MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: cảm nghiệm vinh danh chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
CN653: Nạn Đói Năm Ất Dậu, 1945
Thứ Hai, Ngày 23 tháng 6-2008
Trong thế kỳ 20 vừa qua, đã có nhiều tội ác diệt chủng xẩy ra:

  • Kể từ khi chính quyền Cộng Sản Sô-Viết nắm chính quyền năm 1917, thì nạn giết hại dân vô tội xẩy ra không kể thấu, nhất là ở vùng Sibêria, nước Nga.
  • Vào những năm đầu thập niên 1940 thì Đức Quốc Xã giết khoảng 2 triệu người dân Do Thái trong các nhà tù tập trung, điển hình là trại tù Auschwitz.
  • Đến ngày 6/8 và 9/8/1945, hai quả bom nguyên tử đầu tiên do lực lượng Đồng Minh thả xuống hai thành phố Nagazaki và Hiroshima của nước Nhật bản và tiêu diệt vô số nạn nhân.
  • Tiếp đó, những cuộc cách mạng văn hóa, và chính sách thanh trừng và diệt trừ các thành phần đối lập xẩy ra ở Trung Quốc kể từ năm 1949 trở đi, khi chính quyền cộng sản nổi lên.
  • Tại các nước có chế độ độc tài, phát xít như Iran, Iraq, thi người dân vô tội của các nước này và của nước Kuwait bị giết hại bừa bãi, không bút mực nào kể xiết.
  • Tai họa diệt chủng lại xẩy ra tại Cambodia vào năm 1975, có khoảng 2 triệu người dân Cambodia bị giết chết bởi lực lượng Pol Pốt, ngay trên quê hương của họ.
  • Còn dân chúng Việt Nam thì sao? Sau năm 1945 và 1954, có nhiều người khá giả bị đấu tố và giết chết. Các tu sĩ và linh mục cũng bị vu oan giá họa và bị tử đạo. Dịp Tết Mậu Thân 1968, có hàng ngàn người trí thức bị chôn sống, bị giết chết trong khi bị cột chung với nhau. Họ chết cách tức tưởi và bị chôn chung trong các ngôi mồ tập thể ở Huế và ngoại ô Huế.
  • Sau tháng 4 năm 1975, có hàng trăm ngàn người chết thê thảm trong các nhà tù chính trị, trên đường vượt biên đường thuyền cũng như đường bộ. Không ai có thể đếm được những con số chính xác. Đó là chưa kể những người chết dần mòn trong thành phố, trên vùng kinh tế mới.
  • Ngày nay, trên khắp thế giới, các thai nhi bị giết hại bởi chính cha mẹ, ông bà và một số nhân viên y tế. Đó là chưa kể những người trẻ chết vì bịnh SIDA (AIDS), cần sa ma túy, bịnh phong tình, chết vì phá thai…

Thật là những thảm cảnh ghê gớm mà chính con người đã dành cho đồng loại của mình. Đúng như lời một vị linh mục nói:

“Nếu không có ơn thánh Chúa thì người ta đối với nhau như loài lang sói!”

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin nói về nạn đói năm Ất Dậu. Thật sự, bản thân tôi là người được sinh ra sau năm 1945 nên chỉ nghe kể lại là có 2 triệu người miền Bắc chịu chết đói trong năm Ất Dậu. Mẹ tôi lúc ấy được 15 tuổi, bà kể rằng lính quân phiệt Nhật Bản đã đổ gạo thóc ra biển khơi nhằm giết hại người dân Việt Nam. Còn gia đình chồng tôi thì kể rằng lính quân phiệt Nhật Bản đã dùng gạo thóc để đổ vào tàu hỏa như là nhiên liệu thay cho củi để làm cho tàu lửa chạy. Dù là cách này hay cách khác, lính Nhật Bản đã tàn nhẫn làm cho 2 triệu người dân miền Bắc Việt Nam phải chết đói.

Chúng tôi xin ghi lại chuyện kể của hai nhân chứng sống là hai vị linh mục ở Việt Nam, đó là cha NVV ở Kiên Giang, còn sống và cha cố Phạm Châu Diên, vừa qua đời vào ngày 14/8/2007 vừa qua

1. LM NVV là một chứng nhân sống động trong trận đói năm Ất Dậu.

Qua lời kể của một nhân chứng sống, chúng tôi xin được ghi lại cảm nghiệm của LM NVV, hiện ngài còn sống ở Việt Nam. Trong chuyến đi thăm Mỹ, ngài có dâng Thánh lễ ở tư gia của chúng tôi vào khoảng năm 2003. Ngài kể rằng trong trận đói Ất Dậu ấy, cha mẹ ngài chết và để lại 3 con nhỏ mà ngài là anh cả. Ngài phải một tay dắt em nhỏ, một tay bồng em thơ, đi ăn xin khắp nơi. Cuối cùng vì đói nên hai em ngài đã chết, còn ngài thì được một vị linh mục thương xót, cứu vớt và nuôi nấng. Nay ngài trở nên một linh mục và hết lòng săn sóc cho mọi người, nhất là các trẻ khuyết tật.

2. Cố Lm Phạm Châu Diên, chứng nhân nạn đói năm Ất Dậu, 1945

Xin trích một câu chuyện do Cố LM Phạm Châu Diên kể lại trong tác phẩm Hồi Ký Đời Tôi để chúng ta biết rằng tội ác diệt chủng là những điều đáng ghê tởm nhất trong một xã hội văn minh của thế kỷ 20 và 21 này.

“Năm 1945 là một năm đầy biến cố.

