MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria :: tác giả và tác phẩm :: đhy px thuận
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chân Dung Và Gương Linh Mục Việt Nam: Đhy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (4)
Thứ Tư, Ngày 23 tháng 9-2009
VietCatholic News (23 Sep 2009)
 
GƯƠNG LINH MỤC VIỆT-NAM 4
(Tiếp theo và hết)

IX. MỤC TỬ VIỆT-NAM LÀM VIỆC TẠI GIÁO TRIỀU.

Năm 1989, các Giám mục Việt-Nam hy vọng trao cho Cha trách vụ Chủ tịch hay Tổng thư ký Hội đồng Giám mục trong kỳ Đại hội thường niên dự trù diễn ra vào cuối năm. Tuy nhiên, cùng thời gian đó, Cha bệnh nặng phải đưa vào điều trị tại Sài-Gòn vì Hà Nội không đủ phương tiện.

Bộ Nội vụ gởi ông Nguyễn tư Hà vào gặp Cha tại bệnh viện và yêu cầu Cha từ chối bất cứ chức vụ nào, kể cả Chủ tịch các Ủy ban hay Tiểu ban. Cha trả lời Cha không kiểm soát sự chỉ định của Hội đồng và nếu được cử, Cha không thể từ chối. Ông Hà đã đến phiên họp của các Giám mục và thông báo rằng chánh phủ không muốn thấy Cha được bầu vào một chức vụ nào trong Hội đồng.

Trong khi Hội đồng Giám mục nhóm Đại hội, Cha phải chịu giải phẫu, chẳng những không thành công mà còn bị nhiễm độc. Cha không thể đến họp và các Giám mục không bầu cho Cha được.

Nhờ sự can thiệp của Medical Community of Saint Egidio tại Rôma, Cha được phép sang chữa trị tại Ý. Cuộc giải phẫu thành công và sau vài tuần tịnh dưỡng, Cha đã trở lại Quê Nhà. Về đến phi trường, hộ chiếu của Cha bị tịch thu để Cha không thể đi lại, dù trong nước và Cha bị canh chừng cẩn mật… vì, lúc đó, chế độ cộng sản tại các quốc gia Đông Âu lần lượt tan râ.

Đầu năm 1991, Đức Hồng Y Phạm đình Tụng viết thư xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha vào Sứ nhiệm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà nội với quyền kế vị. Giáo quyền Vatican thăm dò đề nghị này với thẩm quyền Việt-Nam. Họ nổi giận tức thì.

Cha được mời đến Bộ Nội vụ gặp Đại tá Nguyễn hồng Lam, đứng đầu cơ quan phản gián và phụ trách tôn giáo vụ. Ông này vừa cáo buộc Cha ‘chơi trò’ với chánh phủ vừa nói rằng Vatican không thể bổ nhiệm Cha mà không hỏi ý họ trước. Ông nổi xung nói: « Bây giờ, những người lãnh đạo ở Rôma đã đi xa. Bao nhiêu năm qua, cả họ và ông (Đức cha Thuận) đã biết chúng tôi không chấp nhận ông là Tổng Giám mục TP.Hồ chí Minh. Giờ đây, thật bất ngờ, khi Vatiacn muốn ông trở thành Tổng Giám mục tương lai của Hà nội. Đây là một mưu đồ lớn hơn kế hoạch được đề ra bởi Vatican và đế quốc vào năm 1975.»

Cha đã im lặng nghe và, sau đó, nhẹ nhàng trả lời: « Đó là một sự hiểu lầm, Tòa Thánh không ‘chỉ đạo’, đó không phải là một sự ‘bổ nhiệm’ tôi. Các Giám mục Việt-Nam đề nghị Tòa Thánh chọn tôi trở thành Tổng Giám mục phó Hà nội. Các Vị này đã làm như vậy vì muốn xây dựng một tương lai lâu dài (cho Giáo hội Việt-Nam). Các Vị biết tôi không được cho phép giữ một chức vụ lãnh đạo nào trong hiện tại, nên ‘chỉ định tôi lãnh nhận một chức vụ trong tương lai’. Tòa Thánh hiểu sự khôn ngan này và, do đó, Tòa Thánh yêu cầu chính phủ Việt-Nam chấp thuận đề nghị này.»

