MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Đức Mẹ Maria Hiện Ra Tại Trà Kiệu
Thứ Hai, Ngày 20 tháng 6-2016

Đức Mẹ Maria hiện ra tại Trà Kiệu

Nguồn: trakieu.net

LTS: Để cứu các giáo dân Công giáo khỏi bị giết chết, Đức Mẹ Maria đã nhiều lần hiện ra tại Trà Kiệu để bảo vệ dành lành. Chúng ta cầu nguyện xin Mẹ Trà Kiệu cứu nước Việt nam khỏi hiểm họa diệt vong. (KH) 

Địa lý: Trà Kiệu mặt Đông có Non Trọc (Bửu Châu) cao 60m, mặt Tây bên kia suối có đồi Kim Sơn (Hòn Bằng) thấp hơn đồi Bửu Châu, cách đồi Bửu Châu chừng 1km, cách Nhà Thờ xứ chừng 120m. Về phía Nam cách cánh đồng khoảng hơn nửa cây số là dãy thành luỹ Chàm, (hiện nay có người ở trên thành này và được gọi là xóm Thành). Còn mạng Bắc có bãi cát rộng giáp ranh với tuyến phòng thủ của Giáo Xứ.

Nhân lực: Lúc bấy giờ, Trà Kiệu có khoảng 370 nam nhân có thể cầm vũ khí được, tuổi từ 16 đến 60 được chia làm 7 đội, và độ 500 phụ nữ được xếp vào đội dự bị (đội 8).

Khí giới:  Chỉ có 4 khẩu nạp hậu, mỗi cây có 10 viên đạn, cộng với 5 khẩu bắn đá và 1 khẩu súng hoả mai cùng một số vũ khí tự đúc được.

Nhìn chung Trà Kiệu không hề chuẩn bị phòng vệ, một phần vì chủ quan, một phần cũng vì Cha Bruyère tin vào lời hứa của đại uý Ducres là sẽ lập tức tiếp cứu nếu như Trà Kiệu bị bao vây.

Với tình hình bất lợi mọi mặt như vậy, khi Trà Kiệu bị tấn công Cha Bruyère (Cố Nhơn) chỉ còn biết “hoàn toàn phó thác và trông cậy vào Chúa và Mẹ”. Cha đặt một bàn thờ Đức Mẹ giữa nhà và thắp nến hai bên, quyết cùng Mẹ chiến đấu. Thật thế, chúng ta hãy theo dõi cuộc chiến thì sẽ rõ.

Trà kiệu – Ất Dậu kí sự

Sau khi tàn sát, bách hại khắp nơi, xế trưa ngày 1–9–1885 quân Văn Thân ùn ùn kéo đến bao vây Giáo Xứ Trà Kiệu. Ban đầu họ lo củng cố vị trí chiến đấu, phần giáo dân cũng lập tức kéo lên giữ đồi Kim Sơn. Nhưng mới chỉ sang ngày thứ hai (2-9) giáo dân quá sợ đến độ bỏ đồi Kim Sơn, trong khi rút lui bị té chết mất 4 người. Và không khí ảm đảm bởi thất đởm bao trùm toàn Giáo Xứ. Đã vậy khi Cố Nhơn (Bruyère) cho người đi báo cho đội hai hãy lui về để dễ phòng thủ thì người báo tin lại bảo rằng Cha lệnh tập trung về Nhà Thờ để lãnh nhận các bí tích sau hết và chờ chết. May thay đội trưởng đội hai không tin, cùng lúc đó quân Văn Thân đến tấn công. Thay vì rút lui thì đội hai lại chống trả và đã dành chiến thắng, thu được một khẩu đại bác. Nhưng không vì vậy mà tinh thần giáo dân trở nên hăng hái lên được.

Đêm về giáo dân lại phải cứ 5 phút là nghe hô: “Ớ các đội, các vệ, phải canh giữ cho nghiêm ngặt, đừng cho đứa nào thoát nghe”. Về sau đêm nào cũng vậy khiến giáo dân càng khiếp đảm hơn. Cố Nhơn buồn khôn tả, Cha đặt mọi nương tựa nơi Mẹ Maria. Nhờ vậy, Cha lấy lại được tinh thần, ngay đêm đó Cha gọi các vị chỉ huy đến và khẳng định với họ là phải chiến đấu tự vệ. Và giáo dân quyết tâm chiến đấu đến cùng. Ngày 3-9 giáo dân đã anh dũng chiến đấu từ sáng sớm đến chiều tối.

