MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Bốn Mươi Năm, Một Thoáng Hồi Tưởng
Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 6-2016

Bốn Mươi Năm, Một Thoáng Hồi Tưởng

Đó là những ngày của "Đại bác đêm đêm dội về thành phố" và cuối cùng thì bom đạn đã rơi vãi ngay trên thủ đô Saigon diễm lệ của tôi.   Vào những ngày cuối cùng mẹ sắm cho mấy chị em Hương Lan Mai mỗi đứa một túi du lịch "Pan Am" trong đó có khăn mặt, bàn chải đánh răng, một bộ đồ "vía".  Mẹ cũng cho nhiều tiền lắm!  Nhiều hơn tổng số tiền lì xì của mấy năm trước cộng lại!   Những tờ năm trăm, một ngàn đồng VNCH ... được cuộn tròn, cột lại bằng dây thung.   Tôi nhớ tôi cầm trong tay không dưới hai mươi ngàn đồng, một số tiền quả là rất lớn đối với một đứa bé tuổi đếm chưa đầy mười ngón! 

Những ngày ấy, gia đình bác tôi ở Hố Nai, Biên Hoà, và gia đình bà chị họ ở Long Khánh lên nhà tôi lánh nạn.  Bác Thế gái, chị ruột mẹ tôi cứ xoa đầu, xoa lưng thương đứa cháu bé bỏng gầy guộc của bác,  đoạn bác lần ruột tượng cho tôi 500 đồng màu cam có in hình con cọp!  

Những ngày 25, 26, 27 bố tôi lái xe nhà chở bốn chị em chúng tôi ra cơ quan USAID ở đường Sương Nguyệt Ánh để bạn của chị Tâm tôi, anh Lý Phước Thành, lúc bấy giờ đang làm thông dịch viên cho cơ quan thiện nguyện này giúp đưa lên máy bay rời VN. 

Trên đường đi bố có dặn dò chúng tôi khi qua đến Mỹ ráng chịu khó học hành, rồi bố mẹ sẽ sang thăm sau ... Tôi nhớ đến ngày thứ ba thì anh tôi không đi nữa, và chị Tâm tôi đã khóc khi chia tay bố và em.  Tôi thấy vậy cũng khóc theo ...

Sau này khi được biết bố có giấy tờ ra vô phi trường TSN từ ngày 23/04 nhưng đã giấu mẹ con chúng tôi, và bố đã dùng xe nhà để chở gia đình bạn bè của bố vào phi trường để đi tản, tôi đã buồn và giận bố lắm!  À, thì ra bố tiếc tài sản cơ ngơi bố đã dày công tạo dựng trong những năm trước.

Khoảng 4-5 năm trước ngày mất nước, kinh tế gia đình vững lắm.  Bố có đầu óc kinh doanh, lại nghĩ VN trung lập nên ông không muốn ra đi, trong lúc nhiều người dân VN đã không ngần ngại "bỏ của chạy lấy người"!

Những ngày trụ lại ở USAID sáng đi chiều về, tôi thấy có nhiều gia đình cũng như chị em chúng tôi với những túi hành lý lớn nhỏ ... Lúc ấy nhân viên Mỹ vẫn còn làm việc, tôi nhìn họ rót cà phê từ cái máy pha cà phê vừa ngạc nhiên vừa thích thú.

Thấy mình chăm chú nhìn họ, một ông Mỹ tóc vàng đã nheo mắt cười và vẫy tay với mình.  Sàn nhà bóng láng trơn tru không một hạt bụi đi vài bước mà mấy lần suýt té.  Buổi trưa anh Thành dẫn anh tôi đi ăn cơm sườn, anh có mua cơm, mua bánh mì gà cho chúng tôi ăn. 

Ban ngày chị em tôi tha thẩn bên khuôn viên trước trụ sở, ở đó có mấy cây Đa cổ thụ (còn gọi là cây chò), chúng tôi mải mê ngắm mấy cái hoa chò nâu hai cánh khô rớt từ trên cây xuống xoay vòng tròn như cánh quạt chong chóng.  Có một anh kia mời chúng tôi:

"Mấy em ăn bánh đoa không?" 

Anh này trông lớn tuổi, chắc cũng ngót ba mươi. Giọng người Quảng Nam-Đà Nẵng. Chúng tôi (ba chị em Hương Lan Mai) không màng đến bánh "đoa" của anh mà cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo mỗi lần nghe anh nói vì kiểu phát âm là lạ của anh!  

Cười mãi cười hoài cho đến khi bị chị Tâm chau mày ra dấu mới thôi.  Cũng may là anh không để ý, có lẽ vì anh đang mải ngắm bà chị xinh đẹp tuổi mới hăm ba của tôi lúc ấy.

Sau ba ngày liên tục chờ mãi không được máy bay đến bốc,  ngày 28 chúng tôi ở nhà.  Hình như có lúc bố chở cả nhà đi một vòng ra nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng.  Nơi đó, và bên trong trường Saint Thomas là chốn tạm dung của nhiều gia đình từ các vùng quê về Sài Gòn lánh nạn.