« Ông luôn luôn nói với một vọng dịu dàng ». Ông Lam trả lời, « nhưng ông không ngừng gây cho chúng tôi những vấn đề. Hiện giờ, chúng tôi có những chuyện phải giải quyết gấp. »

Ông quay lưng đi và, khi đối diện lại với Cha, bổng nhiên, ông đổi ý: « Sao ông không đi thăm song thân? » Ông Lam tử tế nói « và ở lại với ông bà một thời gian và trở lại khi mọi sự yên lặng lại. »

- Tôi đã đi thăm cha mẹ tôi rồi. Cha đáp.
Nhưng ông lại đề nghị:
- Như vậy, sao ông không đi Rôma trong một thời gian?

Câu chuyện được chấm dứt khi Cha nói:
- Được rồi. Tôi sẽ suy nghĩ đến việc đó.
(Tóm dịch theo ‘The Miracle of Hope’)

Ngày 21.09.1991, Cha rời Việt-Nam và chánh phủ Việt-Nam đã không cho Cha trở lại Quê Hương.

Sau nhiều lần Tòa Thánh thương nghị với Việt-Nam để Cha về lại Quê Hương, nhưng không kết quả. Ngày 09.04.1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.11.1994, Cha chính thức từ chức Tổng Giám mục phó Sài-Gòn. Quyết định như vậy, Cha phó thác mình cho Chúa Quan Phòng để phục vụ tại Giáo Triều Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói với Cha: « Hiền huynh đến từ một quốc gia chiến tranh và hiền huynh đã bị giam cầm trong mười ba năm. Bây giờ, hiền huynh chia sẻ kinh nghiệm đó cho những người dân tại các quốc gia đang chịu đau khổ và bất công. Như vậy, chúng ta có thể thăng tiến Công lý và Hòa bình và giúp họ tìm hiểu những quyền của họ. »

Cha đã học hỏi những vấn đề của thế giới phức tạp về chính trị và công bằng xã hội từ Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và Đức Hồng Y Roger Etchegaray, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình. Những vấn đề về nhân quyền, thương mại thế giới, toàn cầu hóa, các quốc gia đang phát triển và những hậu quả tiếp diễn do sự sụp đổ của Liên bang Sô viết và các chế độ Cộng sản tại Đông Âu. Cha rất thích những cuộc tiếp xúc với các Giám mục đến từ các quốc gia khắp Năm Châu.

Tiếp đến, ngày 24.06.1998, Đức Cha được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế Đức Hồng Y Roger Etchegaray.

Vài tháng sau, ngày 18.11.1998, Cha kêu gọi sự xóa giảm nợ cho các quốc gia Trung Mỹ châu bị tàn phá bởi cơn bão xoáy (cyclone) Mitch. Sau đó, Cha gởi lời cám ơn những quốc gia giảm nợ theo lời Cha yêu cầu và, đồng thời, Cha cũng nhắc nhở lãnh đạo các quốc gia Trung Mỹ trách nhiệm của họ khi vay nợ ngoại quốc.

Trong Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, từ chiều ngày 12 đến 18.03.2000, Đức Cha đã giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều Rôma và đã được Đức Giáo Hoàng cám ơn như sau: « …Tôi đã ước mong rằng trong năm Đại Toàn Xá nầy, cần có một chỗ đặc biệt được dành cho chứng tá của những người đã chịu ‘đau khổ vì đức tin, đã trả bằng máu sự gắn bó của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, hoặc can đảm chịu đựng những năm thật dài cảnh tù ngục và thiếu thốn đủ loại’ (Tông sắc ‘Mầu nhiệm nhập thể’, số 13). Hiền Đệ đã chia sẻ chứng tá đó một cách nồng nhiệt và đầy xúc động, chứng tỏ rằng, trong toàn thể cuộc sống con người, tình thương xót của Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý luận của loài người, tại những phần đất khác nhau trên thế giới, đang tiếp tục phải trả giá thật đắt cho chính niềm tin của mình nơi Chúa Kitô… ». Những bài giảng tĩnh tâm nầy đã được in thành sách ‘Chứng Nhân Hy Vọng’, phát hành bằng ít nhất 12 thứ tiếng.

