MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: quê hương & giáo hội việt nam
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Nắng Vui
Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 4-2014

Nắng Vui

Niềm vui hí hửng của anh thợ khoan giếng bỗng tan thành mây khói khi ông cụ già cỡ tuổi cha chú, tóc trắng phau, thủng thẳng: "Thì chú cứ khoan đi. Nhưng tôi nói trước, xin được tiền, thì tôi mới trả !"

Anh chàng bực lắm, song trước lão tiền bối anh không dám hỗn hào. Nuốt cục tức, anh nhẹ nhàng: “Chú ơi ! Con đi mấy chục cây số tới đây. Không lẽ chú nỡ giỡn con ?”

"Tôi không có giỡn với chú đâu !", cụ già gân lại thủng thẳng, “Vì tôi đâu phải chủ nhà này. Và tiền là không có đâu. Thật đấy! Anh muốn biết cớ sự, ghé vào bên kia mà xem. Tùy anh thôi à !”

Theo tay bác lớn tuổi chỉ, người thợ khoan giếng ghé vô căn nhà nghiêng, lợp ngói xưa, sắp sụm bà chè. Và anh sững sờ.

Trong nhà chẳng có đồ đạc gì, ngoài mớ đồ lỉnh kỉnh muốn bán ve chai. Có lẽ duy nhất thứ có giá trị và trang trọng là bàn thờ có ảnh Lòng Chúa Xót Thương. Dưới đất trên cái võng đung đưa, một trẻ gái to thù lù cỡ tuổi 15, gương mặt không biểu cảm với một con mắt hư. Nó ú ớ hét thứ ngôn ngữ riêng của nó.

Một người phụ nữ dáng vất vả, lem nhem chạy lên.

Thế là anh thợ khoan giếng biết được một câu chuyện đời. Anh hiểu rằng khoan giếng cho nhà này sẽ không được quyền nghĩ tới đồng tiền mà đáng ra anh được hưởng.

Chị phụ nữ dáng lật đật có cái tên là Ngát, độ tuổi bốn mươi. Con bé nằm hét tom tom là bé Ngọc, 14 tuổi, bị bại não. Nó còn có một chị song sinh là Ngân, và một đứa em trai bé tí ti, còi đẹt.

Người chủ gia đình là anh Tấn còn đang rong ruổi trên đường để kiếm cơm. Không vốn liếng, chữ nghĩa vừa giắt cạp quần đủ biết ký tên, anh đi long rong trên các nẻo đường bán những con chim phóng sinh kiếm cơm cháo cho cái “toa tàu năm miệng ăn”. Cái nhà bé tí sắp “sụm bà chè” là người ta cho anh chị ở nhờ, và bây giờ thì thật là khốn đốn. Chủ nhà muốn bán, thành ra họ đòi nhà. Anh chị và các cháu chuẩn bị xách đồ ra đường. Lòng tốt cũng có mức thôi. Cuộc đời của mình bảo người khác gánh thay thì kể cũng là rất khó. Họ cho ở nhờ thời gian khá dài, giờ họ kẹt tiền phải bán, thì phải thu xếp thôi. Ngặt nỗi gia đình anh chị đang lúc tiền hết, gạo không, căng quá !

Cũng có tý may mắn là suốt mấy chục năm ky cóp anh chị cũng có mua được cái nền nhà bốn chục mét vuông. Song vì không tiền, thủ tục làm giấy tờ nhà khó khăn gian nan, cho nên đất cứ để cho cỏ mọc hoang, mà người thì khốn đốn vì không nhà ở.

Vét cả gia tài, vay giật thêm khắp các chỗ quen biết mới được có ngót chín triệu, anh chị mới tính...cất chòi. Họ kéo nhau đi mua được sáu cây cột. Vợ chồng hì hục đào đất trồng cột tính quây mấy miếng tôn trú đỡ.

