MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
"thày Là Sự Sống" Mục Tử Thần Linh Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần Iv Phục Sinh
Thứ Tư, Ngày 29 tháng 4-2015
"Thày là Sự Sống"

Mục Tử Thần Linh

Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần IV Phục Sinh

  Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Phục Sinh sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh
(cho các Chúa Nhật)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Nếu "Thày là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25) là chủ đề chính yếu của toàn Mùa Phục Sinh, trong đó, chủ đề "Thày là sự sống lại" cho nguyên Tuần Bát Nhật Phục Sinh là thời điểm 8 ngày có các bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc hoàn toàn liên quan đến các lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra mà thôi, thì chủ đề "Thày là sự sống" là chủ đề cho những ngày còn lại, bao gồm cả Chúa Nhật lẫn ngày trong tuần.

Vậy chủ đề "Thày là sự sống" ở Phụng Vụ Lời Chúa cho các ngày trong tuần lễ Thứ IV của Mùa Phục Sinh như thế nào, nếu không phải, nếu so sánh với nội dung của phụng vụ Lời Chúa cho các tuần còn lại, thì nội dung của Phụng Vụ Lời Chúa cho Tuần IV Phục Sinh này cho thấy chủ đề "Thày là sự sống" liên quan đến chiều kích Mục T Thần Linh.

Thứ Hai

Phúc Âm (Gioan 10:1-10): 

Chủ đề "Thày là sự sống" theo chiều kích Mục Tử Thần Linh cho Tuần IV Phục Sinh chẳng những được tỏ hiện rõ ràng ở bài Phúc Âm Chúa Nhật, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, bài phúc âm cho cả ba chu kỳ phụng vụ A, B và C, mà còn cho cả các bài đọc ở các ngày thường trong tuần lễ này nữa. Rõ ràng nhất là bài Phúc Âm cho ngày Thứ Hai hôm nay, cũng chính là bài Phúc Âm cho Chúa Nhật IV Năm A hôm trước, bài Phúc Âm được chính Chúa Kitô khẳng định Người chẳng những là cửa đàn chiên mà còn đến để mang lại sự sống cho chiên nữa: 

"Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".

Trong bài phúc âm hôm nay, ở phần đầu, Chúa Giêsu còn cho thấy các đặc tính chứng tỏ ai là mục tử đích thực ai là kẻ trộm cướp phá hại nữa: 1- "qua cửa mà vào chuồng chiên", chứ không "trèo vào lối khác" như "kẻ trộm cướp" chứ không phải mục tử; 2- nh đó, họ "được người giữ cửa mở cho và chiên nghe theo tiếng của kẻ ấy"; 3- và vì là mục tử chân thực nên họ biết chiên của họ, đến độ có thể "gọi đích danh từng con chiên của mình mà dẫn ra", nghĩa là họ để ý đến từng con chiên của mình để chăm sóc cho từng trường hợp của mội con; 4- "Khi lùa chiên ra ngoài thì kẻ ấy đi trước chiên", chứ không đi sau chiên, như để canh chừng chiên hơn là tin tưởng chiên, vì "đi trước chiên" có nghĩa là làm gương cho chiên và mở đường dẫn lối cũng như sẵn sàng liều mình che chở bảo vệ chiên trước tất cả mọi nguy khốn dù có phải hiến mạng sống mình cho chiên được sống.

Bài Đọc I (Tông Vụ 11:1-18):

Nếu trong bài Phúc Âm, Chúa Kitô là "cửa chuồng chiên", tức là vị mục tử gương mẫu, mà nếu ai không "qua cửa mà vào", nghĩa là không theo gương Người mà chăn chiên "đều là trộm cướp", phá hoại chiên, thì hành động của Tông Đồ Phêrô trong bài đọc I hôm nay cũng quả thực là ngài đã "qua cửa mà vào", chứ không bị thành kiến Do Thái giáo ngăn chặn không cho ngài đến với dân ngoại:

"Khi Phêrô lên Giêrusalem, các người đã chịu cắt bì trách móc người rằng: 'Tại sao ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ?' Phêrô trình bày cho họ sự việc từ đầu đến cuối theo thứ tự sau đây: '... ngay lúc đó, ba người từ Cêsarêa được sai đến nhà tôi ở. Thánh Thần truyền dạy tôi đừng ngần ngại đi với họ. Sáu anh em cùng đi với tôi, và chúng tôi vào nhà một người. Anh thuật lại cho chúng tôi biết: anh đã thấy thiên thần hiện ra thế nào; thiên thần đứng trong nhà anh và nói với anh rằng: 'Hãy sai người đến Gióp-pê tìm Simon có tên là Phêrô; người sẽ dạy ngươi những lời có sức làm cho ngươi và cả nhà ngươi được cứu độ'".

