MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: thiên chúa :: góc trời thương yêu
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Điểm Tựa
Thứ Tư, Ngày 18 tháng 6-2014

ĐIỂM TỰA

Trời chập choạng sắp tối. Những bước chân đi cũng ngại ngần khi thấy hướng đi là một cái ngõ nằm mép cùng ở địa bàn Phường 15, Gò Vấp. Thiện nguyện viên lòng thương xót thoáng chút rùng mình bởi đã từng ở nơi này, và biết đó là một khu trọng đểm của cái nghèo đã đành, mà cũng là trọng điểm tệ nạn xã hội. Hướng dẫn viên là người đàn ông chững chạc, có nét mộc mạc hiền hòa. Anh cứ vui vẻ : “Đừng lo! Mấy đứa trẻ nhà này ngoan lắm! Cứ đến sẽ thấy!”

Và con cái của lòng Chúa thương xót đã đến để thấy những “điểm tựa”…

1- Người Mẹ Ve Chai Với Ba Con Nhỏ

Hai người kẻ trước người sau lọt thỏm trong mấy ô nhà giống hệt nhau, chỉ duy nhất một cánh cửa, được thiết kế bằng cách trổ ra từ hông căn nhà cấp bốn cũ nát và gần như bỏ hoang. Vừa thấy người lạ, lập tức từ trong các ô cửa tò vò, có những cái đầu phụ nữ thò ra, và bắt đầu lao xao : Tìm ai vậy? Tìm Lan hả? Đợi chút đi! Mẹ con nó về tới giờ đó!

Khách đứng đợi trong tình trạng bối rối, loay hoay không biết xoay trở thế nào. Thôi, khỏi phải màu mè! Đứng đại đi! Bởi vì ô cửa nát được quây kín bởi giấy lộn, bao xốp lủ khủ, mang bản sắc của hàng hóa ve chai. Hiển nhiên rồi, vì chủ nhà là một bà ve chai chính cống !

Rồi chị về. Một người đàn bà nhỏ nhắn và khá xinh. Chất theo chiếc xe cũ rích của chị là ba đứa nhóc tỳ, trông cũng xinh xinh nhưng gầy guộc xanh xao. Cánh cửa vừa mở là chúng ríu rít chào khách và xin mẹ chạy ào... đi lễ nhà thờ. Chúng không mặn với việc vào cái gọi là nhà. Và chúng có lý do rất chi là hợp lý.

Mặc dù đã được người trong xóm báo cho biết trước về gia chủ, song khách không vì thế mà mất cái cảm giác hơi rùng mình khi chị chủ nhà mở cửa và mời vô nhà. Đúng ra là trèo vô nhà, trèo lên những bao bố để vào nhà trong bằng cái chiếu giáp cửa nhà vệ sinh. Ngó ra cửa sổ là thấy ngay một vài cái mả nằm sát mới tinh, phô lọ hoa cúc vàng ươm, cùng lư hương chân nhang đỏ thắm.

-Thật sự là...là mẹ con em không thể ở đây. Bà chị cho mẹ con em ở nhờ bên kia. Thôi em xin phép mời các anh chị qua bên đó.

Mừng rỡ, tình nguyện viên cùng khách vọt lẹ cho nhanh, khỏi cái hóc ngang hai mét, dài thuôn thuôn, giáp mả mới tinh và chứa toàn bao bố đó.

Sau khi được gia chủ cho ở nhờ đồng ý, người đàn bà mời khách vô nhà, và chúng tôi cùng nhau chia sẻ chuyện đời truân chuyên của người mẹ ve chai.

“Tôi sống vì bầy con - đơn giản vì tôi làm mẹ chúng !” Đó là lời người đàn bà tên là Lan, 42 tuổi. Như nhiều người đàn bà kém may mắn ở xóm này, chồng chị chết vì tệ nạn xã hội. Ở đây có nhiều gia đình đau khổ tan nát khi có người thân và con em sử dụng ma túy. Chị kể trong nước mắt:

“Khổ thân, khi anh ấy mất, tôi lốc thốc ba đứa con, chả có tài sản gì vì vợ chồng con cái sống với nội, và chúng thì tuổi học tuổi ăn. Tôi dắt con về nhà mình, cắn răng làm phiền bố và người thân bên ngoại. Cái nhà lúc nãy giáp mả mà các anh chị thấy là bố tôi xót thương con cháu, đành ngăn ra một góc nhỏ xíu như thế cho mấy mẹ con có chỗ chui ra chui vào. Nhưng có chỗ ở rồi còn phải lo cái ăn nữa. Tôi đành biến nó thành chỗ chứa đủ thứ tạp phế tôi đi thâu mua nhặt nhạnh hằng ngày. Thấy mẹ con tôi lúc nhúc với đống ve chai, dù nhà đông và cũng có những khó khăn riêng, nhưng chị gái tôi vẫn chấp nhận cho bốn mẹ con tôi tá túc”.

