Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
"em Đứng Lên…"
Thứ Hai, Ngày 16 tháng 5-2016
"EM ĐỨNG LÊN…"

Chiều Chúa Nhật 8 tháng 5, sau khi dâng Lễ tôi gặp một chị bác sĩ quen biết, chị hỏi tôi có nhận được email chị gởi cho tôi không, email đính kèm một bài viết đăng trên một trang web Công Giáo, nội dung kể về một người Nữ Tu tham dự cuộc tuần hành vì môi trường Chúa Nhật 1 tháng 5 vừa qua ở Sàigòn. Người bác sĩ cho tôi biết danh tánh của vị nữ tu (vị Nữ Tu này chúng tôi cùng quen biết) và bày tỏ sự cảm phục vì hành động can đảm và thẳng thắn của chị ấy. Nếu không gặp chị bác sĩ, chắc chắn tôi nghi ngờ bài viết về người Nữ Tu tham gia tuần hành vì môi trường chỉ là một sản phẩm… tưởng tượng !

Bài viết ấy kể rằng: Chiếc áo Dòng chị Nữ Tu mang theo vẫn còn nguyên trong túi vì không thấy ai mặc tu phục nên chị không dám mặc một mình. Tội nghiệp cho sự dấn thân luôn phải chấp nhận cô đơn… Đoạn khác tả rằng chị vừa đi vừa hô to "Laudato Si". Tôi tưởng tượng lúc đó nhiều người không biết chị, lại không biết tiếng latinh sẽ nghĩ chị là người Phi Luật Tân hay một người vùng Đông Nam Á nào đó nói tiếng bản địa của họ. Bài viết mô tả chị hồn nhiên tươi cười tham gia tuần hành như vậy đó !

Laudato Si' là đầu đề của bức Thông Điệp được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành ngày 24 tháng 5 năm 2015, Lễ Chúa Thánh Thần năm thứ ba triều đại Giáo Hoàng của ngài, Chúa Nhật này 15 tháng 5 năm 2016, Lễ Chúa Thánh Thần, giáp một năm ban hành. Bản dịch của Cha Augustino Nguyễn Văn Trinh đặt tựa là “Thông Điệp Laudato Si' của Đức Giáo Hoàng Phanxicô" với phụ đề là "chăm sóc ngôi nhà chung".




Laudato Si' có nghĩa là "Chúc tụng Thiên Chúa" được lấy từ lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô thành Assisi "Laudato si', mi' Signore – "Lạy Chúa của con, con chúc tụng Chúa", trong bài thánh ca tươi đẹp "Bài ca vạn vật" để nhắc nhở mọi người trái đất là "ngôi nhà chung của chúng ta". Giáo Hội có thói quen lấy hai chữ đầu của một văn kiện đặt tên cho văn kiện đó. Laudato si’ là hai chữ đầu của bức Thông Điệp này. Thông Điệp gồm 6 chương 246 đoạn.




Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra những nhận định và những đề nghị cụ thể của Giáo Hội cho mọi người trong việc bảo vệ ngôi nhà chung, “Chị trái đất”. Trong tình huống hiện tại của Giáo Hội Việt Nam, bức Thông Điệp Laudato Si’ cùng với Tông Huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Gaudium Evangelii) và bức Tông Huấn "Niềm vui của Tình Yêu" (Amoris Laetitia), là những văn kiện căn bản giúp chúng ta sống đạo cụ thể và có những ứng xử Đức Tin cần thiết.




