MeMaria.org
Radio Giờ Của Mẹ - Giờ Bình An - Giờ Tin Yêu - Giờ Hy Vọng
(714) 265-1512. Email: Kim Hà
banner
Google Search
memaria www  

Local Search
PayPal - The safer, easier way to pay online!
top menu :: mẹ maria
Thay đổi kích cỡ chữ đọc:
  
Suy Niệm Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C, Lm Anthony Trung Thành
Thứ Năm, Ngày 11 tháng 2-2016

Suy Niệm CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C

Vào Chúa Nhật I Mùa Chay hằng năm, Giáo hội cho chúng ta đọc bài Tin mừng tường thuật về việc Chúa Giêsu chịu Ma quỷ cám dỗ. Chịu Ma quỷ cám dỗ cũng là vấn đề liên quan đến mỗi người chúng ta trong hành trình tiến về quê trời. Để thắng được chúng, xin được gợi ý suy niệm mấy điểm sau đây: Sự hiện diện của Ma quỷ; Ma quỷ là ai; Khi bị Ma quỷ cám dỗ ta phải làm gì?

1. Sự hiện diện của ma quỷ

Cựu ước cách này cách khác đã cho chúng ta thấy có sự hiện diện của Ma quỷ. Con Rắn là hiện thân của Ma quỷ cám dỗ ông Adong bà Evà trong vườn địa đàng (x. St 3,1-7). Isaia có nhắc đến một thứ quỷ tên là Lilit(x. Is 24,14). Sách Tôbia nói đến một thứ quỷ luôn quấy phá con người (x. Tb 6,8)...

Sang Tân Ước, Tin Mừng thuật lại nhiều phép lạ Chúa Giêsu chiến đấu với Ma quỷ và Ngài luôn chiến thắng: Kẻ bị quỷ ám ở hội đường Caphanaum(x. Mc 1,23-27; Lc 4,31-37); kẻ bị quỷ ám ở xứ Ghêrasa (x. Mt 8,28 -34; Lc 8,26-39); người câm bị quỷ ám(x. Mc 3,20-30; Lc 11, 14-23). Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu bị Ma quỷ cám dỗ trong hoang địa(x. Lc 4, 1-13; Mt 4,1-11; Mc 1,12 -13). Không những thế, Chúa Giêsu đã từng làm phép lạ khử trừ chúng nhiều lần(Lc 6,18;7,21). Chúa nhắc đến Ma quỷ trong dụ ngôn Người Gieo Giống: “Những hạt gieo trên vệ đường tức là những ai nghe qua đoạn ma quỷ đến mà cướp lấy Lời Chúa ra khỏi lòng họ để họ hết tin mà không được cứu rỗi”(Lc 8,12). Chúa cũng ban quyền trừ quỷ cho các Tông đồ (x. Mt 10,1). Chúa chỉ cho các Tông đồ cách trừ quỷ: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi" (Mc 9,29).

2. Ma quỷ là ai và chúng làm gì?
Ma quỷ là Thiên Thần sa ngã phạm tội. Chúng tìm cách để cám dỗ con người phạm tội. Chúng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu nhưng Ngài đã thắng (x. Lc 4,1-13). Chúng cám dỗ Chúa Giêsu về ba lãnh vực: Danh, lợi, thú. Đó cũng là ba lãnh vực chúng luôn dùng để cám dỗ con người.

Về Danh: Con người luôn có khuynh hướng muốn lãnh đạo người khác, thích có một chỗ đứng trong xã hội, thậm chí cả trong Giáo hội. Vì vậy, có những người tìm mọi cách để vươn lên, không loại trừ các thủ đoạn như mua quan bán chức. Cho nên, rất nhiều người đang có chức quyền danh vọng là do tiền bạc, do thủ đoạn. Phải chăng chúng ta cũng là những người ham danh tranh lợi, đã sa vào chước cám dỗ của Ma quỷ và đã đánh mất căn tính của người con Chúa. Các Tông đồ cũng đã từng tranh luận xem ai lớn ai bé(x. Mc 9,34). Chúa Giêsu đã dạy cho họ bài học: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35). Đó cũng là bài học Chúa muốn dạy cho mỗi người chúng ta hôm nay.

Về Lợi: Ngày xưa, các vua chúa thường đưa tiền bạc của cải kể cả sắc đẹp để dụ dỗ các tín hữu bỏ đạo. Nhưng các Ngài thà chết chứ không chấp nhận đánh đổi bất cứ một thứ gì. Câu chuyện sau đây là một trong số các bằng chứng: Vào thế kỷ 19, khi cơn cấm đạo nổi mạnh trên tỉnh Thanh hoá, một hôm, người ta dẫn đến trước mặt quan án một thiếu niên 17 tuổi – tên là MỚI – Thấy mặt mũi khôi ngô tuấn tú, quan động lòng thương.