Bà con lối xóm cũng đã cho chúng tôi biết về gia đình chị. Thực tế còn khổ hơn như thế nhiều lắm!

Sau khi chồng mất, một mình người đàn bà xoay xở nuôi ba đứa con (trong đó có hai cháu sinh đôi), thì bỗng đâu cháu lớn là bé Hân bị những cơn đau liên tục ở đầu gối. Sau những cuộc khám bệnh liên miên, cháu được định bệnh là viêm khớp gối nặng và suy tim. Từ đó, bé Hân trở thành “công dân thường trực” của Bệnh Viện Nhi Đồng 2. Đó là lý do vì sao con bé 12 tuổi lại còm nhom, gầy yếu hơn cả hai đứa em sinh đôi 9 tuổi là bé Quỳnh Nhi và Lan Nhi.

Kể về đứa con đau yếu triền miên, người mẹ sụt sùi: “Khổ lắm! Chồng mất, trông vào con. Dè đâu con lại bệnh thế. Nó mà bề gì chắc tôi chết mất!”

Sắp lại xấp hồ sơ bệnh án của bé Hân, chúng tôi động viên: “Dù hoàn cảnh khó khăn cơ cực như thế, mà sao thấy các cháu thật ngoan, chăm chỉ học hành, lại siêng năng tham dự thánh lễ và các sinh hoạt ở nhà thờ thật hào hứng say mê…”

Chị Lan bỗng tươi tỉnh: “Đấy! Chắc Chúa thương tôi. Cứ nhìn thấy chúng là tôi lại thấy vui. Làm cực nhọc bao nhiêu nhưng mỗi khi nghĩ đến mấy đứa con, tôi như thấy có điểm tựa. Sống mà nuôi chúng!”

Quả là vất vả cho chị. Quần quật đi mua đi bán. Quần quật thân gầy đưa đón con đi học, đi bệnh viện triền miên. Chính hình ảnh người mẹ tí teo chở ve chai đầy một xe, chở con cũng đầy một xe làm một cô giáo chú ý quan tâmvà động lòng. Cô giáo ấy tên là cô Sang, dạy ở trường Võ Thị Sáu. Dù các bé con chị Lan học bên trường Lê Hoàn, cô Sang vẫn tìm cách giúp các cháu. Cũng chính cô đã thông tin cho tình nguyện viên của cộng đoàn lòng thương xót về trường hợp này.

Chính quyền sở tại cũng đã đưa gia đình chị Lan vào diện xóa đói giảm nghèo. Song gánh của chị Lan vẫn còn quá nặng. Hai trăm bốn mươi ngàn đồng tiền trợ cấp một tháng chỉ như muối bỏ biển mỗi khi Hân lên cơn suy tim và nhập viện.

Và chính vì thế chị là một trong những trường hợp được người linh mục lãng tử xét trợ cấp khẩn cấp. Cầm món quà bằng cả một năm trợ cấp “xóa đói giảm nghèo”của phường, chị Lan rơi lệ: “Tạ ơn Chúa. Tôi cảm nhận được lòng thương xót của Chúa qua tấm lòng của những con người biết xót thương nhau. Vậy là kỳ này con bé Hân có thuốc uống rồi. Mấy hôm rầy nó đau quá, tôi chẳng dám hỏi mượn ai. Tôi thiệt phận làm khổ cha già và anh chị em trong gia đình quá nhiều rồi…”

Rời gia đình chị Lan ở Gò Vấp, chúng tôi đi tiếp một địa chỉ nữa. Vừa lúc ấy, ba đứa trẻ ùa về nhà. Chúng ríu rít khoe với mẹ vừa đi lễ thiếu nhi về, vui lắm. Chúng ngỡ ngàng thấy mẹ cầm phong bì quà của cộng đoàn lòng thương xót, miệng cười tươi mà mắt vẫn còn ngấn lệ…

2 - Xóm Nghĩa Tình ở Tân Thới Hiệp

Nhóm thiện nguyện lòng thương xót đến một con hẻm nhỏ ở khu phố 1 phường Tân Thới Hiệp để cảm nhận một câu chuyện khác thấm đẫm tình người, mà những con người đầy ân nghĩa khi được hỏi thì chỉ cười: “Có gì đâu! Người nghèo với người nghèo giúp nhau vậy mà!...”