Tuy chiến thắng, nhưng quân Văn Thân vẫn còn đó quá đông nên giáo dân lại đâm ra chán nản, có viên chức đưa ra ý kiến “đầu hàng”. Quá bi đát và tuyệt vọng nhưng nhờ có ông Trương Phổ gan dạ đầy chí khí đã khơi dậy được tinh thần của giáo dân.

Đồng thời cũng nhờ thầy Phận khi nghe lời mỉa mai của quân Văn Thân: “Cố Thiên (Maillard) đến cứu bay đó” thì thầy Phận đã hô hào phải đánh để mở đường cho Cố Thiên ở Phú Thượng đem binh đến giải vây. Lời nói hùng hồn của hai người đã làm bừng lên lửa chiến đấu tự vệ trong lòng giáo dân. Và họ đã quyết chiến đấu trong niềm tin tưởng phó thác cho Chúa và Mẹ Maria.

Phần Cha Bruyère, Cha rất buồn, mất ăn mất ngủ, phải cạo râu và cải trang để tránh bị phát hiện, vì quân Văn Thân đóng quá gần. Từ hai ngọn đồi họ bắn xuống, đặc biệt khi thấy “Tây dương đạo trưởng” (Cha Bruyère). Cha Bruyère bảo với Cha Geffroy rằng trong những đêm dài vô tận đó, Cha khóc rất nhiều, nhưng thường khóc vì vui mừng trước sự chở che của Đức Mẹ.

Nhờ tinh thần đã lên nên sang ngày 4-9 giáo dân đẩy lui được hai đợt tấn công của quân Văn Thân, một vào buổi sáng, một vào buổi chiều. Cứ mỗi lần ra trận họ hô:

“Hè, hè, Giêsu, Maria, Giuse, xin thương chúng con, xin chở che chúng con”.

Và liền sau khi chiến thắng họ lại đến quỳ trước ảnh Mẹ cầu nguyện tạ ơn. Có lúc còn đang cầu nguyện họ lại phải ra trận. Và cứ vậy giáo dân không bao giờ quên trở lại cảm tạ Đức Mẹ.

Ngày 5 và 6 tháng 9 quân Văn Thân quyết định làm luỹ vây chặt Giáo Xứ; “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ngày 7 tháng 9 giáo dân đến xin Đức Mẹ cầu bầu, chở che đồng thời được Cha xứ khích lệ, họ đã ra trận cách dũng mãnh và phá được luỹ vây của quân Văn Thân. Đội dự bị nữ (đội 8) được nổi tiếng trong ngày chiến thắng vẻ vang này.

Cuộc chiến diễn ra phía Bắc của Giáo Xứ. Quân Văn Thân trong trận này do Ông Ích Thiện, con trai của tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm, chỉ huy.

Sang ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (8 tháng 9) là một ngày khủng khiếp. Thánh lễ vừa xong là giáo dân phải ra trận ngay và liên tục bị đẩy lui đến Phước Viện, vì quân Văn Thân quá đông lại được đạn từ hai đồi Bửu Châu và Kim Sơn bắn xối xả xuống yểm trợ. Cuối cùng đội nữ dự bị phải ra trận, họ đã chiến đấu rất dũng mãnh, nhờ vậy giáo dân Trà Kiệu lại dành được chiến thắng.

Vì quyết tâm tấn công “sào huyệt” của Giáo Xứ nên ngày 9–9 quân Văn Thân kéo thần công đến đặt trên đồi Kim Sơn và Bửu Châu.

Thật tàn khốc! bước sang ngày 10–9 quân Văn Thân nã thần công rất khủng khiếp, vang dội cả tỉnh, đến độ cách cảng Đà Nẵng 25km về phía Nam các sĩ quan Pháp trên một tàu chiến đã nghe và đếm được khoảng 500 quả đại bác bắn vào Giáo Xứ Trà Kiệu chỉ trong một ngày (Nécrologe du P. Bruyère p. 455, 1.37-39). Ở Phú Thượng, cách Trà Kiệu khoảng 40km, giáo dân nghe súng nổ phát kinh hoàng, chính Cố Thiên (Maillard) cũng xao xuyến lo cho số phận của Trà Kiệu cũng như số phận của Cha Bruyère.

