MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: sách online
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
[ Cn1b-mv] Tỉnh Thức Và Thức Tỉnh -- Lm. Xuân Hy Vọng
Thứ Tư, Ngày 6 tháng 12-2023
[ CN1B-MV] TỈNH THỨC và THỨC TỈNH -- Lm. Xuân Hy Vọng

 

 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Hôm nay chúng ta cùng với Mẹ Giáo Hội bước vào Mùa Vọng, khởi đầu một năm phụng vụ mới. Khi đến thời gian này, chúng ta thường được nghe qua Lời Chúa, qua các bài giảng huấn, cũng như trong những cuộc tĩnh tâm dọn lòng đón mừng lễ Chúa Giáng Sinh nơi cộng đoàn, giáo xứ, là: Hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng! Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình: Thế nào là tỉnh thức? Thức tỉnh để làm gì? Thế nào là sẵn sàng và sẵn sàng cho điều gì? Hai thái độ và hành vi ấy có liên quan gì đến đời sống đạo, đời sống đức tin và đời sống cộng đoàn của tôi?

 

Trước hết, chúng ta nên biết rằng tỉnh thức không có nghĩa là thức trắng đêm không ngủ, ngồi chờ bình minh để rồi ngày hôm sau ngủ bù! Cũng không có nghĩa là: chẳng làm gì mà cứ thức chờ ai hoặc điều gì đó! Và khi nói đến thái độ và hành vi tỉnh thức này, không ít người trong chúng ta mong muốn, vì chúng ta thích ở lại trong những cơn mê muội, chìm đắm trong thói đời, dục vọng của chính mình, ngày ngày đê mê trong cơn say cho quên đi bao nỗi oán than, cơ cực của cuộc đời này!

 

Đây không phải là hành vi thể lý thuần tuý, mà cho bằng là một thái độ đúng đắn của đời sống đức tin, một hành vi đạo đức của việc cải hối trường kỳ, tự suy xét mình trước Chúa và mọi người tất cả bản thân chúng ta, lời ăn tiếng nói, động thái, tư tưởng, hành động cũng như những điều nên làm mà chúng ta sao lãng, thiếu sót hoặc cố ý tránh né. Lời Chúa hôm nay đánh động, thúc giục mỗi một người chúng ta, dù sống ở địa vị, bậc sống nào, hay lứa tuổi nào, v.v… thì chúng ta cũng được mời gọi tỉnh thức luôn trước tất cả những gì đi ngược lại với Lời Hằng Sống, giáo huấn của Hội Thánh, đời sống đức tin, ‘anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến’ (Mc 13, 33). Không những chúng ta được kêu mời tỉnh thức trước giờ nhắm mắt xui tay, trước ngày Cánh chung, mà chúng ta cũng phải tỉnh thức trong giây phút hiện tại, tỉnh thức trong đời sống đạo đúng nghĩa, tỉnh thức trước những thái độ khiến chúng ta xa rời Chúa và anh chị em, tỉnh thức trước hành vi vô luân, dửng dưng, xem thường đạo lý, giới răn yêu thương. Hơn nữa, tỉnh thức trước thói quen không tốt như dèm pha, xét đoán, kết án, chia rẽ, ngồi lê đôi mách, làm chứng gian, hiềm tị, ghen ghét, tự kiêu, tự mãn, khinh thường anh chị em, v.v…Người tỉnh thức và sống tỉnh thức là những ai bước đi trong ánh sáng Chúa (x. Is 2, 5) và biết mặc lấy cung cách, thái độ, hành vi, con người ca chính Chúa Giê-su Ki-tô (x. Rm 13, 14; 1Cr 1, 9). Cụ thể hơn, họ là những người sống chân thật, chân thành, yêu mến, đón nhận mọi người, khiêm nhu, hạ mình và cầu tiến, không vui thoả với lời khen tặng, tâng bốc và cũng chẳng buồn khi đối diện với con người yếu hèn của chính bản thân! Họ chẳng bao giờ vui thích trước những người trót lưỡi đầu môi, và cũng chẳng buồn phiền khi nghe lời nhận xét, đánh giá. Họ đặt Lời Chúa là nền tảng sống, soi chiếu vào những ngõ ngách tâm hồn họ, và để Chúa thánh hoá, biến đổi, cũng như nỗ lực sống nhân đức, sống theo đường lối của ánh sáng (x. 1Cr 1, 5-7).

