MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Skip Navigation Links.
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tài Liệu Về Đức Mẹ</span>Tài Liệu Về Đức Mẹ
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đức Mẹ Việt Nam</span>Đức Mẹ Việt Nam
Lòng Thương Xót Chúa
Mục Bác Ái / Xin Giúp Đỡ Vn
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tiểu Mục</span>Tiểu Mục
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Đề Mục Chính</span>Đề Mục Chính
Gallery
Expand <span onmouseover='TreeView_ToggleNode_Hover(this)' onmouseout='TreeView_ToggleNode_Out(this)'>Tác Giả Và Tác Phẩm</span>Tác Giả Và Tác Phẩm
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: suy niệm
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Chứng Thực
Thứ Năm, Ngày 16 tháng 4-2020
CHỨNG THỰC

Sự thật mãi mãi là sự thật, và chỉ có sự thật mới có thể giải thoát con người. (Ga 8:32) Về ngữ nghĩa, chữ giải thoátgiải phóng có nghĩa tương tự – theo Phật giáo là giác ngộ, nhưng thiết nghĩ nên tránh chữ “giải phóng” trong thời đại ngày nay. Muốn “giải phóng” người khác thì mình phải hơn người khác, kẻ kém cỏi hơn không thể “giải phóng” người hơn mình – bất cứ lĩnh vực nào.

Bởi vì cuộc đời có nhiều thứ giả dối nên người ta càng cần sự thật. Muốn biết sự thật thì phải kiểm chứng xem thực – hư ra sao, không nên nhẹ dạ cả tin trong xã hội nhiễu nhương ngày nay. Đức tin vẫn cần lý trí. Có lẽ vì vậy mà Tôma tông đồ chưa tin ngay dù đã nghe nhiều người nói, mà muốn kiểm chứng sự thật về Người Thầy chí thánh của mình.

Ngôn ngữ biểu hiện bằng chữ. Mà chữ thì phải có nghĩa. Nghĩa phải rõ ràng, chính xác, không thể hàm hồ. Và rồi người ta đã có chủ nghĩa thực chứng (positivism). Đó là học thuyết triết học cho rằng các định đề không thể xác minh được khi đối chiếu với bằng chứng thực tiễn thì chí ít cũng không thể chấp nhận đó là một bộ phận của khoa học, nghiêm túc nói thẳng nói thật thì đó là điều vô nghĩa.

Chủ nghĩa thực chứng là khuynh hướng nhận thức luận của triết học và xã hội học, cho rằng phương pháp khoa học là cách thức tốt nhất để lý giải các sự kiện của tự nhiên, xã hội và con người. Khái niệm này được phát triển ở đầu thế kỷ 19 bởi triết gia và nhà xã hội học Auguste Comte, người Pháp. Từ chủ nghĩa này dẫn tới chủ nghĩa duy vật và vô thần, cũng dính líu Hội Tam Điểm. Hội này theo chủ nghĩa duy tâm mơ hồ, tôn kính các thực thể trừu tượng như Tính Nhân Đạo, Khoa Học, Lý Luận, và muốn loại bỏ Giáo Hội. Thực sự rất nguy hiểm đối với đức tin Công giáo!

Tên gọi Hội Tam Điểm (Anh ngữ: Freemasonry, Pháp ngữ: Franc-maçonnerie, nghĩa là “nền tảng tự do”) dùng để chỉ một tập hợp các hiện tượng lịch sử và xã hội rất khác nhau tạo dựng từ môi trường hội nhập mà việc tuyển chọn thành viên dựa theo nguyên tắc bổ sung và các nghi lễ gia nhập có liên quan các ẩn dụ về người thợ xây đá. Việt ngữ gọi hội này là “Tam Điểm” vì các hội viên người Pháp thường gọi nhau là frère (sư huynh, sư đệ) hoặc maître (sư phụ), viết tắt F hoặc M và thêm vào phía sau dấu ba chấm như ba đỉnh hình tam giác đều.

Đầu thế kỷ 20, các nhà xã hội học Đức (Max Weber và Georg Simmel) đã phản đối thuyết thực chứng và lập nên trường phái Phản Thực Chứng (Anti-Positivism) trong xã hội học.

Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), CN II PS, được Thánh GH Gioan Phaolô II chính thức thiết lập vào ngày 30-4-2000, ngày tuyên thánh Nữ tu Faustina Kowalska (1905-1938). Cách gọi khác nhưng chỉ một ý nghĩa. Cũng vậy, Tình Yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa, và LCTX vẫn là một. Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina, vị Tông đồ tiên khởi của LCTX, về ước muốn của Ngài: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó.” (Nhật Ký, số 341) Và điều đó đã được phổ biến toàn cầu ngày nay, đặc biệt trong cơn đại dịch corona này, con người càng cần đến LCTX hơn bao giờ hết.

