MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: chúa cha và chúa giêsu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bài Lời Chúa 92: Hai Phương Án Cứu Độ Của Thiên Chúa (tiếp Theo)
Thứ Tư, Ngày 27 tháng 7-2016
BÀI LỜI CHÚA 92

Hai phương án CỨU ĐỘ cỦa Thiên Chúa

(Tiếp theo)

Trích thư gửi tín hữu Rôma ch.3.24-27

Nay thì người ta được tha tội và nên công chính một cách dưng không do ân huệ của Thiên Chúa, và nhờ công cuộc cứu chuộc đã thành tựu trong Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã định cho Đức Kitô phải đổ máu mình ra làm phương thế xá tội cho những kẻ tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính, trung tín giữ lời hứa cứu độ.

Trước kia, trong thời Thiên Chúa cầm mình nhẫn nhịn, thì Người đã bỏ qua các tội lỗi loài người đã phạm. Nhưng vào thời bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người là Đấng trung tín giữ lời hứa cứu độ, thì Người ra tay tha tội và làm cho nên công chính kẻ nào tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô.

Vậy nếu bây giờ ai có vinh vang tự hào, thì không bởi việc giữ Lề luật song bởi lòng tin.

*  Đó là lời Chúa ! – Tạ ơn Chúa !

Suy niệm Lời Chúa

Xin nhắc lại: Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có thảo hai phương án, phương án thứ nhất là dùng Lề luật, nhưng kết quả là không thành công. Nay Thiên Chúa sử dụng đến phương án thứ hai : Không cần nhờ đến luật nữa, song chính bản thân Thiên Chúa nhập cuộc : Thiên Chúa xuống làm người, mặc lấy bản tính loài người để thanh tẩy và thánh hóa nó. Đây là cả một công trình công phu, khó khăn… Bài này, chúng ta sẽ phác họa diễn tiến của công trình ấy. Anh chị em đừng coi những điều nói sau đây là bàn chuyện viển vông trên trời dưới bể, nhưng là bàn chuyện của bản thân chúng ta, đó là “chuyện chúng mình”, nó liên can đến sự sống đời đời của chúng ta đấy!

 1.-  Bước một, Thiên Chúa sai Con Một và cũng là Thiên Chúa, xuống nhập thể trong lòng cô Trinh Nữ Maria, (cụ thể mà nói là Ngài mặc một thân xác con người) và được đặt tên là Giêsu. Nói cách khác, Ngài đảm nhận một bản tính nhân loại vào bản tính Thiên Chúa của mình, vì vậy Đức Giêsu có hai tính: thiên tính và nhân tính. Ngay lúc Nhập Thể, để bản tính nhân loại mà Ngài mặc lấy, được xứng đáng đủ để kết hiệp với Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài đã biến đổi, đã thánh hóa nó.

2.-  Bước haikhi Đức Giêsu tế lễ mình trên thập giá. Đây mới là chóp đỉnh việc biến đổi và thánh hóa. Chúa Cha cho Đức Giêsu biết Thánh Ý của Người : là muốn đem muôn vàn con cái về cõi phúc thiên đàng, song để thực hiện việc ấy thì Người muốn Con Một của Người là Đức Giêsu phải chịu đau khổ và phải chịu chết nữa (Hr 2.10) làm lễ hy sinh đền tội. 

            Theo tính tự nhiên, Đức Giêsu cầu xin : “Lạy Cha ! Nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén (tử nạn) này !”, đến khi Ngài đã hiểu ý tốt muốn cứu độ nhân loại đó của Chúa Cha, thì Ngài đã vâng phục : “Nhưng  xin đừng theo như Con muốn mà theo như ý Cha muốn” (Mt 26.39). Lần này, lòng vâng phục của Đức Giêsu gặp một thử thách vô cùng nghiệt ngã, đến nỗi làm Ngài đổ mồ hôi máu. Vì vâng lời trong những chuyện tầm thường thì dễ, nhưng vâng lời đến mức phải đau khổ và chết mới khó, vì vậy : “Dẫu là Con, Ngài đã phải đau khổ dãi dầu (và phải chết nữa), mà học cho biết vâng phục” (Hr 5.8).

