MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: cảm nghiệm vinh danh chúa
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
CN808: Bà Giáo Cứu Vớt Người Tù Trẻ
Thứ Hai, Ngày 23 tháng 6-2008
LNĐ: Trong quá khứ, chúng tôi đã trình bày trong các bài cảm nghiệm số 12, số 400, 522 và 785 nơi mục lục của phần Cảm Nghiệm Tạ Ơn Chúa trong www.memaria.org về trường hợp của những người tù trẻ Việt Nam. Họ là bốn tù nhân trẻ Việt Nam bị bắt và kết án nặng nề trong vụ án Vườn Cam xẩy ra năm 1980 hay 1981. Một trong những tù nhân này là anh Minh Nguyễn đã bị giam giữ từ năm 1981 cho đến khi chết trong tù năm 2007.

-Anh Tùng Trần, người nhỏ nhất trong 4 người đã được trả tự do vào tháng 4 năm 2007. Anh Tùng về đến Orange County thì ngay sáng hôm sau, chúng tôi tình cờ gặp nhau và anh Tùng đã nhận ra tôi qua hình ảnh mà anh ấy có. Anh Tùng chỉ liên lạc thư với chúng tôi. Vậy mà tình cờ tôi lại được gặp anh.

-Anh Minh Nguyễn đã chết trong tù vì bịnh bướu trong óc vào ngày 30 tháng 5 năm 2007.

-Anh Phạm Bộ đang ở tù ở California.

-Và anh Phạm Dũng hiện đang ở nhà tù ở thành phố Florence, tiểu bang Arizona.

Với tính cách là một người thiện nguyện, chúng tôi đã dùng đài phát thanh và báo chí để xin được khoảng gần 6 ngàn chữ ký với mục đích xin khoan hồng cho 4 thanh niên này từ năm 1994 đến 1999. Chúng tôi đã gừi thỉnh nguyện thư với các chữ ký lên Thống Đốc Pete Wilson, Thống Đốc Gray Davis và Bộ Trưởng Tư Pháp Bill Lockyer của tiểu bang California nhưng tất cả đều rơi vào thinh lặng, và bản án nghiệt ngã ấy vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, năm 2008.

Thưa quý vị,

Hôm nay, khi soạn hồ sơ trong nhà, chúng tôi tìm được một lá thư viết bằng tiếng Anh. Đó là lá thư của một vị giáo sư người Mỹ tên là bà Dave Mariani, Giáo sư môn học Basic Skills, bà viết cho Thẩm Phán Briseno để xin khoan hồng cho anh Minh Nguyễn nhưng tòa đã không xét lá thư này, cho nên anh Minh mới chết trong tù.

Chúng ta xin dịch thuật và gửi đến quý vị nội dung lá thư để mọi người biết rằng dù ở bất cứ nơi nào, những người con của Thiên Chúa vẫn có lòng thương xót cho người nghèo khổ, tàn tật hay người tù.

Xin quý vị cầu nguyện cho linh hồn anh Minh Nguyễn. Anh ra đi được gần 8 tháng. Cuối cùng, qua sự chết, anh đã được tự do để đến với Chúa. Chúng tôi ghi lại thư này như là một lời tưởng niệm đến một thanh niên Việt Nam vì kết bạn sai lầm và hành động thiếu suy nghĩ nên anh đã ở tù suốt 27 năm và chết với thân phận một tù nhân có bản án nhục nhã nhất. Đây cũng là bài học lớn lao cho các cháu thanh thiếu niên, ham chơi mà kết bạn với người xấu rồi hành động sai trái.

Sau đây là lá thư của bà Mariani:

“Ngày 11 tháng 10 năm 1984

Kính Thưa Thẩm Phán Briseno,

Tôi xin viết lá thư này để nói về trường hợp của anh Nguyễn Quang Minh.

Tôi đã gặp Minh lần đầu tiên tại phòng Giáo Dục ở nhà tù San Quentin, San Francisco, California. Một viên chức là ông Harvey Perrymen, đã gật gù, nhìn về phía Minh và thầm thì:

”Một trăm năm!” (Tức là bị phạt tù 100 năm!)