Chị Trần Thị Mai, nguyên quán Hà Nam. Cái khó nghèo đẩy đưa chị vào Sài Gòn giúp việc nhà cho bà con khu vực nhà thờ Lạng Sơn, Gò Vấp, trong đó có gia đình chị Ngọc. Thương người đàn bà xa xứ xa quê, chị Ngọc cũng hay quan tâm tới chị Mai.

Bẵng đi một thời gian rất dài, chị Mai đi đâu đó mất tích mất tiêu. Sau đó chị quay lại và báo tin chị có chồng. Thôi vậy cũng mừng cho chị

Chị Mai nên chồng vợ với anh Trần Hữu Vinh. Xui rủi cho họ làm sao. Căn nhà hai vợ chồng chắt chiu làm mướn cả đời mới có được hóa ra nằm dưới đường điện cao thế. Nhà nước giải tỏa trắng, không có được một đồng bồi thường. Lỗi này do anh chị thiếu hiểu biết mua của mấy người xây nhà lậu bán thì phải chịu chứ biết sao ? Đang có nhà ở, trong chốc lát thành người vô gia cư, anh Vinh đổ xuống đột quỵ và hóa rồ. Khi cơn điên bốc lên, anh vớ dao đòi chém chết một ai đó vô hình. Quả là khổ và quả là đáng sợ!

Bồng đứa con thơ, chị Mai vực chồng tới ở mướn trong khu Tân Thới Hiệp. Chị Ngọc biết chuyện cũng hay qua thăm.

Xóm nghèo nhanh chóng nhận cái gia đình khốn đốn đó thành thân thiết. Dễ gần gũi là phải, vì toàn đứa nghèo với nhau. Người nghèo thương lấy người nghèo. Họ chỉ chỗ cho chị Mai đi hốt thuốc nam, đi châm cứu cho chồng không mất tiền. Ơn Chúa, sẽ có một lối thoát cho mỗi mảnh đời, dù rằng chị Mai không phải là công giáo.

Xóm ấy tốt thật. Họ bàn với nhau: vợ chồng nhà Mai Vinh ấy mà, giả như thằng chồng nó cứ khùng hoài rồi sẽ ra sao ? Người vợ một mặt lo giữ chồng, một mặt lo coi con cũng chả xong. Chúng nó chết đói mất thôi. Mà này, hay anh chồng tiếc cái nhà, thành ra nó hóa điên thế nhỉ ?

Thế là họ bàn nhau tặng cho vợ chồng ấy...một cái nhà. Họa có mà mơ! Toàn kẻ kiết xác bần cư lấy đâu mà tặng nhà cho kẻ bần cùng khố rách ?

Thế mà có thật đấy!

Họ bảo với nhau: “Cái hẻm của mình là hẻm cụt, nằm tận cùng trong hóc, chủ đất xưa cũng thương, chừa con hẻm thật là rộng, cũng cả hơn bốn mét. Có mấy nhà nghèo kiết. Có gì đâu mà tính toán. Lấy cái hẻm đó làm nhà cho gia đình Mai Vinh đi. Mình đi hẹp lại tý, có sao đâu! Càng vui càng ấm cúng.”

Thế là anh Tân thì gom cho mớ cây. Chị Minh thì gom bạt. Chị Lập thì hứa cho nước cho điện mà dùng. Cả xóm xúm lại, mỗi người một tay, biến hẻm thành nhà cho cái gia đình khốn khổ ấy.

Cũng là khó chứ không dễ. Vì xét về luật mà làm nhà như vậy là vi phạm rồi. Thế nào phường, rồi quản lý đô thị, cũng tới “hỏi thăm” thôi. Cả xóm đứng ra xin, làm tờ giải trình, cam kết đây là đất tư, do bà con tự nguyện nhường lại cho, không có tranh chấp kiện tụng, làm nhà đơn sơ cấp 4. Nếu nhà nước mà có làm công trình ở cái hóc này, bà con sẽ lập tức tháo dỡ. Trăm cái lý không bằng ngàn tỷ cái bể tình, địa phương cũng chấp nhận giải pháp tạm thời giúp cho gia đình đó có nơi trú ngụ.