Trong Nhật Ký, Thánh Faustina cho biết lời hứa của Chúa Giêsu: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta.” (số 1109) Đó là Ơn Toàn Xá mà Người Trộm Lành Dismas (Dimas) đã được lãnh nhận ngay trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, khoảng 3 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cũng từ Giờ Cứu Độ đó, Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã tuôn trào chan hòa mãi đến muôn đời cho mọi người, chỉ với một điều kiện đơn giản là thật lòng SÁM HỐI và TIN TƯỞNG vào LCTX – Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.

Trên đường lữ hành trần gian, đức tin rất quan trọng. Thánh Phaolô nói: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.” (Rm 3:28) Ngoài Tám Mối Phúc, còn có Mối Phúc đặc biệt liên quan đức tin, có thể gọi là “mối phúc thứ chín,” do chính Chúa Giêsu xác nhận: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29) Và chắc chắn rằng “bất kỳ ai tín thác vào Ngài, Đức-Kitô-làm-người-chịu-chết-và-phục-sinh, sẽ không phải thất vọng.” (x. Rm 10:11; 1 Pr 2:16) Trong tình trạng “cách ly xã hội” ngày nay, mỗi người có thể tự kiểm chứng xem đức tin của mình như thế nào khi không thể cùng nhau tham dự Phụng Vụ với cộng đoàn.

Đức tin chân chính khác với mê tín dị đoan, mặc dù cũng liên quan niềm tin. Trong niềm tin lệch lạc có liên quan tử vi. [1] Có người lý luận rằng tử vi là khoa học, không có tội. (sic!) Coi chừng! Tử vi cũng gọi là “tử vi đẩu số,” một hình thức bói toán để biết trước vận mệnh con người được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết âm dương, ngũ hành, can và chi,… Người ta lập lá số tử vi với Thiên bàn, Địa bàn và các Cung sao – gọi là “chấm tử vi.” Căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính để lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người. Vậy không phải là dị đoan ư? Miệng leo lẻo nói tin Chúa mà lòng có tin chưa? Tương lai chúng ta phó thác trong tay Chúa hay tử vi? Tin thật trong lòng hay tin bằng môi miệng?

Câu nói đơn giản mà thâm thúy: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Đúng vậy, cái “phẩm” quan trọng hơn cái “lượng.” Rễ càng sâu thì cây càng vững, loại cây nào có rễ ăn nổi thì dễ đổ khi gặp mưa gió. Vấn đề đức tin cũng vậy, nếu không có chiều sâu thì chỉ là đức tin trống rỗng, hào nhoáng bề ngoài mà thôi. Một thực tế minh nhiên.

Đề cập cách sống đức tin, Thánh Faustina cho biết: “Tôi đã thấy rõ thánh ý Chúa đang và sẽ được thực hiện đến từng chi tiết cuối cùng. Những nỗ lực điên cuồng của kẻ thù không thể cản trở chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những điều Chúa đã tiền định. Chẳng hề gì nếu có những lần công cuộc dường như hoàn toàn bị tiêu tan; vì chính khi ấy, công cuộc lại càng được củng cố hơn nữa.” (Nhật Ký, số 1659) Những cái nhỏ mà quan trọng, vì chính cái nhỏ lại là cái cơ bản thiết yếu.

Thánh Vịnh gia luôn giữ vững niềm tin: “Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn.” (Tv 73:26) Chỉ người nào có đức tin son sắt như vậy mới có thể nói như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8:39) Tin vào Chúa là tin vào Tình Yêu của Ngài, là tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Đức tin càng trong ngần càng sâu sắc và mạnh mẽ.

Kinh Thánh kể ngắn gọn nhưng hàm súc: “Ngày xưa, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh TẠI TƯ GIA, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2:42-47) Trong thời gian này, mọi hoạt động cũng xảy ra “tại tư gia” chứ không như trước đây – trong đó có việc tham dự Thánh Lễ online. Sinh hoạt gia đình là cách kiểm chứng đức tin của tín nhân.

Chỉ một đoạn ngắn gọn nhưng cho thấy rõ nét của một xã hội đại đồng, một cộng đoàn lý tưởng, luôn đầy ắp tình yêu thương, tình liên đới và sự hiệp nhất. Sống trong tình yêu thương như vậy là sống trong lòng thương xót, ai cũng thể hiện lòng thương xót với nhau ở mọi góc độ và mọi cấp độ, không chi li, không so đo, không tính toán, không phe cánh, không vụ lợi, biết quên mình vì người khác,... Những ai sống đúng lòng thương xót như vậy thì chắc chắn được Thiên Chúa cứu độ.

