MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm :: suy niệm về chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chân Dung Thánh Roberto Bellarmino: Hãy Ngước Mắt Lên Chúa, Nơi Người Bạn Sẽ Gặp Được Khuôn Mẩu Của Mọi Tạo Vật.
Thứ Ba, Ngày 1 tháng 3-2011
CHÂN DUNG THÁNH ROBERTO BELLARMINO:
HÃY NGƯỚC MẮT LÊN CHÚA,
NƠI NGƯỜI BẠN SẼ GẶP ĐƯỢC KHUÔN MẨU CỦA MỌI TẠO VẬT.

 
ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI
 
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Roberto Bellarmino, mà tôi muốn được nói với Anh Chị Em hôm nay, nhắc lại cho chúng ta nhớ đến thời gian của cuộc phân cách đau đớn Ki Tô giáo ở Tây Phương, khi một cơn khủng hoảng chính trị và tôn giáo trầm trọng đã tạo nên sự tách biệt của nguyên cả nhiều Quốc Gia xa lià khỏi Toà Thánh.
 
1 - Sinh ngày 04 tháng 10 năm 1542 ở Montepulciano, gần Siena, là cháu ngoại ( cháu phía bên mẹ) của Đức Thánh Cha Marcello II.
Câu Roberto đã có được một nền giáo dục nhân bản tuyệt vời, trước khi vào Dòng Tên ngày 20 tháng 9 năm 1560. Các môn học về triết học và thần học, mà cậu hấp thụ được ở các Học Viện ở Roma, Padova và Louvain ( Thụy Sĩ ), đều được đặt trọng tâm vào Thánh Tôma và các Giáo Phụ, là những yếu tố quyết định cho định hướng thần học của cậu.
Được phong chức Linh Mục ngày 25 tháng 3 năm 1570, Cha Roberto Bellarmino hành nghề giáo sư thần học một vài năm ở louvain .
Kế đến Cha được gọi về Roma với tư cách là giáo sư cho Học Viện Roma, Cha được đề cử làm chưởng ấn cho môn " Biện Giáo " ( Apologetica). Trong thập niên với chức vụ đó( 1576-1586), Cha đa khai triển ra một khoá các bài học, sẽ được thu tóm vào quyển " Controversiae " ( Các Cuộc Tranh Luận ), tác phẩm liền trở nên thời danh, do cách trình bày trong sáng và nội dung phong phú và nhứt là có giá trị  lịch sử.
Công Đồng Trento vừa mới kết thúc không lâu trước đó và đối với Giáo Hội Công Giáo cần phải chấn hưng và xác nhận lại căn tính của chính mình, cả đối với cuộc Canh Tân Tin Lành.
 
Công việc của Bellarmino được đặt vào trong bối cảnh đó. Từ năm 1588 đến năm 1594 Bellamino là Cha linh hướng cho các sinh viên Học Viện Roma, giữa các sinh viên đó Cha có dịp tiếp xúc và hướng dẫn thánh Luigi Gonzaga, và kế đến Cha trở thành Cha Bề Trên của tu viện.
Đức Giáo Hoàng Clemente VIII bổ nhiệm Cha là nhà thần học tư vấn của Toà Thánh và Viện Trưởng của Ủy Ban Cáo Giải Điện Chính Toà Thánh Phêrô.
Trong hai năm 1597-1598, quyển giáo lý ngắn gọn " Dottrina cristiana " ( Giáo Lý Ki Tô giáo ) của Cha được nổi bậc, đó là công trình làm việc của Cha được nhiều người biết đến.
 