Tôi bèn nhìn về phía người thanh niên Việt Nam này. Đầu và đôi mắt anh cúi xuống, đôi vai anh cong xuống. Trong một giây phút, tôi gọi đó là một người tù chán nản và đau khổ của San Quentin.

Minh không phải là học sinh của tôi, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau trong hành lang. Tuy nhiên, vào mỗi ngày Chúa Nhật, tôi làm việc thiện nguyện tại nhà nguyện của trại tù San Quentin và luôn thấy Minh ở trong nhà nguyện. Dần dà, tôi nhận thấy vẻ chán nản đã bớt dần, nhưng trong đôi mắt anh Minh là một nỗi thống khổ được che dấu.

Chúng tôi thường hay bắt tay nhau, nhưng ít khi trao đổi câu chuyện cho đến Mùa Giáng Sinh năm 1983. Tôi quan sát và nhận ra rằng Minh luôn lịch sự, hòa đồng với tất cả mọi người, từ các tu sĩ, tù nhân, các thiện nguyện viên đến các khách thăm viếng. Minh không bao giờ lợi dụng hay làm tổn thương tình thân bằng cách đòi hỏi ân huệ gì cả.

Thông thường thì đa số tù nhân hay lợi dụng những người đến từ bên ngoài, khi thấy những người này tỏ ra thân thiện, nhưng Minh không bao giờ làm như thế.

Mỗi mùa Giáng Sinh, Minh và các bạn thường làm một hang đá bằng những bao giấy đựng hàng hóa của siêu thị Safeway. Hang đá mà nhóm của Minh làm thì có cả đồi, núi, hang để có thể chứa đựng các tượng về sự kiện Chúa Giêsu Hải Đồng giáng sinh. Minh tâm sự với tôi rằng anh học được cách làm khéo léo này từ ba và chú của anh khi anh còn ở Việt Nam.

Tôi biết bằng cách cố gắng nhớ lại những kỷ niệm đẹp thì chắc Minh sẽ cảm thấy vui hơn. Với nụ cười hiền hòa trên môi, anh Minh đã nhận nhiều lời khen ngợi từ các bạn tù, các cai tù, và những người thiện nguyện.

Mùa Giáng Sinh năm 1983 thật đáng ghi nhớ. Đức Giám Mục Walsh cử hành Thánh lễ. Bài giảng của Ngài nói về niềm hy vọng và nhân phẩm của con người. Sau đó, Minh đến tìm tôi và hỏi:

-Thưa bà, làm sao tôi có niềm hy vọng?

Đôi mắt anh dường như van xin tôi để nghe một câu trả lời. Ngoài mọi sự, tôi bảo rắng:

”Anh phải cảm tạ vì những điều tốt ở trong trại tù San Quentin này, chẳng hạn như: anh đã được học tiếng Anh, và khi thời gian đến, anh có thể diễn tả tâm tình của mình và sự đóng góp của mình. Anh có thể nói về hạnh kiểm của anh tại trại tù San Quentin, anh có thể diễn tả tư tưởng của anh về tương lai của mình. Anh đã có niềm hy vọng rồi đó.”

Thật ra, lúc ấy tôi không biết về sự kháng án. Sau đó, khi linh mục O’Neil bảo tôi hãy nói với ông Norm Morien về vấn đề kháng án của Minh, tôi đã sẵn sàng chấp nhận để giúp cho Minh.

Tôi là một người mẹ của 7 đứa con: 5 gái và 2 trai, tuổi từ 18 đến 32. Tôi biết rõ hành động của Minh đã gây ra một tình trạng nguy hại. Tuy nhiên, tôi cũng rất đau đớn khi thấy sự hiện hữu và sống còn hàng ngày thật tối tăm ở bên trong nhà tù San Quentin này.