Quân Văn Thân cứ nhắm bắn Nhà Thờ và nhà Cha Bruyère vì Cha là linh hồn của Giáo Xứ, và nếu Thánh đường đổ thì giáo dân Trà Kiệu sẽ mất hết tinh thần. Vậy mà lạ thay, Nhà Thờ không hề hấn gì ngoại trừ trúng một quả ở phía sau. Còn nhà Cha xứ bị trúng 5 phát. Nhưng Cha Bruyère vẫn bình an vô sự.

Xin cũng nói thêm rằng trong các loại súng được dùng trong cuộc tấn công Trà Kiệu của quân Văn Thân, thì có một khẩu rất lớn được đặt cách Nhà Thờ khoảng 100m và do một cựu võ quan thiện xạ sử dụng, nhưng chỉ bắn trúng Thánh đường mỗi có 1 quả và nhà xứ 5 quả, há không phải chuyện lạ lắm ru !

Quân Văn Thân ra giá từ 20 đến 50 nén bạc (khoảng 1.800 đến 2.000 quan Pháp) thưởng cho ai bắt được Cha. Có ba lần Văn Thân lọt được vào làng, song cả 3 lần nhờ ơn Đức Mẹ, Cha thoát được khỏi sự nguy hiểm.

Suốt ngày 10–9 và ngày 11–9, quân Văn Thân không ngừng kêu lên: “Thật lạ lùng, có một người ĐÀN BÀ rất đẹp luôn đứng trên nóc Nhà Thờ mà chúng ta không sao bắn trúng”. Phần mình, giáo dân Trà Kiệu, cả Cha xứ nữa, khi nghe như vậy cố nhìn lên nóc Nhà Thờ nhưng không ai được thấy. Rồi còn có cả 1 “đạo quân trẻ em” nữa. Trong một số trận đánh nhất định quân Văn Thân kêu lên họ không chỉ đánh với giáo dân mà còn có “đạo quân trẻ em” từ trời xuống tiếp ứng. Có vậy họ mới không thể bình địa được làng Trà Kiệu.

Đây quả là “dấu chỉ lòng xót thương của Thiên Chúa đối với họ (giáo dân Trà Kiệu). Và chính Mẹ Maria bằng cách này hay cách khác, cũng thể hiện lòng từ ái chở che của Mẹ”.

Ngày 11–9 lại còn khủng khiếp hơn vì giáo dân Trà Kiệu phải giao chiến với hoả lực đại pháo bắn trực xạ vào Giáo Xứ. Trong trận này các Sœur Phước Viện đã dũng cảm tham chiến và cùng với toàn Giáo Xứ dành chiến thắng. Và có một Sœur bị tử thương.

Cha Bruyère thấy quân Văn Thân trên đồi Kim Sơn quá nguy hiểm. Cha quyết định bằng mọi cách lấy lại đồi này. Và mọi người nhất tâm rạng sáng sớm ngày 12–9 sẽ cử một đội cảm tử lên lấy đồi Kim Sơn.

Tâm hồn Cha nặng trĩu âu lo cho giờ đã định. Khi trời sáng Cha Bruyère ra chỗ trống nhằm gây sự chú ý của quân Văn Thân để cho các cảm tử quân hành quân động. Trong khi quân Văn Thân vừa mới ngủ dậy đang búi tóc và nhìn Cha Bruyère thì đội quân cảm tử tiến gần đến đỉnh đồi. Cùng lúc quân Văn Thân phát hiện có giáo dân đột kích cũng là lúc đội cảm tử lên đến đỉnh đồi và họ lập tức hô xung phong tấn công. Quân Văn Thân hoảng sợ bỏ chạy. Đội cảm tử hoàn toàn chiếm lại được đồi Kim Sơn. Họ thu được 9 khẩu súng các loại. Sau đó đốt doanh trại của Văn Thân.

Thấy không chiến thắng bằng vũ lực được, quân Văn Thân, một mặt mời cựu Đô Đốc Chưởng Thuỷ Tý đến để quyết hạ Trà Kiệu, một mặt siết chặt vòng vây nhằm làm cho giáo dân chết vì tuyệt lương. Có vậy thì ít ra họ cũng sẽ chiến thắng. Quả vậy, không chuẩn bị nên trong Giáo Xứ bắt đầu cạn nguồn lương thực.

