CHƯƠNG 12
ĐỨC
MẸ MARIA Là Mẹ Tình Yêu Tốt Đẹp
Qua Mẹ tới Chúa!
Những bài
giảng về việc tông đồ sẽ không đầy
đủ, hoặc sẽ giảm bớt hiệu quả,
và sự bền vững sẽ không được bảo
đảm, nhất là Chúa Giêsu sẽ quở trách tôi, nếu
tôi không nói cho các tông đồ Chúa Giêsu về Mẹ Maria là
Mẹ tình yêu tốt đẹp.
Từ thuở
đời đời và trước mọi thời gian,
Thiên Chúa đã ấn định Đức Maria kết hợp
mật thiết với Ngôi Hai để thực hiện ba
phương diện của chương trình cứu rỗi
nhân loại: 1) Với Ngôi Hai giáng trần, Người là Mẹ;
2) với
Đấng Cứu Thế, Người là Đấng hợp
công cứu chuộc;
3) với Đấng
Chủ ơn thánh, Người là vị cầu bầu phổ
quát mọi ơn lành.
Trong khi tôn thờ
kế hoạch thần diệu ấy, chúng ta hãy tôn trọng
việc Thiên Chúa kết hợp cách bền chặt cho đến
đời đời Trái Tim Chúa Giêsu với Trái Tim Đức
Maria. Và với cùng một lời ngợi khen và trong cùng một
tấm lòng sốt sắng, chúng ta hãy kính chào hai Trái Tim Cực
Thánh và dâng lên mọi danh dự và vinh quang.
Sau những lời trân trọng
trên đây, tôi (cha Matêô) xin giới thiệu con đường của tôi, không quanh co, không nguy
hiểm, đó chính là Đức
Maria, để đi tới Cung Thánh, tới chiều
sâu thẳm của Trái tim Chúa Giêsu, vốn là Đền Thánh
của sự công chính và tình yêu. Con đường ấy,
tôi đã thấy vẽ ra trước mắt tôi bởi
tình yêu và gương sáng của Thầy chí thánh của tôi:
Cũng
như không ai có thể biết được Đức
Chúa Cha, ngoài Đức Chúa Con (Mt 11.27), và cũng không ai có thể
tới cùng Đức Chúa Cha, ngoài Đức Chúa Con (Ga 14.6),
thì ta cũng có thể nói một cách nào rằng: không ai có thể
biết được Chúa Giêsu ngoài Trái tim Đức Maria,
và không ai có thể đạt tới sự thân mật với
Chúa Giêsu và chiếm hữu được Ngài, chỉ có
Đức Maria, Đấng muôn đời vẫn coi giữ
kho tàng của Chúa Giêsu và cũng là Đấng phân phát độc
nhất vô nhị.
Nền tảng của giáo thuyết
về Đức Mẹ Maria có thể gồm tóm trong điều
này: Việc Nhập Thể, Ngôi Hai khi rời lòng Đức
Chúa Cha, đã muốn ngự xuống trong lòng Đức
Maria, Người Mẹ duy nhất và cao quí.
Ngài muốn
thế, để vinh quang cho Ngài và vinh dự cho Đức
Maria; để làm gương mẫu và ban ơn phúc cho ta.
Dĩ nhiên, Chúa không cần Đức Maria để xuống
thế, Ngài có thể dùng trăm nghìn cách khác để
đến cùng loài người, tỉ như tạo ra một
thân xác hoàn hảo như đã dựng nên xác ông Ađam. Vậy
nếu Ngài muốn nhờ
Đức Maria, như chiếc cầu vàng quí giá, làm
trung gian vững chắc để đến với loài
người, là vì Ngài muốn
trình bày Người Mẹ đó cho chúng ta như chiếc cầu
mà đến lượt chúng ta - những người
con đã được Con Một Thiên Chúa cứu chuộc,
và là con cái Mẹ Maria - cũng
phải đi qua trong cuộc hành trình của mình về cõi
đời đời.
Từ
đấy, giáo lý Công giáo đã dạy rằng: muốn
đến cùng Chúa Giêsu cách chắc chắn hơn, và qua Chúa
Giêsu đến cùng Đức Chúa Cha, con đường
thiết yếu là Đức Maria. Chính Đấng tự
xưng là “Đường” đã dạy ta bài học quí giá
ấy thì thử hỏi làm sao sai lầm được?