Ngược hẳn với Ađam và loài người, luôn luôn bất tuân bất phục Thiên Chúa, Đức Giêsu đã yêu mến và vâng phục Thiên Chúa Cha tuyệt đối, đến mức không còn có thể nào vâng phục hơn được nữa, đến nỗi bằng lòng hiến thân mình chịu cái chết đóng đinh thập giá, làm của tế lễ lên Chúa Cha, để đền tội cho nhân loại : Ngài là hi sinh đền tạ các tội lỗi ta, không những tội lỗi của ta mà thôi, mà của tất cả thế gian nữa!” (1 Ga 2.2).

            3.-  Bước ba : Việc vâng phục tuyệt đối ấy của Đức Giêsu, Chúa Cha lấy làm đẹp lòng vô cùng, nên Người chấp nhận tế lễ thân mình của Ngài, và liền ban Thánh Thần xuống làm cho Ngài sống lại. Tức khắc, Đức Giêsu được Thánh Thần đến tẩy sạch, biến đổi, thánh hóa, thế là từ nay, bản tính nhân loại của Đức Giêsu được cứu chuộc hoàn toàn trước tiên.

       --------------------------

Xin tạm ngưng để cắt nghĩa câu lạ tai vừa nghe : bản tính nhân loại của Đức Giêsu được cứu chuộc. Thường chúng ta chỉ nghe nói Ngài là Đấng Cứu chuộc loài người, chưa từng nghe Ngài “được” cứu chuộc bao giờ. Đây là điểm Kinh Thánh và thần học tinh vi, phải cắt nghĩa cẩn thận.

- Trước hết phải nhớ : không bảo là Đức Giêsu đã phạm tội nào để được cứu chuộc. Ngài không hề phạm tội, Ngài là Đấng Thánh (Lc 1.35; Ga 6.69), Ngài vô tội (Ga 8.46; Hr 4.15; 1 P 2.22), vì là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa (Ga 1.1) nên Ngài không thể phạm tội.

- Khi nói : Bản tính nhân loại của Ngài được cứu chuộc, là nói về cái bản tính mà Ngài đã phải mang lấy khi xuống thế làm người (Ga 1.14; Ph 2.6-8), cái bản tính ấy từ nguyên tổ Ađam, Eva phạm tội truyền xuống, do đó đầy dẫy vết tích tội lỗi (Rm 8.3). Chưa hết, với tư cách là Đầu, là Trưởng tử của đoàn em nhân loại (Rm 8.29), thì Ngài cũng phải gánh lấy vào thân mình tất cả tội lỗi của nhân loại nữa, Kinh Thánh viết : “Ngài đã mang lấy tội lỗi của chúng ta vào thân mình Ngài (đem đóng đinh) trên thập giá” (1 Pr 2.24; xem Ys 53.4tt). Vậy chính cái bản tính nhân loại nặng nề tội lỗi ấy của Ngài được cứu chuộc, chứ không phải bản tính Thiên Chúa của Ngài.

--------------------------------

            Xin nối tiếp đoạn tạm ngưng : Bởi công đức của cuộc Tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, “cái bản tính đó” đã được cứu chuộc, tức là được biến đổi, được thánh hóa, được thần hóa, nghĩa là Thân mình Đức Giêsu không những được sạch các tội lỗi mà Ngài đã mang lấy vào mình, mà còn được đầy tràn thánh thiện, tràn trề Thần khí, sung mãn thần tính Thiên Chúa, như Thánh Phaolô xác nhận trong thư Côlôxê: Bây giờ, “có ở trong Đức Giêsu ngay nơi thân xác, tất cả sự sung mãn của thần tính Thiên Chúa” (2.9). Thánh thư Hipri tóm tắt trong một câu chính xác : “Ngài đã trở nên thành toàn…” (Hr 2.10; 5.9). Và Thánh Thư Rôma trên đầu bài cũng không nói gì khác khi viết : “Công cuộc cứu chuộc đã thành tựu nơi Đức Giêsu Kitô.”