Ngày 19.03.2000, Lễ Thánh Giuse, ngày bế mạc cuộc tĩnh tâm cũng là ngày mà Giám mục kế vị Cha tại Giáo phận Nha Trang, Đức cha Nguyễn văn Hòa, khánh thành một nhà thờ mới tại Cây Vong, nơi Cha bị tù trong giai đoạn đầu tiên.

Ngày 21.01.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn Cha vào Hồng Y Đoàn.

X. SỰ HÌNH THÀNH ‘TÓM LƯỢC HỌC THUYẾT XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO’

Đáp ứng nguyện vọng của các Đức Giám mục tham dự Thượng hội đồng Giám mục Mỹ châu năm 1997, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã yêu cầu Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình thực hiện một ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.

Khi đó, Cha đang là Phó Chủ tịch Hội Đồng Giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình và, từ ngày 24.06.1998, Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm Cha giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng này. Đầu năm 1999, Đức Gioan-Phaolô II đề nghị Cha viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’.

Như vậy, vị Mục Tử Việt-Nam đã chịu nhiều bất công (13 năm tù không bản án, công dân mang hộ chiếu Việt-Nam bị cấm trở về Quê hương) nay giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Công Lý và Hoà Bình. Với trách vụ đó, tại Vatican City, ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, Cha đã ký ban hành ‘SƯU TẬP NHỮNG BẢN VĂN CỦA HUẤN QUYỀN VỀ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO’. Trong bản Sưu Tập nầy, Đức Cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.
Cha tiếp tục viết ‘Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo’. Nhưng tình trạng sức khỏe Cha không cho phép như Đức Hồng Y Renato Raffaele Martino, đã viết trong ‘Lời Giới Thiệu’:
« Vị tiền nhiệm của tôi, Đức cố Hồng y đáng tiếc và khả kính Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, với sự khôn ngoan, sự kiên quyết và tầm nhìn xa trông rộng, đã thực hiện phần chuẩn bị phức tạp của tài liệu này. Chứng bệnh hiểm nghèo đã không cho ngài cơ hội hoàn thành phần kết thúc và xuất bản. Công việc trên đã được giao phó cho tôi và hôm nay dành cho tất cả những ai đọc quyển sách này, vì thế công trình này mang dấu ấn vị chứng nhân vĩ đại của Thập Giá, người đã có niềm tin mãnh liệt trong những năm gian khổ của đất nước Việt-Nam. Vị chứng nhân này sẽ thấu hiểu lòng biết ơn của chúng ta đối với sự lao động quý báu, tràn ngập bởi tình yêu và sự tận tuỵ của ngài, và ngài sẽ chúc lành cho những ai biết dừng lại để suy tư khi đọc những trang sách này.

XI. CHÚA GỌI CHA RA KHỎI THẾ GIAN.

Lúc 18 giờ, ngày 16.09.2002, Cha đã được Thiên Chúa gọi ra khỏi thế gian. Ngay khi hay tin Cha qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, đã tuyên bố với báo chí: « Một vị Thánh vừa qua đời. »

Chiều ngày 20.09.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II từ Castel Gandolfo đã trở về Vatican, để chủ sự Thánh Lễ An táng Cha với Giáo Triều và 172 phái đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh đã tiển biệt trong một Thánh Lễ trọng thể.

Nhân dịp nầy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ lời:

« Trong 13 năm ngục tù, ngài (Đức Hồng Y Thuận) đã hiểu nền tảng của đời sống Kitô hữu là ‘chọn một mình Chúa mà thôi’ như các vị tữ đạo Việt-Nam đã làm trong những thế kỹ trước. Chúng ta được mời gọi rao giảng cho tất cả mọi người ‘Tin Mừng Hy Vọng’, và Đức Hồng Y giải thích rằng: chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất. Đức Hồng Y nói: ‘Hãy nêu cao giá trị của sự đau khổ như một trong muôn vàn khuôn mặt của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và hiệp nhất đau khổ của mình với khổ đau của Chúa, có nghĩa là đi vào chính năng động khổ đau, yêu thương có nghĩa là tham dự vào ánh sáng, sức mạnh, an bình của Chúa; có nghĩa là tìm lại được nơi chính mình một sự hiện diện mới mẻ, sung mãn, của Thiên Chúa.