Như ông Thẩm Phán biết, nhà tù không phải là nơi có những hành lang sáng chói, có chỗ ở rộng rãi, tiện nghi như giới truyền thông đã làm chúng ta tin như thế. Nhà tù luôn có bạo lực, cái chết, sự hăm dọa, những sự hành hạ bằng lời nói và hành động, các áp lực, khó khăn khi giao thiệp với các tù nhân khác, sự cô đơn…Tất cả chồng chất bằng sự cách ly. Nhà tù dần dần nuốt chửng linh hồn một con người. Có người công dân bình thường nào hiểu được nhà tù là gì không? Ngoài việc chia cách ra?

Thưa Thẩm Phán Briseno,

Tôi biết ông cũng thấu hiểu những đau khổ về tình trạng của các nhà tù. Bởi vì ông đã biết tình trạng nhà tù, và bởi vì ông là một con người, tôi xin ông hãy xem xét lại bản án của Minh.

Tôi biết rằng trách nhiệm của một quan tòa là nghe hết mọi câu chuyện từ mọi phía; những tiếng nói đòi trả thù, những tiếng khóc, những nỗi đau đớn của những trái tim giận dữ. Chức vụ của ông là khoan hồng, khôn ngoan, thấu hiểu và có lòng trắc ẩn.

Tôi cũng biết, quyết định xử phạt của ông là không muốn nhắm đến sự trả thù. Khi trả thù tàn nhẫn tức là hành động tàn nhẫn.

Nếu chúng ta ở một xã hội dùng hình phạt là một công cụ để trả thù thì chúng ta đã phạm tội đối xử tàn nhẫn, và điều này là một điều vỏn vẹn để phân biệt con người với các loài thú vật.

Tôi nhận thức rằng môi trường chính trị và xã hội của ông đã tạo cho ông một trách nhiệm nặng nề là phán quyết công bằng. Tuy nhiên, xin ông hãy nhìn xa ra khỏi tình trạng giận dữ và nhận thức về vai trò lớn hơn của ông trong xã hội và nền văn minh.

Một vị quan tòa là một điểm then chốt chính của xã hội, của văn minh. Hành động của vị quan tòa phải thể hiện tất cả những mặt tốt và công minh. Do đó, một quan tòa phải thể hiện hành động của mình và sự thấu hiểu về lòng khoan hồng, lòng trắc ẩn với những người yếu kém. Đây là một vấn đề quan trọng.

Những đức tình này phải được tìm kiếm trong tòa án của đất nước này. Cá nhân phải tuân theo phán quyết của quan tòa trong đời sống để xã hội và nền văn minh được tốt lành.

Vì thế, thưa Thẩm Phán Briseno:

Tôi xin ông hãy nhận ra nhân phẩm mà Thiên Chúa đã ban cho Minh.

Tôi xin ông hãy chấp nhận rằng sự hiểu biết làm cho con người thay đổi.

Tôi xin ông hãy tạo cơ hội để người thanh niên trẻ này được phục hồi sự thật với lòng thành khẩn.

Tôi xin ông hãy phán quyết để niềm hy vọng được trở lại trong trái tim và linh hồn của Minh Quang Nguyễn.

Xin Thiên Chúa ban cho ông sự khôn ngoan, can đảm trong công tác hàng ngày trước mắt ông…Và xin Thiên Chúa ban cho ông niềm bình an và hoan lạc.

Trân trọng,

Bà Dave Mariani
Giáo sư môn học Basic Skills.

Kim Hà dịch thuật,

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
CN810: Chúa Biến Đổi Tôi (6/23/2008)
CN809: Hãy Khuyến Khích Và Khen Ngợi (6/23/2008)
CN807: Tấm Lòng của Vị Thánh (6/23/2008)
CN806: Cầu Nguyện Là Gì? (6/23/2008)
CN805: Niềm Tin Của Người Can Đảm (6/23/2008)
Tin/Bài cùng ngày
CN917: Tình Cảm Gia Đình Thiêng Liêng (6/23/2008)
CN916: Đặc Sủng Tiếng Lạ (6/23/2008)
CN915: Chúa Chữa Lành Tâm Hồn Tan Vỡ (6/23/2008)
CN914: Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (6/23/2008)
CN913: Dành Thì Giờ Quý Báu Cho Con (6/23/2008)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768