Và thế là có một ngày, cả xóm dìu anh chàng Vinh hay la hét vào căn nhà mới, thiết kế bằng lá, tôn, cây, bằng cả tình người của xóm nghèo khu phố 1 Tân Thới Hiệp

Người đàn ông ấy lặng đi. Và lạ lùng thay, anh.. tỉnh ra! Không ai còn thấy anh la hét cầm dao rượt chém kẻ thù không định dạng. Chị Ngọc ở xóm cũ cũng vẫn âm thầm tới thăm nom. Chị không đến một mình. Chiều tối nay chị đến cùng với tình nguyện viên cộng đoàn lòng Chúa xót thương. Họ gửi cho anh chị món quà, đủ để mua ít ván ít tôn, bởi căn nhà nghĩa tình sau mấy năm cũng đang có mòi xuống cấp.

• Điểm Tựa

Ngày từng ngày, âm thầm lặng lẽ, không ồn ào bảng hiệu, dấu chân lòng thương xót của những tình nguyện viên vẫn ra đi, thâu nhặt tom góp những chuyện đời ấm áp như thế. Trong một chốn yên tĩnh nào đó, quỳ bên Nhà Tạm, người lãng tữ vẫn dõi theo từng bước chân học trò đem lòng thương xót  của Chúa đến cho những mảnh đời bất hạnh.

Ông vẫn chưa hẳn đã hài lòng, bởi vì, trợ cấp cho các gia đình ngặt nghèo chưa phải là đích điểm sau cùng của việc thực hành lòng thương xót. Sau những chuyến đi thực tế như thế, ngoài sự trợ giúp, còn là phải khơi dòng chảy để những yêu thương kết nối với nhau, để những người nghèo phải có một “điểm tựa” vững chắc về tinh thần, để họ có thể tiếp tục vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để sống đúng, sống đẹp, sống có ý nghĩa, sống cuộc sống của những chứng nhân.

Bởi nghĩ cho cùng không mấy ai chết vì nghèo vật chất nhưng lại có thể chết vì tuyệt vọng tinh thần. Những con người nghèo khổ tìm ra “điểm tựa” là chính lòng thương xót của Chúa. Họ lấy được sức mạnh vượt qua thử thách khó khăn, rồi trở thành “điểm tựa” cho những người đồng cảnh ngộ vượt qua khó khăn thử thách… Cứ thế những “điểm tựa” được nhân rộng ra và liên kết với nhau vững bền. Công việc khó khăn ấy rất cần đến tâm huyết trí lực của các bậc chăn chiên trong bài giảng, nhất là trong hành động.

Cầu nguyện và cầu nguyện - ông dặn các học trò - rồi ra đi. Trong mỗi mảnh đời Chúa luôn gửi ở đó một “điểm tựa”. Đó là tín hiệu vui. Hãy giới thiệu cho con người “điểm tựa” đó để nâng đỡ họ vươn lên nghịch cảnh.

Qua những công việc bác ái cụ thể, những gặp gỡ sẻ chia với tha nhân, những bước chân của các tình nguyện viên dấn thân thực hành lòng thương xót đang đem lại nhiều hoa thơm trái ngọt tươi đẹp dâng đời, dâng giáo hội.

Và ở một góc khuất nào đó trong nhà nguyện tu viện, người lãng tử lặng nhìn lên “điểm tựa” của mình, khẽ hát thầm:

“Trong Trái Tim Chúa bao nhân lành, con xin được một chỗ nghỉ ngơi. Nhỏ bé thôi. Nhỏ bé thôi…”

Thu Hương

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Bóng Đời (6/24/2014)
Canh Tân Đề Tồn Tại (6/24/2014)
Chút Bám Víu Sau Cùng (6/24/2014)
Giá Trị Của Sự Im Lặng (6/21/2014)
Rửa Sạch Tâm Hồn (6/21/2014)
Tin/Bài cùng ngày
Khi Đức Tin Lung Lay (6/18/2014)
Bài Thơ Quan Tâm (6/18/2014)
Lời Mời (6/18/2014)
Tin/Bài khác
Cảm Nghiệm Sống Của Một Người Con Chúa (6/17/2014)
Thơ : Ai Tín ! (6/17/2014)
Tình Cha Vô Bến Bờ (6/17/2014)
Thư Viết Cho Con (6/15/2014)
Lời Mời (6/15/2014)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768