     Vậy “một khi Chúa Giêsu đã trở nên thành toàn” như thế trước tiên, trước hết mọi người, thì sao ? “Thì Ngài trở nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Ngài(Hr 5.9), tức là Ngài có quyền lực giải thoát họ khỏi vòng nô lệ ma quỉ và tội lỗi, thánh hóa họ và biến đổi họ thành con cái Thiên Chúa.

4.- Bước bốn : Việc thánh hóa họ, biến đổi họ như thế thực hiện bằng cách nào?

Thưa : Nhờ họ được tháp nhập vào Thân mình Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu đã nên thành toàn. Việc ấy diễn ra như sau : Bởi Tử nạn và Phục sinh, bản tính nhân loại của Đức Giêsu được Chúa Thánh Thần là lửa thần thiêng luyện nên trong sạch, thánh thiện, được thần hóa, đầy tràn vinh quang, sự sống và mọi ơn phúc…, như trên đây đã nói, do đó, Thân mình phục sinh của Chúa Giêsu – dùng một hình ảnh bóng bảy cho dễ nhớ – trở nên giống như cái lò bát quái” của Thái Thượng Lão Quân trong truyện Tây Du Ký, cái lò biến hóa, cái lò luyện…loài người được nên trong sạch, thánh thiện như Ngài.

Nhưng vì tôn trọng sự tự do của loài người, nên Thiên Chúa không ép buộc, mà sẽ mời gọi : Có muốn được cứu chuộc, tức là được biến đổi, được thánh hóa, được sự sống đời đời và được thiên đàng hạnh phúc vô cùng không ?

Với ai muốn thì Thiên Chúa bảo : Ta chỉ đòi một điều kiện: Hãy tin vào Đức Giêsu, (và chịu Phép Rửa tội). Vì “Thiên Chúa tha tội và làm cho nên công chính kẻ nào (tuyên xưng lòng) tin vào Đức Giêsu Kitô.” (Rm 3.22,26,28)

Vậy khi chúng ta tin, thì được Thiên Chúa cho nhập vào trong “cái lò bát quái” là Thân mình Đức Giêsu Tử nạn Phục sinh nói trên. Trong đó, Chúa Thánh Thần sẽ luyện ta sạch (tức là tha thứ tội lỗi), biến đổi ta thành con người mới, thánh thiện, bằng cách ngày càng làm cho “cái tôi” khốn nạn của ta chết đi, nó vốn là đầu mối gây ra mọi tội lỗi, để từ nay, một “cái tôi khác” là Chúa sống trong ta : “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.”(Gal 2.20).

Trong phương án thứ Hai này, Thiên Chúa không đòi phải giữ luật như điều kiện cần thiết để được biến đổi và thánh hóa ! Mà chỉ đòi : Hãy tin ! Lời khẳng định của bài Kinh Thánh hôm nay đã nói rõ : “Nhưng nay thì không cần đến luật nào, Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính mà không cần nhờ vào việc giữ luật, song là bởi họ tin vào Đức Giêsu Kitô”.

Nếu ai còn chưa tin điều nói đây, thì hãy nghe Tin Mừng kể tích Anh trộm lành : anh ta đã phạm bao nhiêu tội ác (tức là chẳng giữ Lề luật), vì thế mới bị kết án đóng đinh, song chỉ nhờ một lời tuyên xưng lòng tin chân thành nơi Chúa Giêsu :  Ngài là người vô tội, tuy Ngài bị đóng đinh thập giá, nhưng Ngài sẽ không chết, Ngài sẽ vào Vương quốc của Ngài. Vậy lúc ấy xin Ngài nhớ đến tôi. Thế là mọi tội lỗi anh được xóa hết, đúng như lời Th.Phêrô nói: “Thiên Chúa đã tẩy sạch lòng họ bằng đức tin” (Cv 15.9), và dù anh chẳng làm được việc lành phúc đức nào (anh còn thời giờ đâu mà làm), anh vẫn được Đức Giêsu cho vào thiên đàng ngay hôm đó cùng với Ngài (Lc 23.40-43). Mà được vào thiên đàng tức là thánh rồi! 

Kết luận : Ta phải nhận định rằng Chúa thương ta quá bội, đã lập một phương án mới hết sức dễ dàng và đồng thời lại vô cùng kỳ diệu: chỉ đòi ta làm một việc tin, hết lòng tin Chúa Giêsu, gắn bó với Ngài. Chúa thương như thế, thì ta hãy ca hát ngợi khen Chúa suốt cuộc đời!