Nếu Chúa Kitô là Mục Tử Thần Linh đến cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn thì vị tông đồ được Người trao cho sứ vụ Mục Tử Thần Linh thay Người chăn dắt chiên của Người (xem Gioan 21:15-17), vì đã "qua cửa mà vào chuồng chiên", cũng làm cho chiên được sự sống và sự sống viên mãn, đúng như bài đọc 1 cho thấy:

"Lúc tôi bắt đầu nói, Thánh Thần ngự xuống trên họ như ngự trên chúng ta lúc ban đầu. Bấy giờ tôi nhớ lại lời Chúa phán: 'Gioan đã rửa bằng nước, còn các con, các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần'. Vậy, nếu Thiên Chúa ban cho họ cũng một ơn như đã ban cho chúng ta, là những kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô, thì tôi là ai mà có thể ngăn cản Thiên Chúa?' Nghe những lời ấy, họ thinh lặng và ca tụng Thiên Chúa rằng: 'Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho dân ngoại ơn ăn năn sám hối để được sống'".

Thứ Ba

Phúc Âm (Gioan 10:22-30):

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" trong chủ đề "Thày là sự sống" trong Mùa Phục Sinh hậu Tuần Bát Nhật Phục Sinh cũng vẫn tiếp tục được tỏ hiện trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Ba trong Tuần IV Phục Sinh. Ở chỗ, Chúa Kitô cho biết lý do tại sao chiên của Người cao quí đến độ xứng đáng để Người thí mạng sống mình cho chiên, đó là vì chiên chẳng những ngoan hiền ở chỗ nhận biết Người và theo Người mà nhất là vì chiên thuộc về Cha của Người là Đấng đã trao chúng cho Người nữa:

"Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".

Bài Đọc I (Tông Vụ 11:19-26):

Nếu trong bài Phúc Âm Chúa Kitô đã khẳng định tính chất của thành phần chiên của Người là "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi", mà "các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi", thì thành phần dân ngoại Hy Lạp ở Antiôkia trở lại theo lời rao giảng của những ai đã tin theo Chúa Kitô nhờ lời rao giảng của các tông đồ sau biến cố Hiện Xuống ở Giêrusalem, nhất là của nhị vị Barnabê và Phaolô, mà nếu so với đa số dân Do Thái và riêng thành phần lãnh đạo giáo quyền của họ đã tỏ ra hết sức cứng lòng tin, cho dù có được đích thân Chúa Kitô rao giảng và tỏ mình ra, thì thành phần dân ngoại Hy Lạp này quả thực đúng là "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi":

"Trong những ngày ấy, vì cơn bách hại xảy ra nhân dịp Têphanô bị giết, có nhiều người phải sống tản mác, họ đi đến Phênixê, Cyprô và Antiôkia, họ không rao giảng lời Chúa cho một ai ngoài những người Do-thái. Nhưng một ít người trong họ quê ở Cyprô và Xyrênê; khi đến Antiôkia, họ cũng rao giảng Chúa Giêsu cho người Hy-lạp nữa. Và tay Chúa ở với họ; nên có đông người tin trở về với Chúa. Tin đó thấu tai Hội Thánh Giêrusalem, nên người ta sai Barnaba đến Antiôkia. Khi đến nơi và thấy việc ơn Chúa thực hiện, ông vui mừng và khuyên bảo mọi người hãy vững lòng tin nơi Chúa; Barnaba vốn là người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin. Và có đoàn người đông đảo tin theo Chúa. Vậy Barnaba đi Tarxê tìm Saolô. Gặp được rồi, liền đưa Saolô về Antiôkia. Cả hai ở lại tại Hội Thánh đó trọn một năm, giảng dạy cho quần chúng đông đảo; chính tại Antiôkia mà các môn đồ lần đầu tiên nhận tên là Kitô hữu".

Thứ Tư

Phúc Âm (Gioan 12:44-50):

Chủ đề "Thày là sự sống" về khía cạnh Mục Tử Thần Linh cho Tuần IV Phục Sinh vẫn còn được thấy tỏ hiện trong bài Phúc Âm của Thứ Tư trong Tuần IV Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, Vị Mục Tử Thần Linh là Chúa Kitô đây, sở dĩ yêu thương chiên của mình đến độ hiến mạng sống cho chiên được sự sống và là sự sống viên mãn chẳng những vì chiên thuộc về Cha là chính Đấng đã trao chiên cho Người mà còn vì Người là Đấng Thiên sai thật sự, Đấng vì được Cha sai nên luôn chỉ làm theo ý của Cha, đúng như những gì Cha muốn và cách thức Cha muốn, như Người đã tự chứng về bản thân Người với dân Do Thái trong bài Phúc Âm hôm nay:

"Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. ...  Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy".