Chúng ta không thể bỏ qua sự trung gian của Đức
Mẹ Maria mà không mang tội to gan liều lĩnh. Không muốn
đi qua tay của Nữ Vương vô nhiễm tinh tuyền
ấy, sẽ là một sự liều lĩnh chẳng khác
gì muốn sửa đổi chương trình cứu chuộc.
Nên biết
Đức Maria không làm người ta trệch ra khỏi con đường thẳng dẫn
đưa linh hồn tới cùng Thiên Chúa, cứu cánh của
đời họ. Trái lại nếu ta gạt bỏ Đức
Maria, chẳng những ta không làm cho đường thẳng
ra, hoặc rút ngắn khoảng cách, mà chỉ làm cho ta
đi vòng quanh Thiên Chúa và Thánh Tử của Người, làm
cho con đường thêm dài, thêm vô vàn phức tạp và
nguy hiểm…
Đức
Maria làm cho ta mau gặp được Thiên Chúa, Người
sẽ bồng ẵm các linh hồn trong tay Người mà đưa
vào nhà Vua Cả. Đó là vai trò của Người từ
ngày Truyền tin 25 tháng ba, và Người sẽ luôn làm tròn
trách nhiệm bao lâu còn một linh hồn phải dẫn
đưa từ nơi lưu đày về quê hương
trên trời.
Ở
Na-da-rét, Chúa Giêsu đã tỏ ra rất vâng lời Đức
Mẹ, không chỉ khi còn nhỏ, như Tin Mừng Luca viết:
“Ngài hằng vâng phục các
đấng” (Lc 2.51), mà cả khi đã khôn lớn, “Ngài ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn
và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người
ta” (Lc 2.52), tức là đến tuổi trưởng
thành, Ngài vẫn là người Con vâng lời Mẹ trong mọi
sự, để dạy ta bài học tuyệt vời về
những sự cao cả của Mẹ Ngài, và về
nghĩa vụ và những mối quan hệ của chúng ta
đối với Người Mẹ ấy.
Đến
đây, có một điều nhận xét gây hân hoan vui sướng:
đó là tuy Đức Maria là một tạo vật thánh thiện
lạ lùng và cao cả hơn hết các tạo vật bởi
chức vụ độc nhất làm Mẹ Thiên Chúa,
nhưng đồng thời, theo bản tính tự nhiên,
Người lại hoàn toàn thuộc về nhân loại chúng
ta bởi cùng huyết thống, cùng dòng máu, cùng thịt
xương loài người, hoàn
toàn là chị em với ta.
Trên trời,
Người Phụ nữ Na-da-rét này được tôn
kính, ngưỡng mộ, ngợi khen vượt trên cả
các bậc Thiên Thần, tuy Người lại vốn là thọ
tạo cùng dòng giống với chúng ta, một phụ nữ
không khác gì những bà mẹ chúng ta dưới trần gian
này.
“Ôi! Nữ
Vương rất đáng mến! Mẹ là chiếc cầu
Thiên Chúa bắc từ cõi Thiên Đàng mà chúng con đánh mất,
tới cõi Thiên Đàng mà chúng con trông cậy sẽ
được vào. Phải, Chúa Giêsu đã đến cùng
chúng con qua lòng Mẹ, thì xin Mẹ không những dẫn
đưa chúng con tới cửa Thiên Đàng mà còn vào tận
trong miền sâu thẳm của Trái tim Chúa Giêsu.” Như vậy,
thử hỏi làm sao chúng ta lại có thể không yêu mến
và thảo hiếu với người Mẹ tuyệt vời
ấy được?
Chính Chúa Giêsu
là Tấm gương tột bậc của lòng hiếu thảo
đối với Đức Mẹ. Ngài cho chúng ta biết
lý do tối thượng vì sao phải yêu mến Đức
Trinh Nữ, yêu với một mối tình vừa mạnh mẽ
đậm đà lại vừa tế nhị dịu dàng: lý
do đó là chính tình yêu mà Chúa
Giêsu dành hết cho Đức Mẹ, chỉ sau Thiên Chúa
Cha Ngài (x. Lc 2.49). Khi Chúa Giêsu, Người Anh Cả của
chúng ta, thốt lên tiếng: Mẹ ơi! tiếng ấy
phát ra tự đáy lòng Ngài. Ngài yêu mến Mẹ như một
Thiên Chúa có thể yêu một thọ sinh đẹp đẽ
nhất trong các thọ tạo của Người, một
Kiệt tác của quyền năng Người, Người
đã tác tạo Maria cho Người, “xinh đẹp hoàn toàn chẳng chút vết nhơ” (Dc
4.7).