Một ngày nọ, chú Hà (là ông cụ tóc trắng phau gân guốc kể trên) - là hàng xóm, cũng là con cái Chúa, ở gần ghé qua. Nhìn gia cảnh chị Ngát lốc thốc lo cho đứa con ú ơ u ơ, anh Tấn loay hoay với sáu cây cột gỗ mục, chú Hà đỏ hoe con mắt. Chú đùng đùng ra đạp đổ phăng mấy cây cột xiêu vẹo.

Chú bảo: “Có an cư mới lạc nghiệp, Tấn à. Mày đi bán chim tối ngày, con Ngát ở nhà một nách ba đứa con khờ, vài cái cột mục leo ngheo, liệu có là cái nhà không ? Rồi lỡ nó đổ xuống đè chết mấy đứa nhỏ thì sao ? Để đó, không có làm như vậy !”

Chú Hà bỏ đi, rồi chú kêu sắt, kêu tôn, kêu thợ đến dựng nhà. Chú gọi điện thoại chỗ này, gọi điện chỗ kia. Kẻ mang đến vài tấm tôn, người lại gọi dùm bao xi măng, xe cát... Và chú lần mò cái số điện thoại ai đó chỉ giùm, chú gọi cho anh chàng khoan giếng.

Anh chàng khoan giếng rời căn nhà cũ xiêu vẹo, ra gặp chú lớn tuổi tóc bạc phơ.

Chú lại thủng thẳng: “Đấy, hẳn là anh đã rõ rồi ! Thân già tôi đâu muốn vất vả chi, mà giờ cũng ra làm phụ hồ giúp nhà nó có nơi trú ngụ. Lo đến đây cũng là đuối lắm rồi. Trông thế thôi chứ cây, tôn, xi măng, cát, cũng là tiền. Cái gì cũng mắc mỏ. Tôi đã gom vét khắp lối xóm bà con, tới khúc này là đuối lắm rồi. Anh cứ khoan cho nhà nó cái giếng có nước dùng, rồi tôi sẽ tìm đường xin xỏ loanh quanh hồi lại anh sau vậy nhé!”

Anh thợ giếng nhỏ nhẻ : “Không biết thì thôi. Chứ biết hoàn cảnh anh chị khó khăn thế này, con xin ông để chúng con ghé một tay lo lắng. Mình cùng là con cái của Lòng Thương Xót Chúa mà! Phải xót thương nhau chứ ông !”

Cái từ “chúng con” nghe mới dễ thương làm sao! À, hóa ra anh ấy là con cái của Cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa !

Hôm sau, người thợ khoan giếng không quay lại một mình. Anh quay lại cùng với mấy thanh niên, lủng củng mang theo đồ nghề, bay, thước, xô, thùng,… Họ xắn tay áo cùng chú Hà bắt tay vào việc.

Cuối cùng thì căn nhà cũng tạm hoàn tất. Có được mái tôn và khung sắt  đàng hoàng, chung quanh quây tạm vách tôn. Khổ nỗi đất chưa nộp thuế thì lấy đâu ra giấy phép mà xây tử tế. Cố lắm mới làm được như vậy thôi.

Cái máy bơm kêu “o o” vui vẻ, và dòng nước trắng xóa phun trào. Đám thanh niên ồn ào : “Ê chiều nay cuối tuần về báo cáo bố Lãng Tử tụi bay ha ! Báo để bố mừng và xin bố lo cho anh chị ấy cùng mấy cháu. Nắng vui lên rồi!”

Chiều cuối tuần, có đám con ríu rít bên ông bố được gọi là lãng tử. Con cái đứa nào đứa nấy mặt mũi phong sương như ông bố phong trần. Họ là những người thiện nguyện, hàng ngày âm thầm len lỏi vào các ngõ nghách tối tăm tìm kiếm những mảnh đời rách nát, để cho những con người cùng khốn ấy thấy được lòng Chúa thương xót qua những con người có lòng thương xót, biết xót thương nhau.

Anh khoan giếng gãi đầu : “Báo cáo bố, chúng con...cạn túi rồi. Có được chút dư là do con xin bà xã con ủng hộ anh chị ấy cái giếng.”