Bài Đọc I (Tông Vụ 12:24 - 13:5a):

Theo gương Mục Tử Thần Linh là "cửa chuồng chiên", đến chỉ làm theo ý muốn của Đấng đã sai mình, thành phần môn đệ trung thực của Người cũng luôn tuân theo tác động thần linh mà Thánh Thần của Đấng Phục Sinh và Thăng Thiên đã ban cho họ và sai đến với họ để Người có thể ở cùng họ cho đến tận thế (xem Mathêu 28:20), và qua họ tiếp tục vai trò Mục Tử Thần Linh của Người nơi dân ngoại, chẳng hạn qua nhị vị Saolô và Barnabê ở Antiôkia trong bài đọc một hôm nay:

"Bấy giờ trong Hội Thánh Antiôkia có những tiên tri và tiến sĩ, trong số đó có Barnaba, Simon cũng gọi là Nigê, Luxiô người thành Xyrênê, Manahê bạn của vua Hêrôđê lúc còn thơ ấu, và Saolô. Ðang khi các ông làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo các ông rằng: 'Hãy để riêng Saolô và Barnaba cho Ta, để làm công việc mà Ta đã chỉ định'. Vậy sau khi ăn chay cầu nguyện, họ đặt tay trên hai ông và tiễn đưa hai ông lên đường. Ðược Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêucia, rồi từ đó vượt biển sang Cyprô. Khi đến Salamina, hai ông rao giảng lời Chúa trong các hội đường Do-thái".

Thứ Năm

Phúc Âm (Gioan 13:16-20):

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" của chủ đề "Thày là sự sống" trong Tuần Thứ IV Phục Sinh tiếp tục được chất chứa trong bài Phúc Âm của Thứ Năm hôm nay. Ở chỗ Chúa Kitô tỏ mình ra cho các tông đồ biết "Ta là cửa chuồng chiên... Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân...Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào", khi Người phục vụ các vị là chiên của Người bằng cách rửa chân cho các vị, và vì thế, để vào "qua cửa chuồng chiên" là Người thì các tông đồ cũng phải noi gương bắt chước Người thì mới thực sự phản ảnh vai trò Mục Tử Thần Linh của Người, nhờ đó mới mang lại cho chiên sự sống và là sự sống viên mãn. 

"Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: 'Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc...Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".  

Bài Đọc I (Tông Vụ 13:13-25):

Đúng thế, vai trò Mục Tử Thần linh của Chúa Kitô Thiên Sai đã được tiếp nối bởi những ai được Người tuyển chọn và sai đi, thành phần như Người khẳng định trong bài phúc âm là "Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy", vì h đã '"qua cửa chuồng chiên" là chính Người mà vào, nghĩa là đã noi gương bắt chước tinh thần phục vụ của Người, ở chỗ chỉ lo cho lợi ích của chiên, hơn là của mình, đến độ sẵn lòng hy sinh cho chiên được sống, nhờ đó, lời chứng đầy thâm tín của họ trở thành khả tín và có sức thuyết phục, như trường hợp của Tông Đồ Phaolô ở Antiôkia trong bài đọc thứ nhất hôm nay:

"Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: 'Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây... Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: 'Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người'".

Thứ Sáu

Phúc Âm (Gioan 14:1-6):

Khía cạnh "Mục Tử Thần Linh" trong chủ đề "Thày là sự sống" cho Mùa Phục Sinh hậu Bát Nhật Phục Sinh tiếp tục với bài Phúc Âm Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh hôm nay. Ở chỗ, Vị "Mục Tử Thần Linh" này tiếp tục tỏ mình ra là "cửa chuồng chiên", là đường lối đến với chiên của Người và sống cho chiên như Người. Nếu Vị "Mục Tử Thần Linh" là "cửa chuồng chiên" ở nơi tấm gương "hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11) thì Người cũng muốn các môn đệ tiếp tục vai trò Mục Tử Thần Linh của Người cũng hiến mạng sống của họ vì chiên như thế, như Người đã ngầm nói trong bài Phúc Âm:

"Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi".

