cầu Kinh Mân Côi để xin ơn chấm dứt chiến tranh".
Sau nữa, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì mối liên hệ của Kinh Mân Côi với lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thật vậy, thành thực sùng kính Mẹ là gì và ở chỗ nào, nếu không phải là và ở tại nhận biết và yêu mến Mẹ. Mà còn gì tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ hơn là cầu Kinh Mân Côi hằng ngày.
Sau hết, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì vai trò can thiệp của Đức Mẹ Mân Côi. Nếu Mẹ được nhận biết và yêu mến, đúng như ý Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, thì như Mẹ nói: "nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình".
 

4-            Tại sao Thiếu Nhi Fatima ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

               

Theo khoản Nội Qui 6c và 6e, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì mẫu gương của ngành Thiếu là Phanxicô cũng như vì tinh thần của ngành Thiếu là cầu nguyện.
Trước hết, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì mẫu gương của ngành Thiếu là Phanxicô. Thật vậy, Phanxicô là một trong ba Thiếu Nhi Fatima được Đức Mẹ hiện ra, song ngay lần đầu tiên em chỉ nghe thấy tiếng của Mẹ mà không được nhìn thấy Mẹ, cho đến khi, như Mẹ cho biết, em cần phải đọc Kinh Mân Côi, và em đã đọc gần hết một chục kinh thì được nhìn thấy Mẹ. Cả đến việc em được rỗi linh hồn, như Đức Mẹ nói, em cũng phải lần hạt Mân Côi nữa. Bởi thế, Phanxicô đã hứa: "Ôi, lạy Đức Bà yêu dấu, con sẽ đọc thật nhiều Kinh Mân Côi như Bà bảo". Thế rồi, sau đó, Phanxicô luôn luôn tìm dịp tiện, kể cả việc bỏ những cuộc chơi chung với chị Lucia và em Giaxinta, để trốn đi cầu Kinh Mân Côi một mình.
Ngoài ra, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì tinh thần của ngành Thiếu là cầu nguyện. Đúng thế, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện xứng với Đức Mẹ và đẹp lòng Đức Mẹ nhất. Mà ơn gọi của Phanxicô là an ủi Chúa và Mẹ bị tội lỗi loài người xúc phạm. Do đó, "cầu Kinh Mân Côi hằng ngày" là cách đền tạ Chúa Mẹ thích hợp và tuyệt vời nhất.
 

5-            Ai viết cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

 

 Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là cuốn sách được viết bởi Thánh Louis Grignion de Montfort. Thánh nhân sinh ngày 30-1-1673, tại xã Montfort, thuộc xứ Bretagne, nước Pháp, và chết ngày 28-4-1716.
Trong cuộc đời 43 năm sống trên trần thế của mình, với vai trò là một linh mục từ ngày 5-4-1700, ngoài những việc mục vụ được chỉ định, nhất là mục vụ giáo dục giới trẻ, Thánh Louis Grignon de Monfort đã lập thêm cho Giáo Hội hai dòng tu, một dòng nam là dòng Anh Em Thánh Thần, sau được đổi tên là dòng Anh Em Thiên Thần Gabiên, và một dòng nữ là dòng Con Cái Đấng Khôn Ngoan.
Ngoài ra, Thánh Nhân còn để lại cho Giáo Hội một số tác phẩm, nổi tiếng nhất là cuốn "Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria", và phổ thông nhất là cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi".
Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là cuốn sách được Thánh Louis Grignon de Monfort, theo gương Thánh Đaminh và Á Thánh Alan de la Roche, viết ra để truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi.
Về nội dung, cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" bao gồm tất cả những gì cần biết về Kinh Mân Côi, như nguồn gốc, ý nghĩa kinh và mầu nhiệm, giá trị, công hiệu, lợi ích, cách lần hạt cho khỏi chia trí mà lại sốt sắng
Về hình thức, cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" được Thánh Nhân chia thành 50 Bông Hồng, biểu hiệu cho một chuỗi 50 kinh Kính Mừng, để trình bày tất cả phần nội dung phong phú trên đây.
 