- MỚI - quan nói – con cứ đạp thánh giá đi, rồi ta sẽ ban thưởng một nén bạc.

- Bẩm quan lớn, một nén bạc chưa là gì.

- Được, ta sẽ ban một nén vàng. Con hãy đạp Thánh giá đi.
- Ồ, bẩm quan lớn, một nén vàng cũng vẫn còn ít quá.
- Sao ? quan sửng sốt, quát : Thế còn chưa đủ ư ? Vậy mày muốn bao nhiêu ?
- Bẩm, nếu quan lớn muốn tôi đạp Thánh giá, thì xin quan lớn hãy cho tôi cái gì có thể mua được một linh hồn khác đã...

Và người thiếu niên bình tĩnh bước vào pháp trường, vẻ anh dũng tươi cười.
Ngày hôm nay, cám dỗ về lợi lộc vẫn còn rất nhiều và hết sức tinh vi. Nhờ ơn Chúa, nhiều người kitô hữu đã thoát khỏi cơn cám dỗ này. Nhưng cũng không thiếu những người kitô hữu đã rơi vào cảm bẩy của Ma quỷ. Vì một chút lợi lộc thế gian, họ đã bỏ cha mẹ, bỏ anh em làng xóm và không ngần ngại bỏ Chúa, bỏ Giáo hội. Phải chăng có những lúc chúng ta cũng rơi vào tình trạng ham thích lợi lộc trần thế mà quên mất tình nghĩa gia đình, quên Chúa, quên Giáo hội?

Về Thú: Việc ăn uống là cần thiết để tồn tại. Nhưng “ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Trong bảy mối tội đầu có tội “mê ăn uống”. Mê ăn có ngày sẽ chết vì bội thực. Mê uống có ngày sẽ chết vì say sưa. Tổ tông chúng ta đã sa ngã phạm tội vì cố tình “hái trái cấm mà ăn”. Ngày hôm nay, rất nhiều người cũng mắc phải thứ tội mê ăn uống. Thánh Phêrô khuyên rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”(1Pr 5,6). Giáo hội cũng buộc chúng ta ăn chay kiêng thịt trong hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngoài ra, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta ăn uống tiết độ, nhất là trong Mùa chay thánh này. Xét mình lại, phải chăng chúng ta cũng đã từng bận tâm quá đáng  đến chuyện ăn uống?
 
Tóm lại, danh, lợi, thú là ba lãnh vực Ma quỷ thường dùng để cám dỗ con người. Chúng ta phải nhớ rằng, Ma quỷ là Thiên thần sa ngã phạm tội nên quyền lực của chúng rất lớn lao và hùng mạnh, nhưng chúng cũng chẳng làm được gì nếu Chúa không cho phép. Bằng chứng, Tin mừng kể lại, Chúa trừ nhiều quỷ nhưng không cho chúng nói(x.Lc 4,41;Mc 1,34; 3,12). Có những lúc Chúa để cho ma quỷ cám dỗ để thử thách chúng ta, giống như “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Nên chúng ta cần lưu ý về ba điểm sau đây:

Thứ nhất, khi bị ma quỷ cám dỗ đừng tưởng rằng Chúa bỏ rơi chúng ta. Trái lại, có thể đó là dấu Chúa yêu thương chúng ta đặc biệt, vì nhờ đó chúng ta có thể thêm công trạng. Thiên Thần Raphael nói với Tôbia rằng: “Bởi vì ngươi đẹp lòng Chúa, ngươi cần được thử thách”(Tb 12,13).

Thứ hai, bị cám dỗ chưa phải là tội, chỉ thành tội khi chúng ta ưng thuận. Trái lại, nếu chúng ta chống trả mạnh mẽ và thắng cơn cám dỗ thì lại có phúc.

Thứ ba, không bao giờ Thiên Chúa để ta bị cám dỗ quá sức, nhưng ban thêm ơn để chúng ta chịu đựng và thoát khỏi cơn cám dỗ. Thánh Phaolô cho biết: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng”(1Cr 10,13).

3. Bị Ma quỷ cám dỗ, ta phải làm gì?

Trước hết, ta không sợ Ma quỷ, vì nó giống như con chó dữ bị nhốt trong cũi sắt, chỉ sủa được chứ không cắn được, trừ kẻ đưa tay chân cho nó. Vì vậy, đừng bao giờ tới gần nó, đừng bao giờ phó mình cho nó, đừng bao giờ gây nên dịp tội cho mình và cho kẻ khác.