Và
ta còn phải nói thêm: Chúa Giêsu yêu mến Đức Mẹ do lòng biết ơn vô hạn, vì
Đức Mẹ đã ban máu và thịt cho Ngôi Hai để
Ngài có thể làm người: ban
cho Ngài bản chất nhân loại để có thể chịu
đau khổ, xỉ nhục, khinh chê, chịu đóng
đanh và chết, và nhờ thế ứng nghiệm những
lời Kinh Thánh tiên báo từ ngàn xưa về Đấng Cứu
Thế phải hiến thân hy sinh mà đền tội nhân
loại; đang khi xét về thần tính, Ngôi Hai Thiên Chúa hoàn
toàn trọn lành, không thể khóc lóc hoặc chịu đau
khổ và chịu chết.
Chúng ta hãy
đi vào chi tiết để thấy Chúa Giêsu mến yêu và
biết ơn Đức Mẹ đến chừng nào:
Trong chín tháng ở trong lòng Mẹ, Ngài sống bởi máu
thanh sạch của Mẹ; và trong những ngày thơ ấu,
Ngài sống nhờ sữa từ lòng trinh khiết Mẹ,
và ngủ yên vui trên lòng Mẹ, được Mẹ nâng
niu, vỗ về, săn sóc, tận tụy hy sinh cho Con của
Trời Cao và cũng là Con riêng của Mẹ, không người
mẹ thế gian nào sánh bằng.
Rồi trong
suốt 30 năm chung sống tại Na-da-rét, Chúa Giêsu yêu
Đức Mẹ với một tình yêu thân mật mỗi
ngày càng khăng khít hơn: cùng chung vui sẻ buồn, cùng chung
lao động, vất vả âu lo, cùng một lý tưởng
siêu phàm là cứu độ thế gian, đã làm cho hai Trái
tim ấy hòa chung với nhau. Ai
có thể vén được màn những bí mật cao siêu mà
Chúa Giêsu và Đức Mẹ trao đổi với nhau giữa
những lúc chuyện trò thân mật, trong 30 năm ẩn dật,
cần lao và cầu nguyện? Chỉ sau này ở trên trời,
Chúa Giêsu sẽ tỏ cho ta biết những bí mật nhiệm
mầu ấy để vinh danh Ngài và vinh quang cho Mẹ. Chỉ
ở trên trời chúng ta mới hiểu được Chúa
Giêsu đã yêu mến Đức Mẹ sâu đậm chừng
nào.
Rồi có biết
bao yêu thương khi phải vĩnh biệt Người Mẹ
đã từng nâng niu bồng ẵm Ngài trên tay trong những
ngày tháng ấu thơ … Người Mẹ đã nhận
được hơi thở và những giọt nước
mắt đầu tiên của Ngài, thì nay giờ phút vĩnh
biệt, hơi thở, những giọt nước mắt
cuối cùng của Ngài cũng phải thuộc về
Người, qua đó Chúa Giêsu trao lại cho Mẹ lần
sau hết và đời đời tình yêu và tất cả tấm
lòng của Ngài.
Và Ngài tưởng
nhớ đến ngày Thứ Sáu Chịu Nạn, Ngài
đang vác Thập Giá trên quãng đường đau đớn
hổ nhục, thân mình loang lổ những vết máu, và
Ngài đã gặp Mẹ mình, qua ánh mắt thương mến,
Ngài đã thổ lộ hết tấm lòng mình cho Mẹ… và
Mẹ thì lại nhìn Con với đôi mắt đẫm lệ,
song trìu mến âm thầm khuyến khích Con vững vàng thực
hiện công cuộc cứu độ sinh linh.
Rồi trên
núi Can-va-riô, Người Con bị treo trên thập giá,
đang hấp hối, đưa mắt nhòa lệ và máu nhìn
Mẹ với biết bao âu yếm, và trong giờ phút
vĩnh biệt thảm sầu ấy, Ngài trăng trối
lại cho Mẹ người môn đệ yêu dấu Gioan,
đại diện Hội thánh và các linh hồn…
Khi Chúa Giêsu sống
lại, tuy Tin Mừng không nói, nhưng hầu như tất
cả chúng ta đều
nghĩ rằng Đức Mẹ đã được Chúa
Giêsu đến thăm viếng trước hết... Ô!