6-            Tại sao thánh Montfort đặt tên cho cuốn sách này là "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

 

 Sở dĩ Thánh Louis Grignion de Montfort đặt tên cho cuốn sách Ngài viết về Kinh Mân Côi là "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì Ngài cảm nhận được thần lực vô cùng linh hiệu của Kinh Mân Côi liên quan đến phần rỗi và sự thánh thiện của các linh hồn, trong việc truyền bá và tôn sùng kinh này, như Ngài đã chia sẻ với các thành phần độc giả ở phần mở đầu của cuốn sách như sau.
Với các vị linh mục, Thánh Nhân đã tiết lộ "Bí Mật Kinh Mân Côi" như thế này: "Con có thể chia sẻ nhiều với các cha về các ơn Thiên Chúa đã ban cho con trong việc biết được bằng kinh nghiệm những công hiệu nơi việc rao giảng Kinh Mân Côi Thánh, và những cuộc trở về lạ lùng do việc rao giảng Kinh Mân Côi này mang lại mà chính mắt con đã từng chứng kiến".
Với các tội nhân, Thánh Nhân trấn an họ bằng thần lực vô địch của "Bí Mật Kinh Mân Côi": "Nếu qúi vị trung thành đọc Kinh Mân Côi cho đến giờ lâm tử, tôi cam đoan với qúi vị là, dù tội lỗi của qúi vị có nặng đến đâu đi nữa, qúi vị cũng sẽ nhận được triều thiên vinh quang không bao giờ tàn phai. Ngay cả khi qúi vị đang cheo leo trên bờ vực thẳm hư đi đời đời, ngay cả khi một chân của qúi vị đã lọt vào hỏa ngục, ngay cả khi qúi vị đã bán linh hồn mình cho ma qủi là những tên phù thủy chuyên mê hoặc người ta bằng những xảo thuật của chúng, và ngay cả khi qúi vị trở thành một kẻ lạc đạo cố chấp như ma qủi, không sớm thì muộn, qúi vị cũng sẽ trở lại và sẽ cải thiện đời sống để cứu lấy linh hồn mình, nếu, phải, xin lưu ý đến điều tôi nói đây, nếu qúi vị đọc Kinh Mân Côi Thánh sốt sắng mỗi ngày cho tới khi chết, với mục đích là để nhận biết chân lý cũng như để thống hối và để tội lỗi của mình được thứ tha".
Với các linh hồn sốt sắng đạo đức, Thánh Nhân cho họ thấy "Bí Mật Kinh Mân Côi" ở chỗ: "Nhờ đọc Kinh Mân Côi hằng ngày và làm các việc lành, qúi vị chăm sóc cho cây (Hồng Huyền Nhiệm là 15 Mầu Nhiệm Mân Côi), tưới nước cho nó và vun đất chung quanh nó. Dần dần qúi vị sẽ thấy rằng hạt giống nhỏ bé mà tôi gửi tặng qúi vị đây, lúc này có vẻ nhỏ xíu, sẽ mọc lên thành cây vĩ đại, đến nỗi, chim trời, biểu hiệu cho các linh hồn được tiền định và chiêm niệm, đến ở và làm tổ nơi nó. Bóng của nó sẽ che phủ chúng khỏi sức nóng gay gắt của mặt trời, và chiều cao vĩ đại của nó sẽ gìn giữ chúng khỏi những hoang thú trên mặt đất. Nhưng, nhất là, chúng sẽ được ăn trái cây là chính Chúa Giêsu đáng tôn thờ của chúng ta, Đấng chúng ta tôn kính và muôn đời tôn vinh".
Với các con trẻ, Thánh Nhân cho các em thấy "Bí Mật Kinh Mân Côi" khi kể cho các em nghe câu truyện về một bé gái độ 6 hay 7 tuổi đang đọc Kinh Mân Côi thì được Đức Mẹ dẫn đến một nơi xa lạ, ở đó, bé được ăn những thứ ngon lành, nhất là được ẵm Chúa Hài Nhi vô cùng dễ thương, rồi khuyên nhủ các em rằng: "Nếu các con thi hành điều này (là đọc Kinh Mân Côi hằng ngày), các con sẽ được quyền lên trời để thấy Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nếu ý của các Ngài không muốn cho các con thấy các Ngài ở trên đời này, thì thế nào sau khi chết, các con cũng sẽ được thấy các Ngài cho đến muôn đời".
 

7-            Theo cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" thì Kinh Mân Côi bắt đầu từ lúc nào?

 

 Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" cho chúng ta thấy trong Bông Hồng thứ 2 nguồn gốc của Kinh Mân Côi. Câu truyện xẩy ra được Thánh Nhân thuật lại như sau.
"Vì Kinh Mân Côi, tự bản chất, được cấu tạo chính yếu bởi kinh của Chúa Kitô và Lời Chào Thiên Thần, đó là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, nên Kinh Mân Côi phải là kinh nguyện của tín hữu đã đọc qua các thế kỷ, từ thời các Thánh Tông Đồ cho tới ngày hôm nay.
"Tuy nhiên, vào năm 1214, Mẹ Hội Thánh mới đón nhận Kinh Mân Côi như hình thức hiện hành và theo cách thức mà chúng ta đang thực hành bây giờ.
"Chính Thánh Đaminh đã chuyển đến Giáo Hội Kinh Mân Côi mà Ngài đã lãnh nhận từ Thánh Nữ Đồng Trinh, như một phương thức công hiệu nhất trong việc làm cho các linh hồn theo bè rối Albigensê và các tội nhân trở lại
" ... Khi thấy tội lỗi nặng nề của người ta lỗi phạm đã nên chướng ngại cho việc trở lại của những người theo bè rối Albigensê, Thánh Đaminh liền lui vào một khu rừng ở gần thành phố Toulouse để cầu nguyện 3 ngày 3 đâm liền. Trong thời gian này, Thánh Nhân chỉ khóc lóc và phạt xác khổ hạnh hơn, mong làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa Toàn Năng. Ngài đã thực hành việc khổ hạnh đến nỗi, xác của Ngài trở nên rã rời, bị ngất lịm đi.
"Vào chính lúc ấy, Đức Mẹ, cùng với ba Thiên Thần theo hầu, đã hiện ra với Thánh Nhân mà nói:
- "'Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp:
- "Ôi, Lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi của chúng con.
Bấy giờ Đức Mẹ nói:
- "Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng đến bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, nền tảng của Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ".
 

8-            Thánh Đaminh đã truyền bá Kinh Mân Côi như thế nào?

 Cũng trong Bông Hồng thứ hai, Thánh Đaminh, sau khi được Mẹ Maria cho biết "Bí Mật Kinh Mân Côi", đã bằt đầu truyền bá Kinh Mân Côi như sau.
"Chỗi dậy, cảm thấy đầy an ủi và bừng lên lòng nhiệt thành muốn cải hối dân chúng ở tại miền ấy, Thánh Nhân đã đi thẳng đến Vương Cung Thánh Đường. Đột nhiên, các Thiên Thần vô hình đã đổ chuông để triệu tập dân chúng lại đó và Thánh Đaminh bắt đầu giảng dạy.
"Ngay khi Ngài vừa bắt đầu giảng, một cơn bão xẩy ra, mặt đất rung chuyển, mặt trời tối lại, đầy những sấm chớp kinh thiên động địa. Còn kinh sợ hơn nữa khi dân chúng nhìn thấy một bức hình Đức Mẹ, treo ở một chỗ rất tôn nghiêm, giơ hai cánh tay của Người lên trời, như kêu mời cuộc báo oán của Thiên Chúa đổ xuống trên họ, nếu họ không chịu khó ăn năn hối cải, không chịu cải thiện đời sống của mình và tìm đến nương tựa vào Mẹ Thiên Chúa.
"Qua hiện tượng siêu nhiên này, Thiên Chúa muốn làm cho việc sùng kính mới là Kinh Mân Côi lan rộng và làm cho kinh này được biết đến hơn nữa. Sau cùng, nhờ lời kinh cầu của Thánh Đaminh, cơn bão tố chấm dứt và Ngài tiếp tục giảng. Thánh Nhân đã dẫn giải sự quan trọng và giá trị của Kinh Mân Côi một cách hết sức nóng bỏng và lôi cuốn, đến nỗi, hầu như tất cả dân thành Toulouse yêu chuộng kinh này và bỏ đi những tin tưởng sai lầm của họ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thành này đã cải thiện khác thường; dân chúng bắt đầu trở lại đời sống Kitô hữu và từ bỏ nếp sốùng xấu xa trước kia".
 

9-            Á Thánh Alan A La Roche đã phục hồi Kinh Mân Côi như thế nào?

 

 Á Thánh Alan, một linh mục dòng Đaminh thuộc tu viện Dinan bên Đại Anh Quốc, đã phục hồi Kinh Mân Côi bằng cách tái lập Hiệp Hội Kinh Mân Côi của Thánh Đaminh, một Hiệp Hội đã bị sa sút sau một thế kỷ tồn tại và đã đến lúc cần phải phục hồi sức sống của nó. Bí Mật Kinh Mân Côi đã thuật lại sự kiện này trong Bông Hồng thứ 4 như sau.
"Chân phước Alan bắt đầu công việc cao cả này vào năm 1460, sau khi nhận được cáo trạng của Chúa ... từ Bánh Thánh đã nói với ngài khi ngài đang dâng lễ:
- 'Sao con lại có thể đóng đanh Ta một lần nữa qúùa sớm như vậy?'
"Chân phước Alan hốt hoảng hỏi Chúa:
- 'Lạy Chúa, Chúa phán như thế nghĩa là gì?'
"Chúa Giêsu trả lời:
- 'Con đã đóng đanh Ta một lần nữa rồi bởi tội lỗi của con, và Ta vẫn sẵn lòng chịu đóng đanh lại một lần nữa, để Cha Ta khỏi bị xúc phạm bởi những tội mà con thường phạm. Con đang đóng đanh Ta một lần nữa vào lúc này đây, là bởi vì con đã có đủ hiểu biết để giảng về Kinh Mân Côi của Mẹ Ta mà con lại không làm. Nếu con chuyên tâm làm điều này, con đã dạy cho các linh hồn đường ngay nẻo chính và giúp cho họ tránh khỏi sa ngã phạm tội, song con lại không làm, do đó, chính con cũng có lỗi với các tội mà họ vấp phạm.
"Sự kiện kinh hoàng này đã làm cho chân phước Alan dứt khoát rao giảng Kinh Mân Côi không ngừng ... Thánh Đaminh cũng hiện ra với chân phước Alan và nói với ngài về kết quả lớn lao của việc mục vụ mà thánh nhân đã làm: Thánh nhân không ngừng rao giảng Kinh Mân Côi nên những bài giảng của thánh nhân sinh nhiều hoa trái, làm cho nhiều người trở lại trong khi thánh nhân thực hiện sứ mạng của thánh nhân. Thánh nhân nói với chân phước Alan:
- 'Đó con thấy các thành quả lạ lùng mà cha đã gặt hái được bằng Kinh Mân Côi không! Con và tất cả các kẻ nào yêu mến Đức Mẹ cũng phải làm y như vậy, để nhờ việc làm thiện hảo cho Kinh Mân Côi, con có thể lôi kéo tất cả mọi người đến với khoa học thực sự của các nhân đức'.
 