Hồi ấy mà bố chở gia đình ra bến Bạch Đằng, kho năm thì chắc mẹ con chúng tôi đã vượt thoát từ 75 chứ chẳng đợi đến mười ba năm sau đó khi cả gia đình ra đi theo diện đoàn tụ do bố bảo lãnh sau chuyến vượt biên thành công của ông vào tháng 3/1981.

Trở lại những ngày cuối cùng của tháng tư đen, lúc ấy nhà có tiệm tạp hoá.  Mẹ tôi đóng cửa tiệm vào những ngày cuối.   Họ hàng từ Long Khánh, Biên Hoà kéo tới nên nhà lúc nào cũng tấp nập, đông đúc. Bác rể tôi (tuổi bấy giờ đã ngấp nghé bẩy mươi) dậy sớm nấu hết nồi cơm này đến nồi cơm khác.  Bác dùng nồi số sáu để nấu được nhiều.

Tôi ngồi xổm xem bác vắt cơm nắm bằng miếng vải trắng thưa, thứ vải giống như khăn tang.  Bác bảo cơm nắm để được lâu hơn, khi nào ăn thì cắt từng miếng ăn với ruốc hay với muối mè phòng khi chạy loạn! 

Đến sáng ngày 29 tháng tư anh Thành gọi điện thoại đến nhà nhắn chị em tôi ra toà đại sứ Mỹ ở đường Hai Bà Trưng vì "tình hình cấp bách lắm rồi!"  Nhưng bố không cho đi nữa.  Ông cụ bảo :"Sống thì cùng sống, chết thì chết cả!" 

Mấy tuần sau đó, chị tôi nhận được điện tín của anh.  Mấy dòng chữ ngắn gọn không dấu mà tôi còn nhớ như in tới bây giờ:

"Tâm và gia đình có mạnh không? Anh đang ở Guam, mong tin em. Lý Phước Thành".

Cho đến suốt đời tôi không bao giờ quên được giọng nói miền nam Sài Gòn rất từ tốn, tướng đi vội vã hơi chao đảo vì thương tật của anh, lối ăn vận chỉnh tề trang trọng của một viên chức hành chánh dân sự (lúc nào cũng cravate, complet!), và không khí hoảng loạn bất an của Sài Gòn những ngày cuối tháng tư của bốn mươi năm về trước.

Ba giờ chiều 29 tháng tư Việt Cộng lại pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tiếng xe cảnh sát, xe camion nhà binh bít bùng chạy rần rần ngang nhà.  Tiếng đạn bay chíu chíu như xé bầu không khí, tiếng than khóc gọi nhau í ới ...

Gia đình chúng tôi già trẻ lớn bé đều run sợ mỗi khi nghe tiếng đạn pháo, lúc ấy chỉ còn biết đóng cửa chặt và tập trung ở nhà dưới, lần hạt đọc kinh xin Chúa, Mẹ gìn giữ che chở được tai qua nạn khỏi. 

Xế chiều hôm ấy, lối gần bốn giờ chiều, chị cả tôi leo lên mái tôn của nóc nhà hàng xóm, hướng về phía toà building mười tầng cách nhà tôi độ non một cây số, nơi cứ chốc chốc lại có máy bay trực thăng hạ cánh và cất cánh.  Ông Mỹ ngoắc tay ra hiệu cho chị ...

Thế rồi ngay buổi chiều hôm ấy khi trời đã nhá nhem tối, mẹ liều chết kéo chúng tôi ra khỏi nhà, chạy đến building dân sự mười tầng của Mỹ nằm trên đường Trương Quốc Dung. Đúng là:

"Thương con, mẹ đã liều thân sống,

Dắt díu con tìm đến tương lai.

Quá khứ ôi sao buồn muốn khóc,

Thương cuộc đời nặng trĩu đôi vai ..."!)

Chân mang đôi giày đế rất trơn của anh rể mua vào dịp anh đi tu nghiệp bên Mỹ về cuối năm 1972, tôi theo mẹ dắt tay vừa đi vừa chạy lên tầng thứ mười, nơi có sân thượng và cả trăm người lốn nhốn chờ máy bay trực thăng đến đón.

Trên đường lên tới sân thượng tôi đã gặp phải nhiều chướng ngại vật: những mảnh thủy tinh vỡ rơi vãi trên lối đi, những miểng chai bia, những giọt máu người đỏ thắm trên nền gạch (có lẽ là do xô xát nhau vì hôi của hay sao ấy!), tivi, tủ lạnh, bàn ghế, giường tủ nằm la liệt chờ người đến vác đi ...

Có cả một tấm nệm lớn nằm chắn ngay giữa cầu thang thứ ba thứ tư gì đó, tôi phải đạp lên nó để còn lên tới bậc thang trên cùng nơi có máy bay trực thăng đáp xuống ...  Quang cảnh lúc bấy giờ thật náo loạn.  Tiếng súng nổ xen lẫn những tiếng la ó, chửi thề của những kẻ lợi dụng thời cơ để giành giật, hôi của trong những giờ phút hấp hối của Sài Gòn khiến tôi hoảng sợ, mặt cắt không còn hột máu.