Trước hết là nạn đói năm Ất dậu, mà người ta nhái là đói “chết rũ.” Mà chết rũ thực: người ta đói rũ ra mà chết, không còn sức giẫy giụa. Miền đồng bằng Bắc Việt có đến hai triệu người chết đói. Riêng giáo phận Bùi Chu mất 80,000 người trong tổng số 240,000 tín hữu, như vậy cứ ba người chết một. Nhiều họ đạo chết hết, phải giải hạ nhà thờ.

Khi gặp tai nạn gì, người giáo hữu thường sốt sắng chạy đến cùng Chúa. Nhưng trong nạn đói này, người ta không còn sức mà nghĩ tới Chúa nữa.

Khi đi thăm bịnh nhân, các linh mục đem theo một số nắm cơm, to không hơn quả trứng gà, nhịn bớt từ phần cơm của mình để cho con chiên, thì họ mới có hơi mà xưng tội được.

Dọc đường, dọc chợ, người ta chết còng queo, nằm như rạ. Có khi người mẹ đã chết từ lâu mà đứa con nhỏ còn cứ thúc vú khô cạn! Vì trời lạnh, xác gầy, nên người chết không mau xông mùi như thường lệ. Kẻ còn sống cũng là người sắp chết, vội đào cái lỗ nông cho người thiệt phận.

Ở chợ, bán đủ thứ, kể cả tượng Phật, tượng Chúa, ảnh Bà mà cũng chẳng có ai mua. Xảy ra một đôi tích ăn thịt trẻ con chết. Họ thui lên làm giả như thịt cầy. Trộm cướp nổi lên như ong.

Đứng trước tai nạn lớn lao ấy, mọi người dường như bất lực. Lý do là quân hiệt Nhật Bản nhảy vào Đông Dương, uy hiếp các nhà cầm quyền, bắt phải nạp thóc, đến nỗi dân không còn đủ ăn.

Năm ấy, Nam kỳ được mùa, nhưng không tải ra Bắc được, vì không quân Hoa Kỳ oanh tạc cản đường.

Tòa Giám Mục dành dụm được đồng nào đã dốc ra hết để cứu đói, cụ thể là nuôi 10,000 cô nhi từ các nơi gửi về.

Ở chủng viện, chúng tôi chỉ được một bữa tạm gọi là no, còn bữa chiều thường là cháo nấu với bắp cải, mà chúng tôi gọi đùa là cháo gà.

Bỗng một sĩ quan Nhật vào chủng viện uy hiếp chúng tôi, bắt phải xới sân chơi làm vườn trồng đay cho Nhật.

Trước tình hình bất ổn, ban Giám đốc vội vã rời trường về vùng ven biển: ban Thần học tại sở ruộng Tân Phú, ban Triết học tại sở ruộng Nam cường.

Tân phú chỉ có vài dẫy nhà tranh dùng làm kho lẫm lúc đó trống trơn, chúng tôi dọn dẹp ở tạm. Xung quanh là cánh đồng lúa non trải rộng, ngọn gió xuân nhẹ nhàng gợn lên những làn sóng hữu tình, xem như trêu cợt cái thực cảnh đói khát đang diễn ra giữa xã hội loài người.

Mỗi ngày một bữa cơm, một bữa cháo, mà bữa cơm cũng không bao giờ thấy no, mặc dầu đã ăn nhiều hơn lúc bình thường. Ban ngày, học đôi ba giờ, rồi lao động quanh nhà. Ban đêm thì chia phiên thức mà canh trộm.

Đêm kia, chúng tôi thấy từ xa một đoàn người cầm đuốc tiến đến một hiệu buôn cách sở chúng tôi chừng 1,000 mét. Tiếp theo là tiếng la ó. Rồi im lặng, rồi đoàn đuốc lại ra đi. họ đã cướp sạch nhà đó.

Chúng tôi ít quen việc canh gác ban đêm nên cũng sợ, có lần ném đá phòng hờ, mà lại ném cả phải nhau, kêu ai ái.

Tháng năm mãn trường. Lúa đã chin vàng, bông trĩu nặng gục đầu hết lượt, thóc lúa để đâu cho hết, sao người chết, mồ xanh dọc đường, không sống lại mà ăn! Đã vậy, sau khi gặt, lúa dài mọc lên còn cho thêm một mùa gặt thứ hai nữa!

Cũng có người may sống sót, vớ được gạo mới, ăn vào quá mức, bị thương thực mà chết no.”

Kim Hà ghi chép, 28/8/2007


Đọc thêm:
• Nạn Đói Năm Ất Dậu 60 Năm Về Trước, Gs Lê Đình Cai
• Trận đói năm Ất Dậu, Nguyễn Xuân Nghĩa (rfa.org)
• Nạn Đói Năm Ất Dậu 1945

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
CN810: Chúa Biến Đổi Tôi (6/23/2008)
CN809: Hãy Khuyến Khích Và Khen Ngợi (6/23/2008)
CN808: Bà Giáo Cứu Vớt Người Tù Trẻ (6/23/2008)
CN807: Tấm Lòng của Vị Thánh (6/23/2008)
CN806: Cầu Nguyện Là Gì? (6/23/2008)
Tin/Bài cùng ngày
CN917: Tình Cảm Gia Đình Thiêng Liêng (6/23/2008)
CN916: Đặc Sủng Tiếng Lạ (6/23/2008)
CN915: Chúa Chữa Lành Tâm Hồn Tan Vỡ (6/23/2008)
CN914: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (6/23/2008)
CN913: Dành Thì Giờ Quý Báu Cho Con (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768