Đây không phải là sự anh hùng, nhưng là sự trung thành chín chắn, hướng cái nhìn về Chúa Giêsu là mẫu gương của mọi chứng nhân và mọi vị tử đạo. Một gia sản cần được đón nhận mọi ngày trong một cuộc sống đầy yêu thương và dịu hiền.

Con người Đức Hồng Y là một tấm gương sáng ngời về đời sống Kitô, phù hợp với Đức Tin, cho đến độ tử đạo. Đức Hồng Y nói về mình với sự đơn sơ thật đặc biệt: "Trong vực thẳm những đau khổ của tôi,.. . tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không hề loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi". Bí quyết của Đức Hồng Y là lòng tín thác kiên cường nơi Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng kinh nghiệm và đau khổ được Đức Hồng Y chấp nhận với lòng yêu mến. Trong tù, mỗi ngày Đức Hồng Y đã cử hành Thánh Lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay. Đó là bàn thờ của Người, là Nhà thờ chính tòa của Người, Mình Thánh Chúa Kitô là ‘thuốc’ của Người, Đức Hồng Y cảm động kể lại: ‘Mỗi lần như thế tôi được dịp giang tay ra và chịu đóng đinh bản thân trên Thánh giá với Chúa Giêsu, được sống chén đắng với Chúa. Mỗi ngày khi đọc lời truyền phép, tôi hết lòng củng cố một giao ước mới, giao ước đời đời giữa tôi và Chúa Giêsu, nhờ máu của Chúa hòa lẫn với máu của tôi’.

Trung thành cho tới chết, Ngài giữ được sự bình thản và niềm vui cả trong lúc nằm lâu và phải đau đớn trong bệnh viện và, trong những ngày cuối, khi không còn nói được nữa, Ngài nhìn chăm chú vào ảnh Thánh giá, Ngài cầu nguyện trong thinh lặng, khi hy lễ tối cao của Ngài tới tuyệt đỉnh, hoàn thành cách vinh quang một cuộc đời đánh dấu bằng sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trên Thánh giá.

Trong chúc thư tinh thần, sau khi xin lỗi, Đức Hồng Y cam đoan tiếp tục yêu mến tất cả mọi người. Đức Hồng Y quả quyết: ‘Tôi thanh thản ra đi, và tôi không giữ lòng oán hận nào đối với ai. Tôi dâng tất cả những đau khổ tôi đã trải qua cho Đức Mẹ Vô Nhiễm và Thánh Giuse’. Chúc thư tinh thần kết thúc với ba lời nhắn nhủ: ‘Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người’. Đây chính là tổng hợp trọn cuộc sống của Đức Hồng Y. »

và Đức Thánh Cha đã kết luận:

« Giờ đây, ước gì cùng với Thánh Giuse và Mẹ Maria, Đức Hồng Y được đón nhận vào trong niềm vui của Thiên Đàng, chiêm ngắm Tôn Nhan rạng ngời của Chúa Kitô, Đấng trên trần thế đã nhiệt thành tìm kiếm như niềm Hy vọng duy nhất của mình. Amen! »

XII. ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC

Năm năm sau ngày Người về Nhà Cha, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã tổ chức Thánh Lễ đồng tế do Đức Hồng Y Renato Raffael Martino, đương kim Chủ tịch và là người kế vị Cha, chủ sự lúc 11 giờ ngày chúa nhật 16.09.2007 tại Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala, nhà thờ dành cho Cha tại Rôma), để tưởng nhớ một chứng nhân hòa bình và hy vọng.

Tham gia sáng kiến mở án phong Chân Phước cho Đức Hồng Y, ngoài Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình còn có Quỹ Thánh Matthêu tưởng niệm Cha, Hội Quan sát Quốc tế Văn Thuận về Đạo lý xã hội Công Giáo, thân nhân và bạn hữu của Cha, cũng như cộng đoàn Công giáo Việt-Nam ở Rôma.

Đức Hồng Y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã mời bà luật sư Silvia Monica Correale làm thỉnh nguyện viên Án phong Chân phước cho Cha.