Sang 14 tháng 9 là một ngày đầy căng thẳng, ở mạng Nam quân Văn Thân đông vô kể đã chiếm thành Chiêm và áp sát Giáo Xứ. Trong ngày 14 này quân Văn Thân còn có cả voi chiến nữa. Nguy tử đến nơi, nên ngay từ đầu đội dự bị nữ (đội 8) được triển khai chuẩn bị chiến đấu. Lạ thay, giáo dân vừa mới ra trận chưa đánh thì quân Văn Thân đã tháo lui bỏ chạy, mặc cho Chưởng Thuỷ Tý ngăn cản hô hào tiến lên. Cuối cùng chính Đô Đốc Chưởng Thuỷ Tý cũng bỏ mạng trong trận này. Còn đối với voi trận, chỉ với bó đuối giáo dân làm cho chúng tan tác.

Không tưởng ra được. Qua đây một cách nào đó cho thấy ắt hẳn phải có bàn tay thiêng liêng từ trời cao can thiệp giúp giáo dân Trà Kiệu thắng trận.

Sang ngày 15–9 một mặt lo củng cố, một mặt quân Văn Thân cho bắn đạn ria xuống Giáo Xứ, mỗi phát có từ 80 đến 100 viên. Có lần chính Cố Nhơn hưởng trọn một quả như vậy khi đang núp sau bụi tre. Cha cứ nghĩ thế là xong đời mình, theo bản năng tự nhiên, Cha sờ khắp mình và không thể tin được là mình vẫn còn sống mà lại chẳng hề hấn gì.

Mười lăm ngày trôi qua, mỗi ngày cuộc chiến càng khốc liệt, với điều kiện chênh lệch giữa hai bên như vậy mà Giáo Xứ Trà Kiệu vẫn còn đó, “chắc chắn là họ được Đức Mẹ Đồng Trinh che chở cách riêng”. Chúng ta hãy xem rồi sẽ kết thúc ra sao ?

Trong ngày 16–9–1885 quân Văn Thân mở ba cuộc hoả công, hai ở phía Bắc, một ở mạn Đông Giáo Xứ. Ở mạn Đông lại gặp đội 1 là đội quân cột trụ của Giáo Xứ từng làm quân Văn Thân phải khiếp sợ, do ông Trương Phổ chỉ huy. Cuộc chiến không kéo dài, chỉ chốc lát là quân Văn Thân bỏ mọi sự lo chạy giữ lấy thân. Trà Kiệu lại có thêm một chiến thắng nữa.

Ngày 17–9 quân Văn Thân án binh.

Ngày 18–9 quân Văn Thân dùng sào dài với một đầu được bó đầy gai dùng để “bổ xuống tóc người Công giáo”. Nhưng rồi họ cũng thất bại.

Bại trận liên miên, quân Văn Thân mệt mỏi, mất tinh thần, có kẻ đào ngũ nên họ án binh bất động suốt hai ngày 19 và 20 tháng 9. Còn phía giáo dân, mặc dù chiến thắng nhưng quân Văn Thân vẫn còn đó, lương thực lại thiếu đã gây nên khủng hoảng hơn cả phía quân Văn Thân nữa. Vì vậy giáo dân Trà Kiệu quyết định tấn công đẩy quân thù ra thật xa. Để được vậy trước tiên phải lấy lại đồi Non Trọc (Bửu Châu) đã.

Ngày 21–9 trước khi khai màn trận chiến, giáo dân Trà Kiệu cầu xin sự trợ giúp và che chở của Mẹ Maria Đồng Trinh. Đây là cuộc tấn công có tính quyết định nên mọi việc triển khai rất chu đáo. Khi phát hiện giáo dân chủ động tấn công, quân Văn Thân thúc voi ra trận và kìa lạ chưa, voi chiến không những không tiến mà còn lùi nữa mặc cho những tay nài không ngừng thúc búa lên đầu chúng.

Lúc đó, giáo dân Trà Kiệu nghe rất rõ tiếng quân Văn Thân kêu la: “Hãy nhìn kìa, đạo quân trẻ nhỏ xuống từ trên các luỹ tre, chạy là tốt nhất. Người Công Giáo đông quá”. Còn phía giáo dân thì chẳng thấy gì cả.