Ngày 3 tháng 3 năm 1599, Cha Bellarmino được Đức Giáo Hoàng Clemente VIII phong chức Hồng Y  và ngày 18 tháng 3 năm 1602 , được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục ở Capua. Bellarmino được phong chức Giám Mục ngày 21 tháng 4 cùng năm.
Trong ba năm giữ chức Giám Mục giáo phận, Đức Giám Mục Bellarmino đã tỏ ra khác biệt với những vị khác
   - về lòng nhiệt thành giảng dạy của ngài trong nhà thờ chính toà,
   - về sự thăm viếng mà ngài thực hiện mỗi tuần nơi các họ đạo,
   - về ba Đại Hội giáo phận  và một Thượng Hội Đồng Giám Tỉnh của dòng mà ngài chăm lo.
Sau khi tham gia các phiên họp kín để bầu các Đức Giáo Hoàng Leo XI và Phaolồ V, Đức Cha Bellarmino được gọi về Roma, nơi mà ngài trở thành thành viên của Hôi Đồng Pháp Định Toà Thánh, Thánh Bộ Thư Mục, Thánh Bộ Nghị Lễ, Hội Đồng Giám mục và Thánh Bộ Truyền Giáo.
Đức Hòng Y Bellarmino cũng được cử làm  các chức vụ ngoại giao ở Cộng Hoà Venezia và Anh Quốc, để bênh vực quyền lợi của Toà Thánh.
Vào những năm cuối cùng của cuộc đời,  ngài soạn thảo ra nhiều sách khác nhau về đàng thiêng liêng, trong đó ngài đúc kết lại kết quả của những cuộc tỉnh tâm hằng năm. Đọc những quyển sách đó, dân Ki Tô giáo ngày nay vẫn còn rút ra được những điều dạy bảo cao cả.
Đức Roberto Bellarmino chết đi ở Roma ngày 17 tháng 9 năm 1621. Đức Thánh Cha Pio XI phong chân phước cho ngài năm 1923, phong thánh năm 1930 và tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Giáo Hội năm 1931.
 
2 - Thánh Roberto Bellarmino có vai trò quan trọng trong Giáo Hội ở các thập niên cuối cùng thế kỷ XVI và các thập niên đầu của thế kỷ kế tiếp.
" Các cuộc tranh luận " ( Controversiae ) của ngài là định điểm quy chiếu, vẫn còn có giá trị hôm nay, cho nền Giáo Hội Học Công Giáo về những vấn đề liên quan đến
   * Mạc Khải,
   * bản tính của Giáo Hội,
   * các Phép Bí Tích
   * và nhân loại luận thần học ( antropologia teologica).
Trong các bản văn vừa kể, thể hiện rõ rệt và được nhấn mạnh khía cạnh tổ chức cơ chế ( instituzionale) của Giáo Hội, vì lý do các ý nghĩ sai lạc đang loan truyền lúc đó.
Tuy nhiên Bellarmino cũng đề cập rõ  đến các phương diện vô hình của Giáo Hội, như là Thân Thể Mầu Nhiệm và giải thích với ý nghĩa tương tợ như thể xác và linh hồn, nói lên với mục đích diễn tả mối tương quan sự giàu có sung mãn nội tại của Giá Hội và các phương diện bên ngoài làm cho Giáo Hội có thể được nhận thấy.
Trong tác phẩm đồ sộ đó, Bellarmino tìm cách để sắp xếp các mối tranh luận thần học khác nhau của  thời đại, tuy nhiên ngài tìm cách tránh mọi hình thức bút chiến và tấn công gậy gỗ đối với những tư tưởng của phía Canh Tân. Ngài dùng những luận đề dựa trên lý trí và Truyền Thống của Giáo Hội, để giải thích giáo lý công giáo một cách minh bạch và có sức thuyết phục.
 
Tuy nhiên, đặc tính khả tín của ngài hệ tại ở phương thức quan niệm về việc làm của mình. Thật vậy, các phận vụ nặng nề trong lãnh vực quản trị không ngăn cản được ngài mỗi ngày đều hướng về sự thánh thiện với lòng trung thành đối với các đòi hỏi phải có của trạng thái tu sĩ, linh mục, giám mục của mình.
Từ lòng trung thành đó xuất phát ra thái độ chuyên cần giảng dạy của ngài. Với tư cách là Linh Mục và Giám Mục, trưóc tiên là một vị chủ chăn các linh hồn, ngài cảm thấy mình có bổn phận phải chuyên cần bền bỉ giảng dạy. Ngài có cả trăm bài giảng - các bài giảng ở Fiandre, ở Roma, ở Napoli và ở Capua trong các dịp cử hành phụng vụ.
Cũng không phải ít hơn các bài " expositiones " ( tường trình, đề nghị ) và các bài " explanationes " ( các đồ án, chuơng trình ) cho các cho sở, các nữ tu, cho các sinh viên ở Học Viện Roma, thường là những bài có chủ đề liên quan đến Thánh Kinh, nhứt là đến các Thư Thánh Phaolồ .
Các bài giảng và các bài giáo lý của ngài thường có một đặc tính chung, chủ yếu mà ngài đã học được từ nền giáo dục của Thánh Ignazio, tất cả đều nhằm quy tựu nghị lực tâm hồn hướng về Chúa Giêsu, được biết đến một cách nổng nhiệt, yêu thương và bắt chước.
 