Nhân dịp này, một buổi triều yết đã diễn ra ngày thứ hai 17.09.2007 tại Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo. Trong diễn văn, Đức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã nói:

« Tôi vui mừng, nhân cơ hội này để, một lần nữa, nêu lên chứng tá Đức Tin sáng ngời mà vị Mục Tử anh dũng này đã để lại cho chúng ta. Giám Mục Phanxicô Xavie đã được vị tiền nhiệm Gioan Phaolô 2 đáng kính của tôi bổ nhiệm làm Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình. Nguời đã tiến hành ‘Toát Yếu Giáo Huấn xã hội của Hội Thánh’. Làm sao quên được những nét nổi bật về sự đơn sơ và thân thiện ngay của Người?

Chúng ta tưởng nhớ Ngài với sự thán phục lớn lao, trong khi chúng ta nghĩ lại trong tâm trí chúng ta những dự phóng lớn lao và tràn đầy Hy vọng, đã làm cho Ngài luôn sống động và Ngài tìm cách thế để dễ dàng loan truyền ra và thuyết phục nhiều người; sự dấn thân đầy nhiệt huyết của Ngài để quảng bá học thuyết xã hội của Hội Thánh giữa những người nghèo trên thế giới, và lòng hăng say truyền bá Phúc âm trong lục đia Á Châu của Ngài, khả năng Ngài điều hợp các hoạt động bác ái và thăng tiến con người mà Ngài làm tăng thêm và nâng đỡ tại những nơi nặng nề nhất trên thế giới.

Đức Hồng Y Văn Thuận là một con người của Hy Vọng, Ngài sống bằng Hy Vọng, Ngài phổ biến Hy Vọng cho tất cả những ai Ngài gặp. Chính nhờ năng lực thiêng liêng này mà Ngài đã chống lại được tất cả những khó khăn thể lý và luân lý. Hy Vọng đã nâng đỡ Ngài khi là Giám mục bị cô lập trong vòng 13 năm trời, xa cách khỏi cộng đoàn giáo phận của Ngài;

Hy Vọng giúp Ngài biết nhìn ra qua cái vô lý của các biến cố xảy đến cho Ngài - không bao giờ được xét xử trong những năm tù ngục - một kế đồ của sự quan phòng của Thiên Chúa.

Tin về bệnh ung thư, căn bệnh đưa Ngài tới cái chết, tin này đã đến với Ngài cùng lúc với việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt Ngài làm Hồng Y, vị Giáo Hoàng này bày tỏ với Đức Hồng Y một sự trân trọng và tình cảm thật lớn lao.

Đức Hồng Y Văn Thuận thường nhắc lại rằng Kitô hữu là một con người của từng giờ, của lúc này, của giây phút hiện tại, cần được đón nhận và sống với tình yêu Chúa Kitô. Trong khả năng sống giây phút hiện tại này chiếu tỏa ra cái sâu thẳm của việc phó thác trong bàn tay Thiên Chúa và tính đơn sơ như trong Phúc âm dạy mà chúng ta tất cả đều kính phục Ngài. Và làm sao có thể xấy ra điều này - người ta tự hỏi - một người đặt tin tưởng vào Chúa Cha trên trời mà lại từ chối để mình được ôm ấp vào cánh tay của Chúa Cha sao? Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người hy vọng, đã sống hy vọng và phổ biến hy vọng nơi tất cả những người Người gặp. Chính nhờ năng lực tinh thần ấy, Đức Hồng Y đã chống lại tất cả những khó khăn về thể lý và tinh thần. Niềm hy vọng ấy đã nâng đỡ Người như một Giám Mục bị cô lập trong 13 năm trời xa cách cộng đoàn giáo phận của Người; niềm hy vọng đã giúp Người nhận thấy, trong sự vô lý của các biến cố xảy ra cho Người, một kế hoạch của Chúa Quan Phòng - Đức Hồng Y không hề được xét xử trong thời gian lâu dài bị giam cầm. »

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

« Anh chị em thân mến, tôi vui mừng sâu xa đón nhận tin về việc khởi sự án phong chân phước cho vị Ngôn Sứ đặc biệt này của niềm hy vọng Kitô, và trong khi chúng ta phó thác cho Chúa linh hồn ưu tuyển của Người, chúng ta hãy cầu nguyện để tấm gương của Đức Cố HY là giáo huấn hữu hiệu cho chúng ta. Với lời cầu chúc đó, tôi thành tâm ban phép lành cho tất cả anh chị em. »