Sau phát súng hạ gục tên Văn Thân đầu tiên trên đỉnh đồi Bửu Châu thì quân Văn Thân một sức tháo chạy. Vì sợ người Công Giáo đuổi theo, quân Văn Thân chạy liên tục không nghỉ ra xa khỏi Trà Kiệu khoảng từ 15 đến 20km.

Chính ngày hôm nay 21-9 vòng vây bị phá tan. Toàn thể giáo dân Trà Kiệu kéo về tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và các Thiên Thần.

Đến ngày 23–9–1885 quân Văn Thân trở lại tấn công Trà Kiệu nhưng khi còn cách Trà Kiệu chừng 5km thì họ chạy trốn. Vì lúc đến cầu Câu Lâu họ nghe một tiếng nổ khủng khiếp và biết rằng thủ phủ Quảng Nam đã bị Pháp chiếm cứ.

Lần cuối cùng quân Văn Thân đến bao vây Trà Kiệu là ngày 20–4–1886, nhưng sớm tan rã để rồi không bao giờ trở lại Trà Kiệu nữa.

@ Sau khi theo dõi 21 ngày đêm cuộc can qua, chắc chắn người đọc đã nhận ra rằng: Giáo dân Trà Kiệu hoàn toàn không tự mình thoát khỏi sự bách-diệt. Mà rõ ràng có nguồn trợ lực thiêng liêng nào đó;chính là Thiên Chúa và Mẹ Maria vậy.

Từ đó về sau, Trà Kiệu luôn hưởng được sự an bình cách lạ lùng, điều mà không riêng chi giáo hữu Trà Kiệu mà ngay cả bà con lương dân cũng như những người hiểu thời cuộc đều nhận thấy Trà Kiệu khó lòng mà có được sự bình an như vậy.

8. Ngàn đời tri ân Mẹ

“Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, đây là tước hiệu của Đức Mẹ mà giáo dân Trà Kiệu khi xây ngôi Thánh đường trên đồi Bửu Châu lộng gió năm 1898 đã dâng kính Mẹ. Điều này nói lên tâm tình ngàn đời mãi tri ân Mẹ và nhắc nhở con cháu muôn thế hệ về sau nhớ đến Hồng Ân cao cả này của Mẹ. Ngôi Thánh đường này ban đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1927 Cha Tardieu cho xây lại bằng gạch, mái lợp ngói đất nung.

Đến năm 1966, Cha Lê Như Hảo cho xây lại kiên cố nguy nga hơn dựa theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Và được tu bổ khang trang như ngày nay sau một trận lở là do Cha Nguyễn Trường Thăng.

Bên cạnh đó ngay năm 1889 giáo dân Trà Kiệu và Cha xứ đã trùng tu lại Nhà Thờ chính để bày tỏ lòng tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria. Đến năm 1970 Cha Lê Như Hảo cho xây ngôi Thánh đường hai tầng như hiện nay và đã được tu bổ, trang hoàng lại do Cha Phaolô Mai Văn Tôn.

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3615: Làm Tuần Cửu Nhật Cầu Cho Hoa Kỳ (4/7-12/7/2016) (7/4/2016)
Cn 3614: Ơn Lành Đức Mẹ Fatima (7/4/2016)
Hiền Mẫu La Vang (7/3/2016)
Cn 3611: Lý Do Con Sống Là Để Thờ Lạy Chúa (7/2/2016)
Cn 3609: Cầu Nguyện Cho Tổ Quốc (7/1/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Cn 3593: Đức Mẹ Nói: Hai Phần Ba Nhân Loại Sẽ Mất (11) (6/20/2016)
Cn 3592: Mẹ Maria Nhắn Nhủ Từ Argentina (10) (6/20/2016)
Cn 3591: Quyền Phép Mạnh Thế Của Mẹ Hằng Cứu Giúp (6/20/2016)
Tin/Bài khác
Cn 3572: Đức Mẹ Nói Về Thánh Tâm Chúa Tại Argentina (9) (6/18/2016)
Cn 3584: Bức Tranh Đặc Biệt Vẽ Trong Nhà Tù (6/17/2016)
Cn 3580: Mẹ Garabandal Và Thị Nhân Conchita (4) (6/16/2016)
Cn 3579: Mẹ Garabandal Và Thị Nhân Conchita (3) (6/16/2016)
Cn 3578: Mẹ Garabandal Và Thị Nhân Conchita (2) (6/15/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768