Chúa Giêsu đã hiện đến cùng Đức Mẹ sáng
láng hơn mặt trời, với những vết
thương đã trở nên chói lòa vinh hiển. Và trong giờ
phút khải hoàn ấy, Chúa nói cùng Đức Mẹ rằng
từ nay trên trái đất đã được Ngài chinh
phục, cũng như trên trời đang chờ đợi
Mẹ, Mẹ được có quyền trên tình yêu trung tín
của một Thiên Chúa vẫn luôn mãi là Con của Mẹ cho
đến muôn đời vì “Đức
Giêsu Kitô hôm qua và hôm nay vẫn là một và như thế cho
đến muôn đời” (Hr 13.8). Qua lời nói ấy, Ngài
đặt Đức Maria làm Đấng Trung gian phổ
quát phân phát mọi kho tàng ơn sủng của Ngài.
Như
thế, các bạn thấy ngay, không có trường học
nào bằng Trái tim Chúa Giêsu, để dạy cho ta biết bổn
phận và những đức tính nào cần phải có khi
tôn sùng Đức Mẹ Maria. Không có gì chắc chắn cho bằng
bước theo những vết chân của Thầy chí thánh
chúng ta: yêu mến Đức Mẹ là Đấng Ngài đã
mến yêu, và chừng nào có thể được, yêu mến
như Ngài đã mến yêu.
Do
đó, khi mến yêu Đức Mẹ Maria là tôi mến yêu
Chúa Giêsu, vì không thể nào yêu Mẹ mà lại không yêu Người
Con mà Mẹ vô cùng yêu dấu, vì tục ngữ có câu: “Yêu nhau yêu cả đường
đi,
Ghét nhau ghét cả tông chi họ
hàng!”
Và khi tôi càng
mến Đức Maria đã trở nên Mẹ tôi thì tôi càng
mến Chúa Giêsu.
Bởi vậy,
khi tôi tận hiến toàn thân cho Đức Nữ
Vương vô nhiễm tinh tuyền, và dâng cho Người
trái tim, sự sống và các công việc của tôi, không những
tôi không lấy bớt chút gì thuộc về Chúa Giêsu, hoặc
làm cho tôi lãng quên dù chỉ trong giây phút, những quyền lợi
của Chúa. Trái lại, tôi sẽ làm cho lễ vật của
tôi tăng thêm gấp bội sự phong phú và xứng
đáng với Chúa Giêsu. Lẽ nào không đẹp lòng Chúa
Giêsu, khi tôi dâng mình tôi cho Đức Mẹ, như chính Ngài
đã phó thác mình trong tay Mẹ mình.
Để
làm nổi bật đạo lý cao trọng và tuyệt vời
ấy, ta tạm đặt ra đây một giả thuyết, mặc dầu không có thể
xảy ra được: Giả như có hai con đường
dẫn đến Thiên Chúa, đường thứ nhất,
loại bỏ sự trung gian của Đức Maria, mà dẫn
thẳng đến Thiên Chúa; đường thứ hai dài
hơn vì phải qua trung gian của Đức Maria… Cho dù giả
thuyết vô lý ấy có thể là một sự thực
đi nữa, tôi sẽ không ngần ngại chọn con
đường thứ hai, mặc dầu đối với
tôi không vinh hiển gì, mà lại xa hơn và nhọc mệt
hơn… Nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sẽ làm
vui lòng Đức Mẹ Maria, nhờ đấy sẽ làm
đẹp lòng Chúa Giêsu! Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ
được Chúa đón nhận nghìn lần, và hơn nữa
được ban thưởng bội hậu, hơn là tôi
tự mình trực tiếp thẳng đến cùng Thiên Chúa
bằng con đường thứ nhất, cô đơn một
mình, công phúc của tôi chẳng có là bao. Nhưng may phúc! Giả
thuyết ngông cuồng ấy không phải là sự thật.