Một bạn khác réo rắt : “Thế là ngoan, biết xin vợ hiền chia sẻ để đi công tác bác ái là rất tốt!”

Người lãng tử ra dấu các trò yên lặng, ân cần hỏi han: “Thế các con đánh giá tình hình khu vực chung quanh và nhà đó như thế nào ?”

Một tình nguyện viên nhanh nhẩu: “Thưa bố, theo con, điều mừng nhất ở nhà đó là họ giữ được lòng tin yêu. Dù cuộc sống rất khó khăn nhưng tinh thần khá lạc quan nhờ họ biết tín thác vào lòng Chúa xót thương. Điều mừng thứ hai là xóm nghèo Thới Tam Thôn nơi họ ở rất có tình. Bà con lối xóm biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Đó là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho những người đang sống trong cảnh khốn cùng.”

Nữ tình nguyện viên tiếp lời : “Song khó khăn là rất cụ thể, rất thực bố ạ ! Một anh chồng ốm yếu đi bán chim dạo bữa đực bữa hôm, nuôi tới năm miệng ăn. Con bé bại não không tự chăm sóc được bản thân, không trí khôn. Bầy con đó vắt kiệt sức người mẹ. Chúng con ghé thăm, thấy đời sống của họ thật khốn cùng. Con xin ủng hộ họ cái ti vi để có phương tiện cho các cháu nhìn ra đời sống. Con cũng chỉ có thế thôi !...”

Người lãng tử chăm chú lắng nghe những chia sẻ, cảm nghiệm của nhóm thiện nguyện sau những chuyến công tác bác ái; những trăn trở nhức nhối từ trong trái tim khi chứng kiến những mảnh đời bể nát vỡ vụn, bị bỏ rơi, bị lãng quên ngay trong lòng giáo hội; những bức xúc khi đối mặt với những bất công, phi lý, phi nhân trong xã hội loài người. Họ muốn làm, muốn làm nhiều thứ lắm. Lòng họ đầy hoài bão, nhưng “lực bất tòng tâm”! Dù sao họ nhủ lòng cố gắng ít nhất cũng là “muối cho đời”, cũng là “cánh én báo hiệu mùa xuân”, cũng là tia “nắng vui” của bình minh Phục Sinh. Ông thấy lòng thật vui vì đám học trò trưởng thành dần sau những chuyến công tác. Điều mừng nhất là họ đang được Chúa “thay trái tim chai cứng bằng trái tim thịt mềm, biết yêu thương”. Họ đã biết thực hành lòng xót thương.

Giao cho anh chàng khoan giếng món tiền gởi gia đình làm vốn, ông dặn dò: “Phải cấp vốn cho anh chồng riêng một khoản chỉ để lo buôn bán chim, kiếm cái đồng lời ra chi xài, vốn là phải bảo toàn. Cái con bé bại não, thì đã đành, nhưng phải ngó tới hai đứa nhỏ kia, chăm lo việc học hành của hai cháu, trợ cấp sách vở đàng hoàng. Nghèo mấy thì nghèo cũng phải cho trẻ con đi học. Thất học là nghèo sẽ kéo tiếp đói nghèo, không cất đầu lên được. Chúng ta cùng cộng tác với chú Hà và bà con xóm nhỏ đó chăm lo cho các cháu. Quả thật Lòng Thương Xót Chúa được lan tỏa mạnh khắp nơi chính là nhờ những tấm lòng biết xót thương nhau như thế !”

Sau phần chia sẻ là những phút nguyện cầu. Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót ngân nga dâng lên Chúa mọi bi thương, mọi ước nguyện của những con người nghèo khổ chẳng biết bám víu vào ai.