Điều đó được chứng thực bằng những hoạt động nhân đạo trong hoàn cảnh khó khăn giữa cơn đại nạn này: Máy ATM Gạo, những phần thực phẩm chia sẻ cho những hoàn cảnh khó khăn,… Câu nói nhẹ nhàng mà thấm thía: “Nếu bạn khó khăn, cứ lấy một phần; nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác.” Nhưng vẫn lấn cấn nỗi buồn khi thấy có những người còn tham lam, nỡ lòng “cướp” phần của những người nghèo, đánh cắp lòng nhân đạo của người khác. Họ dư tiền nhưng thiếu (hoặc không có) lòng tự trọng.

Thiên Chúa bất biến, trước sau như một, mãi mãi là Đấng giàu lòng thương xót: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:2-3) Thật vậy, Thiên Chúa muốn mọi người đều được hưởng Ơn Cứu Độ, không muốn ai phải hư mất. Mỗi chúng ta đều có chung nhiệm vụ phải loan báo LCTX, chứng tỏ cho mọi người biết Ngài qua cách sống của mình để tuyên xưng: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.” (Tv 118:14)

Đức Kitô Giêsu là “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” nhưng lại “trở nên đá tảng góc tường.” (Tv 118:22) Đó là công trình vĩ đại vô song của Thiên Chúa. Vì thế, các tín nhân hiệp nhất đồng thanh: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!” (Tv 118:24) Chúa Giêsu đã phục sinh, trao ban cho nhân loại mọi thứ để có thể đạt tới Cõi Trường Sinh.

Vui mừng phấn khởi, Thánh Phêrô xưng tụng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết.” (1 Pr 1:3-5) Đó là lời chứng của một người đã trải nghiệm các cung bậc sống, thực sự là lời chứng đáng tin vì hoàn toàn chính xác. Thánh Phêrô là nhân chứng sống, để nhờ đó, chúng ta có thể kiểm chứng và chứng thực đức tin của mình.

Vừa nhắn nhủ vừa động viên, Thánh Phêrô nói: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.” (1 Pr 1:6-7) Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Qua gian khổ mà vẫn trung tín thì mới chứng tỏ đức tin sắt son, không nao núng trước mọi cám dỗ. “Không thấy mà tin” là một Mối Phúc, nhưng miệng nói tín thác vào LCTX mà lại tin vào tử vi thì hoàn toàn bất xứng. Việc lặp đi lặp lại “lời tín thác” cũng chỉ như niệm thần chú, nói như vẹt, chứ trong lòng chưa thực sự tin tưởng. Vô ích mà thôi, bởi vì “đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26)

Đúng như vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã minh định: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21) Thánh Phêrô lý giải rạch ròi: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.” (1 Pr 1:8-9)

Ga 20:19-31 là trình thuật Tin Mừng quen thuộc nói về tình trạng “cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Trong một bộ phim hoặc cuốn truyện, nhân vật phản diện thường không được người ta có cảm tình. Thế nhưng chúng ta quên rằng, chính nhân vật phản diện đó lại làm “nền” để nhân vật chính diện được nổi bật. Có lẽ Thánh Tôma cũng là “đích nhắm” của chúng ta mỗi khi nói tới đức tin, nhất là trong Mùa Phục Sinh hằng năm.

Rất có thể tông đồ Tôma là người sống thực tế, cần cụ thể, cái gì cũng phải rạch ròi, không thích mơ hồ hoặc lập lờ nước đôi. Chúng ta cứ chê ông cứng lòng, nhưng chúng ta cũng vẫn cứng lòng đó thôi, bằng chứng là chúng ta chưa thực sự tin vào Kinh Thánh và các chứng cớ của Giáo Hội, thế nên đức tin của chúng ta đôi khi vẫn “nghiêng ngả” Trong khi gặp gian khổ, và chúng ta vẫn “chạy đua” về các “sự lạ” ở chỗ này hoặc chỗ nọ vì “máu xám” tò mò hoặc hiếu kỳ hơn là “máu đỏ” đức tin. Như vậy không gọi là cứng lòng tin thì gọi là gì? Đến lượt chúng ta cần kiểm chứng chính mình ngay trong lúc chống chọi với con virus Vũ Hán giữa “mùa dịch” này.

Thánh sử Gioan kể: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ ở trong phòng đóng kín cửa vì họ sợ người Do-thái, trong “khoảng sợ hãi” đó có thể có phần họ “ớn” vì biết đâu họ cũng bị lôi cổ ra hành hình nếu bị phát hiện. Nếu vậy thì cũng ớn lạnh xương sống lắm. Nhưng bất ngờ Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được gặp lại Thầy, tỏ tường chứ không nghe kể lại. Rồi Ngài lại nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” Thật tuyệt!

Tuy nhiên, lúc đó không có mặt tông đồ Tôma, cũng gọi là Điđymô. Sau đó, các môn đệ khác nói với ông về việc thấy Chúa nhãn tiền, nhưng ông nói chắc nịch: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Coi bộ “căng” dữ nha! Nhưng không, chuyện đâu còn có đó.