Phải,
do một quyết định đầy khôn ngoan và
thương xót của Chúa Quan Phòng, thì từ khi Ngôi Lời
Nhập Thể, Đức
Maria là con đường thẳng, ngắn nhất và chắc
chắn nhất, con đường đầy ánh sáng và
hy vọng, đưa loài người đến cùng Vua tình
yêu, đưa từ đất tới trời. Kinh nghiệm
của hàng vạn hàng triệu linh hồn con cái Đức
Mẹ có thể làm chứng!
Vậy, chúng ta hãy luôn luôn lặp
lại, với lòng sốt sắng và trông cậy, lời
kinh Lạy Nữ Vương, nhưng thay đổi một
chút: “…Xin ghé mắt thương xem chúng
con đến sau khỏi đày…, (đổi thành) thương xem chúng con ngay
khi còn ở chốn khách đày, xin cho chúng con
được thấy Đức Chúa Giê-su, Con lòng Mẹ,
gồm phúc lạ. Ôi! Khoan
thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng
trinh. Amen.”
Xin đừng
quên, hỡi các bạn tông đồ: “ngay khi còn ở chốn
khách đày…”
***
Mẹ Maria là Thầy và Nữ
Vương các Thánh Tông Đồ
Tại phòng
Tiệc Ly, vào giờ phút linh thiêng Chúa Thánh Thần hiện
xuống, bên cạnh Thánh Phêrô chủ tọa, và các thánh Tông
đồ và một số môn đệ, có Đức Maria,
Thân Mẫu Vua Giêsu đã phục sinh, là Mẹ Hội Thánh
và là Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, đang chuyên
tâm cầu nguyện.
Nếu
trong lễ nghi Tôn Vương, tôn Chúa Giêsu làm vua gia đình,
chúng ta không đặt Chúa Giêsu-Vua và Maria-Nữ Vương
trên cùng một ngai tòa mà kính thờ, chỉ vì sự kính thờ
chỉ được dành cho một mình Chúa Giêsu là Thiên
Chúa-Làm Người. Song ta kính thờ Chúa Giêsu trong liên hệ
với Đức Mẹ Maria, vì Chúa Giêsu ngự trên Ngai Tòa ngà
báu là Trái tim Đức Mẹ Maria, do cả hai Trái Tim đã kết hợp mật thiết
với nhau cách huyền nhiệm lạ lùng từ ngày 25
tháng 3.
Điều
nói đây không phải là chuyện thơ mộng đâu, vì căn
cứ vào thần học mà xét như sau:
Thường
thường thấy các bà mẹ khi mang thai đứa con
trong bụng, vẫn hằng chuyện trò với nó, đôi
khi nó có thể cảm nhận được một vài chấn
động từ những tâm tình vui buồn của người
mẹ vọng đến…, ngoài ra nó hoàn toàn mới chỉ
là một bào thai chưa có ý thức. Nhưng nơi Đức Mẹ Maria thì khác hẳn: bào
thai Giêsu nơi Mẹ do Chúa Thánh Thần tác tạo từ
máu thịt trinh khiết của Mẹ, lại không chỉ là
một hữu thể gồm có hồn xác mà thôi,
như mọi đứa trẻ bình thường khác,
nhưng một cách độc nhất vô nhị nhân tính ấy còn được
kết hợp với một Ngôi vị Thiên Chúa, là Ngôi Hai hằng
sống, làm chủ thể. Vì thế, ngay từ lúc ấy Ngài là Thiên Chúa sống động,
là Đấng Toàn tri và thượng trí khôn ngoan, song
được giấu kín trong thân xác một con người.
Vậy, không lẽ nào trong chín tháng mười ngày ngự
trong lòng Đức Maria mà Ngài lại im lìm, bất động,
không có một sự liên hệ, trao đổi gì với tâm
hồn Mẹ mình…? Nhưng vì đây là một mầu nhiệm
“vô tiền, khoáng hậu”, độc nhất vô nhị, vượt
quá trí hiểu nhân loại, cho nên ta chỉ có thể nói thế
này mà thôi: hai trái tim Giêsu và Maria đã kết hợp và liên hệ
với nhau một cách mật thiết lạ lùng!
Bên
cạnh hai Trái Tim Cực Thánh ấy, là trái tim nghèo nàn, yếu
ớt của ta, nhưng đang mong muốn trở nên thánh
thiện và phong phú, nhờ được sống bởi
Chúa Giêsu, song nhờ Đức Mẹ mà hiểu biết, mến
yêu và tôn vinh Chúa Giêsu.
*