Trong Laudato Si’, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hãy có một cuộc hoán cải trong ứng xử với môi trường thiên nhiên, cuộc hoán cải đó được dẫn dắt bởi một nền linh đạo môi sinh, hậu quả môi trường bị tàn phá như ngày hôm nay là do con người đã có những ứng xử không đúng với điểu phải có. Đài VOA trong một chương trình học Anh Ngữ đã cung cấp một thông tin từ các tổ chức World Economic Forum và Ellen MacArthur Foundation. Báo cáo nói rằng mỗi năm người ta tống 8 triệu tấn nhựa vào lòng biển, nếu tình trạng cứ như vậy thì năm 2025, cứ 3 tấn cá thì có 1 tấn nhựa, và năm 2050 nhựa ở trong lòng biển sẽ nhiều hơn cá https://www.youtube.com/watch?v=jsxz2H8AkKU

Hoán cải cách ứng xử với môi trường cụ thể là làm sao không bỏ xuống biển các chất nhựa nữa.




Sáng Chúa Nhật tôi lân la ra thăm hỏi các bạn trẻ Nhóm Ve Chai thường xuyên hoạt động ở sân Nhà Dòng, các bạn cho tôi biết trung bình mỗi tuần các bạn thu gom được 20Kg bao nhựa, 100Kg chai lọ mủ, 300Kg giấy báo các loại, 30Kg lon nhôm. Con số không nhỏ cho một nhóm, chúng ta đang sở hữu nhiều nhóm như vậy ở các Giáo Xứ, thật là một việc làm khiêm tốn, hy sinh và đầy ý nghĩa.

Ứng xử không tốt với môi trường không chỉ từ nguyên nhân là những cá nhân không ý thức, nhưng Đức Thánh Cha còn chỉ ra cho chúng ta thấy nguyên nhân lớn nhất và gây hậu quả nặng nề nhất là các tổ chức lợi ích phe nhóm, các hệ thống kinh tế đế quốc biến các nước nghèo thành các bãi rác công nghiệp và các chế độ độc tài tận diệt con người và thiên nhiên. Cứ nhìn các cuộc phá rừng chớp nhoáng hàng trăm Hectar với đủ mọi lý do của các tập đoàn kinh tế, so với những “lâm tặc” cỏ chỉ có thể cưa cắt một vài nhánh cây làm củi hoặc đóng bàn ghế.

Kêu gọi người dân thay đổi cách ứng xử với môi trường là một việc cần làm và làm ngay, nhưng chỉ kêu gọi người dân mà không lên tiếng trước các cuộc tàn phá môi trường khủng khiếp ở diện rộng hơn thì thật là phiến diện, tránh né sự thật, là giả trá và không lương thiện.




Sàigòn đang oằn mình dưới những cơn nóng khủng khiếp, không chỉ Sàigòn, cả dải đất miền Trung cũng đang gồng thân xác còm cõi gầy guộc chịu cơn nóng thiêu đốt. Đâu đó trên mạng truyền thông tải đi nhiều hình ảnh những người trẻ đứng lên nói tiếng nói của con người, thể hiện chính kiến của mình về sự cần thiết của việc bảo vệ “ngôi nhà chung”.

"Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa, từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà". 

Cám ơn em những người trẻ đã đứng lên gọi mưa vào để làm dịu cơn nắng hạ. Chưa thấy mưa thì thầm dưới chân ngà, nhưng đã thấy những giọt máu nồng nàn đẫm vai em. Hình như ông Trịnh Công Sơn có ơn tiên tri, từ ngày ông sáng tác bài “Gọi tên bốn mùa”, ông đã nhìn thấy những gương mặt trẻ khác, không đứng lên gọi mưa vào hạ, nhưng:

“Tuổi xuân ơi sao lạnh dòng máu trong người”  

và ông gọi đích danh đó là  

“Tin buốn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Nghệ sĩ Thành Lộc cũng đồng ý với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi chia sẻ trên facebook cá nhân:  

“Tiếc thương và chia buồn cùng những người mẹ sinh ra những đứa con mặc sắc phục như con…”


Lm. VĨNH SANG, DCCT, 13.5.2016

Mọi người có thể đọc Bản Dịch Thông Điệp Laudato Si’ tại:

(bản tóm tắt và toàn văn) 

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=91&ia=15119 

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=15120

hoặc cũng có thể nhận qua email nếu muốn.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về