XIII. KHEN THƯỞNG VÀ VINH DANH

A.- Lúc 18 giờ ngày 09.06.1999 tại Tòa Đại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh, ở Roma, ông Đại sứ Pháp, đã nhân danh Tổng thống Cộng hòa Pháp, trao tặng Huy Chương ‘Commandeur de l’Ordre National du Mérite’ (Huân chương Quốc gia cho Người có Công Trạng, Đệ Tam Đẳng) cho Cha.

Trước khi trao tặng Huy chương, Ông Đại sứ nói đến công trạng của Cha đối với Nước Pháp và cách riêng với Giáo hội Pháp. Ông cũng nhắc đến những năm Cha bị giam tù và những tác phẫm rất hấp dẫn và bổ ích, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, do Cha viết trong những năm dài của cuộc thử thách. Trong đáp từ, Cha cám ơn Tổng thống, Dân tộc và Giáo hội Pháp về cử chỉ tốt đẹp này. Rồi Cha nhắc lại những mối giây liên kết từ lâu đời của gia đình mình và của chính Cha với nền văn hóa Pháp, với các nhà truyền giáo Pháp và với Giáo hội Pháp, nhất là trong những năm vừa qua, nhờ vào những hoạt động tại nhiều nơi, tại nhiều đoàn thể và nhờ vào tình nghĩa thiết với nhiều vị Linh mục và Giám mục tại Pháp và tại Rôma.

B.- Năm 2000, Cha được trao tặng hai giải thưởng hòa bình: Giải Man For Peace (Người Vì Hòa Bình) và giải thứ hai là Artefice della Pace (Người Kiến Tạo Hòa Bình).

C.- Sáng ngày 15.09.2009, tổ chức ‘San Matteo’ mở cuộc họp báo tại Văn phòng Báo chi Tòa thánh để tuyên bố kết quả giải thưởng Nguyễn Văn Thuận lần thứ hai và các giải thưởng Đoàn kết và Phát triển Nguyễn Văn Thuận. Giải này được tưởng thưởng cho những người xuất chúng trong sự nghiệp đề cao và bảo vệ nhân quyền.

Tham dự cuộc họp báo có Đức Hồng Y Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, và Đức ông Marco Frisina, Giám đốc ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma đồng thời là tác giả ca khúc vinh danh cố Hồng y Thuận nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng), trích từ các kinh Cha đã biên soạn.

Trong buổi lễ trao giải vào ngày 16.09.2009 tại Palazzo Colonna ở Roma, Giải Nguyễn Văn Thuận năm 2009 được trao cho Đại Công tước (Grand Duke, tương đương Quốc trưởng) Henri de Nassau của Luxembourg vì những nỗ lực của ông trong việc bảo vệ quyền sống và quyền tự do tôn giáo. Mùa thu 2008, ông lên tiếng cho biết ông sẽ từ chối ký ban hành Dự luật Trợ Tử, khiến Quốc hội Luxembourg phải tu chính Hiến pháp để Dự luật trở thành Luật được áp dụng hợp hiến.

Các giải Đoàn kết và Phát triển, mỗi giải trị giá 15000 euro, được trao cho 4 dự án hoạt động nhân đạo nhằm tài trợ các hoạt động cho nhân quyền và xã hội:

1- Trung tâm Phát triển Khả năng cho Người Khiếm thị tại Pakkred, Thái lan, do Lm Carlo Velardo dòng Don Bosco điều hành.
2- Dự án ALAS của Tổ chức "Caminos de Libertad" thuộc tổng giáo phận Bogota nước Colombia, để xây dựng một trung tâm quốc gia dành cho công tác mục vụ trong các trại giam.
3- Tổ chức Bất vụ lợi "Cooperazione Missionaria e Sviluppo" do Đức ông Andrea Vece điều hành tại giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Salemo, nước Ý.
4- "ROCHER L'oasis des cites", một hiệp hội chuyên về các dự án giáo dục và xã hội để phục vụ cư dân những vùng ngoại ô gặp ‘khó khăn’ cạnh các đô thị ở Pháp.