10-            Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Thánh Vịnh Đức Bà?

 

 Trong Bông Hồng thứ sáu, Bí Mật Kinh Mân Côi đã cho biết ý nghĩa, giá trị và bố cục của Kinh Mân Côi được gọi là Thánh Vịnh Đức Bà như sau.
"Ngay từ khi Thánh Đaminh thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi cho đến khi chân phước Alan de la Roche lập lại việc tôn sùng này vào năm 1460, Kinh Mân Côi luôn được gọi là Ca Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tên gọi của Kinh Mân Côi như thế là vì Kinh Mân Côi có cùng con số Lời Chào Thiên Thần như số thánh vịnh trong sách Thánh Vịnh Vua Đavít. Đói với thành phần tầm thường và vô học không thể đọc các Thánh Vịnh Vua Đavít thì Kinh Mân Côi cũng mang lại lợi ích cho họ như Thánh Vịnh Đavít đối với các người khác vậy.
"Tuy nhiên, Kinh Mân Côi còn được coi như có giá trị hơn các thánh vịnh vì 3 lý do sau đây:
"Thứ nhất, vì Thánh Vịnh Thiên Thần chất chứa một hoa trái cao qúi hơn, đó là Ngôi Lời Nhập Thể, trong khi Thánh Vịnh Đavít chỉ nói tiên tri về việc Ngôi Lời sẽ đến mà thôi.
"Thứ hai, giống hệt như một vật có thật bao giờ cũng quan trọng hơn hình ảnh ám chỉ về nó, và như thân thể quan trọng hơn chiếc bóng của nó thế nào, Thánh Vịnh Đức Bà cũng cao cả hơn Thánh Vịnh Đavít là Thánh Vịnh ám chỉ Thánh Vịnh Đức Bà.
"Thứ ba, vì Thánh Vịnh Đức Bà (hay Kinh Mân Côi được hợp bởi Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng) là việc của chính Ba Ngôi Chí Thánh làm chứ không phải việc nhờ dụng cụ loài người.
"Thánh Vịnh Đức Bà hay Kinh Mân Côi được chia ra làm 3 phần, mỗi phần 50 kinh với những lý do sau đây:
1) Để tôn vinh 3 Ngôi Thiên Chúa.
2) Để tôn kính sự sống, sự chết và vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô.
3) Để bắt chước Giáo Hội Khải Hoàn, để cứu giúp những phần tử của Giáo Hội Chiến Đấu, và để giảm bớt đau thương nơi Giáo Hội Tẩy Luyện.
4) Để bắt chước ba nhóm Thánh Vịnh được phân chia: trước hết là cho đời sống được thanh tẩy, thứ hai là cho đời sống được soi sáng, thứ ba là cho đời sống được kết hợp.
5) Và cuối cùng để ban cho chúng ta muồn vàn ân sủng trong đời sống trần gian, bình an trong giờ lâm tử và vinh quang trong nơi vĩnh phúc".

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài cùng ngày
Bí Mật Kinh Mân Côi (3) - End (8/2/2016)
Bí Mật Kinh Mân Côi (2) (8/2/2016)
Tin/Bài khác
Ghi Danh Vào Phong Trào Linh Mục Con Cưng Của Đức Mẹ (4/24/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #5 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #4 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #3 (4/14/2016)
Thư Của Linh Mục Laurent Larroque, Giám Đốc Tổng Quyền Phong Trào Linh Mục Đức Mẹ Maria (mmp) #2 (4/13/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768