"Thày đi dọn chỗ cho anh em" đây là gì mà Người trước đó đã phải trấn an các môn đệ của Người rằng "anh em đừng xao xuyến", nếu không phải là Người "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Gioan 17:19), nghĩa là Người đi chịu chết, tự hiến "để họ được thánh hóa trong chân lý", tức là để họ nhận biết Người là ai, nhờ đó, họ cũng có thể chết vì Người và như Người để làm chứng cho Người, đúng như ý nghĩa sâu xa của câu Người nói với các tông đồ: "Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó". 

Bài Đọc I (Tông Vụ 13:26-33):

Nếu trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các tông đồ biết về số phận của Vị "Mục Tử Thần Linh" cần phải "đi để dọn chỗ cho anh em", tức là "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý", hay hy sinh cho chiên được sống, trước hết là chính thành phần môn đệ được Người tuyển chọn ở với Người mà làm chứng nhân cho Người, thì trong bài đọc thứ nhất hôm nay, thành phần đã được Người tự hiến để thánh hóa họ trong chân lý ấy đã thực sự trở thành chứng nhân của Người và cho Người bằng chứng từ đầy xác tín và thuyết phục của họ:

"Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta. Dân cư thành Giê-ru-sa-lem và các thủ lãnh của họ đã không nhận biết Đức Giê-su; khi kết án Người, họ đã làm cho ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày sa-bát. Tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Phi-la-tô xử tử. Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Đức Giê-su đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân. Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này : điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con".

Thứ Bảy

Phúc Âm (Gioan ):

Vai trò "Mục Tử Thần Linh" của Chúa Kitô là vai trò của một Đấng Thiên Sai, đến để làm theo ý Đấng đã sai chứ không phải theo ý của mình, đến độ làm cho thế gian nhờ mình mà nhận biết Cha, và đến độ bất cứ ai tin vào Người thì được sự sống, đúng như Người đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh về chủ đề "Thày là sự sống". 

"Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha'?  Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.  Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm". 

Mà thành quả hay tác dụng của niềm tin vào Vị Mục Tử Thần Linh Thiên Sai là ở chỗ làm cho kẻ tin vào Người được hiệp nhất nên một với Người, được Người biến đổi, thậm chí đến độ còn làm được những việc hơn Người làm nữa, như cành nho dính liền với thân nho thì sinh muôn vàn hoa trái nhờ nhựa sống từ thân cây, trong khi chính thân nho lại chẳng sinh hoa trái gì

"Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó". 

Bài Đọc I (Tông Vụ ):

Vai trò Mục Tử Thần Linh của Chúa Kitô Thiên Sai tiếp tục sinh hoa trái nơi thành phần môn đệ được Người sai đi làm chứng về Người, như bài đọc một hôm nay cho thấy, đến độ, càng bị chống đối và thử thách, các vị càng sinh nhiều hoa trái như cành nho đã sinh trái thì cần được cắt tỉa đi cho càng sai trái hơn (xem Gioan 15:2):

"Tại I-cô-ni-ô cũng xảy ra như vậy: hai ông vào hội đường người Do-thái và giảng dạy, khiến rất đông người Do-thái và Hy-lạp tin theo. Nhưng những người Do-thái không tin theo thì xúi giục những người ngoại và làm cho họ có ác cảm với các anh em. Vậy hai ông ở lại một thời gian khá lâu, mạnh dạn vì dựa vào Chúa, là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng".

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cây Nho. (1) (5/1/2015)
Anh Em Hãy Lưu Lại Trong Tôi (suy Niệm Của Lm. Đặng Quang Tiến) (5/1/2015)
Ai Đổi Đời Ai – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm ---- (4/30/2015)
Làm Sao Sinh Nhiều Hoa Trái ???!!! (4/30/2015)
Như Cành Nho Gắn Liền Với Cây Mới Sinh Hoa Trái (4/30/2015)
Tin/Bài cùng ngày
Bánh Xe Quay Nhanh Nhanh Chiếc Thân Xe Rung Rinh (4/29/2015)
Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh Năm B 03/5/2015 (4/29/2015)
Chương 4: Đức Giêsu Đã Giảng Và Dạy Những Gì? (bài 10) (4/29/2015)
Tin/Bài khác
Vị Mục Tử Nhân Lành – Jkn. (4/28/2015)
Trục Nhìn Của Chúng Ta. (trích Trong ‘lương Thực Ngày Chúa Nhật’) (4/28/2015)
Tốt Lành. (4/28/2015)
Tình Yêu. (4/28/2015)
“ta Là Mục Tử Tốt Lành” – Noel Quesson. (4/28/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768