Ngày 17.09.2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp Đại Công tước Henri de Nassau và đại diện 4 tổ chức nhận giải thưởng tại Castel Gandolfo. Đức ông Marco Frisina và ca đoàn Tổng Giáo phận Rôma trình diễn ca khúc vinh danh Cha nhan đề ‘Sentieri della speranza’ (những nẻo Đường Hy vọng).

C.- Ngoài ra, một tổ chức khác mang tên Viện Quan sát Quốc tế Văn Thuận www.vanthuanobservatory.org có nhiệm vụ phổ biến các văn kiện, tổ chức hội thảo các vấn đề liên quan đến Giáo huấn xã hội Công giáo.

XIV. LỜI NGƯỜI ĐI TRƯỚC.

Sau khi trở thành Hồng Y, Cha đã đi Sydney để gặp Bà Cố. Một người đã hỏi Bà, trước sự hiện diện của Cha, là Bà có hãnh diện về sự thăng chức Hồng Y của con mình. Bà trả lời: « Tôi luôn hãnh diện về con tôi. Là Hồng Y, hay Tổng Giám mục, hay một Linh mục ý nghĩa gần như nhau miễn sao Cha luôn phụng sự Thiên Chúa một cách xứng đáng nhất. Được tham gia Hồng Y Đoàn để làm sáng danh Thiên Chúa. Lúc đó, dĩ nhiên, tôi rất hạnh phúc. »

Mạng lưới VietCatholic News ngày 14.07.2009 có đăng ‘10 ĐIỀU RĂN CỦA LINH MỤC’ do Cha viết:

1. Những gì tôi sống trong tư cách là một Linh Mục, thì quan trọng hơn những gì tôi làm.
2. Những gì Chúa Kitô làm qua trung gian của tôi, thì quan trọng hơn những gì do chính tôi làm.
3. Những gì tôi với anh em Linh Mục cùng sống, thì quan trọng hơn những gì tôi làm một mình, dù hăng say tới mức suýt bị mất mạng.
4. Những gì tôi sống cho Kinh nguyện và Lời Chúa, thì quan trọng hơn những tổ chức sinh hoạt bên ngoài.
5. Những gì tôi sống vì lợi ích thiêng liêng của người cộng tác, thì quan trọng hơn những công việc tôi làm cho lợi ích của mình.
6. Hiện diện ít nơi nhưng thiết yếu để đem lại sức sống, thì quan trọng hơn có mặt khắp nơi nhưng vội vàng và nửa vời.
7. Hoạt động cùng với người cộng tác, thì quan trọng hơn là làm một mình, cho dù mình có nhiều khả năng hơn họ. Nói cách khác, hợp tác thì quan trọng hơn hành động riêng rẽ.
8. Hy sinh thập giá âm thầm bên trong, thì quan trọng hơn những thành quả đạt được bên ngoài.
9. Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, Giáo phận và Giáo hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa.
10. Làm chứng về Đức Tin trước mặt mọi người, thì quan trọng hơn tìm cách thoả mãn thị hiếu của họ.
 
Hà-Minh Thảo
Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (10/24/2010)
Kinh Xin Ơn (đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) (1/19/2010)
Radio Giờ Của Mẹ Tin Yêu (gty) 427 Ngày 17/1/2010, Ơn Chữa Lành Do Lời Cầu Bầu Của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (corrected) (1/16/2010)
Tác Phẩm Thập Đại Bệnh: 4 - Bệnh Cá Nhân Chủ Nghĩa (9/27/2009)
Tác Phẩm Thập Đại Bệnh: 3 - Bệnh Phô Trương Chiến Thắng (9/27/2009)
Tin/Bài khác
Chân Dung Và Gương Linh Mục Việt Nam: Đhy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (3) (9/20/2009)
Chân Dung Và Gương Linh Mục Việt Nam: Đhy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (2) (9/17/2009)
Tiểu Sử Đức Cồ Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (9/16/2009)
Chân Dung Và Gương Linh Mục Việt Nam: Đhy Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận(1) (9/16/2009)
Khiêm Tốn Và Hiền Lành Đích Thực (9/16/2009)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768