 

Khi chia sẻ về thái độ tỉnh thức sống đạo với các anh chị em giáo dân ở những vùng thường xuyên hứng chịu cảnh thiên tai, nhân tai như các nước Châu Phi, Trung Đông và tại đất nước Nhật Bản đây, hầu hết họ không thể hiểu được, và thường có thái độ ‘sống tới đâu hay tới đó’, ‘chẳng cần biết ngày mai ra sao’ hay cứ sống cho thoả dục vọng, ước muốn của bản thân vì dường như lối suy nghĩ ‘có tỉnh thức cũng đâu tránh được thiên tai’! Một trong những xu hướng thế tục ngày nay là loại bỏ Thiên Chúa, và cung phụng chính cái tôi của mình, và với thái độ như vậy dễ đưa chúng ta rơi vào cám dỗ: chẳng còn ai mình ta, và ta cứ sống cho thoả thích. Điều này không chỉ xuất hiện ở thời đại này, mà đã nhen nhúm từ trước kia, đến nỗi Thánh Phao-lô đã khuyến cáo mạnh mẽ các tín hữu thuộc giáo đoàn Rô-ma “đêm sắp tàn, ngày gần đến…bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng…đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị” (x. Rm 13, 12-13) và Ngài khuyên răn hãy tỉnh thức trước thói đời, lối suy nghĩ trần tục ấy; hãy trở về với ân sủng, đời sống làm con Thiên Chúa, con cái ánh sáng.

 

Sau cùng, thái độ sống sẵn sàng, luôn chuẩn bị mỗi giây phút trong ơn thánh Chúa mọi ngày, để rồi chúng ta có thể đứng vững trước mặt Con Người, “anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng…kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (Mc 13, 35-36). Chẳng phải khi ta không còn khoẻ nữa, ta mới lo về phần rỗi, đời sống thiêng liêng, mối tương quan với Chúa và với anh chị em! Không phải khi ta không thể nói được, không thể đi được, không thể kiểm soát được những hành động bình thường, thì ta mới tìm đến lòng vị tha, đến sự bao dung, tha thứ của Thiên Chúa, hoặc trở nên xót thương, thứ tha cho anh chị em, hay đi tìm dịp để nói lời xin lỗi, giải hoà v.v…! Chẳng phải khi ta ‘gần đất xa trời’, ta mới chạy đôn chạy đáo lo đời sống đức tin của mình! Và cũng không phải khi ta không còn thời gian nữa, thì lại hối hả, thúc bách, chạy đến cầu xin Chúa thương! Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy sống sẵn sàng trong mọi giây phút, dù vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, dù được khen ngợi hay bị chê bai, dù thời tiết đẹp hay khc nghiệt, dù được hậu thuẫn hay bị chống đối, dù khi hy vọng tràn trề hay rơi vào thất vọng ê chề, dù giàu có hay nghèo khó, dù vinh hoa hay tủi nhục, dù được yêu thương hay bị ghét bỏ, dù được để ý hay chẳng được đoái hoài, v.v…Trong mọi lúc, Thiên Chúa muốn chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng bước theo đường lối Ngài, thực thi Lời Ngài, mặc lấy con người Chúa Giê-su Ki-tô, đón nhận tất cả với trọn tâm hồn tín thác.

 

Giờ đây, chúng ta cùng nhau dành ít giây phút ngắn ngủi đặt mình trước nhan Thánh Chúa để nhìn lại cách sống, thái độ, hành vi của mỗi chúng ta hầu ta được tỉnh thức sau cơn mê dài xa rời ơn Chúa, và sẵn sàng sống đạo đức trong ân sủng Chúa giữa bao thăng trầm, trào lưu, triết thuyết hưởng thụ, những thói đời, tiêu chuẩn chóng qua của xã hội ngày nay.

 

Giữa thế sự trôi nhanh vội vã

Dòng đời xô đẩy sa ngã Chúa ơi!

“Hãy tỉnh thức và giữ Lời”

Sẵn sàng nghênh đón gọi mời thiết tha.

Bao lâu nay vẫn mải mê

Thức mà không tỉnh, lê thê sầu buồn.

Tỉnh nhưng chẳng thức buồn hơn

Chạy theo phù phiếm, cô đơn một mình

Giờ đây tỉnh thức hy sinh

Kiên tâm tín thác, an bình yêu thương. Amen!

 

 

Lm. Xuân Hy Vọng

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài khác
Sách Cuộc Đời Thánh Giuse (01.mục Lục - 65.chương #62/62) --- Hết (1/30/2018)
151 Bài Giáo Lý Kinh Thánh (bài#1 - Bài#151) --- Hết --- (10/30/2017)
Mặc Khải Về Thánh Thể Trong Gioan 6 (cập Nhật Bài#1-101 (het)) (12/31/2016)
Sách Nhật Ký Lòng Thương Xót Nơi Linh Hồn Tôi Của Thánh Faustina (12/10/2016)
___cùng Các Linh Mục Con Cưng Của Mẹ, Tập 2 (5/6/2015)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768