Họ cùng nắm tay nhau cất cao tiếng hát : “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Vì ngoài lòng Chúa xót thương, không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa, lòng tín thác của mỗi chúng con…”

Rồi cùng nhau đọc lại “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa” của thánh nữ Faustina :

“Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về lòng thương xót lớn lao của cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào lòng thương xót vô tận của Cha.” (NK, 1567)

“Cha đã mở rộng Trái Tim Cha như một nguồn mạch xót thương sống động. Các linh hồn hãy kín múc từ nguồn mạch ấy. Họ hãy đến với biển cả xót thương ấy với niềm tín thác mạnh mẽ. Các tội nhân sẽ được nên công chính, và những người công chính sẽ vững vàng trong đường lành. Bất cứ ai đặt trọn niềm tín thác vào lòng thương xót Cha, sẽ được tràn ngập niềm an bình thánh thiện của Cha trong giờ lâm tử.

“Con đừng chán ngại loan truyền lòng thương xót của Cha. Như vậy, con sẽ làm giãn khát trái tim hằng cháy bừng ngọn lửa thương xót các tội nhân của Cha. Con hãy nói cho các linh mục của Cha rằng các tội nhân cứng lòng cũng sẽ hối cải khi nghe rao giảng về lòng thương xót của Cha, và linh mục nào rao giảng về lòng thương xót của Cha sẽ được ân thưởng môt thần lực kỳ diệu; Cha sẽ xức dầu những lời của các ngài và đánh động tâm hồn những ai nghe các ngài rao giảng.” (NK, 1520-21)

Ngày những tình nguyện viên quay lại xóm nhỏ Thới Tam Thôn, niềm vui như vỡ òa, như nhân lên, khi họ biết cha xứ và nhóm bác ái Caritas cũng cử người tới thăm hỏi giúp đỡ gia đình anh Tấn.

Con bé nằm trên võng cứ rít lên thứ ngôn ngữ lạ lùng. Chị Ngát cười khoe: “Hình như là nó biết có nhà mới. Nó mừng đó mấy cô mấy chú ơi!”

Một tình nguyện viên đang thầm thì căn dặn bé Ngân chuyện học hành. Khoảng sân trước cửa nhà ngời lên những tia nắng vui.

Chú Hà vui vẻ: “Tạ ơn Chúa thương chúng con ban cho nắng đẹp thế này. Chỉ vài hôm nữa là hoàn thành công việc. Ngợi khen Lòng Chúa Xót Thương!”

Ước chi phút vui này có mặt người lãng tử. Giờ này chắc ông vẫn lặng lẽ ẩn mình bên lòng Chúa xót thương cầu nguyện cho đám học trò đang vất vả nhọc nhằn xông pha ngoài cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát. Người ẩn khuất dìm mình trong đại dương lòng thương xót. Kẻ nổi trôi ngang dọc thực hành lòng thương xót. Tất cả đều có được niềm vui. Niềm vui từ những phận đời nghèo khổ được xót thương nâng đỡ lặng lẽ lách cửa đến với người mục tử cách âm thầm, bền bỉ.

Niềm vui như tia nắng vui vượt không gian thời gian.

Chúa ơi, đó phải chăng cũng là mầu nhiệm. Mầu nhiệm lòng Chúa xót thương ?

Thu Hương
c/o Lm Trần Đình Long, email:chatrandinhlong@gmail.com

 

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cơ Cấu Sinh Hoạt Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo (5/1/2014)
Cn 2382: Thăm Đan Viện Châu Sơn, Ninh Bình Và Nghe Tâm Tình Đức Tgm Ngô Quang Kiệt (4/19/2014)
Thánh Lễ Làm Phép Dầu Giáo Phận Hưng Hóa Năm 2014 (4/16/2014)
Bài Giảng Của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp Trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu Nhà Thờ Chính Tòa Xã Đoài, Thứ 3 Ngày 15/4/2014 (4/15/2014)
Tôi Sẽ Quay Về… (4/14/2014)
Tin/Bài khác
Tâm Tình Của Đtc Gioan Phaolô Ii Đối Với Đất Nước Và Giáo Hội Việt Nam (4/12/2014)
Bài Thơ Cảm Xúc (4/11/2014)
Hạt Giống Đức Tin (4/7/2014)
Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, Tân Giám Mục Phụ Tá Long Xuyên (4/5/2014)
''nhóm Ve Chai' Kiếm Tiền Giúp Chúa Giêsu (4/4/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768