Trong các bản văn của con người quản trị nầy, mặc dầu với lối hành văn kín đáo mà đàng sau đó ngài ẩn che các tình cảm của mình, chúng ta cũng thấy được một cách minh nhiên ưu tiên mà ngài dành cho các lời giảng dạy của mình là giảng dạy về Chúa Ki Tô.
Như vậy Thánh Bellarmino ban tặng cho chúng ta một khuôn mẫu để cầu nguyện, linh hồn của mọi động tác: đó là phương thức cầu nguyện
   * biết lắng nghe Lời Chúa,
   * được thoả mãn trong suy niệm sự cao cả của các Lời đó,
   * không gập mình khép kín lại trên mình, mà là hân hoan buông tha phó thác mình vào Chúa.
Một dấu chứng đặc biệt đời sống thiêng liêng của Thánh Bellarmino là viêc cảm nhận sống động và cá nhân về lòng tốt lành vô hạn của Chúa, bởi đó vị Thánh của chúng ta thực sự cảm nhận mình là đứa con được Chúa yêu thương và đó là nguồn mạch tràn đầy tươi vui để mình tập trung chú ý, với lòng thanh thản và đơn sơ, vào việc cầu nguyện, vào việc chiêm ngắm Chúa.
Trong quyển " De ascensione mentis in Deum " ( Về việc hướng tâm hồn lên Chúa ), được viết ra theo khuôn mẫu của " Itinerarium " ( cuộc hành trình ) của Thánh Bonaventura, vị Thánh chúng ta kêu lên:
   - " Hỡi linh hồn tôi, mẫu gương của bạn là Chúa, vẻ đẹp vô cùng, ánh sáng không bóng tối, ánh chói lọi vượt cả ánh chiếu của mặt trăng và mặt trời. Hãy ngước mắt lên Chúa, nơi Người bạn sẽ tìm được khuôn mẫu của mọi vật, và từ nơi Người, như là nguồn mạch sung mãn bất tận, thoát xuất ra nhiều sự khác biệt dường như vô tận của các sự vật. Như vậy, bạn phải kết luận rằng ai gặp được Chúa là gặp được mọi sự, ai mất Chúa là mất tất cả ".
 
3 - Trong bản văn vừa kể, chúng ta nghe được tiếng dội của bài viết thời danh " contemplatio ad amorem obtineundem" ( chiêm ngắm để được tình yêu )  của các   " Esercizi spirituali " ( Các cuộc cấm phòng thiêng liêng ) của Thánh Ignazio di Loyola.
Thánh Bellarmino đã sống trong xã hội thích xa hoa và thường thiếu trong lành của những thập niên cuối thế kỷ XV và dầu thế kỷ XVI.
Từ việc suy niệm chiêm ngắm nầy, Vị Thánh rút ra được những áp dụng thực tế và hướng tình trạng của Giáo Hội thời ngài về tương lai  với hơi thở mục vu sống động.
Trong quyển " De Arte bene moriendi " ( Nghệ thuật chết lành ) vị Thánh chúng ta nói cho biết chỉ thị bảo đảm để sống tốt lành và cả chết lành, cách thức phải thường suy nghĩ và chí thú suy nghĩ rằng
   - mình sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về những hành động của mình và cách sống của mình,
   - và không nên tìm cách thu thập tích trử giàu có ở trần gian nầy, nhung sống đơn sơ và sống với đức bác ái để có thể tích trử của cải trên Trời.
Trong quyển " De gemitu colombae " ( Tiếng than khóc của chim bò câu ), trong đó chim bò câu tượng trưng cho Giáo Hội, lớn tiếng kêu gọi hàng giáo phẩm và tất cả các tín hữu hãy có một cuộc canh tân cá nhân và thực sự đời sống mình, theo những gì Thánh Kinh và các Thánh dạy cho; giữa các vị đó, Thánh Bellarmino nhắc đến một cách đặc biệt Thánh Gregorio Nazianzeno, Thánh Gioan Kim Khẩu ( Giovanni Crisostomo), Thánh Girolamo và Thánh Augustino, ngoài ra còn có các vị Sáng Lập Viên các Dòng Tu như Thánh Bernadetto, Thánh Domenico,và Thánh Phanxicô.
Thánh Bellarmino giảng dạy một cách thật rõ ràng và cùng với vì dụ cuộc sống của chính mình, rằng không thể có một cuộc canh tân Giáo Hội thực sự, nếu trước tiên không có cuộc canh tân chính con người chúng ta và cuộc sám hối của trái tim chúng ta.
 