Tích truyện

Có một chàng thanh niên nọ, chán cảnh gia đình buồn tẻ ở chốn thôn quê, bèn khăn gói đi ra thành phố mà chàng nghĩ là chốn thiên đàng. Chàng sa vào những nơi ăn chơi bậy bạ, say đắm vào vòng trụy lạc tội lỗi. Cha mẹ chẳng biết chàng ở đâu, làm gì, sống thế nào… vì chàng không hề gởi thư về nhà. Nhưng ăn chơi sa đà riết rồi dần dần cũng khiến cho chàng chán ngán; để khỏa lấp sự trống vắng trong tâm hồn, chàng càng lao đầu vào các thú vui khác. Nhưng càng lúc càng cảm thấy ray rứt, không yên… Hơn nữa, chơi bời mãi thì túi tiền cũng cạn kiệt, cái đói đã rình rập… Chàng bèn suy nghĩ đến cảnh gia đình êm ấm mà mình đã lìa bỏ, và bắt đầu nhen nhúm lên ý tưởng muốn trở về… Nhưng nghĩ đến tội bất hiếu, và vong ân bội bạc của mình đối với gia đình, chàng tự hỏi nếu mình về thì cha mẹ sẽ nhìn nhận không?

Nhìn vào mình, chàng xấu hổ quá, vì từ là một thanh niên tuấn tú trước đây, mà nay thì mặt mày hốc hác, áo quần tả tơi, e rằng cha mẹ sẽ xua đuổi mình đi. Chàng đánh bạo viết thư trước dò xem tình hình…

Lòng chàng xúc động khi gởi thơ cho cha mẹ, trong đó chàng xưng thú hết mọi thứ tội lỗi mình đã phạm, và xin cha mẹ tha thứ cho tội bất hiếu và mọi tội lỗi khác. Trong thư chàng có viết một câu rằng : “Nếu cha mẹ bằng lòng tha thứ và nhìn nhận con, thì hôm con trở về, xin hãy treo một cái áo dạ (nỉ) trên dây trước cửa nhà làm dấu”.

Được thư, mẹ chàng khóc lóc thương con, không những sẵn lòng tha thứ mà con nóng lòng mong con về. Và theo lời dặn trong thư, mẹ chàng không chỉ treo một cái, nhưng đem hết các áo dạ trong nhà ra treo trên dây.

Sự tha thứ của cha mẹ là vô điều kiện và rộng rãi như biển hồ lai láng. 

V˜˜

 

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bài Lời Chúa 99 Hãy Tin Vào Chúa Giêsu (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 98 Toa Thuốc Của Bác Sĩ Phêrô (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 97 Hãy Đến Cùng Giuse ! (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 96 Thế Nào Được Cứu Chuộc ? (phần Ii) (8/24/2016)
Bài Lời Chúa 95 Thế Nào Là Được Cứu Chuộc ? (phần I) (8/24/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Bài Lời Chúa 94: Đạo Đức Không Đủ Để Được Cứu Rỗi (7/27/2016)
Bài Lời Chúa 93: Con Dê Gánh Tội (7/27/2016)
Bài Lời Chúa 91: Hai Phương Án Cứu Độ Của Thiên Chúa (7/27/2016)
Bài Lời Chúa 90: Tội Nguyên Tổ (7/27/2016)
Bài Lời Chúa 89: Ngày Tận Thế, Chính Lời Chúa Phán Xét Ta (7/27/2016)
Tin/Bài khác
Bài Lời Chúa 87: Không Nghe Lời Chúa Là Điều Nguy Hiểm (6/8/2016)
Bài Lời Chúa 86: Hãy Nghe Ngài ! (6/8/2016)
Bài Lời Chúa 85: Lời Chúa Sưởi Ấm Tâm Hồn (6/8/2016)
Bài Lời Chúa 84: Buồn, Vui Vì Lời Chúa (6/8/2016)
Bài Lời Chúa 83: Ăn Lời Chúa (6/8/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768