Thứ hai, ta phải cầu nguyện luôn luôn và cầu nguyện cách khiêm tốn, nhất là luôn biết trông cậy vào Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các thánh, đặc biệt là thánh Micae, Đức Mẹ và thánh Giuse...Chúa Giêsu đã từng dạy: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Lc 22,40). Lần kia, Thánh Antôn đang cầu nguyện thì bị cám dỗ về đàng trái. Thánh nhân lấy lòng sốt sắng và cung kính ghi hình thánh giá lên nền nhà thờ, lập tức hình thánh giá in đậm lên nền nhà thờ và lũ quỹ biến đi. Thánh Gioan Vianney, cha xứ Ars, suốt 35 năm, từ 1824-1858 bị ma quỷ quấy phá. Nó làm Người mất ngủ, không cho nghỉ ngơi, quấy rối khi đọc kinh, khi hãm mình, khi làm việc tông đồ... Ý đồ của nó là muốn Người bỏ việc phục vụ các linh hồn. Được cha linh hồn hỏi : “Làm thế nào để đẩy được những tấn công của nó?” Người trả lời: “Con hướng lên Chúa, con làm dấu Thánh giá, con ném cho thằng quỷ một lời khinh bỉ…”

Thứ ba, ta hãy năng lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí Tích Hoà Giải và Bí tích Thánh Thể. Vì Bí Tích Hoà Giải “giúp ta lấy lại ân sủng của Thiên Chúa và nối lại tình thân thắm thiết với Người. Hiệu quả và mục đích của Bí tích là hoà giải ta với Thiên Chúa. Ai lãnh Bí tích này với lòng thống hối ăn năn và chuẩn bị xứng hợp thì được bình an và thanh thản tâm hồn cùng với sự an ủi lớn lao về mặt thiêng liêng. Quả thực, được hoà giải với Chúa qua Bí tích này mang lại một sự phục sinh thực sự về tinh thần, lấy lại phẩm giá và phúc lành dành cho con cái Thiên Chúa, mà điều quý giá nhất là được sống thân tình với Chúa”(x. GLCG, số 1468). Còn việc rước lễ, Thánh Công đồng Tridentinô gọi rước lễ là “Một liều thuốc giữ gìn chúng ta khỏi sa ngã phạm tội trọng”.

Chúa Giêsu đã từng nhắc nhở Thánh Phêrô: “Phêrô ơi, Ma quỷ nó sàng các con như sàng gạo”(Lc 22,31). Thấm nhuần lời nhắc nhở đó và qua kinh nghiệm của đời sống thiêng liêng, Thánh Phêrô cho chúng ta biết: “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Thật vậy, cuộc sống siêu nhiên là một cuộc trường kỳ kháng chiến, kháng chiến với xác thịt, thế gian, ma quỷ. Cuộc chiến ấy chỉ chấm dứt khi ta tắt thở. Chiến tranh lúc ban đầu thường gay gắt, nhưng nhờ những chiến thắng liên tiếp sẽ dịu bớt dần dần, trừ khi Chúa muốn thử thách ta cách đặc biệt một thời gian như trường hợp của Thánh Gioan Viannney.

Xin Chúa cho chúng ta luôn can đảm chiến đấu như những chiến sỹ can trường của Chúa Kitô, mới hy vọng lãnh được phần thưởng vinh quang trên trời. Lạy Chúa, “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Amen

Lm. Anthony Trung Thành

Print In trang | sendtofriend Email | back Trở về
  
Tin/Bài mới
Cn 3384: Xin Mẹ La Vang Cứu Giúp Chúng Con (2/18/2016)
Chuỗi Mân Côi Cứu Gia Đình Tôi (2/17/2016)
Đtc Giảng Trong Thánh Lễ Tại Đền Thánh Đức Bà Guadalupe Chiều 13-2-2016 (2/14/2016)
Cn 3380: Đức Mẹ Ocotlan, Mexico (5) (2/14/2016)
Cn 3379: Đền Thánh Đức Mẹ Ocotlan, Mexico (4) (2/14/2016)
Tin/Bài cùng ngày
Ðức Mẹ Lộ Ðức 11/2 (2/11/2016)
Tin/Bài khác
2/2 – Đức Mẹ Dâng Con (lễ Nến) (2/2/2023)
Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh (2/2/2023)
Ánh Sáng Muôn Dân (2/1/2018)
Thơ Kinh Mân Côi: Bậc Thang Dẫn Về Thiên Đàng (2/5/2016)
Cn 3365: Cảm Tạ Mẹ Guadalupe (3) (2/4/2016)
MeMaria.org -- Từ 15/4/1999 lần truy cập -- Kim Hà [Valid RSS]
Copyright © 2011 www.memaria.org. All Rights Reserved. Powered by VNVN System Inc.
Best view with IE 7.0, Fire Fox, resolution 1024x768