Từ trong quyển  " Esercizi spirituali " ( Các cuộc tỉnh tâm thiêng liêng )  của Thánh Ignazio,  Thánh Bellarmino múc lấy các lời khuyên bảo để thông truyền lại một cách sâu đậm, ngay cả cho những kẻ đơn sơ nhứt, các vẻ đẹp của các mầu nhiệm đức tin. Ngài viết:
   - " Nếu anh có trí khôn ngoan, hãy biết rằng anh được dựng nên để làm vinh danh Chúa và cho phần rổi đời đời của anh. Đó là mục đích của anh, đó là trung tâm điểm của linh hồn anh, đó là kho tàng của con tim anh. Bởi đó anh hãy chuẩn định đúng đắn cho anh điều gì dẫn anh đến cùng đích của mình, sự bất hạnh thực sự đó là những gì  làm cho anh mất đi cùng đích đó. Các biến cố báo cho biết may mắn thịnh vương hay các điều nghịch cảnh, giàu có hay nghèo khổ, khoẻ mạnh hay bệnh tật, vinh quang hay bị sỉ nhục, sống hay chết, người khôn ngoan không tìm kiếm chúng, củng không lánh thoát chúng cho chính mình. Chúng chỉ tốt đẹp hay đáng được ao ước, nếu chúng góp phần làm vinh danh Chúa và cho niềm hạnh phúc đời đời của anh, chúng là những điều xấu xa và phải trốn tránh, nếu chúng làm mất những gì vừa kể " ( De ascebìnsione mentis in Deum, grad. 1).
 
Những lời nói đó không phải là những câu nói lỗi thời, mà là những lời cần phải được chúng ta chiêm niệm lâu dài hôm nay, để định hướng cho cuộc hành trình chúng ta nơi trần thế nầy.
 
Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập.
( Thông tấn www.vatican.va, 23.02.2011).
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Điều Ấy Chưa Đủ (2) (3/3/2011)
Điều Ấy Chưa Đủ (1) (3/3/2011)
Chọn Lựa (3/3/2011)
Bởi Tin Chứ Không Phải Bởi Việc Làm Luật Dạy (3/3/2011)
Lạc Quan, Lm Jos Tạ Duy Tuyền (3/2/2011)
Tin/Bài cùng ngày
Kinh Lay Cha Tuyệt Vời (3/1/2011)
Một Đời Người Hai Đời Tu (3/1/2011)
Thiên Chúa Chẳng Bao Giờ Quên (3/1/2011)
Gặp Gỡ Đức Kitô (3/1/2011)
Tin/Bài khác
Đâu Là Giá Trị Đích Thực Của Đời Người ? (2/28/2011)
Thiên Chúa Hay Thần Tài ? (2/28/2011)
“có Hoa Nào Qua Mùa Không Héo ?” (2/28/2011)
Tìm Kiếm Nước Thiên Chúa, Khó Hơn Mò Kim Đáy Biển (2/28/2011)
Tin Chúa Quan Phòng. (2/27/2011)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768