Một tuần sau, các tông đồ lại quy tụ, lần này có ông Tôma. Các cửa vẫn đóng kín mít. Ngày xưa họ “cách ly” vì sợ người Do Thái. Ngày nay chúng ta “cách ly” vì sợ dịch bệnh. Lúc đó Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa và chúc bình an cho họ. Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ôi chao, ngại hết sức! Biết rồi còn nói, Thầy kỳ ghê! Ngại lắm, thế nên ông vội sụp lạy và thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chắc là ông không dám kiểm chứng bằng tay đâu. Đó cũng là một dạng thú tội. Chúa Giêsu nói với ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29) Và Ngài cũng đang nói với mỗi tín nhân như vậy trong hoàn cảnh của chúng ta ngày nay.

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, cả hai lần Ngài hiện ra đều vào “ngày thứ nhất trong tuần,” khi các tông đồ đang tụ họp nhau. Điều đó cho thấy việc thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật là việc quan trọng trong đời sống tâm linh của các Kitô hữu, đó cũng là ngày nhận phúc lành bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh trao ban cho các tín nhân.

Thánh sử Gioan cho biết thêm: Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép lại. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài. Về đức tin, Thánh Giacôbê cũng có cách nói tương tự: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Ngài làm chỗ nương thân.” (Gr 17:7)

Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa – Thiên Chúa tình yêu, giàu lòng thương xót, và yêu thương nhân loại đến cùng. (Ga 13:1) Chính vết thương nơi Thánh Tâm Ngài là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, Nguồn Mạch Lòng Thương Xót. Cũng chính Máu và Nước đó đã làm cho viên đội trưởng Longinô sáng mắt, [2] và rồi ngay tại chân Thập Giá, khi đối diện với Ông Giêsu trên Núi Sọ vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, ông đã phải thú nhận rằng Chúa Giêsu “là Con Thiên Chúa, là người công chính.” (Mt 27:59; Mc 15:39; Lc 23:47) Sự thật minh nhiên, không thể chối cãi.

Chúa Giêsu được Chúa Cha trao trọn quyền, thế nên chỉ có thể đến với Chúa Cha qua Ngài, vì Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, là con đường, là sự thật và là sự sống. (Ga 14:6)

Năm nay, niềm vui phục sinh không tưng bừng bề ngoài, nhưng vẫn rộn rã trong lòng mỗi tín nhân. Lời Thầy Giêsu nói trước khi Ngài chịu chết và sống lại vẫn âm vang: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:1-3) Lời này là động lực thúc đẩy mạnh mẽ giúp chúng ta tiến bước lữ hành cho đến cuối đường đời, khi hoàn tất mọi sự, đồng thời là lúc chúng ta được gặp và sống với Đức Kitô Phục Sinh đời đời.

Lạy Thiên Chúa chí thánh hằng thương xót, xin hướng chúng con về phía Ngài, nơi có sự bình an đích thực; xin giúp chúng con vững tin vào Con Một Ngài, Đấng đã chết và sống lại để chúng con được sống viên mãn. Cúi xin Ngài gia ân thương xót chúng con và toàn thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Phục Sinh, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

[1] Tử vi là tên một loài hoa tím – TỬ là tím, VI là huyền diệu. Khoa chiêm tinh tướng mệnh Đông phương dùng loại hoa tím này để chiêm bốc. Người Công giáo không tin, vì Thiên Chúa đã quan phòng và tiền định mọi sự.

[2] Đội trưởng Longinus (cổ ngữ Hy Lạp: Λογγῖνος, Longĩnos) kém thị lực, khi ông cầm ngọn giáo đâm vào Trái Tim Chúa Giêsu, Máu và Nước chảy theo ngọn giáo xuống tay, ông lấy tay dụi mắt và được sáng mắt, ông đã thật lòng tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa và ông đã nên thánh, Giáo hội có đặt tượng Thánh Longinô ở Đền Thờ Thánh Phêrô (Rôma).

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh A (5/17/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 4 Phục Sinh A (5/10/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 4 Phục Sinh A (4/30/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 3 Phục Sinh A (4/26/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng Chúa Nhật 2 Phục Sinh Abc (4/19/2020)
Tin/Bài cùng ngày
Chuyện To So Chuyện Nhỏ (4/16/2020)
Tin/Bài khác
Tại Sao Quan Tâm Chúa Giêsu Phục Sinh (4/10/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Đêm Vọng Phục Sinh A (4/10/2020)
Hiệp Sống Tin Mừng --- Cn Ngày Phục Sinh Abc (4/10/2020)
Thánh Thể Chữa Lành (4/10/2020)
Sức Mạnh Giáo Dục (4/10/2020)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768