Building ấy nằm ngay đầu hẻm của xóm lao động, trước đây mấy chị em chúng tôi vẫn đi bộ ngang qua trên đường đến trường Mạnh Mẫu để học thêm vào những buổi sáng mùa hè.  Những ngày ấy thật bình yên vì không có tiếng bom đạn, chửi rủa mà chỉ có ánh nắng chan hoà, tiếng chim hót líu lo ...

Khi chúng tôi lên được sân thượng thì trời cũng vừa sụp tối.   Mọi người reo hò khi nhìn thấy chiếc trực thăng đang quay vòng trên đầu mình để chờ đáp xuống.  Ai nấy đều đứng hết cả lên.  Các nhân viên trật tự ra hiệu cho mọi người ngồi xuống để máy bay có chỗ đáp. 

Nhưng vì đây là chuyến cuối cùng nên không một ai tuân lệnh bởi lẽ người nào cũng muốn ra đi, chẳng ai muốn mình bị bỏ lại trong những giờ phút quyết định này.  Tiếng súng chỉ thiên cũng không làm thiên hạ chùn bước.  Thế rồi việc phải đến đã đến.

Sau năm, bảy phút không ổn định được đám đông, chiếc trực thăng đã bay vòng trên chục lần mà không thể hạ cánh ấy cuối cùng đã bay thẳng ra biển nơi có đệ thất hạm đội ngoài khơi Thái Bình Dương. 

Cả gia đình tiu nghỉu ra về trong lặng lẽ.  Giấc mơ di tản sang Mỹ của tôi đã không thành. Tôi lau nước mắt khi nhớ đến một bài hát của Trịnh Công Sơn:

"Đêm bây giờ, đêm quá hư vô.

Ôi con người mang trái tim khô.

Đêm bây giờ thắp sáng âu lo. 

Hai mươi năm buồn vui hững hờ!"

Bài hát thật buồn, thật thấm thía cho hoàn cảnh quê hương tôi lúc ấy! 

Mười giờ ba mươi phút sáng ngày ba mươi tháng tư, radio phát thanh lệnh đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, chấm dứt nền đệ nhị cộng hoà của miền Nam Việt Nam để từ nay lịch sử nước nhà có thêm nhiều chương được viết bằng máu và nước mắt. 

Chiều qua trên đường đi làm về, giữa cái nắng gay gắt của một ngày tháng tư, nghe chị Khánh Ly hát Đêm Nhớ Về Sài Gòn của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi xúc động đến bật khóc, khóc vật vã đau đớn như thể mình vừa mất đi một người thân, một khúc ruột ...

"Đêm nhớ về Sài-gòn, tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa, ánh đèn vàng nhạt nhoà đêm mưa, ai sầu trong quán úa, bóng mẹ hiền mờ mờ bên song, mắt người tình một trời mênh mông, gợi bao nhiêu cho cùng..." 

Bốn mươi năm trôi qua, một quãng thời gian khá dài cho một đời người.   Không biết rồi đây tôi có còn sống thêm được bốn mươi năm nữa để mơ tưởng một tương lai hoà bình cho đất nước Việt Nam thân yêu của tôi không.

Có một điều gì đó rất thiêng liêng dấy lên từ tâm thức.  Và tôi có một mơ ước thật giống như mơ ước mà nhạc sĩ Phạm Duy đã từng gói ghém trong một bài Bình Ca của ông: Dường Như Là Hoà Bình. 

"Dường như nay quê hương có một.  Từ bao lâu sống chết chia đôi.  Dù con tim này rộng phơi phới. Cũng xin mang một nước non thôi ..."  

Đúng vậy, sinh ra là một người Việt Nam, ai lại không muốn được sống trên quê hương của mình, chứng kiến cảnh ngày mai non nước thanh bình.  Thế nhưng hoà bình đích thực chỉ có thể xảy đến khi quê hương Việt Nam của tôi không còn bóng dáng của bọn Cộng Sản tham tàn khát máu!

Garden Grove, 29 tháng tư 2015
Theresa Nguyễn

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3615: Làm Tuần Cửu Nhật Cầu Cho Hoa Kỳ (4/7-12/7/2016) (7/4/2016)
Cn 3614: Ơn Lành Đức Mẹ Fatima (7/4/2016)
Hiền Mẫu La Vang (7/3/2016)
Cn 3611: Lý Do Con Sống Là Để Thờ Lạy Chúa (7/2/2016)
Cn 3609: Cầu Nguyện Cho Tổ Quốc (7/1/2016)
Tin/Bài khác
Cn 3593: Đức Mẹ Nói: Hai Phần Ba Nhân Loại Sẽ Mất (11) (6/20/2016)
Cn 3592: Mẹ Maria Nhắn Nhủ Từ Argentina (10) (6/20/2016)
Đức Mẹ Maria Hiện Ra Tại Trà Kiệu (6/20/2016)
Cn 3591: Quyền Phép Mạnh Thế Của Mẹ Hằng Cứu Giúp (6/20/2016)
Cn 3584: Bức Tranh Đặc Biệt Vẽ Trong Nhà Tù (6/17/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768